Một số hãng truyền thông bị chỉ trích vì cổ xúy tuyên bố của Hamas về vụ nổ bệnh viện ở Gaza
Trong bối cảnh cuộc chiến Israel-Hamas bước sang tuần thứ hai, cuộc xung đột này đã không chỉ dừng lại ở bạo lực vật chất mà còn mở rộng sang một cuộc chiến thông tin. Các tổ chức thông tấn thiên tả lớn đã bị chỉ trích vì họ chấp nhận thông tin từ Gaza do Hamas kiểm soát mà không nghi ngờ gì, đưa ra quan điểm ủng hộ Hamas sau vụ nổ bệnh viện gây nhiều thương vong hôm thứ Ba (17/10).
Hamas đã ngay lập tức cáo buộc quân đội Israel ném bom Bệnh viện Ả Rập al-Ahli ở thành phố Gaza, cho rằng vụ nổ đã khiến ít nhất 500 người thiệt mạng.
Các quan chức Israel bác bỏ những tuyên bố như vậy và quy trách nhiệm cho một cuộc tấn công hỏa tiễn thất bại của nhóm Hồi giáo Jihad, một nhóm khủng bố chiến đấu cùng Hamas. Đánh giá tình báo của Ngũ Giác Đài, vốn đưa ra số người thiệt mạng là 50, đã ủng hộ cho tuyên bố của Israel.
Tuy vậy, một số tổ chức tin tức, đặc biệt là BBC, The New York Times, và CNN, đã nhanh chóng khuếch đại câu chuyện từ phía Hamas, thúc đẩy các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine đầy xúc động trên khắp thế giới, bao gồm cả tại các đại sứ quán Hoa Kỳ ở Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, và Tunisia.
Một trong những hãng truyền thông lớn bị chỉ trích gay gắt nhất là BBC. Phóng viên hãng truyền thông này thừa nhận tình hình chưa rõ ràng nhưng cho rằng Israel có thể có lỗi. Trong một bài đăng trên X, chính phủ Israel ví bản tin của BBC với tội phỉ báng máu (blood libel) — một cáo buộc kéo dài hàng thế kỷ rằng người Do Thái bắt cóc và sát hại trẻ em Cơ Đốc Giáo để dùng máu cho các nghi lễ tôn giáo.
Tờ báo của Anh cho biết: “Chúng tôi chấp nhận rằng ngay cả trong tình hình diễn biến nhanh chóng này, việc suy đoán theo cách này là sai lầm, mặc dù anh ấy không hề đưa tin rằng đó là một cuộc tấn công của Israel.”
The New York Times cũng bị mất uy tín trên mạng xã hội khi ông Elon Musk (chủ sở hữu X) gỡ bỏ huy hiệu xác thực vàng dành riêng cho trương mục của kênh truyền thông này trên X.
Người ta cho rằng hành động của ông Musk đối với tờ báo này có liên quan đến cách New York Times đưa tin về vụ nổ tại bệnh viện.
Ngay sau vụ việc, tờ New York Times đã đăng một bài với tiêu đề “Palestine cho biết cuộc không kích của Israel sát hại hàng trăm người trong bệnh viện,” kèm theo bức ảnh chụp một tòa nhà bị phá hủy nằm ở một khu vực khác của Gaza.
Sau đó, các biên tập viên của tờ New York Times đã thay đổi tiêu đề thành: “Người Palestine cho biết ít nhất 500 người tử vong trong cuộc tấn công vào bệnh viện Gaza” rồi thành: “Người Palestine cho biết ít nhất 500 người tử vong trong vụ nổ ở bệnh viện Gaza.” Tờ báo này không đưa ra thông báo chính thức về việc đính chính mà thay vào đó lặng lẽ thay đổi cách diễn đạt của bài viết ban đầu, một hành vi mà một số người dùng trên X mô tả là “chỉnh sửa lén lút.”
“Trong khoảng thời gian vài giờ, bài báo đã chuyển từ một cuộc tấn công của Israel sang một vụ nổ mơ hồ,” bà Beri Weiss, cựu biên tập viên bình luận kiêm tác giả của The New York Times, nhận xét. “Dù sự thật là gì đi nữa, cảnh báo tin tức thời sự đó — Israel nhắm mục tiêu vào một bệnh viện, khiến hàng trăm người thiệt mạng — đã được truyền đi khắp thế giới.”
Trong khi đó, một cuộc phỏng vấn của CNN với Trung tá Peter Lerner, phát ngôn viên của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), đã chuyển thành một cuộc đối đầu sau khi ông được hỏi liệu ông có “đủ” tài liệu để “bằng cách nào đó thuyết phục những người tin tưởng rằng Israel phải chịu trách nhiệm” cho thảm họa ở bệnh viện hay không.
Thất vọng trước câu hỏi, ông Lerner cáo buộc rằng mạng lưới truyền thông này không thực sự muốn có bằng chứng.
“Chúng tôi biết điều đó bởi vì chúng tôi biết rằng IDF đã không tiến hành các hoạt động trong khu vực của họ — không phải bằng đường bộ, không phải bằng đường biển và không phải bằng đường hàng không. Chúng tôi biết điều đó vì các radar của chúng tôi đã xác định được quỹ đạo của hỏa tiễn khi chúng được phóng trên bầu trời của Bệnh viện al-Ahli,” ông Lerner thất vọng nói. “Tất cả những gì quý vị cần làm là bật đài Al Jazeera lên xem, đài này đã phát sóng trực tiếp vụ phóng … họ đã phát sóng quá trình hỏa tiễn này tấn công bên trong Dải Gaza.”
“Vì vậy, nếu quý vị đang yêu cầu bằng chứng, thì quý vị không thực sự muốn bằng chứng, mà quý vị chỉ muốn bảo đảm rằng quý vị có một bản tin,” ông lập luận, một ý kiến mà bà Becky Anderson của CNN phản đối gay gắt.
“Xin đừng ám chỉ rằng chúng tôi không cố gắng xác định sự thật, bởi vì đó chính xác là những gì chúng tôi đang làm,” bà nói với thành viên IDF này. “Tôi đang đưa tin những gì mà người khác — những gì mà người Palestine đang yêu cầu.”
Thanh Nhã lượt dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times