Nghiên cứu: Trung Quốc chi 240 tỷ USD cứu trợ các nước tham gia ‘Vành đai và Con đường’
Một nghiên cứu mới cho thấy Trung Quốc đã chi 240 tỷ USD để cứu trợ 22 quốc gia tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) hồi cuối năm 2021.
Nghiên cứu này được AidData, một phòng thí nghiệm nghiên cứu tại William & Mary, một trường đại học công lập ở Virginia, công bố hôm thứ Ba (28/03), trong đó ghi nhận quy mô đáng kể của khoản cho vay cứu trợ xuyên biên giới của Trung Quốc: họ nói rằng khoản cứu trợ 240 tỷ USD của Trung Quốc chiếm hơn 20% tổng số tiền cho vay của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong thập niên qua, với một xu hướng tăng nhanh — 185 tỷ USD, tương đương gần 80%, trong tổng số 240 tỷ USD đã được gia hạn trong 5 năm gần đây từ 2016 đến 2021.
Tuy nhiên, các khoản cho vay của Trung Quốc không rõ ràng, đắt đỏ hơn với mức lãi suất trung bình là 5% so với mức 2% của IMF, và hầu như chỉ dành cho các quốc gia tham gia BRI.
BRI, chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu trị giá nhiều tỷ dollar của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), từ lâu đã bị chỉ trích vì gây gánh nặng nợ nần cho các quốc gia chủ nhà, bỏ qua tác động môi trường địa phương, và xuất cảng lao động Trung Quốc, do đó không tạo ra việc làm tại địa phương. Hơn nữa, khi các quốc gia chủ nhà không thể trả các khoản vay BRI, thì ĐCSTQ đã tịch thu các tài sản để mở rộng tầm với chiến lược và quân sự của mình.
Do đó, BRI còn được gọi là “chính sách ngoại giao bẫy nợ”. Một ví dụ là Sri Lanka, một quốc đảo ở Nam Á. Vào tháng 12/2017, chính phủ này đã cho ĐCSTQ thuê Cảng Hambantota trong 99 năm — nằm gần các tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp ở Ấn Độ Dương — và 15,000 mẫu đất xung quanh cảng sau khi vỡ nợ khoản vay BRI trị giá 1 tỷ USD.
Theo các tác giả của nghiên cứu này, ĐCSTQ không bảo lãnh cho tất cả những quốc gia vay theo BRI gặp khó khăn. Thay vào đó, họ có xu hướng đưa ra các kế hoạch tái cấu trúc nợ nhưng không cung cấp tiền mới cho những con nợ có thu nhập thấp. Trong khi đó, những con nợ có thu nhập trung bình, chẳng hạn như Argentina, Pakistan, Ai Cập, Ukraine, và Venezuela, thì đã nhận được tiền mới. Ví dụ, Argentina đã nhận được nhiều nhất với khoảng 112 tỷ USD.
Các tác giả của báo cáo cũng đưa ra một vấn đề liên quan đến việc ngân hàng trung ương Trung Quốc sử dụng các hạn mức hoán đổi toàn cầu để đưa ra mức chi trả nợ. Họ lưu ý rằng các hạn mức hoán đổi giải cứu các hoạt động cho vay của ĐCSTQ “đã làm phức tạp thêm thách thức giám sát các lỗ hổng nợ ở các nước đang phát triển.”
Khoảng 70% của gói cứu trợ trị giá 240 tỷ USD được thực hiện thông qua hạn mức hoán đổi toàn cầu của ngân hàng trung ương Trung Quốc, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC). Các hạn mức hoán đổi như vậy được thiết lập để cải thiện các điều kiện thanh khoản của các ngân hàng trung ương.
“Một câu hỏi quan trọng là liệu số tiền thu được từ hạn mức hoán đổi của PBOC có thể được sử dụng để trả lãi nợ vay hay không,” các tác giả đã viết, đồng thời cho biết thêm rằng PBOC thường xuyên gia hạn các khoản rút ra từ hạn mức hoán đổi ngắn hạn, khiến thời hạn nợ trên thực tế trở thành vài năm. Tuy nhiên, các khoản rút ra từ hạn mức hoán đổi ngắn hạn này lại không thuộc diện phải công bố [thông tin] về nợ quốc tế.
Ông Christoph Trebesch tại Viện Kinh tế Thế giới Kiel ở Đức, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Phát hiện của chúng tôi có ý nghĩa đối với hệ thống tài chính và tiền tệ toàn cầu, hệ thống mà chúng tôi thấy đang trở nên đa cực hơn, ít thể chế hóa hơn, và kém minh bạch hơn.”
Liên quan đến việc các quốc gia này dựa vào Bắc Kinh để có thêm các nguồn tài trợ khẩn cấp, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Vedant Patel cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Ba (28/03) rằng “thường thì các dự án cơ sở hạ tầng này chất gánh nặng nợ xấu lên các quốc gia mà lực lượng lao động địa phương cuối cùng không gặt hái được lợi ích kinh tế từ Sáng kiến Vành đai và Con đường” và “thường những dự án này được thực hiện mà không cân nhắc đến vấn đề môi trường hoặc nhân quyền.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times