Ngư dân Alaska chật vật khi hàng tỷ con cua tuyết biến mất, mùa thu hoạch bị hủy bỏ
Mùa thu hoạch cua tuyết đã bị hủy bỏ hôm 17/10 sau khi các cuộc khảo sát cho thấy số cá thể giảm từ 8 tỷ con trong năm 2018 xuống còn 1 tỷ con
HOMER, Alaska — Bầu trời bình minh với những vệt xám phủ trên thành phố cảng Homer ở Bán đảo Kenai của tiểu bang Alaska khi một cơn gió lạnh thổi qua Vịnh Kachemak.
Những ngọn núi cao hùng vĩ phủ đầy tuyết trải dài qua cây cầu địa lý bằng dải đất hẹp có tên là Homer Spit — qua các dãy nhà nhuốm màu thời gian gồm các cửa hàng du lịch theo mùa, các nhà hàng, xưởng đóng thuyền, và tàu đánh cá neo đậu ở bến cảng gần cuối dải đất đó.
Mọi cảnh vật đều tĩnh lặng nơi bến cảng mùa đông lúc 9 giờ 30 phút sáng, trừ một số người đàn ông đang sửa chữa cho Tempest, một con tàu đánh bắt cá tuyết già cỗi đến từ Seattle đang neo đậu tại bến Ramp 8.
Tia lửa bắn ra từ ngọn đuốc của một thợ hàn hồ quang khi thép bị nung đỏ trắng tại một tấm thép hình vòng cung trên thân tàu Tempest, tạo nên tiếng kêu xèo xèo và tia lửa bắn tung tóe.
“Chúng tôi ở đây chỉ để làm công việc của mình,” một trong những người đàn ông vận trang phục bảo hộ màu xanh dương nói. “Có một lỗ thủng trên con tàu này. Tôi đã cắm con dao bỏ túi của mình qua lỗ thủng đó.”
Anh mỉm cười và nói chiếc tàu này “cần sự trợ giúp.”
Những người đàn ông này đều làm việc tại một công ty địa phương chuyên cung cấp dịch vụ cho các tàu đánh cá với nhiều loại và kích cỡ. Chỉ một số tàu đánh bắt cua sẽ cần phải sửa chữa trong năm nay, vì mùa đánh bắt cua tuyết và cua hoàng đế năm 2022-2023 đã bị hủy bỏ.
Năm 2020, tổng giá trị cập bến thương mại của cua tuyết Alaska đạt hơn 36.6 triệu pound và trị giá hơn 101.7 triệu USD, theo số liệu của Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA).
“Nếu ngư dân không đi đánh bắt, thì họ sẽ không tiến hành sửa chữa [tàu của mình],” một nhân viên nói với The Epoch Times.
“Đó là một tác động lớn đối với mọi người. Vâng, chúng tôi sẽ cảm thấy một số tác động từ việc này. Các con tàu này đều đã hủy việc sửa chữa vì mọi người biết rằng chúng sẽ không ra khơi.”
Tình huống cũng tương tự tại cửa hàng Kachemak Gear Shed ở Homer, nơi mà đại diện bán hàng Travis Kuhn cho biết có ít tàu đánh bắt cua trên biển hơn có nghĩa là có ít khách mua hàng hơn.
Anh Kuhn còn cho biết rằng, “Ảnh hưởng của việc này đối với chúng tôi là doanh số của chúng tôi sụt giảm. Không có nhiều người đánh bắt cua mua sắm các loại chậu và dây nhợ như trước đây.”
“Là một doanh nghiệp tại Homer này, chắc chắn chúng tôi đang cảm nhận được những tác động của việc loài cua tuyết đang biến mất.”
Anh Kuhn cho biết công ty mẹ phục vụ khoảng 85% đội tàu đánh bắt cua của Alaska. Nhưng năm nay, sản lượng tiêu thụ giảm dần do sản lượng đánh bắt cua hoàng đế và cua tuyết cạn kiệt.
Anh Kuhn nói với The Epoch Times: “Chúng tôi đã mất rất nhiều cua trong những năm qua do những lý do mà chính phủ đang nói là vì sự nóng lên toàn cầu. Thật sự là chúng tôi đang mất đi loài cua này.”
“Năm ngoái (2021), tình hình trở nên hỗn loạn, đặc biệt là vào đầu tháng Mười. Giờ đây, chúng tôi không còn thấy những ngư dân đánh bắt cua ở quanh đây nữa. Có lẽ, chúng tôi chỉ giúp được hai tàu đánh bắt cua thôi, nhưng đó cũng chỉ là số lượng tàu trước khi có lệnh hủy bỏ đánh bắt.”
Hôm 17/10, Ủy viên Sở Đánh bắt cá và Câu cá thể thao Alaska (ADF&G), ông Doug Vincent-Lang, lần đầu tiên thông báo việc hủy bỏ mùa thu hoạch cua tuyết Biển Bering hàng năm sau khi các cuộc khảo sát đánh bắt dưới đáy biển cho thấy số lượng cua tuyết sụt giảm đột ngột khoảng 90%, giảm từ 8 tỷ con trong năm 2018 xuống còn 1 tỷ con trong năm nay.
Lần đầu tiên trong 25 năm, Sở Đánh bắt cá và Câu cá thể thao Alaska đã kêu gọi kết thúc mùa khai thác thủy sản đối với cua hoàng đế đỏ Biển Bering vào năm 2021, và một lần nữa vào năm 2022, do số lượng thấp liên tục.
“Đó là một quyết định khó khăn — một trong những quyết định khó khăn nhất mà một ủy viên có thể thực hiện. Với việc không có bất kỳ con cua nào xuất hiện, đó là phương án duy nhất mà chúng tôi có thể thực hiện nhằm cố gắng và giúp bảo tồn loài cua này và nghề đánh bắt cua,” ông Rick Green, phụ tá đặc biệt của ủy viên Sở Đánh bắt cá và Câu cá thể thao Alaska, cho biết.
“Quyết định này sẽ là một cú hích quan trọng trên toàn tiểu bang. Phía đông nam sẽ bị ảnh hưởng — bất cứ nơi nào việc đánh bắt cua tuyết bị hủy bỏ. Một phần doanh thu hoạt động của hòn đảo phụ thuộc vào doanh thu từ việc buôn bán cua.”
“Theo tất cả những gì tôi nghe được, quyết định trên có thể là một [sự kiện diễn ra] một lần liên quan đến một loạt các yếu tố khác nhau.”
Lý thuyết bể lạnh (cool pool theory) tìm cách giải thích sự tử vong hàng loạt [của quần thể cua tuyết]. Lý thuyết này cho rằng những con cua tuyết nhỏ sẽ tụ tập trong các bể băng biển đang tan chảy dưới đáy biển. Kích thước nhỏ của chúng khiến chúng đặc biệt dễ bị những loài săn mồi tấn công.
Ông Green cho biết việc hàng tỷ con cua tuyết nhanh chóng biến mất không phải là một sự kiện được xác định rõ ràng và khoa học còn cách rất xa câu trả lời. Đại dương giống như “một chiếc hộp đen trống rỗng lớn,” ông nói với The Epoch Times.
Thống đốc tiểu bang Alaska, ông Mike Dunleavy, đã kêu gọi sự trợ giúp từ liên bang sau thông báo đóng cửa mang tính lịch sử này.
Trong một bức thư hôm 21/10 gửi đến Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo, ông Dunleavy, một thành viên Đảng Cộng Hòa, đã yêu cầu liên bang cứu trợ thảm họa đánh bắt này cho các ngư dân đánh bắt cua ở Alaska nhằm bù đắp cho một khoản thất thu ước tính 288 triệu USD của ngành này.
Ông Dunleavy cho hay, “Thông tin hiện có cho thấy sự sụt giảm đối với trữ lượng của hai loại cua xuất phát từ các nguyên nhân tự nhiên có liên quan đến nhiệt độ đại dương ấm dần lên.”
Bà Jamie Goen, giám đốc điều hành hiệp hội thương mại Alaska Bearing Sea Crabbers ở Seattle, cho biết loài cua hoàng đế đỏ Alaska đã giảm dần trong nhiều năm.
Bà cho biết nhiều cua hoàng đế hiện không đạt kích cỡ phù hợp để thu hoạch.
Bà Goen lưu ý rằng số lượng cua tuyết giảm mạnh đến bất ngờ, và có thể do “nhiều nguyên nhân.”
Mặc dù biến đổi khí hậu có thể là một nguyên nhân, nhưng bà Goen cho biết số lượng cua tuyết của Canada đang bùng nổ.
“Sản lượng thu hoạch của Canada đang tăng lên. Chúng tôi đã trò chuyện với họ. Điều thú vị là — tại sao Alaska đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhưng sản lượng thu hoạch cua lại tăng ở những khu vực khác?”
Một nguyên nhân khác có thể là do nhiệt độ đại dương ấm hơn thu hút các loài ăn cua tuyết chẳng hạn như cá tuyết.
Bà Goen cho biết việc đánh bắt cua bằng tàu giã cào (trawler) cũng có thể là nguyên nhân làm gián đoạn các khu vực sinh sản của cua tuyết.
Bà nói với The Epoch Times, “Có rất nhiều điều cần phải tìm hiểu về những gì đang diễn ra ở các khu vực khác nhau trên thế giới — tại sao các quần thể lại có tình trạng khác nhau.”
Có một điều chắc chắn, bà Goen nói rằng, “sẽ không có nhiều [cua tuyết] đến từ Alaska” trong năm 2022.
“Có một mùa thu hoạch hạn chế ở các vùng khác nhau của Alaska, nhưng lượng thủy sản lớn nhất là cua hoàng đế đỏ và cua tuyết đến từ Vịnh Bristol (của Alaska). Sẽ không có cua tuyết nào đến từ thị trường Hoa Kỳ.”
Khoảng 10% thị trường cua toàn cầu đến từ Hoa Kỳ, trong khi Nga, Canada, và Na Uy là những thị trường lớn khác. Tuy nhiên, chính phủ Tổng thống Biden đã cấm tất cả các hoạt động nhập cảng thủy sản Nga do cuộc chiến ở Ukraine.
Bà Goen còn nói rằng có thể mất từ 3 đến 5 năm để số lượng cua tuyết phục hồi. Trong khi đó, những người kiếm sống bằng nghề thu hoạch cua sẽ chịu thiệt hại.
Bà nói: “Những người mưu sinh bằng nghề thu hoạch cua không thể chịu được điều này. Chúng tôi đang cố gắng duy trì nghề đánh bắt cua của mình.”
Giám đốc cảng Homer đồng thời là người điều hành bến cảng, ông Bryan Hawkins, cho biết có khoảng tám chiếc tàu lớn đánh bắt cua Biển Bering vẫn cảm nhận được tác động của việc đóng cửa nghề đánh bắt cua tuyết này.
Ông Hawkins nói với The Epoch Times, “Việc đánh bắt mỗi loại thủy sản đều có một sự tác động. Trong nghề kéo lưới bằng tàu giã cào, việc đánh bắt ngoài mục tiêu là một vấn đề trong nhiều thập niên. Việc đánh bắt như thế đã được kiểm soát.”
“Đã có một tác động từ hoạt động đánh bắt bằng tàu giã cào trong những năm qua, nhưng tôi tin rằng bước ngoặt khó khăn này — sự thay đổi mạnh mẽ mà chúng ta đã chứng kiến — [có liên quan] nhiều hơn đến khí hậu.”
“Không bình thường — chưa từng có. Chưa từng thấy.”
Vì đội tàu đánh bắt ở Homer rất đa dạng, nên nhiều người đánh bắt cua đã chuyển sang đánh bắt các loại thủy sản khác để bù lỗ.
Giống như bất kỳ ngành kinh doanh nào, quý vị càng có nhiều sự đa dạng, thì quý vị càng có thể tồn tại tốt hơn trước những biến động của ngành. Nhiều tàu đánh bắt có công việc khác mà họ có thể làm, và họ sẽ làm như vậy,” ông Hawkins cho biết.
Dù có nhiều đồn đoán nhưng không ai có thể xác định được nguyên nhân chính xác của việc cua tuyết sụt giảm. Ông Hawkins cảnh báo mọi người nên cẩn thận với việc đổ lỗi.
“Đó là lý do tại sao khoa học cần phải theo kịp. Sẽ thật tuyệt nếu chúng ta có thể tìm hiểu thêm về những gì đang diễn ra,” ông Hawkins cho biết. “Bắc Cực đang thay đổi. Nó là hồi chuông cảnh báo cho thế giới. Chúng ta nên chú ý.”
Thị trưởng thành phố Homer, ông Ken Castner, cho biết các dấu hiệu trước đây đã cho thấy một mùa thu hoạch cua tuyết kỷ lục cho năm 2022.
“Ngư dân đã mong đợi một năm bội thu [cua tuyết] cho năm nay. Họ đã dự đoán một khối lượng không thể nghĩ bàn. Họ đã bắt đầu tìm kiếm và không thể tìm được cá thể nào. Đây là một bí ẩn lớn.”
Năm 2005, chính phủ Hoa Kỳ bắt đầu quy định việc đánh bắt chọn lọc cua hoàng đế và cua tuyết ở Alaska theo một hệ thống hạn ngạch dựa trên quyền. Hệ thống mới này đã thúc đẩy việc hợp nhất 180 đội tàu đánh bắt cua thành 80 tàu, ông Castner cho biết.
Ông cho hay có điều gì đó “lạ lùng” đang diễn ra.
Cách đây một năm, có rất nhiều cua tuyết. Và mọi người rất phấn khích cho mùa vụ sắp tới.
“Người ta đã chạy theo hạn ngạch trong năm nay như điên,” ông nói. “Nhưng bây giờ chỉ là một con số không.”
Ông Castner tin rằng hệ thống hạn ngạch đã “thất bại,” và việc tiếp tục tổn thất do đánh bắt theo định hướng dẫn đến việc các tàu giã cào đánh bắt bừa bãi theo kiểu công nghiệp.
“Thật khó để biện minh cho việc cấp hạn ngạch 5 triệu pound (khoảng 2,268 tấn) cho những người đánh bắt bằng tàu giã cào và đóng cửa đối với những người khác. Tôi không phải là một người ủng hộ việc đánh bắt cá theo định hướng để gánh vác trọng trách bảo tồn,” ông nói.
Trong những năm 1970, hoạt động đánh bắt cua tại Vịnh Kachemak rất phong phú, và sản phẩm từ hoạt động này cũng khá rẻ. Khi nghề này di chuyển xa hơn về phía tây, Vịnh Bristol trở thành địa điểm chính cho ngành này.
Homer không chỉ là nơi sinh sống của nhiều ngư dân đánh bắt cua, mà đây còn là một cơ sở hỗ trợ hàng hải thiết yếu cho các tàu đánh cá.
Cảng Hà Lan trong chuỗi quần đảo Aleut là một trung tâm đánh bắt cua quan trọng ngày nay, trong khi Homer có ít hơn một chục tàu đánh bắt cua và ít việc làm hơn từ việc hợp nhất các đội tàu.
“Một số người trong số những người này đã ngồi chờ trên bãi biển trong nhiều năm [cho đến khi] họ bắt đầu hợp nhất và đưa người vào ít thuyền hơn,” ông Castner nói.
Hầu hết các tàu lớn trong cảng Homer đều là các tàu ngắn ngày. Thuyền trưởng của một số tàu chỉ nhìn thấy rằng chi phí của họ tiếp tục tăng lên với việc hủy bỏ mùa thu hoạch cua.
“Chúng tôi đang hoạt động ở mức công suất tối đa. Chúng tôi đã quen với ý tưởng rằng một số tàu trong số này sẽ di chuyển, và rời khỏi ngành. Chúng tôi phải từ chối một số người làm vì các tàu không rời bến và không hoạt động,” ông Hawkins nói.
Ông Castner cho biết những người bắt cua “khá lo lắng.”
“Tình hình này giống như một vụ mất mùa. Có những chương trình dành cho điều này, nhưng chính phủ không có phương án nào dành cho ngư dân. Nhiều người nghi ngờ rằng đáng lẽ chúng tôi phải biết vụ mất mùa sẽ đến, hoặc có thể là chúng tôi đã có một hạn ngạch quá lớn.”
Tại nhà hàng Alice’s Champagne Palace ở Homer, cô Laura Duncan, một nhân viên lâu năm, nhớ lại rằng thời gian này là từng là “mùa mở cửa” cho toàn bộ đội tàu đánh bắt cua ở Alaska trước khi chính phủ đưa ra hạn ngạch.
Cô nói với The Epoch Times: “Quý vị có 4 triệu pound (khoảng 1,814 tấn) cua — hãy ra khơi đánh bắt đi nào,” nhưng việc áp dụng hạn ngạch lại là thời điểm mọi thứ trong nền kinh tế đã thay đổi. “Chính phủ đã mua lại những tàu đánh bắt cua lớn, và họ bắt đầu hợp nhất các tàu đánh bắt cua.”
“Điều này khá ngớ ngẩn. Việc áp dụng hạn ngạch đối với cua đã gây tổn hại đến nền kinh tế địa phương.”
Ông Jared Truman Porter, người đã sống tại Homer suốt cả cuộc đời nói rằng ông đã đánh bắt cua hoàng đế đỏ và cua tuyết trong 20 năm. Ông sở hữu một chiếc tàu đánh bắt cua mang tên Liberty, hoạt động với năm hoặc sáu thủy thủ.
Ông cũng làm việc cho tàu đánh bắt cua thương mại dài 113 feet mang tên Time Bandit, xuất hiện trong loạt phim “Chuyến Săn Bão Táp” (“Deadliest Catch”) trên kênh Discovery.
“Đó là một tình huống nghiêm trọng đối với chúng tôi,” ông Porter, 44 tuổi, nói về vụ hủy bỏ thu hoạch cua.
Ông có thể bù lỗ bằng cách thu hoạch cá hồi, cá tuyết, và cá bơn. Nhưng đánh bắt cua là một “ngành công nghiệp khá lớn đối với nhiều người. Giờ đây, rất nhiều người không có việc làm. Thật thất vọng khi nhìn thấy bất cứ nguồn tài nguyên nào chết dần chết mòn như vậy.”
Ông cho biết bí quyết để tồn tại trong ngành kinh doanh đánh bắt là thông qua việc làm đa dạng các loại thủy sản đánh bắt.
“Tất nhiên là chúng tôi yêu thích việc đánh bắt cua, nhưng chúng tôi cũng muốn thấy nguồn tài nguyên này quay trở lại,” ông Porter nói với The Epoch Times. “Việc đóng cửa cũng có thể là một khởi đầu cho việc phục hồi nguồn tài nguyên này. Nhưng tôi nghĩ trên thực tế, vấn đề chính nằm ở chỗ khác.”
Ông Porter cũng tin rằng các tàu đánh bắt cua lớn bằng lưới kéo đã có ảnh hưởng tiêu cực đến số lượng cua và môi trường sinh sản.
Ông giả thiết rằng sự ấm lên tại Vịnh Bristol và Biển Bering đã khiến cho hàng loạt cua tuyết di cư đến những vùng nước sâu hơn và lạnh hơn, và những khu vực này nằm ngoài những địa điểm kiểm tra thường xuyên cho các cuộc khảo sát khoa học hằng năm.
“Là một thợ đánh bắt cua, tôi nhận thấy rằng loài cua đã di cư xa hơn về phía bắc ngoài khơi. Quý vị đang thử đánh bắt cá ở cùng một vùng nước, nhưng cua đã di cư đến các khu vực có thức ăn để chu cấp cho số lượng lớn,” ông Porter nói.
“Tôi tin rằng quý vị phải thay đổi cách thử nghiệm và đi đến những vùng nước mới. Sự nóng lên toàn cầu có tác động đến một số loài và không ảnh hưởng đến những loài khác. Loài cua chịu ảnh hưởng ở mức thấp; loài cá hồi lại ở mức cao.”
Thật là tồi tệ cho những người dân địa phương sống dựa vào nghề đánh bắt cua và hiện phải xoay xở để hỗ trợ gia đình và công việc kinh doanh của họ.
“Vì vậy, bây giờ chúng ta phải tìm những cách thức mới để được hỗ trợ và có thu nhập,” ông Porter nói.
Nhưng một khi đã là người đánh bắt cua, thì sẽ mãi mãi là người đánh bắt cua.
Đối với ông Porter, những gì bắt đầu từ nhiều năm trước như là một thử thách về sức mạnh và sự ngoan cường, làm việc ở một trong những công tác nguy hiểm nhất trên trái đất đã trở thành một cuộc phiêu lưu cả đời.
“Một ngày bình thường ở Biển Bering là có một không hai, mọi người ạ,” ông nói. “Thời tiết thật khắc nghiệt. Những con sóng lớn — tàu thì đang chao đảo. Công việc căng thẳng; kéo dài nhiều giờ — một công việc muốn gãy cả lưng. Gần giống một môn thể thao.”
Để trở thành một thợ bắt cua, ông Porter nói, người đó phải cứng rắn, kiên cường, và sẵn sàng hy sinh mọi thứ.
Ông ấy từng muốn trở thành một người như thế.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times