Một người đàn ông Mỹ nói giọng Ireland sau khi bị ung thư tuyến tiền liệt
Giải thích về Hội chứng giọng nước ngoài (Foreign accent syndrome)
Một người đàn ông Mỹ chuyển sang nói bằng ngữ điệu Ireland sau khi điều trị ung thư tuyến tiền liệt di căn. Người đàn ông này đã ngoài 50 tuổi và chưa bao giờ đến Ireland.
Mặc dù đã cố gắng nhưng người bệnh “không kiểm soát được,” tức là ông không thể ngừng nói bằng giọng Ireland. Ông tiếp tục nói như vậy cho đến khi qua đời.
Đây là lần đầu tiên một người phát triển “hội chứng giọng nước ngoài” liên quan đến chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt. Và đây chỉ là trường hợp thứ ba bị hội chứng giọng nước ngoài có liên quan đến bệnh ung thư. Hai trường hợp còn lại là ung thư vú và ung thư não.
Hội chứng giọng nước ngoài thường xảy ra do tổn thương não, chẳng hạn như đột quỵ. Đột quỵ có thể gây ra các loại rối loạn ngôn ngữ và nói khác nhau, nhưng hội chứng giọng nước ngoài là một trong những rối loạn hiếm thấy hơn.
Các nguyên nhân khác của hội chứng này là những thay đổi cấu trúc của não, chẳng hạn như khối u ung thư, viêm não (phù não), bệnh đa xơ cứng (multiple sclerosis) và rối loạn thoái hóa thần kinh như chứng mất trí.
Link video:
Một người phụ nữ bị hội chứng giọng nước ngoài chia sẻ trong chương trình This Morning, ITV.
Hội chứng này được mô tả lần đầu tiên bởi nhà thần kinh học người Pháp Pierre Marie vào năm 1907. Ông Marie đã mô tả trường hợp của một người đàn ông nói tiếng Pháp với giọng Paris vào ban đầu, nhưng sau một cơn đột quỵ, ông ấy bắt đầu nói bằng giọng địa phương ở vùng Strasbourg của Pháp.
Tính đến nay, đã có khoảng 200 trường hợp bị hội chứng giọng nước ngoài đã được báo cáo trong các nghiên cứu lâm sàng, khiến căn bệnh này trở thành một chứng rối loạn ngôn ngữ khá hiếm gặp. Có lẽ trường hợp nổi tiếng nhất là ca sĩ George Michael – đến từ Bắc London – [bắt đầu] nói bằng giọng vùng West Country trong thời gian ngắn sau khi tỉnh dậy từ cơn hôn mê do viêm phổi vào năm 2011.
Hội chứng này có thể gây khó chịu cho bệnh nhân vì họ mất đi một đặc điểm nhân cách quan trọng được thể hiện qua giọng nói của mình. Tác động này đã được báo cáo vào năm 1947 bởi nhà thần kinh học người Na Uy G. H. Monrad-Krohn. Ông đã mô tả một phụ nữ Na Uy bị chấn thương nặng ở đầu trong một cuộc ném bom vào Thế chiến thứ hai. Do tổn thương này, cô đã nói tiếng Na Uy giống như ngữ điệu của người Đức, và điều này gây ra khá nhiều rắc rối trong [bối cảnh] Na Uy thời hậu chiến.
Cô thường bị từ chối phục vụ trong các cửa hàng vì mọi người nghĩ rằng cô là người Đức. Luôn bị xem là người nước ngoài và bị hỏi về điều đó có thể rất khó chịu. Vấn đề này có thể nghiêm trọng đến mức một số bệnh nhân áp dụng những phương pháp không bình thường để được an tâm. Chúng tôi đã nghe một phụ nữ bị hội chứng này nói rằng cô ấy thích ở trong khách sạn vì việc nghe giọng nước ngoài trong môi trường khách sạn là điều rất bình thường, nên cô ấy không bị chú ý.
Các nguyên nhân tâm lý
Ngoài tổn thương hệ thần kinh trung ương, các yếu tố tâm lý cũng có thể gây ra hội chứng giọng nước ngoài như căng thẳng quá mức. Chúng tôi đã xác định “hội chứng giọng nước ngoài do tâm lý – psychogenic foreign accent syndrome” là một loại hội chứng giọng nước ngoài riêng biệt. Vào năm 2005, các nhà nghiên cứu đã liên lạc với một người nói tiếng Hà Lan bản xứ, [cô bắt đầu] nói giọng Pháp đặc sệt và kéo dài sau khi trải qua cơn căng thẳng trầm trọng do suýt bị ô tô đâm. Các cuộc điều tra chi tiết về thần kinh không phát hiện bất kỳ bất thường nào về não, nhưng các bài kiểm tra tâm lý đã xác định các vấn đề tâm lý quan trọng. Chỉ sau 10 năm, cô ấy mới hoàn toàn trở lại với giọng điệu Hà Lan gốc của mình.
Một phiên bản khác của tình trạng này là “hội chứng giọng nước ngoài hỗn hợp – mixed foreign accent syndrome.” Những bệnh nhân này lần đầu tiên nói giọng nước ngoài do tổn thương não và sau đó cố gắng thay đổi cách dùng từ của họ để nghe giống giọng người nước ngoài hơn. Điều này đã được các nhà nghiên cứu tại Đại học University of Central Florida chú ý khi họ thấy một bệnh nhân người Mỹ nói giọng Anh sau một cơn đột quỵ và bắt đầu dùng các từ vựng tiếng Anh của người Anh như lift (thay vì elevator-thang máy) và mum (thay vì mom-mẹ).
Bệnh nhân giải thích rằng để mọi người tin rằng cô ấy đến từ Anh quốc thì dễ dàng hơn là cố gắng giải thích giọng của cô là kết quả của một cơn đột quỵ. Mặc dù bệnh nhân này khăng khăng rằng cô không hữu ý dùng những từ “tiếng Anh-Anh”.
Thiên Vân biên dịch
Quý vị tham khảo chi tiết tại The EpochTimes