Nghiên cứu: Lạm phát ở Hoa Kỳ sẽ không giảm nếu chi tiêu của chính phủ tiếp tục thái quá
Theo một nghiên cứu được trình bày cho các chủ ngân hàng trung ương tại hội nghị Jackson Hole ở Jackson Hole, tiểu bang Wyoming, các ngân hàng trung ương bao gồm Cục Dự trữ Liên bang sẽ không kiềm chế được lạm phát trừ khi các chính phủ bắt đầu có trách nhiệm về chi tiêu.
Các tác giả của nghiên cứu nói trên, ông Francesco Bianchi thuộc Đại học Johns Hopkins và ông Leonardo Melosi của Fed Chicago, cảnh báo rằng việc tăng lãi suất sẽ dẫn đến trì trệ nếu không có những ràng buộc thích hợp đối với chi tiêu của chính phủ.
Họ viết trong nghiên cứu (pdf): “Nếu việc thắt chặt tiền tệ không được hỗ trợ bởi kỳ vọng có những điều chỉnh tài khóa phù hợp, thì tình trạng mất cân đối tài khóa tệ hại hơn sẽ dẫn đến áp lực lạm phát thậm chí còn cao hơn. Kết quả là, một vòng luẩn quẩn bao gồm lãi suất danh nghĩa tăng, lạm phát gia tăng, kinh tế đình trệ và gia tăng nợ sẽ xảy ra.”
Họ giải thích, nếu các chính phủ không chi tiêu tiền một cách có trách nhiệm, lạm phát sẽ tăng lên do khu vực tư nhân kỳ vọng lạm phát cao, đồng thời sản lượng kinh tế giảm đi do chính sách tiền tệ cứng rắn.
“Chính sách tiền tệ cứng rắn hơn sẽ khiến lạm phát giảm chỉ 1% với mức chi phí phải giảm sản lượng là khoảng 3.4%,” các tác giả viết. “Đây là một tỷ lệ hy sinh khá lớn.”
Chi tiêu thái quá đã trở lại
Sau một thời gian ngắn tạm dừng sau làn sóng chi tiêu cho việc kích thích tiêu dùng liên quan đến đại dịch COVID, chi tiêu của chính phủ đã quay trở lại ở Hoa Kỳ.
Hôm 16/08, Tổng thống Joe Biden đã ký “Đạo luật Giảm Lạm Phát” do Đảng Dân Chủ hậu thuẫn, bao gồm khoảng 433 tỷ USD chi tiêu mới. Đảng Dân Chủ tuyên bố rằng dự luật này sẽ giảm thâm hụt khoảng 292 tỷ USD hàng năm thông qua việc thực thi luật thuế chặt chẽ hơn.
Hôm 24/08, Tổng thống cũng đã công bố một kế hoạch xóa nợ vay sinh viên rất lớn.
Theo kế hoạch này, những người có thu nhập dưới 125,000 USD một năm hoặc những gia đình có thu nhập dưới 250,000 USD sẽ đủ điều kiện để được xóa nợ lên đến 10,000 USD. Những người nhận tài trợ liên bang Pell Grant đáp ứng các tiêu chuẩn thu nhập đó sẽ đủ điều kiện để được xóa nợ lên đến 20,000 USD.
Tòa Bạch Ốc ước tính sẽ tiêu tốn 24 tỷ USD mỗi năm trong vòng 10 năm tới. Tuy nhiên, Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania cho biết chi phí sẽ cao hơn nhiều so với những gì mà chính phủ TT Biden công bố.
Trường kinh doanh này cho biết, “Chúng tôi ước tính chỉ riêng việc hủy bỏ khoản nợ vay sinh viên do Tổng thống Biden đề nghị sẽ tiêu tốn từ 469 tỷ đến 519 tỷ USD trong thời hạn ngân sách 10 năm.”
Các yếu tố mà Cục Dự trữ Liên bang không kiểm soát
Trong vài tháng qua, Cục Dự trữ Liên bang đã tăng lãi suất quỹ liên bang thêm 225 điểm cơ bản lên 2.5%.
Dữ liệu cho thấy lạm phát có thể đã lên đến đỉnh điểm.
Theo báo cáo của Bộ Thương mại hôm 26/08, giá tiêu dùng đã tăng 6.3% trong tháng Bảy so với một năm trước đó sau khi công bố mức tăng hàng năm là 6.8% hồi tháng Sáu.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế và các chủ ngân hàng trung ương đang lo lắng về các yếu tố khác ngoài yếu tố cung tiền đằng sau lạm phát.
Một yếu tố chính là sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng đối với một số sản phẩm.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell thừa nhận trong cuộc họp tại Jackson Hole rằng yếu tố này không nằm trong chính sách tiền tệ.
Ông nói trong bài diễn văn khai mạc: “Điều này cũng đúng, theo quan điểm của tôi, lạm phát cao hiện nay ở Hoa Kỳ là kết quả của nhu cầu mạnh và nguồn cung hạn chế, còn các công cụ của Fed hoạt động chủ yếu dựa trên tổng cầu.”
Một yếu tố đáng lo ngại khác là thị trường lao động thắt chặt đang khiến chi phí trong hầu hết các lĩnh vực tăng lên.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times