Nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng sau khi chính phủ nới lỏng các hạn chế COVID-19
Nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng trong quý II năm 2022 và trở lại mức trước đại dịch, mặc dù việc phục hồi về trạng thái bình thường của nước này chậm hơn so với các nền kinh tế lớn khác.
Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng với tốc độ 2.2% hàng năm trong quý. Quy mô của nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới này là 542.1 ngàn tỷ yên (4.1 ngàn tỷ USD). GDP quý I ban đầu được báo cáo là đã giảm xuống nhưng sau đó đã được điều chỉnh thành tăng trưởng 0.1%.
Mức tăng trưởng quý II đánh dấu mức tăng GDP quý thứ ba liên tiếp.
Hồi cuối tháng Ba, chính phủ đã dỡ bỏ các hạn chế COVID-19, giúp kích thích nền kinh tế. Chi tiêu tiêu dùng dẫn đầu mức tăng trưởng với mức tăng 1.1%. Chỉ riêng chi tiêu của người tiêu dùng đã chiếm hơn 50% tổng sản lượng kinh tế của đất nước.
Với việc các quy tắc COVID-19 được nới lỏng, mọi người đã chi nhiều tiền hơn cho quần áo, nhà hàng, và khách sạn, thúc đẩy nền kinh tế. Chi tiêu vốn (còn gọi là chi phí vốn) là một động lực chính khác thúc đẩy tăng trưởng quý hai, tăng 1.4% so với quý trước.
Theo một số chuyên gia, các ca COVID-19 gia tăng là mối đe dọa đối với tăng trưởng GDP của Nhật Bản trong những tháng tới. Số ca nhiễm mới hàng ngày đã giảm trong quý cuối cùng của năm 2021. Tuy nhiên, số ca bắt đầu tăng vào tháng Một và có xu hướng tiếp tục tăng kể từ tháng Bảy.
Ông Takayuki Toji, một nhà kinh tế tại SuMi Trust, nói với Associated Press: “Sau một mùa xuân với nhiều triển vọng tươi sáng hơn, chúng tôi cho rằng nền kinh tế sẽ chậm lại trong quý này do chi tiêu của người tiêu dùng yếu hơn do ca nhiễm COVID-19 gia tăng.”
Ông Toji nói: “Hoạt động xuất cảng cần được hỗ trợ bởi việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa đô thị ở Trung Quốc và đầu tư vốn vẫn ổn định nhưng tăng trưởng toàn cầu chậm lại vì thắt chặt tiền tệ ở Hoa Kỳ và Âu Châu đang mang lại nhiều khó khăn.”
Hồi tháng Bảy, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản cho năm 2022 từ mức dự báo của tháng Tư là 2.4% xuống còn 1.7%.
Lạm phát
Áp lực lạm phát là một thách thức khác mà nền kinh tế Nhật Bản phải đối mặt. Mặc dù lạm phát ở mức tương đối vừa phải, nhưng tiêu dùng có nguy cơ hạ nhiệt do giá cả tăng nhanh hơn lương.
Khi được điều chỉnh theo lạm phát, tiền lương đã giảm trong ba tháng liên tục từ tháng Tư đến tháng Sáu, dẫn đến mức giảm tổng thể 0.9% so với quý đầu tiên, và mức giảm theo quý mạnh hơn nhiều so với mức giảm 0.1% giữa quý IV của Năm 2021 và quý I năm 2022.
Ông Takeshi Minami thuộc Viện nghiên cứu Norinchukin nói với Bloomberg: “Lạm phát có thể làm giảm việc chi tiêu, mặc dù giá dầu có thể ổn định khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.” “Khi những rủi ro về suy thoái gia tăng trong nền kinh tế thế giới, thì cũng có nguy cơ là nền kinh tế Nhật Bản có thể suy thoái tại một số giai đoạn cuối năm.”
Bloomberg đưa tin, Thủ tướng Fumio Kishida hy vọng sẽ kiềm chế được lạm phát vào tháng Chín. Ông cho biết ông muốn việc tăng lương được duy trì, việc giới hạn giá lúa mì nhập cảng được tiếp tục, và ngày càng có nhiều tài trợ cho chính phủ địa phương.
Anh Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới tại The Epoch Times.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters