Nghị sĩ John McKay kêu gọi Canada sửa đổi chính sách đối với Trung Quốc, áp đặt cái giá phải trả lên ĐCSTQ
Nghị sĩ Đảng Tự Do John McKay đang kêu gọi Canada sửa đổi các chính sách cam kết của mình đối với Bắc Kinh vì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn ngang nhiên vi phạm nhân quyền bất chấp lời đề nghị trước đó của các nền dân chủ phương Tây.
Ông McKay viết trong một bài xã luận đăng trên tờ National Post hôm 17/07, “Trung Quốc đang trên đà trở thành một mối đe dọa hiện hữu đối với Canada và các quốc gia có cùng chí hướng khác vốn tiến hành các sự vụ của họ theo pháp quyền và các chuẩn mực dân chủ. Chúng ta cần từ bỏ chiến lược hiện tại của mình vì chiến lược này dựa trên hy vọng rằng Trung Quốc có thể tuân thủ những quy tắc này.”
Ông mô tả chế độ cộng sản là một “kẻ bắt nạt” và chỉ ra vô số tội ác mà họ đã phạm, bao gồm cả nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức và cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công, bắt người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ làm nô lệ, ngược đãi người Tây Tạng, và phá hủy các địa điểm thờ phượng của các tín đồ Cơ Đốc.
Ông nói thêm, chế độ này cũng đặt ra các mối đe dọa trực tiếp đối với các quốc gia ngoại quốc thông qua chính sách ngoại giao “sói chiến,” thể hiện rõ qua việc bắt giữ tùy tiện các công dân Canada. Các hình thức đe dọa khác của ĐCSTQ bao gồm hoạt động của các đồn công an chìm bị cáo buộc đe dọa các cộng đồng nhập cư ở Canada, khai triển khinh khí cầu do thám trên khắp Bắc Mỹ và các phao giám sát ở vùng biển Bắc Cực, hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, v.v.
Ông McKay lưu ý rằng tình trạng áp bức nhân quyền dai dẳng của chế độ này đi ngược lại với những gì mà các nền dân chủ phương Tây đã kỳ vọng khi họ theo đuổi các chính sách cam kết với Bắc Kinh, tưởng rằng thông qua thương mại và cam kết với chế độ này thì cuối cùng họ sẽ từ bỏ hành vi đó.
“Trong nhiều thập niên đến nay, Canada đã theo đuổi một chiến lược cam kết với Đảng Cộng sản Trung Quốc với hy vọng rằng ‘giao thương với nhau, tồn tại cùng nhau’ và lợi ích kinh tế chung sẽ thúc đẩy các mối bang giao tích cực,” ông viết. “Tuy nhiên, rõ ràng là bất chấp những đề nghị thân thiện của các quốc gia phương Tây, trong đó có Canada, Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi một chính sách bành trướng, hiếu chiến mà ít quan tâm đến lợi ích quốc gia hoặc an ninh của nước khác.”
Áp đặt cái giá phải trả
Ông McKay cho biết chính sách cam kết hiện tại của Canada đối với Trung Quốc, được xây dựng dựa trên “hy vọng về phần thưởng tài chính,” là một trong những “điểm yếu, rủi ro cao, và sự thất vọng sâu sắc.” Thay vào đó, ông nói rằng Canada nên hợp tác với các quốc gia có cùng chí hướng để ngăn chặn các hoạt động thâm độc trong tương lai bằng cách áp đặt những cái giá phải trả lên chế độ cộng sản này.
Ông nói: “Chính sách dành cho Trung Quốc mà Canada đưa ra là một hành động tưởng tượng dựa trên sự kiêu ngạo. Con đường duy nhất của Canada là liên kết với các quốc gia có cùng chí hướng để đến khi xảy ra các điểm bùng phát thì ĐCSTQ sẽ phải trả giá.”
“Đáng tiếc là các quốc gia và người dân sẽ phải chọn bên, bất kể sự lựa chọn đó có khó chịu đến mức nào. Những điểm tích cực của việc tiếp cận nền kinh tế Trung Quốc có thể trở thành một mớ thất vọng ảm đạm trong nháy mắt. Thật ngạc nhiên là có bao nhiêu người trong chúng ta có thể tự nhủ rằng những rủi ro đó chỉ nhỏ thôi còn lợi ích tài chính dự kiến là to lớn.”
Ông đưa ra ví dụ về một nước đồng minh mà Canada nên hợp tác là Đài Loan, một nền dân chủ tự trị bên kia bờ biển của Hoa lục đã chống lại các mối đe dọa và cưỡng chế quân sự của Bắc Kinh trong những thập niên vừa qua. Mới đây, ông McKay đã dẫn đầu một phái đoàn Nghị viện đến hòn đảo này hồi tháng Tư và thảo luận về việc xây dựng mối bang giao bền chặt hơn với tổng thống Đài Loan. Mặc dù hòn đảo này là đối tác thương mại hàng đầu của Canada, nhưng Ottawa vẫn duy trì “Chính sách Một Trung Quốc” phù hợp với yêu cầu của Bắc Kinh nhằm tránh chính thức công nhận Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền.
Ông McKay nói: “Chính sách này có thể kéo dài bao lâu để làm cơ sở thỏa thuận với Đài Loan, đối tác thương mại lớn thứ 12 của chúng ta? Chính sách Một Trung Quốc có thể tồn tại bao lâu khi Đài Loan tranh đấu cho bản thân và cho các nền dân chủ phương Tây mỗi ngày?”
Ngoài ra, ông cho biết Canada nên phản đối việc Trung Quốc tham gia các hiệp định quốc tế như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương và xem xét việc chế độ này đã từng xuyên tạc các hiệp ước để phục vụ nghị trình chính trị của chính họ.
Ông McKay nói: “Việc cho một quốc gia chỉ có mục đích phá hủy hiệp ước thương mại được tham gia vào một thỏa thuận hiệp ước là điều chẳng khôn ngoan chút nào. Việc Trung Quốc thay đổi mục đích của WHO [Tổ chức Thương mại Thế giới] cho lợi ích riêng của mình đủ làm bằng chứng để bất kỳ ai nhận ra điều đó.”
Tách rời khỏi Trung Quốc
Ông McKay, chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc phòng của Hạ viện, cho biết nhiều tổ chức ở Canada và các nước phương Tây đang ngày càng nhận ra được thực trạng rằng “đối với chúng ta chẳng còn gì ở đó” để mà tiếp tục chính sách cam kết đối với Trung Quốc.
Ông trích dẫn lời của ông Bob Pickard, một người Canada từng là giám đốc điều hành cao cấp tại Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Á Châu (AIIB) do Bắc Kinh lãnh đạo. Mới đây, ông Pickard đã từ chức để phản đối ảnh hưởng của ĐCSTQ; ông nói với Reuters rằng ông phải rời khỏi nước này sau khi từ chức.
AIIB là một ngân hàng phát triển đa phương do nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thành lập hồi năm 2013. Ngân hàng này được quảng cáo là sẽ cải thiện các kết quả kinh tế và xã hội ở châu Á thông qua việc tài trợ cho cơ sở hạ tầng trọng yếu, nhưng được xem là một nỗ lực nhằm cạnh tranh với các tổ chức toàn cầu như Quỹ Tiền tệ, Ngân hàng Thế giới, và Ngân hàng Phát triển Á Châu do phương Tây lãnh đạo. Hồi năm 2017, Canada đã chi ra khoản tiền 256 triệu USD để mua cổ phần của AIIB, từ đó trở thành một thành viên của ngân hàng này.
Trước việc ông Pickard ra đi hôm 14/06, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland cho biết trong một tuyên bố cùng ngày rằng Bộ Tài chính sẽ ngừng mọi hoạt động với AIIB và tiến hành một cuộc đánh giá các cáo buộc của ông Pickard.
Tuyên bố này cho biết, “Tuy nhiên, khi các nền dân chủ trên thế giới nỗ lực giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế của chúng ta bằng cách hạn chế các điểm yếu chiến lược của chúng ta trước các chế độ độc tài, thì chúng ta cũng phải hiểu rõ về các công cụ mà các chế độ này sử dụng để thi hành ảnh hưởng của họ trên toàn thế giới.”
Ông McKay đã khen ngợi phản ứng của bà Freeland, đồng thời lưu ý rằng một chính sách mới của Canada đối với Bắc Kinh cần làm nổi bật những cái giá về an ninh mà Hoa Kỳ, châu Âu và nhiều quốc gia khác đã phải trả khi chấp nhận một “mối quan hệ ngang hàng với Trung Quốc.”
Ông viết: “Điều cần thiết là một sự thay đổi căn bản về thái độ và một sự tái tập trung vào lợi ích và an ninh quốc gia của chúng ta khi đối mặt với một siêu cường đang ngày càng lớn mạnh đã thể hiện sự thù địch liên tục với quốc gia và các đồng minh của chúng ta.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times