PHÂN TÍCH: Câu chuyện về hai số phận pháp lý: Thỏa thuận nhận tội của ông Hunter Biden và bản cáo trạng đối với TT Trump
Nhiều tổng thống [Hoa Kỳ] đã có những thành viên gây phiền não trong gia đình của mình.
Tổng thống (TT) Jimmy Carter có người em trai là Billy Carter, thường uống bia và tiểu tiện nơi công cộng. Việc ông Billy ghi danh làm đặc vụ cho chính phủ Libya, đã dẫn đến một cuộc điều tra của Thượng viện.
Ông Roger Clinton, người em trai cùng cha khác mẹ từng bị đi tù của cựu TT Bill Clinton, được Sở Mật Vụ đặt biệt danh là “Headache” (Nhức đầu), có thể là do những trò hề như nhận một chiếc đồng hồ Rolex trị giá 50,000 USD để vận động xin ân xá cho tên trùm tội phạm Rosario Gambino.
Tiếp theo có ông Neil Bush, người đã bị điều tra, mặc dù không bị buộc tội, vì vai trò của ông trong việc làm sụp đổ khoản tiết kiệm và khoản vay trị giá 1 tỷ USD trong nhiệm kỳ tổng thống của cha ông, cố TT George H. W. Bush.
Khi ông George W. Bush là tổng thống, em trai của ông là ông Neil, đã ký một thỏa thuận tư vấn với một công ty bán dẫn. Công ty này có sự tham gia quản lý của con trai ông Giang Trạch Dân, vốn là tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và là nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc vào thời điểm đó.
Một sự khác biệt đáng kể trong trường hợp của ông Hunter Biden là nó diễn ra cùng thời điểm với các cáo buộc liên bang đối với cựu TT Donald Trump.
Các tội danh mà ông Hunter Biden bị cáo buộc sẽ được dàn xếp bằng một lời nhận tội đối với hai khinh tội về trốn thuế dẫn đến hình phạt quản chế, cộng với một tội danh sở hữu vũ khí có thể được bỏ qua thông qua một chương trình chuyển hướng.
Trong khi đó, ông Trump — đối thủ chính trị năm 2020 của ông Joe Biden và là ứng cử viên tổng thống tiềm năng vào năm 2024 — đang phải đối mặt với 37 cáo buộc trọng tội liên quan đến việc quản lý các tài liệu mật.
Thực tế là thỏa thuận nhận tội của ông Biden con được công bố chỉ một tuần sau khi ông Trump bị truy tố tại tòa án liên bang càng làm nổi bật lên sự tương phản này.
Các nhà phê bình coi những sự việc này là bằng chứng rõ ràng về tiêu chuẩn kép trong hệ thống tư pháp Hoa Kỳ. Đối với những người nắm quyền, các hành vi sai trái và thậm chí cả tội hình sự đều được chính phủ che đậy. Đồng thời, hệ thống này được sử dụng giống như một cây dùi cui để gây khó khăn, quấy rối, hoặc thậm chí bỏ tù những người chống lại người đang nắm quyền.
Những người biện hộ cho ông Hunter Biden nói rằng tình huống thực tế trong từng vụ việc và mức độ nghiêm trọng của các hành vi phạm tội bị cáo buộc là rất khác nhau, và vị công tố viên đề xướng thỏa thuận nhận tội là người từng được cựu TT Trump bổ nhiệm và TT Biden giữ lại chức vụ, để tránh dù chỉ một chút can thiệp.
Đừng bận tâm. Nhận thức về tiêu chuẩn kép có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 và, theo các chuyên gia, gần như chắc chắn sẽ làm tăng thêm sự mất lòng tin và có thể dẫn đến những thay đổi đối với Bộ Tư pháp (DOJ) trong tương lai.
Đảng Cộng Hòa nổi giận
Sau khi thỏa thuận nhận tội của ông Hunter Biden được công bố vào hôm 20/06, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Hòa đã phản ứng ngay tức thì với lời khẳng định rằng thỏa thuận này chứng minh sự tồn tại của một “hệ thống tư pháp hai tầng” tại Mỹ, vốn thường chỉ thấy ở các quốc gia khét tiếng tham nhũng.
“Cũng như hàng chục triệu người Mỹ khác, tôi lo ngại … về một hệ thống tư pháp hai tầng, giống như có một bộ quy tắc dành cho thành viên Đảng Cộng Hòa và một bộ quy tắc dành cho thành viên Đảng Dân Chủ,” cựu Phó Tổng thống Mike Pence cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 20/06.
Cựu TT Trump viết trong một bài đăng trên mạng xã hội hôm 20/06, “Một thỏa thuận ‘ngọt ngào’ cho ông Hunter [và ông Joe], khi họ tiếp tục hành trình ‘truy bắt’ Trump, đối thủ chính trị của ông Joe. Giờ đây chúng ta là một quốc gia thuộc thế giới thứ ba!”
Bà Tulsi Gabbard, cựu dân biểu của tiểu bang Hawaii, người đã rời Đảng Dân Chủ vào năm 2022, còn phản ứng gay gắt hơn.
Bà Gabbard viết trên Twitter hôm 21/06, “Mọi nền cộng hòa chuối hay chế độ độc tài đều có hệ thống tư pháp hai tầng. Những người trong ‘nhóm quyền lực’ như ông Hunter Biden, sẽ nhận được một sự khiển trách nhẹ nhàng trong khi những kẻ độc tài sử dụng lực lượng chấp pháp liên bang và các tổ chức chính phủ như biệt đội côn đồ của riêng họ, để truy lùng các đối thủ chính trị”.
Các nhà phân tích nói rằng ý tưởng đó, dù chính xác hay không, có thể tiếp thêm sức mạnh cho những lời hùng biện của Đảng Cộng Hòa trong một thời gian.
“Các ứng cử viên Đảng Cộng Hòa có thể sẽ dùng vụ việc này để thỏa sức mà chỉ trích,” nhà phân tích chính phủ và cựu sĩ quan tình báo Hải quân Matt Shoemaker nói với The Epoch Times.
“Có khả năng các ứng cử viên Đảng Cộng Hòa trên khắp đất nước sẽ đưa ra vấn đề này trong quá trình vận động tranh cử.”
Một số chuyên gia cho rằng bất chấp những lời giáo điều, rất có khả năng là thỏa thuận này của ông Hunter Biden sẽ dẫn đến một cơn mưa gây quỹ cho các thành viên Đảng Cộng Hòa, như một cách tác động lên cuộc bầu cử.
Khi được hỏi liệu thỏa thuận nhận tội của ông Hunter Biden có ảnh hưởng đến cơ hội tái đắc cử của tổng thống hay không, Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries (Dân Chủ-New York) trả lời một cách vô cảm với The Epoch Times rằng: “Không”
Ông Jeffries xoay chuyển câu chuyện, nói rằng nỗ lực luận tội ông Biden của Đảng Cộng Hòa có thể sẽ phản tác dụng. Ông nói: “Tất cả những gì mà nỗ lực này có thể mang lại là làm nổi bật lên rằng họ không có kế hoạch, không có tầm nhìn, không có nghị trình.”
Dân biểu Diana Harshbarger (Cộng Hòa-Tennessee), người vốn tin rằng thỏa thuận nhận tội thể hiện một hệ thống công lý kép, không chắc rằng điều đó sẽ làm thay đổi suy nghĩ. “Chà, quý vị biết đấy, việc này còn phải xem đã. Tôi không thể đoán trước được tương lai,” bà nói với The Epoch Times.
Nhà phân tích chính trị Andrew Lieb nói với The Epoch Times: “Thỏa thuận nhận tội của ông Hunter Biden hoàn toàn không có tác động gì đối với chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024, vì chỉ những thành viên Đảng Cộng Hòa MAGA mới thực sự bận tâm đến ông Hunter hoặc tội ác của ông ta ngay từ ban đầu.”
Ông nói thêm rằng các thành viên Đảng Dân Chủ và những người độc lập không quan tâm đến vấn đề này. Giá trị thực sự của thỏa thuận nhận tội này là để gây quỹ.
Ông Lieb nói: “Chỉ có các thành viên Đảng Cộng Hòa mới quan tâm đến thỏa thuận nhận tội, và do đó, thỏa thuận này chỉ có thể được sử dụng như một chủ đề thu hút để kích động cử tri của họ và gây quỹ.”
Thật vậy, theo một thư điện tử của chiến dịch tranh cử của ông Trump gửi cho những người ủng hộ hôm 14/06, ông Trump đã quyên góp được hơn 6.6 triệu USD sau khi có bản cáo trạng về các cáo buộc liên bang đối với ông.
Những nghi vấn được xác nhận
Tác động tức thời hơn từ thỏa thuận nhận tội này, khi được đặt bên cạnh bản cáo trạng dành cho ông Trump, là sự xác nhận niềm tin phổ biến rằng thực sự có hai tiêu chuẩn công lý ở Mỹ.
Theo bà Marie Eisenstein, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Indiana chuyên về niềm tin xã hội và tác động của niềm tin xã hội lên các cuộc bầu cử, thì nhận thức đó tồn tại trong giới chính trị.
“Có một nhận thức ở đất nước này rằng chúng ta thực sự có một hệ thống tư pháp hai tầng, và rằng tính chính thống được chấp nhận — bất kể chủ đề có thể là gì — thường thiên về cảnh tả hơn là cánh hữu,” bà Eisenstein nói với The Epoch Times.
Bà Eisenstein nói: “Và khi đó nếu quý vị đi ngược lại điều đó, rất có thể quý vị sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc về mặt chính trị, trên các kênh truyền thông và có thể cả về mặt pháp lý.
“Niềm tin ở đất nước này đang ở mức thấp nhất mọi thời đại… Chúng ta đang ít tin tưởng lẫn nhau hơn, chúng ta đang ít tin tưởng vào chính phủ của mình hơn bao giờ hết. Và tôi nghĩ một phần nguyên nhân là do chúng ta không nghĩ rằng chúng ta có trọng lượng ngang nhau trên bàn cân công lý,” bà Eisenstein bày tỏ.
Theo bà Eisenstein, nhận thức đó vượt qua các ranh giới chính trị và xã hội. Bà chỉ ra rằng nhiều người Mỹ gốc Phi Châu, những người có xu hướng tự do về chính trị, nhận thấy sự bất bình đẳng trong hệ thống tư pháp này, và nhiều tín đồ Cơ Đốc da trắng phái bảo tồn truyền thống cũng vậy.
Bà Eisenstein cho biết: “Tất cả bọn họ đều áp dụng hệ thống này cho các vấn đề khác nhau, nhưng đó là về nhận thức.”
Sửa chữa hệ thống
Có thể thấy rằng thỏa thuận nhận tội của ông Hunter Biden và bản cáo trạng đối với cựu TT Trump có tác động lâu dài lên DOJ và FBI rõ rệt hơn là ở hòm phiếu.
Xuất phát từ những vụ việc đó và sự thiếu niềm tin chung vào hệ thống tư pháp Hoa Kỳ, một số ứng cử viên đã tuyên bố sẽ có hành động khắc phục nếu đắc cử.
“Nếu tôi có vinh dự được phụng sự trở lại Tòa Bạch Ốc đó… Tôi cam đoan với quý vị, chúng tôi sẽ dọn dẹp sạch sẽ toàn bộ các cấp cao của Bộ Tư pháp và FBI,” cựu PTT Pence cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 20/06.
“Và chúng tôi sẽ tập hợp một nhóm gồm những người đàn ông và phụ nữ liêm chính được tôn trọng ở cả hai đảng vì những cống hiến của họ cho sự đối xử bình đẳng theo pháp luật.”
Thống đốc Florida Ron DeSantis cũng đưa ra cam kết tương tự ngay sau khi tuyên bố tranh cử tổng thống năm 2024.
Ông DeSantis nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 24/05, “Tôi sẽ không giữ ông Chris Wray cho vị trí giám đốc FBI. Sẽ thay một người mới ngay từ ngày đầu tiên”.
“Tôi nghĩ DOJ và FBI đã lạc lối. Tôi tin rằng họ đã được vũ khí hóa để chống lại những người Mỹ có tư tưởng như tôi và quý vị, và tôi nghĩ họ đã thiên về tính đảng phái rất nặng. Một phần lý do khiến điều đó xảy ra… là vì các tổng thống Đảng Cộng Hòa đã chấp nhận thông tin giả rằng DOJ và FBI là độc lập,” ông DeSantis nói.
“Họ không phải là các cơ quan độc lập. Họ là một phần của nhánh hành pháp. Họ phải chịu trách nhiệm trước tổng thống dân cử của Hoa Kỳ.”
Biện lý Đặc biệt John Durham gần đây đã công bố một báo cáo đánh giá của ông về cách FBI giải quyết cuộc điều tra Trump-Nga năm 2016. Ông nói rằng FBI nên thay đổi quy tắc để các đặc vụ sẽ bị sa thải khi họ nói dối để lạm dụng quyền bí mật theo dõi của chính phủ trong các cuộc điều tra.
Tuy nhiên, tất cả những điều này nói thì dễ mà làm thì khó.
Tùy thuộc vào người dân
“Theo quan điểm của tôi, khó khăn thực sự, là cố gắng tìm ra cách để buộc mọi người phải chịu trách nhiệm cho hành vi của họ. Đó không phải là một vấn đề đơn giản để giải quyết,” ông Durham nói với Ủy ban Tư pháp Hạ viện hôm 21/06.
Những nỗ lực trước đây nhằm kiểm soát trực tiếp DOJ và FBI thường có tác dụng ngược lại, khiến họ có vẻ mang nặng tính đảng phái nhiều hơn thay vì ít hơn.
Năm 1973, ở đỉnh điểm của cuộc điều tra về vụ đột nhập và che đậy Watergate, Tổng thống Richard Nixon đã ra lệnh sa thải Công tố viên Đặc biệt của vụ Watergate Archibald Cox, người đã đưa ra trát yêu cầu cung cấp những đoạn băng ghi âm các cuộc trò chuyện tại Oval Office.
Bản thân ông Trump đã bị cáo buộc can thiệp chính trị vào FBI bằng cách sa thải Giám đốc James Comey năm 2017, rõ ràng là do cách ông Comey giải quyết cuộc điều tra về nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 và thông đồng với chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Theo bà Harshbarger, cuối cùng, việc bảo đảm công lý bình đẳng phụ thuộc vào người dân Mỹ. Khi đề cập đến thỏa thuận nhận tội của ông Hunter Biden, bà nói, “Họ sẽ không làm điều đó cho quý vị và gia đình quý vị đâu. Họ cũng sẽ không làm điều đó cho tôi và gia đình tôi.”
Bản tin có sự đóng góp của Petr Svab và Reuters
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times