Nền kinh tế Hoa Kỳ hoạt động tốt hơn mong đợi trong quý 4/2023, nhưng ước tính GDP cho quý này lại giảm
Dữ liệu GDP sửa đổi lần mới cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế đã tốt hơn dự kiến trong quý 4/2023, nhưng mức ước tính GDP theo thời gian thực cho quý 1/2024 lại giảm mạnh.
Tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ trong quý 4/2023 đã được điều chỉnh tăng lên mức 3.4% từ mức 3.2% trong bản cập nhật thứ ba — và cũng là cuối cùng — của chính phủ về số liệu tổng sản phẩm quốc nội (GDP), mặc dù ước tính GDP theo thời gian thực cho quý đầu tiên năm 2024 đã giảm mạnh, làm mất đi hy vọng về một kịch bản “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế.
Nền kinh tế đã tăng trưởng 3.4% trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12/2023, tăng so với mức ước tính lần thứ hai là 3.2%, theo tuyên bố ngày 28/03 của Cục Phân tích Kinh tế (BEA).
Ước tính GDP lần thứ ba chính thức công bố rằng đã có sáu quý liên tiếp tăng trưởng kinh tế tích cực, khiến một số nhà phân tích cho rằng Hệ thống Dự trữ Liên bang có thể đang “trên đường hạ cánh mềm”, nghĩa là cơ quan này sẽ hạ nhiệt thành công nền kinh tế nhằm giảm lạm phát mà không gây ra suy thoái.
Tuy nhiên, nhiều ước tính GDP theo thời gian thực khác nhau cho quý đầu tiên của năm 2024 đã giảm đáng kể trong tháng qua, cho thấy rằng sức mạnh của các con số trong quý 4/2023 rõ ràng là hiện tượng gương chiếu hậu và cho thấy rằng nền kinh tế đang hướng tới một số tình trạng biến động.
Các số liệu ước tính GDP sụt giảm
Mặc dù các số liệu ước tính đã giảm đi đáng kể trong khoảng một tháng qua, các kết quả ước tính ban đầu cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đã sẵn sàng đạt mức GDP khá trong quý đầu tiên của năm 2024.
Chẳng hạn, mô hình GDPNow của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta cho thấy mức tăng trưởng 2.1% trong khoảng thời gian từ tháng Một đến tháng Ba, với ước tính mới nhất hiện có là vào ngày 26/03. Một tháng trước đó, hôm 26/02, kết quả ước tính là cao hơn nhiều, ở mức 3.2%.
Một loạt dữ liệu kinh tế được công bố, bao gồm dữ liệu sản xuất mờ nhạt vào đầu tháng Ba và số liệu sản xuất công nghiệp yếu hơn mong đợi hôm 15/03, đã khiến ước tính GDP của Fed Atlanta giảm tới 1.1% chỉ trong một tháng.
Ngoài ra, mô hình Nowcast của Nhân viên Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York hiện dự đoán mức tăng trưởng GDP là 1.9% trong quý 1/2024, giảm mạnh so với mức ước tính 2.8% vào một tháng trước đó, và mô hình ước tính GDP thực Nowcast của Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis hiện kỳ vọng GDP ở mức 1.33%, giảm nhẹ so với mức 1.4% được kỳ vọng trong tháng trước.
Các nhà kinh tế tại Conference Board mới đây đã từ bỏ dự đoán của họ về suy thoái kinh tế, khi lưu ý trong một báo cáo hôm 21/03 rằng các chỉ số hoạt động kinh doanh khác nhau, cũng như dữ liệu về thị trường lao động và tâm lý người tiêu dùng, “nhìn chung đã diễn biến theo hướng thuận lợi.”
“Tuy nhiên, những trở ngại bao gồm nợ tiêu dùng ngày càng tăng và lãi suất tăng cao sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế,” Conference Board viết trong báo cáo. “Mặc dù chúng tôi không còn dự báo suy thoái kinh tế cho năm 2024, nhưng chúng tôi thực sự kỳ vọng tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng sẽ hạ nhiệt và tăng trưởng GDP chung sẽ chậm lại xuống dưới mức 1% trong quý 2 và quý 3/2024.”
Chỉ số kinh tế hàng đầu của Conference Board, một thước đo hướng tới tương lai được tạo thành từ 10 thành phần riêng lẻ trong đó có dữ liệu tuyên bố thất nghiệp và số liệu đơn đặt hàng sản xuất mới, đã tăng lần đầu tiên sau hai năm vào tháng Hai.
Bất chấp sự gia tăng trong tháng Hai, chỉ số hàng đầu này vẫn cho thấy một số trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế, với tốc độ tăng trưởng trong vòng 6 và 12 tháng tới của chỉ số này vẫn ở mức âm.
Bà Justyna Zabinska-La Monica, giám đốc cấp cao về các chỉ số chu kỳ kinh doanh tại Conference Board, cho biết, “Conference Board dự kiến tăng trưởng GDP hàng năm của Hoa Kỳ sẽ chậm lại trong khoảng thời gian từ quý 2-3/2024, do nợ tiêu dùng gia tăng và lãi suất tăng cao ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng.”
Triển vọng lạm phát được cải thiện
Theo dữ liệu từ BEA, một thước đo khác về hoạt động kinh tế của chính phủ, thước đo tổng thu nhập quốc nội, đã tăng 4.8% trong quý cuối cùng của năm 2023, đạt mức cao nhất trong vòng hai năm.
Ngoài ra, thành phần tiêu dùng cá nhân trong GDP đã được điều chỉnh lên 3.3% từ mức 3%, có nghĩa là chi tiêu tiêu dùng mạnh hơn ước tính trước đó và cải thiện so với mức tăng 3.1% trong quý 2.
Số liệu lạm phát được công bố như một phần của dữ liệu tăng trưởng kinh tế của BEA càng củng cố thêm quan điểm rằng nền kinh tế vẫn tương đối mạnh mẽ.
Chỉ số Giá Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân (PCE), một thước đo lạm phát, vẫn không thay đổi so với mức ước tính 1.8% trước đó, nhưng thước đo PCE cốt lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng và được Hệ thống Dự trữ Liên bang theo dõi đặc biệt chặt chẽ, đã được sửa đổi giảm 0.1 điểm phần trăm xuống còn 2%.
Fed bắt tay vào chu kỳ tăng lãi suất tích cực bắt đầu từ tháng 03/2022 nhằm ngăn chặn lạm phát tăng cao, đạt mức cao nhất là 9% vào tháng 06/2022. Mặc dù đã giảm kể từ đó, lạm phát đã chững lại trong những tháng gần đây khi ở vào khoảng 3.2%, cao hơn đáng kể so với mức mục tiêu 2% của Fed.
Đã có nhiều suy đoán rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào một thời điểm nào đó trong năm nay trong bối cảnh lo ngại rằng môi trường lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn (hiện nằm trong khoảng từ 5.25% đến 5.5%) có thể khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Dữ liệu GDP quý 4/2023 cho thấy Fed có nhiều cơ hội hơn để giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn nhằm bảo đảm lạm phát giảm gần về mức mục tiêu hơn, mặc dù ước tính GDP cho quý 1/2024 giảm nhẹ đang thách thức quan điểm này.
Thống đốc Hệ thống Dự trữ Liên bang Christopher Waller cho biết hôm 27/03 rằng số liệu lạm phát mới nhất (3.2% trong tháng Hai, tăng từ 3.1% trong tháng Một) là “đáng thất vọng,” và ông đã nhấn mạnh rằng Fed không vội cắt giảm lãi suất.
Ông Waller cho biết trong bài diễn văn đã chuẩn bị sẵn trước Câu lạc bộ Kinh tế New York: “Theo quan điểm của tôi, việc giảm tổng số lần cắt giảm lãi suất hoặc đẩy các đợt cắt giảm ra xa hơn trong tương lai là phù hợp để đáp ứng được dữ liệu gần đây.”
Ở những nơi khác, niềm tin của người tiêu dùng được cải thiện đôi chút khi lo ngại về lạm phát giảm bớt.
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Đại học Michigan đã tăng lên 79.4 trong tháng Ba từ mức 76.9 trong tháng Hai.
Bà Joanne Hsu, giám đốc cuộc khảo sát niềm tin người tiêu dùng của trường đại học này, cho biết: “Điều quan trọng là người tiêu dùng thể hiện niềm tin rằng lạm phát sẽ tiếp tục giảm.”
Kỳ vọng lạm phát trong một năm tới giảm xuống 2.9% từ mức 3% trong tháng trước, và triển vọng lạm phát trong năm năm tới giảm xuống 2.8% từ 2.9%.
Bà Hsu viết: “Các đánh giá và kỳ vọng về tài chính cá nhân được cải thiện khiêm tốn so với tháng trước, do những tác động tiêu cực của giá cả và chi phí cao đối với mức sống đã giảm bớt.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times