‘Nếu bạn muốn con mình thông minh, hãy đọc truyện cổ tích cho bé’
Tất cả chúng ta đều thích nghe một câu chuyện hay. Nhưng một câu chuyện không chỉ để giải trí, thông qua kể chuyện, chúng ta trao một món quà của tâm hồn cho người khác.
Albert Einstein từng nói: “Nếu bạn muốn con mình thông minh, hãy đọc truyện cổ tích cho bé. Và nếu bạn muốn con mình thông minh hơn nữa, hãy đọc truyện cổ tích cho bé nhiều hơn nữa”.
Chuyện cổ tích là những câu chuyện được gom nhặt và truyền miệng qua hàng ngàn năm nay, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những câu chuyện này mang những biểu tượng, những nguyên mẫu và yếu tố tâm linh. Qua nội dung truyện, những thông điệp được truyền không chỉ tới trẻ nhỏ mà còn với cả người lớn chúng ta, ở một mức độ rất sâu.
Với những trẻ dưới 7 tuổi, chuyện cổ tích sẽ nuôi dưỡng tâm hồn con, để con nhận thức được rằng con đã đến một thế giới có những điều tốt đẹp, có sự thiện lương và công bằng. Bởi vì, trong một câu chuyện cổ tích, điều thiện luôn vượt qua điều ác, đây là điều khiến đứa trẻ thấy thỏa mãn.
Trẻ nhỏ thường đòi nghe đi nghe lại một chuyện dù người lớn chúng ta thì phát chán. Nhưng trải nghiệm này thực sự khiến trẻ thích thú. Việc lặp lại như thế khiến trẻ tiếp nhận được câu chuyện ở mức độ rất sâu. Câu chuyện sẽ thành một phần của trẻ. Trẻ sẽ nhớ những câu chuyện này trong phần đời còn lại của mình và có thể một ngày nào đó, sẽ kể những câu chuyện ấy cho những đứa con của mình.
Người kể chuyện, vào thời xa xưa, kể những câu chuyện vào lúc chiều tối để đánh dấu buổi đêm bắt đầu. Họ không cần thiết là người thông thái nhất, nhưng họ thuộc lòng những câu chuyện – thứ chứa đựng trí tuệ cổ xưa được truyền nhiều thế hệ.
Truyện cổ tích mang tính vũ trụ – các câu truyện cổ tích mặc dầu được mặc những cái áo của những nền văn hóa khác nhau, nhưng nội dung và hình mẫu nguyên bản là giống nhau. Chúng ta có phù thủy hay mẹ kế độc ác, vị vua thông thái và anh hùng. Và điều quan trọng là những nguyên mẫu này biểu trưng cho các phần bên trong con người chúng ta, biểu trưng cho nhân loại nói chung. Một đứa trẻ sẽ liên hệ bản thân tới mỗi một nhân vật trong các nguyên mẫu này.
Giáo dục thông qua kể chuyện
Trong giáo dục, kể chuyện là một phương thức điều hòa và chữa lành với trẻ. Một cách sâu sắc mà nói, nội dung chuyện cổ tích là sự ẩn dụ của việc trưởng thành và kinh nghiệm của tâm hồn mỗi cá thể con người. Nó là một món ăn lành mạnh cho tâm hồn.
Một trường học ở Los Angeles dành cho trẻ từ 4 đến 12 tuổi, trường Lab UCLA đã thử nghiệm tác động của việc kể chuyện đến học sinh. Tuần nào trường cũng mời một người kể chuyện đến thăm Trường. Người kể chuyện nổi tiếng Antonio Sacre đã đến kể những câu chuyện, từ những câu chuyện thời thơ ấu của anh cho đến những câu chuyện kinh điển như Ba chú heo con.
Sacre nói: “Khi tôi đến bắt đầu kể chuyện cho bọn trẻ, 16 tuần sau, đo bằng phương pháp nào cũng thấy khả năng đọc và viết đều vượt trội hơn so với trước đó”. Các giáo viên tại Trường Lab UCLA từ đó nhận thấy việc kể chuyện rất quan trọng đối với quá trình học tập, nó trở thành một đặc trưng thiết yếu của lớp học.
Theo Sacre, không gì có thể khiến một đứa trẻ tập trung chú ý như một câu chuyện có thể làm. Anh thấy những đứa trẻ ngồi yên chăm chú lắng nghe anh kể chuyện, điều mà bình thường những giáo viên khác thường hay kêu ca rằng chúng ‘chẳng bao giờ lắng nghe cả’.
Trẻ nhỏ là những sinh linh còn mơ màng và đầy trí tưởng tượng, vậy thì các câu chuyện như là chiếc cầu vồng nối từ thế giới tinh thần đến với trái đất vật chất này vậy.
Giải phóng câu chuyện bên trong chúng ta
Một câu chuyện là một chuỗi các sự kiện dẫn đến một kết quả. Nó thường được thúc đẩy bởi một số loại xung đột hoặc một số mong muốn không thể đạt được. Chi tiết mang lại sự sống cho các nhân vật, và những trải nghiệm của họ cho chúng ta cái nhìn sâu sắc.
Kể chuyện luôn là công cụ giáo dục chính của nhân loại, bản thân hình thức của nó khiến việc học hỏi dễ dàng hơn. Khi chúng ta bắt đầu một câu chuyện, chúng ta dễ bị tò mò muốn biết nó sẽ kết thúc như thế nào. Lực hấp dẫn này làm cho một câu chuyện trở thành một phương tiện lý tưởng để chúng ta khái niệm hóa và lưu giữ thông tin.
Các nhà nghiên cứu hiện đại tin rằng bộ não của chúng ta được thiết kế để kể chuyện. Các nghiên cứu hình ảnh não đã chỉ ra rằng các phần cụ thể trong não của chúng ta chỉ hoạt động khi chúng ta nghe truyện. Kể chuyện cũng đã được chứng minh là kích hoạt giải phóng oxytocin, giúp tăng cường sự đồng cảm trong ta.
“Những câu chuyện này đang giải quyết những vấn đề rất quan trọng và những mối quan tâm mà tất cả chúng ta đều có. Tất cả chúng ta đều có lúc lạc lối. Ai cũng sợ không được yêu thương. Ai cũng sợ chết, và vô danh”.
Kể chuyện là để chúng ta tìm lại những “câu chuyện” trong chính bản thân mình.
Kể chuyện thúc đẩy trí tưởng tượng
Những câu chuyện đã được kể từ lâu trước khi người ta viết chúng ra. Nó tồn tại song hành cùng với con người.
Mỗi nền văn hóa lâu đời đều được xây dựng dựa trên một khung các câu chuyện chính mô tả nguồn gốc ra đời, dạy con người các quy tắc ứng xử và ý thức về đúng và sai.
Tuy nhiên, ngày nay chúng ta tiêu thụ hầu hết các câu chuyện thông qua một phương tiện trực quan: video, truyền hình và phim ảnh. Những hình thức này không hẳn xấu, nhưng chúng thiếu điều mà câu chuyện được kể bằng lời có thể mang lại.
Ví dụ, khi những đứa trẻ nghe về một con sư tử hung dữ chạy trong rừng, tất cả chúng đều thấy những cảnh khác nhau trong tâm trí chúng. Một đứa có thể hình dung cây cọ và một con sư tử màu vàng với bờm nâu. Một đứa khác có thể nhìn thấy một con sư tử nâu với bờm màu cam đang lao qua những cây thường xanh.
Mỗi đứa trẻ tạo ra bộ phim của riêng mình khi chúng nghe một câu chuyện, đan xen sự nhạy cảm của chính chúng vào giữa không gian của mỗi từ ngữ.
Ngược lại, một bộ phim cung cấp trải nghiệm đồng nhất, thụ động hơn và ít thách thức tâm trí của chúng ta hơn.
Bộ não ở trạng thái siêu hoạt động khi bạn nghe một câu chuyện. Nhưng nếu chúng ta đi gặp Vua sư tử, tất cả chúng ta sẽ thấy chính xác con sư tử đó. Tất cả chúng ta đều thấy những cảnh giống nhau, nghe cùng một bản nhạc và giọng các diễn viên nổi tiếng đọc lời thoại. Nó làm cho chúng ta quên đi những câu chuyện của chính mình.
Truyện cổ tích là cây cầu kết nối tâm hồn
Sacre nói rằng những đứa trẻ lớn hơn có thể mất nhiều thời gian hơn để vào câu chuyện, nhưng cuối cùng chúng vẫn nhận được các tác động tích cực. Nhiều người có thể vẫn nhớ những câu chuyện mà gắn bó với họ rất lâu trong khi có thể quên những trải nghiệm trường học khác.
Nhưng ngày nay phụ huynh và giáo viên thường né tránh bất kỳ kiểu kể chuyện nào. Họ có thể cho rằng mất thời gian hoặc cảm thấy có quá nhiều sự lựa chọn hấp dẫn khác. So với bảng trắng thông minh, máy tính bảng và trò chơi video tương tác, một câu chuyện đơn giản có vẻ buồn tẻ và lỗi thời.
Nhưng hiện thực ngày càng rõ ràng: Mối quan hệ cha mẹ – con cái bị mất kết nối khi cha mẹ “dán mắt” vào màn hình.
Vậy nếu tắt màn hình đi rồi, làm thế nào để bạn kết nối? Ngoài truyện cổ tích, Sacre cũng thích chia sẻ nhiều câu chuyện cá nhân. Anh kể về việc lớn lên trong một gia đình người Cuba và người Mỹ gốc Ailen, về thế giới đã khác như thế nào khi anh còn nhỏ. Anh ấy nói với lũ trẻ rằng cầu trượt đã từng được làm bằng kim loại thay vì nhựa, và âm nhạc thường được nghe trên băng cassette thay vì iPhone.
Chia sẻ những câu chuyện về bản thân có sức mạnh lớn. Chúng có thể đánh thức câu chuyện trong những người khác. Những câu chuyện này rất đặc biệt, không thể tìm thấy trên Internet và mang lại cảm giác thân mật mà các bộ phim bom tấn Hollywood không thể tái hiện.
Gần đây, Sacre nhớ về trải nghiệm đã đi cùng một nhóm bạn trên bãi biển, khi ai đó kể về lần đầu tiên anh thấy ông mình khóc. Thật bất ngờ, mọi người bắt đầu chia sẻ những câu chuyện về ông bà của họ.
Hàng ngàn người và hàng triệu đô la được chi cho bộ phim X-Men hoặc Avengers mới nhất, nhưng họ không thể cạnh tranh với chúng tôi. Không có cách nào Marvel Studios sẽ kể câu chuyện về một người ông đã khóc và khiến năm người chúng tôi có cuộc thảo luận lớn trên bãi biển như vậy.
Những câu chuyện như vậy cho phép mọi người kết nối, hiểu nhau và cảm nhận sâu sắc hơn về nguồn gốc của mỗi người.