Nga là nhà cung cấp dầu hàng đầu của Trung Quốc trong tháng thứ 2 liên tiếp
SINGAPORE — Dữ liệu cho thấy hôm thứ Tư (20/07) rằng trong tháng Sáu, Nga giữ vị trí là nhà cung cấp dầu hàng đầu của Trung Quốc trong tháng thứ hai liên tiếp khi người mua Trung Quốc thu lợi từ nguồn cung giá thấp hơn, cắt giảm các lô hàng đắt hơn từ Ả Rập Xê Út.
Nhập cảng dầu của Nga, bao gồm cả nguồn cung cấp được bơm qua đường ống Đông Siberia ở Thái Bình Dương và các chuyến hàng vận chuyển bằng đường biển từ các cảng Âu Châu và Viễn Đông của Nga, đạt tổng cộng 7.29 triệu tấn, tăng gần 10% so với một năm trước, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Trung Quốc nhập cảng 5.06 triệu tấn từ Ả Rập Xê Út, tương đương 1.23 triệu thùng/ngày, giảm so với mức 1.84 triệu thùng/ngày trong tháng Năm và thấp hơn 30% so với mức của tháng Sáu năm ngoái.
Nhập cảng từ Nga tính đến thời điểm hiện tại đạt 41.3 triệu tấn (1.67 triệu thùng/ngày), tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn xếp sau Ả Rập Xê Út, quốc gia cung cấp 43.3 triệu tấn (1.75 triệu thùng/ngày), giảm 1% so với năm trước.
Tổng nhập cảng dầu thô của Trung Quốc trong tháng Sáu đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 4 năm qua do các đợt phong tỏa nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona làm giảm nhu cầu nhiên liệu. Nhập cảng từ Nga tăng cũng thay thế các nguồn cung từ Angola và Brazil.
Dữ liệu của Hải quan cho thấy Trung Quốc đã nhập cảng 260,000 tấn dầu thô của Iran vào tháng trước, lô hàng thứ tư của Iran kể từ tháng 12 năm ngoái, xác nhận một bản tin trước đó của Reuters.
Bất chấp các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Iran, Trung Quốc vẫn tiếp tục nhập dầu của Iran, thường được chuyển thành nguồn cung cấp từ các nước khác. Nguồn cung này, chiếm khoảng 7% tổng nhập cảng dầu thô của Trung Quốc, đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ dòng chảy ngày càng tăng của Nga.
Hải quan báo cáo không nhập cảng từ Venezuela. Các công ty dầu khí nhà nước đã tránh mua kể từ cuối năm 2019 vì lo ngại vi phạm các lệnh trừng phạt thứ cấp của Hoa Kỳ.
Nhập cảng từ Malaysia, thường được sử dụng làm một điểm trung chuyển trong hai năm qua đối với dầu có nguồn gốc từ Iran và Venezuela, đã tăng 126% so với cùng kỳ năm ngoái lên 2.65 triệu tấn.
Ngoài ra, dữ liệu cũng cho thấy nhập cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Trung Quốc đạt tổng cộng 520,530 tấn, khối lượng hàng tháng cao thứ hai kể từ ít nhất là đầu năm 2021.
Nhập cảng LNG của Nga trong nửa đầu năm 2022 — chủ yếu từ dự án Sakhalin-2 ở Viễn Đông và Yamal LNG ở Bắc Cực thuộc Nga — đã tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái lên 2.36 triệu tấn, dữ liệu cho thấy.
Con số này ngược lại với mức giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái trong tổng lượng nhập cảng LNG của quốc gia trong cùng thời kỳ.
Dưới đây là số liệu chi tiết về nhập cảng dầu, với khối lượng tính bằng tấn:
Tháng Sáu phần trăm thay đổi theo năm, Từ Tháng Một đến Tháng Sáu phần trăm thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái
Saudi 5,057,902 -29.7 43,269,290 -1.1
Russia 7,285,880 9.5 41,309,700 3.9
Iraq 3,203,002 -9.9 26,739,634 2.2
Angola 2,352,633 -36 17,191,422 -13.8
Brazil 2,004,225 -14.6 12,998,303 -22.5
US 672,655 -52.7 4,456,987 -45.7
Malaysia 2,654,310 126 11,079,251 50.5
Iran 260,349 – 780,392 –
Venezuela – – – –
Oman 2,073,190 -46 21,032,464 -8.3
UAE 3,124,780 80 19,430,481 36
(tấn = 7.3 thùng để quy đổi dầu thô)