Nam Hàn gia nhập Liên minh An ninh Khoáng sản nhằm kiềm chế sự thống trị của Trung Quốc
Nam Hàn tuyên bố tham gia vào Hiệp định Đối tác An ninh Khoáng sản (MSP) do Hoa Kỳ dẫn đầu để cắt giảm sự phụ thuộc nặng nề của nước này vào việc nhập cảng khoáng sản và nguyên liệu thô của Trung Quốc.
Thông báo gia nhập MSP được đưa ra ngay sau quyết định của Nam Hàn hồi tháng Năm về việc tham gia vào Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) do Hoa Kỳ dẫn đầu.
IPEF vạch ra các ưu tiên chính của Hoa Kỳ nhằm liên kết với các đồng minh và đối tác để cạnh tranh hiệu quả hơn với Trung Quốc cộng sản trong cuộc đua dẫn đầu các tiêu chuẩn và phát triển công nghệ toàn cầu.
Hôm 15/06, Bộ Ngoại giao Seoul cho biết rằng quyết định của nước này về việc tham gia MSP là một phương sách tiếp nối [hành động tại] hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Nam Hàn hồi tháng Năm cũng như để “mở đường cho quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng.”
MSP là một liên minh quốc tế nhằm bảo đảm một chuỗi cung ứng khoáng sản đa dạng và ổn định. Các quốc gia thành viên bao gồm Hoa Kỳ, Nam Hàn, Canada, Nhật Bản, Đức, Vương quốc Anh, Ủy ban Âu Châu, Phần Lan, Pháp, Úc, và Na Uy.
Sự hợp tác này được nhiều người coi là một nỗ lực nhằm kiềm chế sự thống trị của Trung Quốc trên thị trường khoáng sản quan trọng.
Các kim loại quan trọng bao gồm coban, đồng, kim loại quý, niken, uranium, lithium, magiê, và nhiều loại khác. Chúng là nguyên liệu thô được sử dụng trong các ngành công nghiệp quan trọng như chất bán dẫn, viễn thông, điện toán, hàng không vũ trụ, quốc phòng, và pin xe điện.
Vì Trung Quốc kiểm soát hơn hai phần ba sản lượng nguyên tố đất hiếm trên toàn cầu, vốn là thành phần không thể thiếu đối với các công nghệ hiện đại, nên việc cắt giảm nguồn cung cấp đó sẽ gây thiệt hại đáng kể cho các nền kinh tế khác.
Trong nhiều trường hợp, Bắc Kinh đã vũ khí hóa sự thống trị của mình trên thị trường khoáng sản bằng cách đe dọa sẽ cắt nguồn cung cấp cho các quốc gia khác.
Ví dụ, vào năm 2010, Bắc Kinh đã chặn xuất cảng sản phẩm đất hiếm của mình sang Nhật Bản do tranh chấp kéo dài về quyền kiểm soát các đảo không có dân sinh sống ở Biển Hoa Đông, sau một cuộc đụng độ nảy lửa giữa các tàu của lực lượng tự vệ hải quân Nhật Bản và tàu cá của Trung Quốc.
Nhật Bản không những không từ bỏ yêu sách chủ quyền của mình đối với những hòn đảo đó trong bối cảnh căng thẳng [giữa hai nước], mà còn chủ động cảnh báo các quốc gia khác về hoạt động thương mại không đáng tin cậy của Trung Quốc, bao gồm cảnh báo gần đây từ Đại sứ Nhật Bản tại Úc, ông Yamagami Shingo, khi Bắc Kinh áp dụng chiến thuật tương tự bằng cách áp đặt hạn ngạch và thuế quan lớn đối với hàng hóa của Úc vào Trung Quốc. Hành động của Bắc Kinh được đưa ra sau khi Úc kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch COVID-19.
Để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, hồi tháng Ba, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để thúc đẩy sản lượng lớn hơn đối với các khoáng sản quan trọng ở Hoa Kỳ.
Việc Nam Hàn trở thành thành viên của MSP là một biện pháp khác của chính phủ ông Yoon Suk-yeol nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc sau khi tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) do Hoa Kỳ lãnh đạo.
Vì Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của nước này trong hơn một thập niên qua, nên Nam Hàn đã cố gắng duy trì hầu hết các mối liên hệ kinh tế hài hòa giữa hai cường quốc này.
Tuy nhiên, dưới sự cai trị của chính phủ mới, Seoul đã có một bước chuyển mình rõ ràng trong việc củng cố hợp thương với Hoa Thịnh Đốn thay vì Bắc Kinh.
Sự thay đổi này dường như được thúc đẩy bởi chuỗi cung ứng toàn cầu bất ổn của nước này gây ra, vốn là kết quả của dịch bệnh và các mối đe dọa ngày càng tăng đối với kinh tế và an ninh quốc gia của nước này.
Một phân tích gần đây do Liên đoàn Các ngành Công nghiệp Nam Hàn (FKI) công bố cho thấy 75% hàng nhập cảng chính của Nam Hàn đều đến từ Trung Quốc.
Nghiên cứu trên đã phân tích sự phụ thuộc về nhập cảng của Nam Hàn vào Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Nhật Bản, những quốc gia chiếm 90% kim ngạch nhập cảng của đất nước này. Danh mục “hàng nhập cảng chính” được chỉ định cho 228 mặt hàng nằm trong top 30% giá trị dollar nhập cảng.
Nghiên cứu cho thấy 172 trong số 228 mặt hàng (75.5%) đến từ Trung Quốc, 32 mặt hàng (14%) đến từ Nhật Bản, và 24 mặt hàng (10.5%) từ Hoa Kỳ.
Một số mặt hàng nhập cảng chính từ Trung Quốc bao gồm “thiết bị điện tử, máy móc, máy điện toán, thép, các hợp chất hữu cơ và vô cơ, thủy tinh, sản phẩm y tế, và nguyên liệu thô công nghiệp như kim loại màu.”
“Các ví dụ nổi bật về nhập cảng của Trung Quốc bao gồm mangan, chất tối quan trọng đối với sản xuất thép; than chì, là vật liệu cực dương cho ắc quy xe điện thiết yếu; và magiê, tối quan trọng trong sản xuất xe hơi hạng nhẹ.”
Năm ngoái, sự thiếu hụt urê do Trung Quốc cung cấp đã đe dọa làm tê liệt hoạt động kinh tế ở Nam Hàn. Trong số các ứng dụng khác, urê được sử dụng để cắt giảm lượng khí thải trong các phương tiện chạy bằng dầu diesel và sản xuất phân bón.
Vào giữa tháng Mười (2021), Trung Quốc đã giảm xuất cảng urê do thiếu than, khiến Nam Hàn rơi vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc khi gần 4 triệu phương tiện diesel của nước này không thể hoạt động nếu không có urê, khiến ngành hậu cần của nước này rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Sự kiện này cho thấy Nam Hàn phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc đối với các mặt hàng thiết yếu mà nước này cần để duy trì hoạt động kinh doanh như bình thường. Kể từ đó, các ngành công nghiệp lớn của Nam Hàn đã bắt đầu đẩy nhanh kế hoạch xây dựng các cơ sở sản xuất đa dạng trên toàn thế giới.
Cô Lisa Bian là một nhà văn của The Epoch Times sinh sống tại Nam Hàn. Cô chuyên viết về xã hội, văn hóa của nó, và các mối quan hệ quốc tế của nước này.