Ngân hàng Thế giới sắp bị các nhà hoạt động khí hậu tiếp quản
Việc tiếp quản này có thể đi kèm với rủi ro địa chiến lược
Một sự thay đổi tại Ngân hàng Thế giới đang báo hiệu sự thay đổi trong chính sách phát triển của Hoa Kỳ đối với các mối quan tâm về khí hậu, đồng thời có thể tạo ra rủi ro địa chiến lược cho Hoa Kỳ.
Ông David Malpass, người đứng đầu Ngân hàng Thế giới, đã thông báo rằng ông sẽ rời văn phòng vào tháng Sáu tới, một năm trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc. Được bổ nhiệm vào năm 2019 bởi tổng thống đương thời Donald Trump, thành viên Đảng Cộng Hòa đến từ New York này từng tranh cử vào Thượng viện vào năm 2010, và phu nhân của ông là nguyên chủ tịch Ủy ban Cộng Hòa Quận New York. Ông đã giữ nhiều vai trò về kinh tế và hoạch định chính sách khác nhau ở Hoa Thịnh Đốn từ thời chính phủ Tổng thống Reagan, và là cựu kinh tế gia trưởng của Bear Stearns, một nhà băng từng là ngân hàng đầu tư toàn cầu trước khi thua lỗ trong cuộc khủng hoảng năm 2008 và bị JPMorgan Chase mua lại.
Ông Malpass, người đã chỉ trích các hoạt động cho vay và sự tăng trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) ngay cả trước khi được đề cử làm người đứng đầu tổ chức này, đã bị những người ủng hộ WB tấn công khi ông Trump bổ nhiệm ông. Ông Malpass đã phải chịu áp lực kể từ hồi tháng Chín (2022), khi bị nhà hoạt động khí hậu đồng thời là cựu Phó Tổng thống Al Gore khẳng định, mà không có bằng chứng, rằng ông là một “người phủ nhận khí hậu” tại một diễn đàn của New York Times, bất chấp một câu chuyện đăng trên New York Times hồi tháng 04/2021 có nhan đề, “Out of Trump’s Shadow, Malpass Embraces Climate Fight” (Rời Khỏi Cái Bóng Của Ông Trump, Ông Malpass Nắm Lấy Cuộc Chiến Chống Biến Đổi Khí Hậu).
Khi được hỏi về cáo buộc của ông Gore vào cuối ngày tại cùng một diễn đàn, ông Malpass đã nói rằng ông chưa bao giờ gặp ông Al Gore và ông Gore không biết gì về công việc của Ngân hàng Thế giới.
Sau đó ông Malpass đã tiếp tục liệt kê một số sáng kiến về khí hậu, trong đó có Kế hoạch Hành động về Khí hậu của ông cho giai đoạn 2021–2025. Nhưng khi người điều hành chương trình hỏi ông Malpass có chấp nhận “sự đồng thuận khoa học rằng việc đốt nhiên liệu hóa thạch đang khiến hành tinh nóng lên một cách nguy hiểm hay không,” thì ông đã đáp lại bằng một câu trả lời dài dòng, tế nhị, và chi tiết, phác thảo các chương trình và khoản đầu tư thực chất mà Ngân hàng Thế giới đã thực hiện dưới sự lãnh đạo của ông. Nhưng người dẫn chương trình này một lần nữa lặp lại câu hỏi theo kiểu dường như là buộc tội — nếu không muốn nói là tranh luận — và ông Malpass, có đôi chút bực dọc với câu hỏi này, đã đáp lại rằng, “Tôi không biết cái… Tôi không phải là một nhà khoa học.” Chính bình luận cuối cùng này đã được các hãng truyền thông lựa chọn đưa tin, tạo ra một vụ bê bối điên cuồng về quan hệ công chúng kết thúc bằng việc ông Malpass phải từ chức khỏi ngân hàng này hồi đầu tháng Hai.
Tòa Bạch Ốc đã đề cử ông Ajay Banga, cựu giám đốc công ty thẻ tín dụng toàn cầu MasterCard, lên kế nhiệm ông Malpass. Ông Banga là một giám đốc điều hành tài chính người Mỹ gốc Ấn Độ, người được kính trọng trong cộng đồng tài chính Hoa Kỳ cũng như ở quê hương Ấn Độ của ông, nơi ông được trao tặng danh hiệu dân sự cao thứ ba của quốc gia đó, Padma Shri, một danh hiệu tương đương với Huân chương Tự do của tổng thống Hoa Kỳ, vào năm 2016. Là con trai của một sĩ quan Quân đội Ấn Độ, người thường xuyên di chuyển cho các nhiệm vụ khác nhau, ông từng nói rằng ông là một người dễ thích nghi và được các đồng sự nhận xét là thân thiện. Ông ủng hộ việc trao quyền nhiều hơn cho phụ nữ tại nơi làm việc, cũng như hoạt động vì khí hậu. Ông cam kết MasterCard sẽ trồng 100 triệu cây xanh và khoe khoang về “các văn phòng có chứng nhận xanh” và “dấu chân không rác thải” của MasterCard.
Ngân hàng Thế giới
Ngân hàng Thế giới được thành lập như một phần của Thỏa thuận Bretton-Woods vốn thiết lập lại các quy tắc tài chính toàn cầu vào năm 1944. Nhiệm vụ ban đầu của tổ chức này là tái thiết cơ sở hạ tầng của các nền kinh tế Âu Châu và Á Châu bị tàn phá trong Đệ nhị Thế chiến. Ngày nay, tổ chức này cung cấp “các khoản vay lãi suất thấp, các khoản tín dụng có lãi suất từ 0 đến thấp, và trợ cấp cho các nước đang phát triển,” cũng như tư vấn kỹ thuật để xóa đói giảm nghèo và tăng thu nhập cho 40% dân số có mức sống thấp nhất của các quốc gia trên thế giới.
Nhóm Ngân hàng Thế giới gồm năm tổ chức riêng biệt: Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD), Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa phương (MIGA), và Trung tâm Giải quyết Tranh chấp Đầu tư Quốc tế (ICSID). Mỗi một tổ chức trong số này đều hoạt động như một tổ chức kinh doanh vì lợi ích chung của các thành viên (co-op). IBRD cho “chính phủ của các quốc gia có thu nhập trung bình và các quốc gia có thu nhập thấp có xếp hạng tín dụng tốt” vay. IDA thực hiện các khoản cho vay và trợ cấp không lãi suất cho các nước nghèo nhất. Cùng nhau, IBRD và IDA tạo thành ấn tượng mà hầu hết mọi người nghĩ về khi họ nhắc đến “Ngân hàng Thế giới.”
Mặc dù có 189 quốc gia thành viên, nhưng Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, Pháp, và Vương quốc Anh là những cổ đông lớn nhất. Trong đó Hoa Kỳ là cổ đông lớn nhất. Theo truyền thống, thì một người Mỹ điều hành Ngân hàng Thế giới trong khi một người Âu Châu điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), một tổ chức đa phương khác có nhiệm vụ chính là giám sát nền kinh tế của các quốc gia, ổn định thương mại quốc tế, và cung cấp các khoản cho vay để phục hồi — và tránh — các cuộc khủng hoảng tài chính.
Sứ mệnh ‘xanh’ mới?
Việc bổ nhiệm ông Ajay Banga làm người đứng đầu Ngân hàng Thế giới, một hành động dường như là cuối cùng thuộc kiểu này nhưng còn xa mới phải, báo hiệu một sự lặp lại khác trong nghị trình và các ưu tiên của Ngân hàng Thế giới. Mặc dù về mặt truyền thống, thì tổ chức này là một ngân hàng phát triển, nhưng vào đầu thế kỷ này, Ngân hàng Thế giới đã chuyển từ phát triển sang cải tổ xã hội, y tế, lao động, và bảo vệ lương hưu. Nghị trình này đã thay đổi một lần nữa vào năm 2008 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và thay đổi một lần nữa vào năm 2019 với việc bổ nhiệm ông Malpass, người đã nói ông hy vọng sẽ “ổn định lại” nguồn tài trợ cho Ngân hàng Thế giới để đánh giá tốt hơn liệu các chương trình của họ có hiệu quả hay không.
Giờ đây, có vẻ như chính phủ Tổng thống Biden và các nhà hoạt động khí hậu khác đang khởi động một chu trình lặp lại các ưu tiên mới của Ngân hàng Thế giới về loại hình đầu tư vào môi trường, xã hội, và quản trị (ESG) vốn đã trở thành mốt ở thị trường vốn phương Tây trong vài năm qua.
Như một số tác giả đã lưu ý, những đổi mới tài chính chưa có vào thời năm 1944, chẳng hạn như chứng khoán hóa, phần lớn đã làm cho nhu cầu về loại khoản vay dài hạn, trực tiếp tài trợ vào bảng cân đối kế toán trên quy mô lớn mà Ngân hàng Thế giới dành cho các nước đang phát triển trở nên lỗi thời. Mặc dù sẽ luôn có nhu cầu về các khoản vay không lãi suất và viện trợ không hoàn lại mà IDA dành cho các nước nghèo nhất, nhưng nhu cầu về các khoản vay kiểu IBRD đối với các nước có thu nhập trung bình hoặc đáng tin cậy hiện đã gần như biến mất.
Khái niệm chứng khoán hóa
Nhưng bản chất của các bộ máy quan liêu là tiếp tục hoạt động, như thể theo quán tính, ngay cả khi sứ mệnh của những cơ quan này đã hoàn thành hoặc trở nên lỗi thời. Điều đó đặc biệt đúng trên trường quốc tế ở các tổ chức như Ngân hàng Thế giới, nơi trách nhiệm giải trình được phân tán cho một ban giám đốc gồm 25 thành viên đại diện cho 189 quốc gia thành viên có những ưu tiên khác nhau.
Nhìn thấy cơ hội, và với một nghị trình hoạt động “xanh”, chính phủ Tổng thống Biden giờ đây có thể sẽ sử dụng Ngân hàng Thế giới để mở rộng nghị trình đó ra quốc tế. Có một rủi ro địa chiến lược trong việc chuyển các ưu tiên từ phát triển sang hoạt động khí hậu vì có một số ngân hàng phát triển quốc gia, và một ngân hàng phát triển quốc tế do đối thủ Trung Quốc của Hoa Kỳ điều hành, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB), được thành lập vào năm 2015 với tư cách là một nguồn cạnh tranh trực tiếp với Ngân hàng Thế giới do Hoa Kỳ thống trị.
AIIB sẽ sẵn lòng đẩy mạnh hoạt động trong trường hợp không có sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới. Làm như vậy sẽ cho phép Trung Quốc mở rộng hơn nữa ảnh hưởng địa chính trị của mình trong các khu vực chiến lược quan trọng. Ví dụ, Trung Quốc vừa đầu tư vào Indonesia, một đảo tiền đồn chiến lược giữa các đồng minh của Hoa Kỳ là Philippines và Úc, và Pakistan, một đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ ở Trung Á.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times