Mục tiêu của ông Trump: Nhà nước giám sát
Chứng kiến đất nước thân yêu của mình đang rơi vào tình trạng sa sút, năm 2015, ông Donald Trump quyết định bước vào đấu trường.
Dựa trên sự nhạy bén trong kinh doanh của mình, ông đã nhận diện chính xác các vấn đề của Hoa Kỳ trong và ngoài nước, đồng thời bắt tay vào khắc phục. Ông gọi dự án của mình là Làm cho Nước Mỹ Vĩ đại Trở lại (Make America Great Again, MAGA) — và ông đã làm đúng như vậy.
Ông đã cho phép mở rộng khai thác năng lượng của Mỹ và giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp trong lịch sử. Ông đã bảo vệ được biên giới phía nam và có một khởi đầu thuận lợi — bất chấp sự phản đối dữ dội — với một bức tường biên giới vô cùng cần thiết. Ông đã bổ nhiệm hàng trăm thẩm phán liên bang, trong đó có ba thẩm phán Tối cao Pháp viện, những người đóng một vai trò quan trọng trong việc lật ngược án lệ Roe kiện Wade.
Ở hải ngoại, ông từ chối tham gia vào các cuộc chiến tranh vô nghĩa, thay vào đó nhắm vào kẻ thù chính của Mỹ, Trung Quốc cộng sản, bằng thuế quan và các biện pháp khác. Ông thúc ép các đồng minh tài trợ nhiều hơn cho quốc phòng của họ, kiểm soát Nga, tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo, và làm trung gian cho Hiệp định Abraham giữa Israel và một số quốc gia Ả Rập.
Những thành tích này càng ấn tượng hơn vì được hoàn thành trong giai đoạn vô cùng căng thẳng. Kể từ thời điểm ông Trump tuyên bố tranh cử, đã có những người âm mưu chống lại ông một cách bất hợp pháp. Ngay từ đầu, vị tổng thống (TT) thứ 45 của Hoa Kỳ này hẳn không thể biết — không ai trong chúng ta biết — về quy mô rộng lớn của phe đảng Hoa Thịnh Đốn vốn xem ông là một mối đe dọa đối với sự cai trị liên tục của họ và có ý định tiêu diệt ông và phong trào của ông.
Đó không chỉ là những xảo ngôn do chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton lan truyền về những cuộc trao đổi bí mật giữa Nga với Trump Tower, cũng không phải chỉ có Giám đốc FBI James Comey và một vài nhân vật bất hảo tại FBI khai man trước tòa án FISA và nghe lén tổng thống sắp nhậm chức, thậm chí không chỉ là cuộc điều tra của ông Mueller về nhằm kéo dài câu chuyện lừa bịp “Thông đồng với Nga” trong hai năm rưỡi đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông, mà còn nhiều, nhiều hơn nữa, như chúng ta biết hiện nay.
Tất nhiên ông Trump đã chống trả. Ông ấy luôn luôn chống trả — đây là một trong những đức tính rất tốt của ông ấy — ngay cả khi đối mặt với những trở ngại vô cùng khó khăn. Ông lên án FBI vì nỗ lực hạ bệ một tổng thống được bầu hợp lệ. Ông chỉ trích tin tức giả, những cuộc săn lùng phù thủy đảng phái, và kiểm duyệt trên mạng xã hội. Ông kêu gọi tát cạn đầm lầy Hoa Thịnh Đốn. Nhưng trong một thời gian dài, cả ông ấy và chúng ta đều không thể thấy cách thức các mảnh ghép lại với nhau thành một bối cảnh rộng lớn hơn.
Trong nhiệm kỳ của mình, TT Barack Obama đã vũ khí hóa nhà nước giám sát (kiểu nhà nước xem sự giám sát là giải pháp cho các vấn đề xã hội phức tạp) để nhằm vào các kẻ thù chính trị của mình. Và chính nhà nước giám sát này, liên minh với Đảng Dân Chủ và RINO (những thành viên Đảng Cộng Hòa trên danh nghĩa), đã bắt đầu tiêu diệt mối đe dọa mà ông Trump đặt ra đối với sự cai trị liên tục của họ. Nỗ lực này không chỉ liên quan đến FBI và tòa án FISA khi theo dõi một tổng thống đương nhiệm, mà còn cả các cơ quan tình báo của chúng ta. CIA, giám đốc Tình báo Quốc gia, Ban An ninh Quốc gia thuộc Bộ Tư pháp, Bộ An ninh Nội địa, Cơ quan An ninh Quốc gia, và Ủy ban Tình báo Thượng viện (SSCI) đều tham gia vào nỗ lực loại bỏ ông Trump khỏi nhiệm sở và, đã thất bại trong việc đó, để bảo đảm rằng ông không thắng được nhiệm kỳ thứ hai.
Nhờ ông Elon Musk và cam kết của ông về tự do ngôn luận, giờ đây chúng ta thấy Twitter — và mạng xã hội nói chung — đã được nhà nước giám sát này vũ khí hóa như thế nào để chống lại phong trào MAGA nói chung và ông Trump nói riêng. Tuy nhiên, mục tiêu tối hậu của nhà nước giám sát này thậm chí còn tham vọng hơn: Đó là, sử dụng một cụm từ của DHS, để kiểm soát “cơ sở hạ tầng nhận thức” của Hoa Kỳ. Hoặc, như Tổng Chưởng lý Louisiana Jeff Landry đã nói một cách dễ hiểu đó là để kiểm soát chính tư duy của chúng ta.
Người ta dễ dàng nhận thấy rằng nỗ lực của nhà nước giám sát này, thông qua các “công ty con” mạng truyền thông xã hội của mình, nhằm bảo đảm rằng chỉ những quan điểm chính trị đã được chấp thuận mới có thể được nhìn thấy và chia sẻ trên mạng truyền thông xã hội, là một mối nguy hiểm chí mạng đối với quyền tự do ngôn luận. Và vì bản thân nền dân chủ phụ thuộc vào Tu chính án thứ Nhất để hoạt động, rõ ràng là chính nền Cộng Hòa đang gặp rủi ro nghiêm trọng. Thật vậy, nếu không có ai ngăn chặn nhà nước giám sát này, chắc chắn họ sẽ tìm cách áp đặt một chế độ kiểm duyệt không khác mấy so với chế độ của Trung Quốc cộng sản.
Ông Trump cũng nhận ra điều này. Đó là lý do tại sao ông ấy vừa có một trong những bài diễn văn quan trọng nhất trong cuộc đời chính trị của mình.
Trong đó, ông trình bày chính xác cách ông dự định đánh bại những cuộc tấn công như vậy vào Tu chính án thứ Nhất, vốn là những cuộc tấn công vào chính nền dân chủ Mỹ. Ông ấy gọi đó là “Sáng kiến Chính sách Tự do Ngôn luận” (được tóm tắt tại đây).
Đó là một sự tôn vinh đối với thành công của ông Trump khi đảng này đã có bước chuyển mình dứt khoát theo đường hướng của ông với các chính sách MAGA. Mỗi một ứng cử viên của Đảng Cộng Hòa nào đang định ra vị thế bản thân mình cho năm 2024 đều hứa hẹn sẽ tiếp nối những thành công của vị tổng thống thứ 45 này. Cho dù họ có thừa nhận hay không, các đối thủ tiềm năng của ông đều đang cạnh tranh để trở thành Vua MAGA Vĩ đại kế vị.
Song, như những tiết lộ của ông Musk đã làm rõ, chúng ta hiện đang trong một cuộc chiến về việc liệu nước Mỹ có tiếp tục là một quốc gia tự do hay không. Đảng Dân Chủ đã tuyên bố trong cuộc bầu cử vừa qua rằng chính nền dân chủ đang gặp nguy hiểm. Họ biết điều đó vì họ đang liên kết với nhà nước giám sát này để đe dọa nền dân chủ.
Như năm 2016, ông Trump một lần nữa đi trước một bước trong trận chiến này. Ông ấy hiểu mối đe dọa đó và sẽ chiến đấu bằng mọi nỗ lực của mình để giải tán nhà nước giám sát và bảo vệ Tu chính án thứ Nhất.
Nhà nước giám sát đó cũng hiểu điều này; đó là lý do tại sao họ tiếp tục nhắm vào ông ấy.
Các chính trị gia nào tranh cử với vị cựu tổng thống này — và họ đều là chính trị gia dù quý vị có thích họ hay không — đều hiểu rõ quyền lực to lớn mà nhà nước giám sát này nắm giữ.
Liệu có ai trong số họ sẵn sàng đối đầu với nhà nước giám sát đó giống như cách mà ông Trump hiện đã cam kết sẽ làm, đặc biệt là khi biết rằng, nếu họ làm vậy, họ sẽ phải hứng chịu cùng một kiểu tấn công ác độc, liên tục trên truyền thông và tại các tòa án mà ông Trump đã chịu đựng suốt sáu năm qua?
Hay thay vì vậy, họ sẽ lặng lẽ thỏa hiệp với nhà nước giám sát đó, vẫn duy trì quy tắc dân chủ giả hiệu đó ngay cả khi nền dân chủ trên thực tế ngày càng bị xói mòn?
Câu trả lời là: Tôi không biết.
Song, tôi biết điều này: Nền dân chủ thực sự có trên lá phiếu vào năm 2024.
Và chỉ có một người mà chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng để bảo vệ nền Cộng Hòa khỏi kẻ thù của mình.
Quý vị chắc hẳn hiểu tôi đang nói về ai rồi đó.
Ông Trump sẽ hoàn thành kế hoạch mà ông ấy đã bắt đầu vào năm 2016. Hoặc, giống như Tổng thống John F. Kennedy, vốn đã dự trù giải tán CIA khi cơ quan này bị cáo buộc ám sát ông, nhưng ông ấy đã thiệt mạng vì cố gắng làm điều đó.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times