NASA công bố phi hành đoàn cho chuyến bay quanh Mặt trăng năm 2024
Hôm 03/04 tại Houston, NASA và Cơ quan Quản lý Vũ trụ Canada đã giới thiệu nhóm phi hành gia quốc tế sẽ thực hiện chuyến bay vào vũ trụ có người lái đầu tiên quanh mặt trăng sau hơn 50 năm.
Vào năm 2024, ba người Mỹ và một người Canada sẽ bay lên mặt trăng và quay trở lại trên tàu Artemis II — chuyến bay dự bị thứ hai trước một cuộc đổ bộ lên mặt trăng được dự tính vào năm 2025.
Đại úy Hải quân Hoa Kỳ G. Reid Wiseman được giao phó làm chỉ huy của Artemis II, và Đại úy Hải quân Victor Glover Jr. là phi công của sứ mệnh này. Kỹ sư Hoa Kỳ kiêm phi hành gia kỳ cựu Christina Hammock Koch và Đại tá Jeremy Hansen của Cơ quan Vũ trụ Canada, một cựu phi công chiến đấu, là các chuyên gia của chuyến bay.
Ông Hansen sẽ là người đầu tiên không phải người Mỹ rời quỹ đạo Trái đất để bay lên mặt trăng.
Quản trị viên NASA Bill Nelson và ông Francois-Philippe Champagne, Bộ trưởng Bộ Đổi mới, Khoa học, và Công nghiệp Canada, đã trình bày thông báo này tại Ellington Field, thuộc Trung tâm Vũ trụ Johnson ở Houston.
Trong số hàng trăm người có mặt để chứng kiến buổi thông báo giống như cuộc tập hợp để cổ vũ tinh thần này có Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas) cùng các Dân biểu Sheila Jackson Lee (Dân Chủ-Texas), Brian Babin (Cộng Hòa-Texas), và Lizzie Fletcher (Dân Chủ-Texas), cũng như khoảng 40 phi hành gia Mỹ, Canada, Nhật Bản, và hàng chục em học sinh ở khu vực Houston.
Ông Nelson nói, “Chúng tôi chọn quay trở lại mặt trăng và sau đó lên sao Hỏa. Và chúng tôi sẽ cùng nhau thực hiện điều đó bởi vì, trong thế kỷ 21, NASA khám phá vũ trụ cùng với các đối tác quốc tế.”
“Chúng tôi sẽ khám phá kiến thức và sự hiểu biết mới. Chúng tôi luôn mơ ước về những gì ở phía trước. Tại sao? Bởi vì điều đó nằm trong gene của chúng tôi.”
Nỗ lực hợp tác
Theo trang web của NASA, chương trình Artemis là một nỗ lực chung do Hoa Kỳ dẫn đầu với sự tham gia của Cơ quan Vũ trụ Âu Châu, Cơ quan Thám hiểm Hàng không vũ trụ Nhật Bản, Cơ quan Vũ trụ Canada, và hàng chục công ty tư nhân nhằm quay trở lại mặt trăng để khám phá khoa học, lợi ích kinh tế, và truyền cảm hứng cho một thế hệ mới các nhà thám hiểm.
Sứ mệnh Artemis I đã phóng thành công một tàu vũ trụ không người lái lên quỹ đạo mặt trăng và quay trở lại trong khoảng thời gian từ ngày 16/11 đến ngày 11/12/2022.
Artemis II sẽ đưa phi hành đoàn gồm bốn nhà du hành vũ trụ quanh mặt trăng và kiểm tra các hệ thống của con tàu này nhằm chuẩn bị cho việc thành lập một trạm căn cứ lâu dài trên bề mặt mặt trăng. Mục tiêu cuối cùng của chương trình này là tạo thuận lợi cho sứ mệnh đưa con người lên sao Hỏa.
Lockheed Martin, Boeing, Northrop Grumman, SpaceX, Blue Origin, Dynetics và Aerojet, cùng với một loạt các công ty khác, đang chế tạo các thành phần chính của các hệ thống sứ mệnh hiện tại và tương lai, bao gồm Hệ thống Phóng Không gian, khoang không gian Orion, nền tảng không gian, và trạm căn cứ trên mặt trăng đã được trù định.
Phi hành đoàn nhiệt thành
Ông Wiseman, 47 tuổi và là kỹ sư trưởng của Trạm Không gian Quốc tế (ISS) từ tháng 05/2014 đến tháng 11/2014, đã dành hơn 165 ngày trong không gian và đi bộ ngoài không gian trong 13 giờ. Ông cũng từng là trưởng văn phòng phi hành gia của NASA từ năm 2020 đến năm 2022.
Ông Wiseman nói, “Có ba từ mà chúng tôi hay nói trong chương trình Artemis và đó là, ‘We are going!’ (Chúng tôi sẽ đi!).”
Ông Glover, 46 tuổi, đã lái phi thuyền SpaceX Crew-1 của NASA, đáp xuống hồi tháng 05/2021 sau 168 ngày trong không gian. Ông đã từng là một kỹ sư chuyến bay trên ISS và đã thực hiện bốn chuyến đi bộ ngoài không gian. Ông ví các nhiệm vụ của Artemis giống như một người tham gia trong cuộc chạy tiếp sức khám phá không gian.
Ông nói: “Có thể quý vị thường nghe mọi người nói rằng chuyến bay vào vũ trụ của con người là một cuộc chạy marathon chứ không phải chạy nước rút.”
“Chuyến bay vào vũ trụ của con người giống như một cuộc chạy tiếp sức. Và cây gậy chỉ huy đó đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và từ thành viên phi hành đoàn này sang phi hành đoàn khác,” ông nói, nhớ lại các chương trình khác nhau trong lịch sử các chuyến bay vào vũ trụ.
“Và chúng tôi hiểu vai trò của mình trong đó,” ông Glover nói. “Và khi chúng tôi vinh dự có được chiếc gậy chỉ huy này, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức thực hiện một cuộc đua tốt để khiến quý vị cảm thấy hãnh diện.”
Ông Hansen, 47 tuổi, nắm trong tay bằng khoa học vũ trụ và vật lý tại Đại học Quân sự Hoàng gia Canada. Hồi năm 2009, ông đã được Chiến dịch Tuyển dụng Phi hành gia Canada lựa chọn. Ông là người Canada đầu tiên lãnh đạo một lớp học phi hành gia của NASA.
Ông nói, “Bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều cảm thấy tự hào khi Hoa Kỳ có thể lựa chọn tự mình quay trở lại mặt trăng. Tuy nhiên, nước Mỹ đã đưa ra một lựa chọn rất thận trọng trong nhiều thập niên để tuyển chọn một nhóm toàn cầu. Và theo định nghĩa của tôi, đó là sự lãnh đạo thực sự.”
Bà Koch, 44 tuổi, là một kỹ sư về chuyến bay trên ISS và giữ kỷ lục là người phụ nữ ở ngoài không gian trong khoảng thời gian liên tục lâu nhất, 328 ngày.
Bà Koch nói, “Đó sẽ là một cuộc hành trình kéo dài bốn ngày với một phần tư triệu dặm. Tiếp tục kiểm tra kỹ lưỡng từng phần của tàu Orion vốn đang di chuyển vòng quanh phía mặt tối của Mặt Trăng, hướng về Trái Đất sau đó đi xuyên qua bầu khí quyển của Trái đất với tốc độ hơn 25,000 dặm một giờ (40,000 km một giờ) rồi lao xuống Thái Bình Dương. Thế thì tôi có hào hứng không? Tất nhiên là có rồi!”
“Tuy nhiên câu hỏi thực sự của cô là các em có hào hứng không?” bà hỏi các em học sinh đang tham dự buổi thông báo. “Tôi gặp các em, và tôi đã hỏi như vậy bởi vì một điều tôi vui mừng nhất là chúng tôi sẽ mang theo sự phấn khích, khát vọng, các ước mơ của các em trong sứ mệnh này.”
Bị chỉ trích về chi phí
Hệ thống Phóng Không gian của NASA, hỏa tiễn cung cấp năng lượng cho tàu vũ trụ Artemis I và II, đã bị chỉ trích vì có chi phí cao, hơn 23 tỷ USD trong 12 năm, và được các nhà phê bình gọi là “Hệ thống Phóng Thượng viện.”
Việc phóng Artemis I đã bị hủy bỏ hai lần trước nỗ lực thành công hồi tháng 11/2022. Những lần trì hoãn này là do một lần bộ phận đọc nhiệt độ động cơ bị lỗi và một lần rò rỉ khí hydro.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times