Nghệ thuật gia kỳ tài: Leonardo da Vinci (P.3) – Thiên Sứ truyền tin
Bức bích họa The Annunciation (tạm dịch: Thiên Sứ Truyền Tin) [1] được lưu giữ tại Bảo tàng nghệ thuật Uffizi có thể nói là tác phẩm tiêu biểu và hoàn hảo nhất của Leonardo da Vinci trong thời kỳ đầu của ông.
“Thiên Sứ truyền tin” là một đề tài tôn giáo phổ biến trong thời kỳ Phục hưng. Bản thân chủ đề này chứa đựng mối quan hệ giữa người và Thần, cùng các đức tính quý báu như thuần chân, lương thiện, khiêm nhường, trách nhiệm và hy sinh v.v… Các họa sĩ cũng thường mượn vẻ Thần tính và sự thánh khiết của các Thiên Sứ và Nữ đồng trinh để thể hiện hình tượng mỹ hảo của nét đẹp chân, thiện trong lòng mình.
Tổng lãnh Thiên thần Gabriel mang theo bông hoa bách hợp tượng trưng cho sự thuần khiết, nửa quỳ trước trinh nữ Mary với lòng tôn kính và ân sủng, đưa tay phải lên để ban phước cho nàng, và thông báo với nàng về sứ mệnh mang Thánh thai của mình.
Maria lúc này đột ngột bị gián đoạn việc đọc sách, nàng ngạc nhiên đưa tay trái lên, tay phải vẫn đặt trên kinh thư. Da Vinci không vẽ Maria với thần thái hoảng sợ như Botticelli, mà ông dùng thái độ ôn hòa và bình tĩnh để thể hiện định lực “gặp việc không kinh sợ” của một tín đồ ngoan đạo, đồng thời cũng phù hợp với hình tượng đoan trang, thận trọng của một người trinh nữ.
Những góc tối ở phía sau đã làm tôn lên khuôn mặt trong sáng và thánh thiện của Maria, những viên gạch vuông vức dường như được khảm nạm lên thân hình của nàng, điều này càng làm nổi bật tầm quan trọng của Maria.
Sự xen kẽ giữa ánh sáng và bóng tối trong bức tranh hình thành nên tiết tấu nặng nhẹ phù hợp với thị giác. Da Vinci luôn tự cho rằng mình vốn dĩ là một nhà toán học, vì vậy cấu trúc của tác phẩm đã sử dụng phương thức toán học để phân chia bức vẽ. Bản thân bức họa (91 x 217 cm) gần với “hình chữ nhật đôi tỉ lệ vàng” [2], trong đó phần kiến trúc chiếm 2/5, phần cảnh quan chiếm 3/5, và bốn cây thông được bố trí có quy luật vừa vặn chia cảnh quan thành ba phần bằng nhau. Các hình tam giác được thể hiện bởi Thiên sứ và Thánh mẫu tương ứng tạo thành hình chữ M trong bức tranh, hiệu quả cân bằng và trang trọng vừa hay đã thể hiện được thời khắc thần thánh này.
Khung cảnh được miêu tả gần vườn hoa của cung điện Florence vào thời điểm đó. Kiểu dáng kiến trúc và bàn đá cẩm thạch [3] không tách rời khỏi sự ảnh hưởng của Verrocchio, nhưng thần thái, tư thế và trang phục của các nhân vật đã là phong cách riêng của tác giả.
Tất cả đối tượng trong các tác phẩm của Leonardo da Vinci đều phải có nguồn gốc, chẳng hạn như bông hoa bách hợp trong tay của Thiên sứ, sự mô tả một cách tinh tế bãi cỏ ở tiền cảnh chính là thành quả của bản thân người họa sĩ đối với việc nghiên cứu thực vật mỗi ngày. Điều này cũng đúng với khâu xử lý không gian: Phối cảnh tuyến tính của kiến trúc và chiếc bàn đá đưa tầm nhìn của người xem đến một viễn cảnh lúc ẩn lúc hiện, cho thấy sự kết hợp vận dụng giữa “phối cảnh” và “phương pháp khoảng cách không khí” của Da Vinci đã rất thuần thục.
Tuy nhiên, bức tranh này đã thật sự hoàn mỹ chưa? Có chuyên gia đã nhận xét rằng xét về phương diện phối cảnh thì tay phải của Maria quá dài. Nhưng một số các chuyên gia khác thì cho rằng Leonardo với sự hiểu biết thành thục về phương pháp phối cảnh và giải phẫu học, cùng với tính cách tự yêu cầu cao đối với bản thân mình, ông tuyệt sẽ không mắc phải sai lầm về tỷ lệ này.
Từ việc quan sát tác phẩm từ góc bên phải, ông có thể đã ước đoán được nó sẽ phát sinh sai sót về tỷ lệ, đây chính là lý do mà tác phẩm này về sau đã được treo trong nhà thờ San Bartolomeo ở Monte Oliveto. Dù thế nào đi nữa, khuyết điểm của tác phẩm này không thể che lấp được ưu điểm của nó, đối với một nghệ thuật gia mới ngoài 20 tuổi vào thời điểm đó, bức tranh đã đủ để chứng minh được năng lực và càng củng cố hơn danh tiếng của ông.
Chú thích:
[1]: Có nhiều lời suy đoán về niên đại sáng tác của bức họa này, một số người cho là giai đoạn 1472-1475, cũng có người nói là giai đoạn 1475-1478.
[2]: Phương pháp cấu thành của hình chữ nhật đôi tỉ lệ vàng tương tự như với hình chữ nhật tỉ lệ vàng. Chia một hình vuông thành hai hình chữ nhật có tỉ lệ dài và rộng là 1:0.5 theo phương thẳng đứng, lấy giao điểm của đường phân cách và cạnh trên của hình vuông làm tâm hình tròn, lấy đường chéo của hình chữ nhật làm bán kính, vẽ các vòng cung cho cả hai cạnh tương ứng và giao với cạnh trên của hình vuông được kéo dài. Giao điểm của mỗi bên trái và phải chính là chiều dài của hình chữ nhật đôi tỉ lệ vàng và chiều rộng chính là cạnh của hình vuông ban đầu.
[3]: Chiếc bàn đá cẩm thạch có thể đã được tham khảo bởi chiếc bàn đá mà Verrocchio đã tạc cho ngôi mộ của Medici ở Nhà thờ San Lorenzo.
Chu Di Tú thực hiện
Lý Mai biên tập
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: