Một cuộc khủng hoảng của Mỹ quốc
Nền cộng hòa của Mỹ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng thực sự.
Viễn cảnh mà các công tố viên Đảng Dân Chủ đều truy tố một cựu Tổng thống ở bốn khu vực tài phán khác nhau — thành phố New York, Atlanta, Miami, và Thủ đô Hoa Thịnh Đốn — là một cảnh tượng chứa đựng mối hiểm họa to lớn đối với tương lai của nền Cộng hòa Hoa Kỳ.
Nữ tiểu thuyết gia Colleen McCullough, trong loạt tiểu thuyết xuất sắc về Caesar Đại đế và sự kết thúc của Cộng Hòa La Mã, đã mô tả về quá trình mối hiểm họa chính trị này biến thành bạo lực, tù đày, và trả đũa [như thế nào]. Caesar Đại đế cùng đội quân của mình đã băng qua sông Rubicon và đặt dấu chấm hết cho nền Cộng Hòa La Mã bởi vì ông ấy biết nếu quay trở lại thành Rome mà không có quân đội, thì ông ấy sẽ bị kẻ thù giam vào ngục.
Ông Theodore White, trong cuốn sách nhỏ nổi bật của mình có nhan đề “Caesar at the Rubicon” (Caesar bên bờ Rubicon), đã khắc họa tình thế tiến thoái lưỡng nan của việc vừa cố gắng bảo vệ nền Cộng Hòa vừa cố gắng duy trì sự tự do. Trong cuốn sách của ông White, Caesar liên tục cử các sứ giả đến đàm phán về tự do mà không cần phải động đến binh đao nhưng đã bị khước từ một cách dứt khoát. Cuối cùng, Caesar nhận ra rằng một là ông ấy có thể đầu hàng rồi hy sinh, hai là ông ấy có thể chiến đấu. Tôi và Callista đến thăm sông Rubicon tại nơi mà Caesar đã đi qua. Đó là một lời nhắc nhở sâu sắc rằng hiến pháp rất khó thiết lập, khó duy trì, và dễ bị phá hủy.
Ông Mark Levin gần đây đã nắm bắt được ý nghĩa đằng sau cuộc tấn công pháp lý đối với cựu Tổng thống Donald Trump:
“Tổng thống Trump đã 76 tuổi. Nếu Bộ Tư Pháp thành công trong vụ việc này, ông ấy sẽ qua đời trong nhà tù liên bang…. Họ không muốn chỉ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Họ muốn nắm quyền kiểm soát đất nước này. Họ muốn chế độ độc đảng, và họ đã sử dụng Bộ Tư pháp và FBI để đạt được điều họ muốn.”
Để hiểu mối đe dọa về sự sụp đổ tiềm ẩn của phép tắc cư xử và các quy trình Hiến Pháp đã trở nên nghiêm trọng như thế nào, hãy đọc bài diễn văn của Tổng thống Trump tại Bedminster vào đêm ông bị truy tố ở Miami.
Dưới đây là một số trích đoạn đầy cảnh tỉnh từ bài diễn văn này.
“[Sự việc này] sẽ không dừng lại với tôi. Họ sẽ không ngần ngại tăng cường đàn áp các tín đồ Cơ Đốc, các nhà hoạt động ủng hộ sự sống, các bậc cha mẹ tham dự các cuộc họp của hội đồng nhà trường và thậm chí cả các ứng cử viên tương lai của Đảng Cộng Hòa, điều mà họ làm. … Rất đơn giản. Họ muốn bịt miệng tôi vì tôi sẽ không bao giờ để họ bịt miệng quý vị. Họ muốn quý vị im lặng.”
Trái ngược với nỗ lực của liên minh Đảng Dân Chủ-Biden nhằm tống đối thủ nguy hiểm nhất của họ vào tù, hãy xem Tổng thống Gerald Ford đã nói gì khi ân xá cho Tổng thống Richard Nixon để tránh cuộc khủng hoảng tương tự mà chúng ta đang phải đối mặt.
Trong một bài diễn văn trên truyền hình vào ngày 08/09/1974, Tổng thống Ford đã nói:
“Tôi tin tưởng sâu sắc vào công lý bình đẳng cho tất cả người Mỹ, bất kể nơi đâu. Pháp luật, dù ở nơi con người hay thượng giới, đều đối đãi với mọi người như nhau; mà pháp luật là bảo vệ sự thật.”
“Theo tôi thấy, thực tế là một vị cựu Tổng thống Hoa Kỳ, thay vì được đối xử bình đẳng như bất kỳ công dân nào khác khi bị cáo buộc vi phạm pháp luật, thì lại bị trừng phạt một cách tàn nhẫn và thái quá để hoặc là bảo vệ giả thuyết về sự vô tội của ông ấy, hoặc là nhanh chóng xác định được tội danh của ông ấy để trả món nợ pháp lý cho xã hội.”
“Trong khoảng thời gian trì hoãn lâu dài này và có khả năng xảy ra kiện tụng, những tham vọng xấu xa sẽ lại được khơi dậy. Và người dân chúng ta sẽ lại có những ý kiến trái chiều. Và uy tín của các thể chế chính phủ tự do của chúng ta một lần nữa sẽ bị thách thức cả ở trong nước lẫn ngoại quốc.”
Vẫn chưa quá muộn để ngăn chặn mối đe dọa này đối với nền Cộng Hòa của chúng ta, nhưng đồng hồ đang đếm ngược từng tích tắc. Mối hiểm họa về sự thù địch sâu sắc và các biện pháp trừng phạt mà chính phủ sử dụng đang tăng lên mỗi ngày.
Từ Gingrich360.com
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times