Nền kinh tế của ông Biden tốt cho robot, xấu cho con người
Việc tăng năng suất kinh tế cho Hoa Kỳ tương đương với làm giảm chất lượng cuộc sống của hầu hết người Mỹ.
Cố vấn kinh tế quốc gia Lael Brainard đã nhận xét như sau vào hôm 15/02: “Tăng trưởng năng suất, được đo bằng sản lượng trên mỗi nhân viên, đã vượt xa tất cả các nền kinh tế G7 khác trong chu kỳ này tính đến nay.”
Tòa Bạch Ốc đã nhấn mạnh mức tăng năng suất của Hoa Kỳ như là bằng chứng về tác động tích cực của các chính sách kinh tế Biden (Bidenomics) đối với nền kinh tế. Một số nhà kinh tế cho rằng năng suất tăng có thể làm giảm thiểu lạm phát do tăng trưởng kinh tế, một quan điểm được chính phủ Tổng thống Biden ủng hộ, vì quan điểm này liên quan đến tỷ lệ lạm phát cao nhất từng được chứng kiến trong nhiều thập niên.
Tuy nhiên, sự gia tăng năng suất không mang lại lợi ích cho người dân Mỹ thông thường. Tăng năng suất được thúc đẩy bởi chi phí giảm do làm việc từ xa, khối lượng công việc tăng lên, và tự động hóa, không điều nào trong số này có thể cải thiện mức sống của nhân viên hoặc làm tăng cơ hội việc làm.
Kể từ năm 2020, các công ty đã tìm ra cách tận dụng tối đa các công cụ kỹ thuật số của họ để tạo ra nhiều giá trị nhất. Mọi chuyện bắt đầu với hội nghị từ xa và các ứng dụng khác cho phép mọi người làm việc từ xa. Các công ty tiết kiệm tiền cho những thứ như bảo trì văn phòng, vật tư, và nội thất bằng cách cho nhân viên ở nhà thay vì ở văn phòng. Họ cũng thấy dễ dàng hơn khi yêu cầu nhân viên sử dụng máy điện toán xách tay của riêng họ. Hầu hết các công ty đã ngừng cung cấp các công cụ làm việc từ xa miễn phí bởi việc sở hữu những vật dụng như đèn chiếu sáng dạng vòng, mic ngoài, và camera đã trở thành những yếu tố thiết yếu để có được một công việc.
Những khoản tiết kiệm đáng kể đã xảy ra khi các hợp đồng thuê văn phòng 10 năm hết hạn và không được gia hạn hoặc bị thu hẹp quy mô thành những không gian làm việc nhỏ hơn. Ngoài ra, cùng với việc nhu cầu gặp gỡ khách hàng giảm xuống, thì ngay cả văn phòng có diện tích nhỏ hơn cũng không cần phải có vị trí ở trung tâm thành phố hoặc thậm chí còn có thể không nằm trong thành phố. Đồng thời, mặc dù các công ty đã giảm được chi phí, nhưng doanh thu vẫn ổn định hoặc tăng. Bản thân việc đạt được doanh thu tương đương hoặc cao hơn với chi phí thấp hơn vốn dĩ đã đồng nghĩa với việc cải thiện cả về hiệu quả lẫn năng suất.
Về mặt nhân sự, nhân viên đã quen với việc làm việc từ xa và sự linh hoạt mà làm việc việc từ xa mang lại, chẳng hạn như có thể giặt đồ vào giữa ngày thứ Tư hoặc đón con đi học về. Sự quen thuộc này đã khiến họ chấp nhận chỉ tiêu công việc cao hơn thay vì quay trở lại văn phòng. Các cuộc khảo sát đã xác nhận rằng nhân viên thường làm việc nhiều giờ hơn và quản lý khối lượng công việc nặng hơn so với trước đại dịch. Với khối lượng công việc tăng lên này, năng suất của công ty sẽ tăng lên.
Ý nghĩa của việc tăng năng suất, như Tòa Bạch Ốc đã ca ngợi, là khi năng suất tăng, nền kinh tế sẽ hoạt động tốt hơn. Nhiều người sẽ có thể tìm được việc làm hơn, và việc làm sẽ trả lương cao hơn. Nhưng nếu năng suất tăng lên là do khối lượng công việc tăng lên, thì đó thực sự có nghĩa là mỗi người đi làm hiện đang làm nhiều việc hơn và có ít việc làm hơn dành cho người tìm việc. Ví dụ, nếu mỗi 10 người đi làm hiện đang làm khối lượng công việc nhiều hơn 10% so với trước đại dịch; thì cùng nhau họ đã loại bỏ đi một công việc. Đây là một điểm cộng dành cho công ty khi lợi nhuận sẽ tăng lên, thêm một yếu tố vào trong những dấu hiệu của một nền kinh tế tốt: lợi nhuận doanh nghiệp tăng lên.
Bên cạnh việc khối lượng công việc của nhân viên tăng, một lý do khác đằng sau sự gia tăng năng suất là việc áp dụng nhanh chóng tự động hóa và robot. Trong khi các nhà máy đã ngày càng tự động hóa kể từ Đệ nhị Thế chiến, thì những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo (AI) và chi phí công nghệ giảm, cùng với chi phí nhân công ngày càng tăng, đã dẫn đến sự tăng tốc đáng kể trong việc áp dụng công nghệ.
Ngoài thực tế là robot chỉ cần có những ngày nghỉ bảo trì theo lịch trình, thì chúng còn không nghỉ ốm hoặc gặp tai nạn tại nơi làm việc. Hơn nữa, chúng không khởi kiện chủ doanh nghiệp, một xu hướng đang làm phức tạp thêm các vấn đề nhân sự ở Hoa Kỳ. Ngoài ra, bằng cách sử dụng robot, các công ty có thể tránh được hạn ngạch về tính đa dạng, công bằng, và hòa nhập (DEI).
Robot và AI giờ đây có thể giải quyết nhiều nhiệm vụ trước đây được thực hiện bởi những nhân viên có tay nghề thấp. Các vị trí này bao gồm các vị trí ở cấp độ mới vào nghề, cũng như các vai trò về dịch vụ khách hàng, dịch vụ ăn uống, bán lẻ, và thu ngân. Ngoài ra, AI có thể thực hiện tới 20% công việc hành chính — bao gồm các nhiệm vụ như thu thập và phân tích dữ liệu, thuyết trình, đào tạo, và giải quyết giấy tờ.
Theo một số ước tính, có tới 27% tổng số việc làm ở các quốc gia phát triển có nguy cơ bị AI thay thế trong tương lai gần. Đến năm 2030, dự kiến có tới 30% tổng số giờ làm việc ở Hoa Kỳ có thể được tự động hóa. Một khi những công việc này bị loại bỏ, mà các công ty vẫn duy trì được mức sản lượng như cũ, thì Tòa Bạch Ốc có thể tuyên bố đã cải thiện năng suất và xây dựng được một nền kinh tế tốt hơn.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times