Nghiên cứu: Người lớn thừa cân có nguy cơ bị ung thư đại trực tràng cao hơn
Một nghiên cứu mới cho thấy thừa cân hoặc béo phì có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Ung thư đại trực tràng là ung thư hình thành trong đại tràng hoặc trực tràng.
Nghiên cứu, được công bố trên JAMA Network vào ngày 10/05, đã phân tích 135,161 người ở độ tuổi 55–74 để đánh giá mối liên hệ giữa chỉ số khối cơ thể (BMI) và nguy cơ ung thư đường tiêu hóa (GI) như ung thư đại trực tràng.
Trong quá trình theo dõi, 34,946 người được chẩn đoán bị bệnh ung thư, chiếm 25.9% tổng số người tham gia. Trong số này, 5,088 ca ung thư đường tiêu hóa, với 2,803 ca ung thư đại trực tràng.
Nghiên cứu cho biết: “BMI thừa cân ở tuổi thanh thiếu niên và BMI thừa cân ở tuổi trung niên và tuổi cao niên, cũng như chỉ số BMI béo phì ở tuổi trung niên và tuổi cao niên đều có liên quan đến tăng nguy cơ bị ung thư đại trực tràng.”
“Việc duy trì chỉ số BMI thừa cân hoặc béo phì hoặc tăng chỉ số BMI đến mức thừa cân hay béo phì ở tuổi cao niên cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.”
Nghiên cứu cho biết Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới và Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế đã ước tính rằng khoảng 20% trường hợp ung thư có thể là do tăng cân quá mức.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra chính “viêm kinh niên” do béo phì gây ra là yếu tố nguy cơ ung thư đường tiêu hóa ở những người thừa cân.
“Viêm kinh niên đã được chứng minh là có liên quan đến việc tăng nguy cơ bị một số bệnh ung thư đường tiêu hóa, chẳng hạn như tuyến tụy (viêm tụy), thực quản (viêm thực quản và thực quản Barrett) và đại trực tràng (viêm loét đại tràng và bệnh Crohn).”
Chất béo dư thừa trong cơ thể có thể tạo ra môi trường thiếu oxy, làm tăng nguy cơ ung thư và có thể là ung thư đại trực tràng.
Insulin là một yếu tố tiềm tàng khác. Những người béo phì có nguy cơ phát triển tình trạng kháng insulin. Trong tình huống như vậy, cơ thể kháng cự lại việc chuyển hóa glucose, do vậy sẽ tạo ra nhiều insulin hơn. Nồng độ insulin cao có thể đẩy nhanh sự phát triển của ung thư đại tràng.
Một nghiên cứu vào tháng 6 năm 2022 do Thư viện Y khoa Quốc gia công bố ước tính rằng khoảng 11% ung thư đại trực tràng ở Âu Châu có thể là do thừa cân.
Ở nam giới, béo phì có thể liên quan đến nguy cơ ung thư đại tràng tăng từ 30 đến 70%.
Nghiên cứu cho biết: “Mỡ nội tạng hoặc béo bụng dường như là mối quan tâm lớn hơn so với béo phì mỡ dưới da, và bất kỳ mức tăng 1kg/m2 nào trong chỉ số khối cơ thể đều làm tăng nguy cơ.”
Nguy cơ và triệu chứng
Ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến thứ ba ở Hoa Kỳ. Viện Ung thư Quốc gia ước tính rằng những người béo phì có nguy cơ bị ung thư đại trực tràng cao gấp 1.3 lần.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ ước tính rằng 106,970 trường hợp ung thư ruột kết mới và 46,050 trường hợp ung thư trực tràng mới sẽ được báo cáo trong năm nay.
Mặc dù nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng giảm theo độ tuổi, nhưng các trường hợp ung thư đại trực tràng đang gia tăng ở những người trưởng thành dưới 50 tuổi ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác như Canada và Úc.
Vào năm 2021, Lực lượng Đặc nhiệm Cục Dự phòng Hoa Kỳ đã ban hành các hướng dẫn cập nhật khuyến nghị rằng những người có nguy cơ bị ung thư đại trực tràng trung bình bắt đầu sàng lọc bệnh này từ 45 tuổi, giảm so với khuyến nghị trước đó là 50 tuổi.
Ngoài thừa cân hoặc béo phì, các yếu tố nguy cơ khác của ung thư đại trực tràng bao gồm ít hoặc không hoạt động thể chất, uống nhiều rượu, ăn nhiều thịt chế biến hoặc thịt đỏ, hút thuốc, ăn ít calcium và không ăn đủ ngũ cốc nguyên hạt, rau, và trái cây.
Một số yếu tố nguy cơ không thay đổi được của ung thư đại trực tràng bao gồm tiền sử gia đình bị bệnh ung thư đại trực tràng, bệnh viêm ruột kinh niên và các tình trạng di truyền.
Các dấu hiệu tiềm ẩn của ung thư đại trực tràng bao gồm máu trong phân, mệt mỏi liên tục, thay đổi thói quen đại tiện, khó chịu chung ở vùng bụng như đau bụng và đầy hơi, nôn mửa và sụt cân mà không rõ lý do.
Đại Hải biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times