Nghệ thuật gia kỳ tài: Leonardo da Vinci (P.4) – Đức Mẹ Đồng Trinh và Chúa Hài Đồng
Tiếp theo Phần 1, Phần 2, Phần 3.
Tranh chân dung hay tượng điêu khắc “Đức Mẹ đồng trinh và Chúa hài đồng” là loại tranh tôn giáo được yêu thích trong thời kỳ văn nghệ Phục Hưng, và cũng là đề tài mà xưởng của Verrocchio thường xuyên được đặt hàng. Từ năm 1476 đến 1480, Leonardo da Vinci đã vẽ hai bức tranh sơn dầu “Đức Mẹ đồng trinh và Chúa hài đồng”, đồng thời ông đã thực hiện một loạt các bức phác thảo về đề tài này.
Mặc dù đây là một đề tài thường gặp, nhưng dường như Da Vinci quan tâm đến cảm giác chân thực của thị giác hơn là phương pháp vẽ trang trí của các họa sĩ khác vào thời điểm đó. Có thể Đức Mẹ đồng trinh và Chúa hài đồng được vẽ bởi Botticelli đẹp hơn vào thời điểm đó, nhưng họ tuân thủ nghiêm ngặt sự minh xác của các đường đồng mức, và vẽ một cách khái quát độ sáng tối, không gian cũng như phối cảnh. Trong các tác phẩm được gửi gắm, Leonardo da Vinci đã thể hiện những gì bản thân ông quan sát được, dần dần làm phai nhạt đi sự cứng nhắc của các đường đồng mức, lấy màu sắc tự nhiên và sự tương phản sáng tối để tạo nên cảm giác về không gian và hình khối.
Mặc dù có thể thủ pháp của bức “The Madonna of the Carnation” (Tạm dịch: Đức Mẹ và hoa cẩm chướng) vẫn còn hạn chế, nhưng so với các họa sĩ đương thời, các đường đồng mức đã dần biến mất; Bức “Madonna with Flowers” càng mang những đặc trưng của Da Vinci tại thời điểm trưởng thành của ông, ngoại hình của nhân vật đã dần dần hoà tan vào bối cảnh màu tối, quan hệ giữa vật thể và không gian được định nghĩa một cách thuần túy thông qua sự tương phản mạnh mẽ giữa sáng và tối (Chiaroscuro).
Quá trình làm mờ rất tinh tế, có thể thấy được hiệu quả của việc sử dụng “phương pháp sfumato” của Da Vinci. Sự miêu tả các chi tiết khác ngoài nhân vật cũng được đơn giản hoá rất nhiều, các chi tiết không cần thiết được giản lược để nhấn mạnh tính quan trọng của nhân vật. Những điều này đều có sự ảnh hưởng mang tính quyết định đến kỹ pháp cũng như quan niệm hội hoạ của các thế hệ sau này.
“The Madonna of the Carnation” được vẽ trên bảng gỗ. Bố cục nền và xử lý không gian phức tạp hơn bức “Madonna with a Flower”. Bối cảnh mô tả thiên nhiên, từ những ngọn núi xa xôi tráng lệ, sắc vàng kim và sắc tím biến mất theo bầu khí quyển, cho đến sự nhạt dần của màu trời, chi tiết sống động của bông hoa và lọ thuỷ tinh, cũng như độ đàn hồi của da anh hài, đã khác xa với phong cách xưởng vẽ của Verrocchio và trở thành đặc trưng của cá nhân Da Vinci.
Bức tranh “Madonna with a Flower” được vẽ trên vải, nụ cười thuần chân của Thánh Mẫu và biểu cảm chăm chú sờ bông hoa của Chúa Hài Đồng thật sống động, đã thể hiện được sức cảm hoá của nhân tính Dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa hiện thực tự nhiên, nhân tính trong các tranh vẽ tượng Thánh của thời kỳ Phục hưng ngày càng trở nên Thần tính hơn, mặc dù khoảng cách giữa người và Thần đã được rút ngắn, nhưng cũng làm tín ngưỡng đã trở nên thế tục hoá. Có lẽ vì “Thần” sinh ra trong thế giới loài người, nên ngài cũng phải ngâm trong “cái tình” của thế giới con người và trải nghiệm nó, rồi từ đó mới siêu thoát khỏi nó. Việc các hoạ sĩ sử dụng vẻ đẹp chí thiện chí chân của nhân tính, chẳng hạn các phẩm chất thuần chân và từ ái v.v… để biểu đạt biểu hiện của Thần tại thế gian, cũng là điều tự nhiên và hợp lý.
Trên thực tế, đúng vào thời điểm sáng tác hai bức họa Đức Mẹ và Chúa hài đồng này, Leonardo da Vinci đã có cơ hội quan sát sự tương tác giữa người mẹ và đứa trẻ sơ sinh, khi hai người con trai trong cuộc hôn nhân thứ ba của cha ông lần lượt ra đời. Vì vậy, trong sổ tay của Da Vinci đã xuất hiện những ký hoạ về các động tác của trẻ sơ sinh, như khi đứa trẻ động đậy trên cơ thể người mẹ, hoặc khi chúng đưa tay nắm các đồ vật, hoặc khi chúng chơi đùa với mèo con.
Ông cũng quan sát thấy rằng trẻ sơ sinh hầu như lúc nào cũng hoạt động, ngoại trừ khi ngủ. Vì vậy, các bức tranh về Đức Mẹ và Chúa hài đồng của ông rất sống động, đặc biệt trong tác phẩm “Đức Mẹ đồng trinh và đứa trẻ cùng với Thánh Anne và Thánh John the Baptist” sau này, Thánh Mẫu dường như đang cố gắng dỗ dành hoặc giữ đứa bé gần như đang sắp thoát khỏi vòng tay của bà.
Trong thời gian Leonardo da Vinci sáng tác hai bức họa Đức Mẹ và Chúa hài đồng này thì tại Florence cũng phát sinh một sự kiện lớn. Lịch sử gọi là “Âm mưu của Pazzi” (Pazzi conspiracy). Năm 1478, hai anh em Lorenzo và Giuliano, thuộc gia tộc Medici vốn rất được dân chúng ủng hộ và yêu mến, đã bị ám sát bởi thế lực của kẻ thù chính trị mà cầm đầu là gia tộc Pazzi, khi hai người đang tham dự một nghi thức tôn giáo tại Nhà thờ Santa Maria del Fiore.
Dưới sự bao vây của các sát thủ, Lorenzo được giải cứu sau khi bị thương nặng và may mắn sống sót nhờ trốn trong phòng lễ phục, trong khi người em trai của ông là Giuliano bị giết bởi 19 nhát dao. Huyết án xảy ra trong điện đường Thần thánh đã làm dấy lên sự phẫn nộ của dân chúng. Một vài tên hung thủ đã bị dân chúng lôi ra xử quyết. Lorenzo cũng quyết tâm trả thù và hạ lệnh truy lùng thủ phạm chính đã chạy trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ. Một năm sau, với sự trợ giúp của Quốc vương Thổ Nhĩ Kỳ, Sát thủ Bernardo Bandini Baroncelli bị đưa trở lại Florence và bị treo cổ công khai tại quảng trường Bargello [1]. Trong đám đông người xem có Da Vinci, người vốn đầy sự hiếu kỳ đối với sinh mệnh, đã có một bức ký họa ngay tại hiện trường.
Chú thích:
[1]: Quảng trường Bargello (Palazzo del Bargello), hay quảng trường Nhân dân (Palazzo del Popolo), được xây dựng vào năm 1255, trước đây là doanh trại và nhà tù, hiện là một bảo tàng nghệ thuật. Từ “bargillus” bắt nguồn từ tên gọi của pháo đài quân sự chịu trách nhiệm bảo vệ hòa bình và chính nghĩa trong thời gian bạo loạn xảy ra ở Ý vào thời kỳ Trung cổ; trong thời kỳ Phục hưng, các khoảng trống có tu viện bao quanh còn là nơi diễn ra các phiên tòa xét xử và hành quyết.
Chu Di Tú thực hiện
Lý Mai biên tập
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: