Ngân hàng Thế giới cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc cho năm 2024 khi cuộc khủng hoảng địa ốc ngày càng trở nên sâu sắc
Một nhà kinh tế Trung Quốc cho biết cuộc khủng hoảng địa ốc ở Trung Quốc có thể mất nhiều năm mới giải quyết được do Trung Quốc đã xây dựng rất nhiều nhà ở và quá trình đô thị hóa nhanh chóng của nước này đã chậm lại.
Ngân hàng Thế giới đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt với nhiều vấn đề, từ cuộc khủng hoảng địa ốc đang diễn ra cho đến nhu cầu trong nước suy yếu và tình trạng giảm phát, vốn đang kéo nền kinh tế này đi xuống.
Báo cáo được công bố hôm 01/10 đã hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc trong năm 2024 xuống còn 4.4%, giảm từ mức 4.8% trong dự báo hồi tháng Tư.
Ngân hàng Thế giới dự kiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc vào năm 2023 sẽ ở mức 5.1%, hơi giống với mức 5% của các cuộc khảo sát khác trong năm.
Tổ chức này cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2024 của các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á và Thái Bình Dương, trong đó có Trung Quốc, xuống còn 4.5%, so với mức 4.8% trong tháng Tư.
Báo cáo nhấn mạnh về các vấn đề kinh tế của Trung Quốc đang đè nặng lên tăng trưởng của quốc gia này, như nợ ngày càng tăng, thị trường địa ốc suy yếu, cũng như các yếu tố cấu trúc dài hạn.
Ngân hàng Thế giới nêu ra rằng, nếu như trước kia Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào lĩnh vực địa ốc để tăng trưởng, thì giờ đây địa ốc đang quay trở lại gây tổn hại cho nền kinh tế của họ, vì thị trường địa ốc Trung Quốc đã lâm vào khó khăn sâu sắc kể từ năm 2021.
Báo cáo cho biết: “Tăng trưởng trong quá khứ của Trung Quốc, chủ yếu nhờ đầu tư vào cơ sở hạ tầng và địa ốc, đã khiến các công ty và chính quyền địa phương mắc nợ chồng chất — do cơ sở hạ tầng bão hòa mang lại lợi nhuận giảm dần và tình trạng nguồn cung cấp nhà ở dư thừa làm giảm giá địa ốc.”
Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới cũng cho biết rằng trong khi nhiều quốc gia trải qua lạm phát cao thì Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng giảm phát khi chỉ số giá sản xuất của nước này đã giảm 0.4% mỗi tháng trong khoảng thời gian từ tháng Một đến tháng Bảy, làm giảm lợi nhuận của các công ty.
Tình trạng tăng trưởng chậm của Trung Quốc cũng gây tổn hại cho phần còn lại của khu vực, vì tốc độ tăng trưởng của nước này giảm 1% có liên quan đến mức tăng trưởng của khu vực giảm 0.3%.
Xuất cảng của khu vực đã chậm lại do tăng trưởng toàn cầu suy yếu khi xuất cảng hàng hóa của Trung Quốc và Việt Nam giảm hơn 10% so với năm ngoái.
Xuất cảng của khu vực, đặc biệt là từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, cũng bị ảnh hưởng do việc ban hành Đạo luật Giảm Lạm Phát cùng Đạo luật CHIPS và Khoa học hồi năm ngoái của chính phủ Tổng thống Biden, nhằm mục đích tăng cường ngành sản xuất của Hoa Kỳ và giảm sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào Trung Quốc.
Báo cáo lưu ý rằng về lâu về dài, xuất cảng của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với “những khó khăn từ căng thẳng địa kinh tế và sự phân hóa của chuỗi giá trị toàn cầu.”
Các ngân hàng khác cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng
Việc Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xảy ra khi nhiều tổ chức tài chính toàn cầu và các cơ quan xếp hạng cắt giảm dự báo tăng trưởng của quốc gia này xuống dưới mức mục tiêu tăng trưởng chính thức của Bắc Kinh trong năm nay.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã chính thức đặt mục tiêu tăng trưởng 5% cho năm 2023 sau mức tăng trưởng 3% đáng thất vọng vào năm ngoái do các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 của Bắc Kinh.
Một số tổ chức đã hạ dự báo của họ do triển vọng mờ mịt về nền kinh tế Trung Quốc. Hồi tháng Tám, UBS đã cắt giảm dự báo của họ xuống mức 4.8% cho năm 2023 và 4.2% cho năm 2024.
Tháng trước (09/2023), Fitch Ratings đã hạ mức tăng trưởng của Trung Quốc xuống 4.6% trong năm 2024, trong khi Moody’s giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho năm 2023 ở mức 5% nhưng cắt giảm dự báo năm 2024 xuống 4.0%, giảm từ mức 4.5%.
Cuộc khủng hoảng địa ốc của Trung Quốc có thể mất nhiều năm để giải quyết
Cuộc khủng hoảng địa ốc đang diễn ra là một vấn đề lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc. Ngân hàng Thế giới cho biết đầu tư vào lĩnh vực địa ốc của Trung Quốc đã trì trệ và đã giảm 28% kể từ tháng 07/2021 trong bối cảnh nhu cầu nhà ở yếu và các nhà phát triển địa ốc chìm trong nợ nần.
Các nhà phân tích tin rằng lĩnh vực địa ốc là nguyên nhân chính khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm. Các đại công ty địa ốc như Bích Quế Viên (Country Garden) và Hằng Đại (Evergrande) đã chìm sâu vào cuộc khủng hoảng thanh khoản khi chính quyền trấn áp việc vay mượn quá mức hồi năm 2021.
Hằng Đại là nhà phát triển địa ốc mắc nợ nhiều nhất thế giới với khoản nợ 340 tỷ USD. Công ty này đã trở thành tâm điểm của cuộc khủng hoảng địa ốc ở Trung Quốc kể từ cuối năm 2021 với một loạt các vụ vỡ nợ.
Bích Quế Viên, nhà phát triển địa ốc lớn nhất đất nước tính theo doanh số theo hợp đồng, cũng đang vỡ nợ.
Nhiều vụ vỡ nợ trong ngành địa ốc Trung Quốc đã dẫn đến tình trạng các khu căn hộ chưa hoàn thiện khiến người mua nhà bất mãn, làm tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của người mua vào thị trường địa ốc.
Các nhà phân tích ước tính rằng lĩnh vực địa ốc của Trung Quốc chiếm ¼ hoặc ⅓ nền kinh tế nước này, trong khi thị trường địa ốc Hoa Kỳ, vào thời kỳ đỉnh cao, chỉ chiếm 5%.
Nhà kinh tế Trung Quốc Hồng Hạo (Hao Hong) nói với CNBC hồi tuần trước (25/09-01/10) rằng cuộc khủng hoảng có thể mất nhiều năm, thậm chí một thập niên để giải quyết do nước này đã xây dựng rất nhiều nhà ở và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng của họ đã chậm lại.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times