Tình báo Nam Hàn phát hiện hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc liên quan đến các trang web giả mạo
Theo Cơ quan Tình báo Quốc gia Nam Hàn, các công ty tuyên truyền của Trung Quốc đã tạo ra hàng chục trang tin giả mạo bằng tiếng Hàn.
Khi cuộc bầu cử Quốc hội của Nam Hàn đang ngày càng đến gần hơn, cơ quan tình báo nước này đã phát hiện ra một hoạt động bí mật của các công ty tuyên truyền của Trung Quốc. Các công ty truyền thông này bị nghi ngờ thiết lập 38 trang web giả mạo bắt chước các hãng truyền thông Nam Hàn, trong một nỗ lực nhằm kích động chủ nghĩa thân Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và quan điểm chống Mỹ trong dư luận.
Cơ quan Tình báo Quốc gia Nam Hàn (NIS), phối hợp với các công ty an ninh địa phương, đã phát hiện ra các trang web này vào ngày 13/11. NIS cho biết, các cuộc điều tra cho thấy hai công ty Trung Quốc, giả dạng là các cơ quan truyền thông Nam Hàn, đã vận hành các trang web này để truyền bá nội dung tin tức bóp méo sự thật ở Nam Hàn. Cơ quan này nhấn mạnh mưu đồ ác ý đằng sau các hoạt động đó, cho biết mục đích của họ là thao túng dư luận.
Một báo cáo chi tiết của cơ quan này đã phơi bày vai trò của hai công ty quan hệ công chúng Trung Quốc trong chiến dịch truyền bá thông tin sai lệch nói trên. Hai công ty là Hải Mại (Haimai) và Hải Tấn (Haixun) đã xây dựng các trang web truyền thông có tên và địa chỉ miền gần giống với các tổ chức tin tức hợp pháp của Nam Hàn. Họ đã xuất bản lại bất hợp pháp nội dung tin tức của Nam Hàn và tuyên bố sai sự thật rằng họ là thành viên của Hiệp hội Tin tức Kỹ thuật số Nam Hàn.
Các trang web ngụy tạo này bao gồm “Seoul Press” (seoulpr.com), “Busan Online” (busanonline.com) và “Chungcheong Times” (cctimes.org), không chỉ đăng tải trái phép các bản tin của truyền thông Nam Hàn mà còn phổ biến những nội dung thiên vị tán dương ĐCSTQ và chỉ trích sự tham gia của Nam Hàn trong Hội nghị thượng đỉnh vì Dân chủ.
Đây không phải là trường hợp cá biệt. NIS đã tham khảo một báo cáo của công ty an ninh mạng Mandiant của Mỹ, trong đó nêu ra các hành vi dối trá tương tự của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng đến dư luận toàn cầu. Báo cáo tháng 08/2022 của Mandiant nêu chi tiết việc Hải Tấn tạo ra 72 trang web tin tức giả mạo, bao gồm cả các trang tiếng Hàn, để tuyên truyền quan điểm của ĐCSTQ.
Trong lịch sử, các chiến thuật lừa đảo như vậy chủ yếu nhắm vào các quốc gia phương Tây, nhưng những diễn biến gần đây cho thấy sự chuyển hướng tập trung sang Nam Hàn. Nội dung sai sự thật từ các trang web giả mạo hiện đang được phát tán tràn lan qua nhiều kênh truyền thông xã hội khác nhau. Đáp lại, chính phủ Nam Hàn đang thực hiện một số hành động để ngăn chặn các trang web này.
Trong một vụ việc liên quan hồi tháng Mười, hoạt động trực tuyến đáng ngờ đã được ghi nhận trong trận tứ kết túc cầu nam Đại hội thể thao châu Á Hàng Châu giữa Nam Hàn và Trung Quốc. Một số lượng đáng kể các lời cổ vũ giả mạo trực tuyến dành cho đội Trung Quốc đã xuất hiện trên Daum, một cổng thông tin điện tử lớn của Nam Hàn, cho thấy ĐCSTQ có thể đã tham gia vào việc thao túng dư luận ở Nam Hàn.
Một báo cáo của nhà điều hành cổng thông tin này cho thấy vào thời gian đỉnh điểm, đội Trung Quốc đã nhận được 93.2% lượt cổ vũ trên trang cổ vũ trực tuyến của Daum, trong khi gần 90% số lần nhấp chuột đó chỉ đến từ duy nhất hai địa chỉ IP.
Trước những tiết lộ này, các quan chức Nam Hàn đang bày tỏ lo ngại về sự can thiệp của ngoại quốc vào cuộc bầu cử sắp tới của họ. Sau biến cố Daum hồi tháng Mười, ông Park Sung-Joong, một thành viên của Đảng Quyền lực Quốc dân cầm quyền của Nam Hàn, đã cảnh báo về sự thao túng có thể xảy ra của ngoại quốc trong tiến trình bầu cử tương lai.
Ông Han Mino, đại diện của Chiến dịch Sự thật về Viện Khổng Tử, nói với The Epoch Times rằng chiến thuật của ĐCSTQ đối với Nam Hàn là “ngây thơ và thiếu tôn trọng.”
Với cuộc bầu cử lập pháp dự kiến diễn ra vào tháng Tư năm sau và Đảng Dân Chủ cánh tả, thân ĐCSTQ của Nam Hàn chiếm đa số trong Quốc hội, ngày càng có nhiều lo ngại về ảnh hưởng của ngoại quốc.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times