Nam Hàn tìm cách ngăn chặn sự can thiệp của ĐCSTQ vào các cuộc bầu cử địa phương
Tại Nam Hàn, người Trung Quốc nắm trong tay hơn 80% phiếu bầu của người ngoại quốc
Các nhà hoạch định chính sách Nam Hàn đang xem xét siết chặt quyền bỏ phiếu của người ngoại quốc trong các cuộc bầu cử địa phương sau những lo ngại về ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Vào hôm 06/12, ông Kweon Seong-dong, một thành viên của Đảng Quyền lực Quốc dân Nam Hàn, đã bày tỏ lo ngại về sự can thiệp của ĐCSTQ vào các cuộc bầu cử ở Úc và Canada, vốn kích khởi các vấn đề ngoại giao, đồng thời lo ngại một tình huống tương tự có thể xảy ra ở Nam Hàn.
Ông Kweon viết trên trang Facebook của mình, “Để duy trì và vận hành một hệ thống dân chủ tự do, thì hệ thống bầu cử không được lợi dụng một cách ác ý.” Ông cũng là cộng sự thân cận của tổng thống Yun Seok-yeol.
Hôm 05/12, ông Kweon trình lên Quốc hội một dự luật mang tên Bầu cử Công bằng theo Nguyên tắc Có đi có lại. Dự luật này đề nghị chỉ cấp quyền bầu cử địa phương cho người ngoại quốc đã sống ở Nam Hàn ít nhất 5 năm sau khi có hộ khẩu thường trú, và quốc gia sở tại của những người ngoại quốc này phải cấp quyền bầu cử tương tự cho người Nam Hàn cư trú ở đó.
Nếu dự luật này được thông qua, dự kiến có tới 100,000 người Trung Quốc sống ở Nam Hàn sẽ không đủ tư cách bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử địa phương. Theo nguyên tắc có qua có lại giữa các quốc gia, Nam Hàn không thể cho người Trung Quốc ở Nam Hàn quyền bầu cử vì Trung Quốc không cho phép người Nam Hàn sinh sống ở Trung Quốc bỏ phiếu.
Dữ liệu của Ủy ban bầu cử trung ương cho thấy trong số hơn 120,000 cử tri ngoại quốc trong cuộc bầu cử địa phương hôm 01/06 năm nay, khoảng 100,000 người là người Trung Quốc, một tỷ lệ khá cao là 83%.
Kể từ năm 2005, người ngoại quốc có hộ khẩu thường trú tại Nam Hàn được quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử địa phương, chẳng hạn như bầu cử thị trưởng, thống đốc, thành viên hội đồng địa phương, và các quan chức khác, sau ba năm cư trú tại Nam Hàn, theo quy định của Nam Hàn về thông lệ bầu cử.
‘Vi phạm nguyên tắc có qua có lại’
Hầu hết công dân Nam Hàn ở ngoại quốc không có quyền bầu cử ở quốc gia nơi họ sinh sống. Ông Kweon nói: “Ở các quốc gia cộng sản như Trung Quốc, rõ ràng là càng không thể bỏ phiếu, còn Hoa Kỳ và Vương quốc Anh chỉ trao quyền bầu cử cho công dân của họ.”
Ông chỉ ra rằng luật bầu cử công khai hiện hành của Nam Hàn “vi phạm nguyên tắc có qua có lại giữa các quốc gia.”
Trước đó vào hôm 1/12, Bộ trưởng Tư pháp Han Dong-hoon đã nêu lên sự cần thiết phải sửa đổi hệ thống quyền bầu cử cho người ngoại quốc trong các cuộc bầu cử địa phương, nói rằng “việc trao cho người ngoại quốc quyền bầu cử mà không xem xét nguyên tắc có qua có lại có thể bóp méo dư luận.”
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Nam Hàn The JoongAng hôm 05/12, ông Han nói, “Tôi nghĩ việc thể hiện tính có đi có lại trong các quy định về quyền bầu cử của người ngoại quốc là vì lợi ích quốc gia và hợp lẽ thường.”
Có hai cách để hiện thực hóa nguyên tắc có đi có lại về quyền bầu cử của người ngoại quốc ở Nam Hàn. Cách rõ ràng nhất là sửa đổi luật bầu cử công khai, như một số quốc gia hải ngoại đã làm, để từ chối quyền bầu cử của thường trú nhân ngoại quốc. Nhưng điều này chỉ có thể đạt được thông qua luật của quốc hội.
Từ năm 2020, Nam Hàn bùng phát làn sóng bài trừ chủ nghĩa cộng sản khi hơn 210,000 người dân Nam Hàn kiến nghị với chính phủ cựu Tổng thống Moon Jae-in, yêu cầu không cho thường trú nhân Trung Quốc quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử địa phương, với lý do cư dân Trung Quốc chiếm đa số 80% quyền bỏ phiếu của người ngoại quốc, điều này có nghĩa là “mở một cơ hội cho Trung Quốc [ĐCSTQ] tham gia vào các cuộc bầu cử ở Nam Hàn,” những người thỉnh nguyện cho biết.
Tuy nhiên, chính phủ ông Moon Jae-in đã bác bỏ bản kiến nghị này với lý do hệ thống bầu cử phải tuân theo “tính phổ quát của nền dân chủ”.
Ngoài ra, một cách khác để áp dụng nguyên tắc có qua có lại về quyền bỏ phiếu của người ngoại quốc là sửa đổi Đạo luật Kiểm soát Nhập cư, trong đó sẽ đưa ra nhiều hạn chế hơn đối với quyền bỏ phiếu của thường trú nhân ngoại quốc. Đây cũng là trường hợp liên quan đến luật pháp cần phải đề xướng một dự luật lên Bộ Tư pháp.
Phương Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times