Nam Hàn tái khởi động việc xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân
Hôm 05/07, Nam Hàn thông báo nước này sẽ khởi động lại công việc xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân và tiếp tục vận hành những lò đã đang hoạt động rồi.
Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp, và Năng lượng Nam Hàn, hành động này được thực hiện “theo các thủ tục ra quyết định cao nhất” của chính phủ tân Tổng thống Yoon Suk-yeol .
Bộ Năng lượng cho biết việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân Shin-Hanul số 3 và số 4 sẽ giúp đạt được mục tiêu tăng điện hạt nhân trong sản xuất điện của Hàn Quốc lên 30% hoặc hơn vào năm 2030. Điện hạt nhân hiện chiếm khoảng 27% trong số các loại năng lượng của quốc gia này. Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, Nam Hàn hiện có 25 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động.
Hôm 05/07, Bộ Năng lượng cho biết họ cũng sẽ nghiên cứu cách xử lý “chất thải phóng xạ mức độ cao”.
Ông Yoon, người nhậm chức hôm 10/05, đã hứa sẽ thúc đẩy việc đầu tư vào ngành công nghiệp hạt nhân và phục hồi vị thế của ngành này như một nhà xuất cảng chủ chốt với các lò phản ứng hạt nhân an toàn. Các công ty năng lượng ở Nam Hàn đã và đang mở rộng hoạt động kinh doanh năng lượng hạt nhân sau khi ông Yoon hứa sẽ tăng các nhà máy điện hạt nhân.
Việc đẩy mạnh năng lượng hạt nhân cho thấy sự đảo ngược chính sách rõ ràng so với chính sách của chính phủ tiền nhiệm, do tổng thống khi đó là Tổng thống Moon Jae-in, người đã thúc đẩy loại bỏ dần điện hạt nhân trong khoảng 45 năm. Công việc xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân đã bị dừng lại kể từ năm 2017 khi ông Moon nhậm chức.
Một đợt suy thoái toàn cầu trong ngành điện hạt nhân được kích hoạt vào năm 2011 sau khi một trận động đất và sóng thần làm hư hỏng ba lò phản ứng hạt nhân ở nhà máy hạt nhân Fukushima Dai-Ichi của Nhật Bản. Tâm lý của công chúng đối với điện hạt nhân nghiêng hơn về sự thận trọng vào năm 2016 sau khi một trận động đất lớn 5.8 độ richter tấn công khu vực đông nam của bán đảo Triều Tiên, nơi có hầu hết các nhà máy hạt nhân của quốc gia này.
Xuất cảng điện hạt nhân
Ngoài việc tái khởi động xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân, Bộ Năng lượng Hàn Quốc cho biết họ có kế hoạch xuất cảng 10 nhà máy hạt nhân vào năm 2030 và cũng phát triển một loại lò phản ứng mô-đun nhỏ với vốn đầu tư 300 triệu USD vào cùng năm đó.
Ông Yoon và các quan chức khác gần đây đã đến Âu Châu để tham dự các hội nghị thượng đỉnh G-7 và NATO, nơi ông Yoon đã quảng bá năng lượng hạt nhân của Hàn Quốc trong các cuộc họp với các quan chức của Ba Lan và Cộng hòa Séc, cả hai nước này đều đang tìm kiếm nhà thầu cho các nhà máy điện hạt nhân mới của họ.
Ông Choi Sang-mok, Thư ký tổng thống cấp cao của Hàn Quốc về các vấn đề kinh tế, nói với các phóng viên trong cuộc họp báo hôm 28/06 rằng: “Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để giành được các đơn đặt hàng cho các nhà máy điện hạt nhân đối với các nước, bao gồm Ba Lan và Cộng hòa Séc, nơi mà việc lựa chọn nhà thầu sắp diễn ra.”
“Trong 5 năm qua, chúng ta đã chứng kiến một tình huống mâu thuẫn ở chỗ trong nước thì, chúng ta đang tìm cách phi hạt nhân hóa, nhưng ngoại quốc thì, chúng ta lại đang theo đuổi việc xuất cảng các nhà máy điện hạt nhân,” ông cho biết, ý nói đến chính sách của chính phủ tổng thống Moon. “Ngành công nghiệp hạt nhân gần như đã trên bờ vực sụp đổ, nhưng hiện giờ chúng tôi dự định phục hồi lại việc xuất cảng điện hạt nhân.”
Khởi động lại việc xây dựng các lò phản ứng và xuất cảng điện hạt nhân là một phần của kế hoạch mà Bộ Năng lượng Nam Hàn đã chia sẻ hôm 05/07 nhằm đạt được các mục tiêu chính sách về bảo đảm an ninh năng lượng và đạt được “mục tiêu trung hòa carbon” trong bối cảnh áp lực của chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu.
Bộ Năng lượng cho biết họ cũng tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nhập cảng nhiên liệu hóa thạch từ 81.8% trong năm 2021 xuống còn 60% vào năm 2030. Bộ này cũng lưu ý rằng việc loại bỏ dần than, một loại nhiên liệu hóa thạch, phải được thực hiện một “cách có lý trí” và xem xét các điều kiện cung và cầu.
Nam Hàn là nhà nhập cảng dầu lớn thứ tư thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ, và Nhật Bản, theo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Nam Hàn thuộc sở hữu nhà nước, trong khi Tập đoàn Khí đốt Nam Hàn thuộc sở hữu nhà nước của họ là công ty mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới, theo một phát ngôn viên của Tập đoàn Khí đốt Nam Hàn.
Cô Mimi Nguyen Ly là một phóng viên sống và làm việc tại Úc, đưa tin về thời sự thế giới với trọng tâm là tin tức Hoa Kỳ. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].