Nga đổ quân vào khu vực Sahel bị chiến tranh tàn phá ở châu Phi, khiến Hoa Kỳ cảnh giác
Moscow tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực Sahel đầy những bất ổn của châu Phi, trong khi Hoa Kỳ đang phải chịu áp lực rút quân.
JOHANNESBURG — Các nhà phân tích an ninh nói với The Epoch Times rằng, các huấn luyện viên quân sự từ Quân đoàn Phi Châu của Nga, đơn vị tiếp tục công việc của Tập đoàn Wagner, đã đến quốc gia Niger ở Tây Phi, mang theo một hệ thống phòng không hoàn chỉnh và các loại vũ khí khác.
Họ là đội quân mới nhất tiến vào một trong những chiến trường nguy hiểm nhất Phi Châu, vùng sa mạc Sahel, nơi các chiến binh thánh chiến đang chiến đấu với các lực lượng chính phủ từ một số quốc gia Tây Phi, như Burkina Faso, Mali, và Niger.
Các sĩ quan quân đội cấp cao đã tổ chức các cuộc đảo chính ở các quốc gia này, trục xuất các lực lượng của Pháp đang chiến đấu chống lại một số tổ chức khủng bố, đáng chú ý nhất là al-Qaeda và “Nhà nước Hồi Giáo” (ISIS).
Ông Dean Wingrin, nhà phân tích quân sự của cổng thông tin an ninh-quốc phòng Phi Châu DefenceWeb, cho biết: “Phương Tây nên rất lo ngại về những gì đang xảy ra ở Sahel.”
Ông nói với The Epoch Times: “Nga đang tăng cường kiểm soát một trong những khu vực có tầm quan trọng chiến lược nhất của châu Phi, và Moscow có thể sử dụng khu vực này để tiến hành các hành động tới các khu vực khác của châu Phi và ngoài đó nữa. Hoa Kỳ là bên thua nặng nề trong tình huống này bởi vì quý vị có thể đặt cược rằng Trung Quốc sẽ theo sát đối tác của mình để giành được nhiều ảnh hưởng hơn nữa ở Tây Phi và Bắc Phi.”
Trong một báo cáo tóm tắt gần đây, Liên Hiệp Quốc (LHQ) gọi khu vực Sahel là “một trong những nơi giàu có nhất thế giới về tài nguyên thiên nhiên, bao gồm dầu, vàng, và uranium.”
Liên Hiệp Quốc cho biết Sahel cũng là một trong những khu vực có dân số trẻ nhất thế giới, với gần 65% dân số dưới 25 tuổi, và “có năng lực sản xuất năng lượng mặt trời mạnh hơn các khu vực khác trên thế giới.”
Quân đoàn Phi Châu của Nga đã kiểm soát nhiều mỏ dầu ở Libya, cũng như các mỏ vàng và kim cương trên khắp Trung Phi.
“Điện Kremlin gửi lính đánh thuê của mình đến các khu vực có xung đột, giúp đỡ các nhà độc tài và chính quyền quân sự, những người luôn có nguy cơ mất quyền lực, và đổi lại, Nga có được quyền tiếp cận với lượng tài nguyên khoáng sản nhiều vô kể.”
Moscow đã gửi 100 binh lính của Quân đoàn Phi Châu đến Burkina Faso vào cuối tháng Một, và cho biết sẽ gửi thêm khoảng 200 binh lính nữa trong thời gian sắp tới.
Theo một hãng thông tấn Nga, quân đội Nga sẽ huấn luyện binh sĩ của đất nước Burkina Faso và “giúp tuần tra các khu vực nguy hiểm.”
Hôm 18/04, truyền thông Niger chiếu cảnh một vận tải cơ của Nga đến phi trường Niamey, thủ đô của Niger.
Đài này dẫn lời một huấn luyện viên người Nga cho biết: “Chúng tôi đến đây để huấn luyện quân đội Niger và giúp họ sử dụng các trang thiết bị vừa được chuyển đến. Thiết bị này dành cho các chuyên ngành quân sự khác nhau.”
Sau khi trục xuất 1,500 quân Pháp vào năm 2023, chính quyền quân sự Niger gần đây tuyên bố sẽ chấm dứt thỏa thuận năm 2012 với Hoa Kỳ.
“Binh lính Mỹ vẫn còn ở Niger, nhưng họ đã ngừng hoạt động quân sự vào tháng 07 năm ngoái sau cuộc đảo chính,” Giáo sư Deon Visser, nhà phân tích quân sự tại Đại học Stellenbosch ở Nam Phi, cho biết, “Đất nước này đã là bàn đạp quan trọng để quân đội Hoa Kỳ chống khủng bố ở châu Phi kể từ năm 2013. Việc Mỹ giờ đây bị Nga loại bỏ và thay thế là một đòn giáng mạnh vào Hoa Kỳ trên nhiều cấp độ, bao gồm cả về mặt tâm lý và mặt trận tuyên truyền.”
Ông Visser cho biết: “Việc mất các căn cứ ở Niger tạo ra những vấn đề thực sự đối với lợi ích của Hoa Kỳ ở châu Phi, đồng thời mang đến động lực to lớn cho Nga và Trung Quốc.”
“Các thiết bị bay điều khiển bằng vô tuyến (drone) của Mỹ được phóng từ Niger đã vô cùng thành công trong việc theo dõi và thu thập thông tin tình báo về ISIS và al-Qaeda, trên khắp Sahel cũng như ở Chad, Cameroon, và Nigeria. Tôi khá chắc chắn rằng những hành động này đã giúp tiêu diệt nhiều thủ lĩnh khủng bố trong thập niên vừa qua.”
Các chính phủ quân sự ở vùng Sahel đang tăng cường các hành động chống phương Tây.
Hôm 18/04, Burkina Faso đã trục xuất ba nhà ngoại giao Pháp vì “các hoạt động lật đổ.”
Sau khi lên nắm quyền trong cuộc đảo chính vào tháng 09/2022, chính quyền này bắt đầu xa cách với Pháp, hủy bỏ hiệp định quân sự năm 1961 giữa hai nước.
Vào ngày 01/12/2023, bốn quan chức Pháp đã bị bắt, buộc tội “gián điệp,” và bỏ tù ở thủ đô Ouagadougou.
Thanh Nhã lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times