Mối quan hệ giữa ông Tập và Phó Chủ tịch thứ nhất Quân ủy Trung ương xuất hiện rạn nứt
Ông Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia), phó chủ tịch cao cấp của Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cho đến nay là người đã trợ giúp mạnh mẽ cho nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình bảo đảm quyền lực. Nhưng gần đây, trong số 9 tướng quân đội bị chính quyền trung ương cách chức thì có 3 người là cấp dưới cũ của ông Trương. Một chuyên gia về Trung Quốc cho rằng mối quan hệ giữa ông Tập và ông Trương đang có dấu hiệu căng thẳng.
Hôm 29/12, chính quyền Trung Quốc thông báo rằng có 9 tướng quân đội đã bị Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) cách chức, trong đó có 3 người ở cấp tướng và ít nhất 4 người ở cấp trung tướng, chủ yếu là người của Lực lượng Hỏa tiễn và Cục Phát triển Thiết bị của Quân ủy Trung ương (EDD). Thông báo chính thức không đưa ra bất kỳ lý do nào cho việc cách chức những người này.
Ít nhất 3 trong số 9 người bị cách chức có mối liên hệ với ông Trương Hựu Hiệp (trung tướng), phó chủ tịch thứ nhất Quân ủy Trung ương. Đó là các ông Trương Dục Lâm (Zhang Yulin) (trung tướng), cựu phó giám đốc EDD; ông Lữ Hoành (Lu Hong) (thiếu tướng), cựu Cục trưởng Cục Trang bị Lực lượng Hỏa tiễn; và ông Nhiêu Văn Mẫn (Rao Wenmin) (không rõ cấp bậc quân đội), người mà theo truyền thông Hồng Kông, từng giữ chức Thứ trưởng EDD trước khi bị cách chức.
Mối quan hệ căng thẳng giữa ông Tập và ông Trương
Theo ông Trần Phá Không (Chen Pokong), chuyên gia và nhà bình luận chính trị về Trung Quốc sinh sống tại Hoa Kỳ, EDD nằm dưới quyền kiểm soát của ông Trương Hựu Hiệp. Dù bản thân ông Trương vẫn chưa mất hết quyền lực nhưng việc có ít nhất 3 tướng trong số 9 tướng bị loại khỏi NPC có mối quan hệ với ông cho thấy mối quan hệ của ông với ông Tập hiện rất căng thẳng.
Trong cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 31/12, ông Trần cho biết những tướng lĩnh bị cách chức xuất hiện trong thông báo lần này là những người giữ các chức vụ trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Những người khác ngoài NPC vẫn chưa được công bố.
“Tình hình hiện tại của quân đội ĐCSTQ rất phức tạp. Không có quân chủng nào thực sự trung thành với ông Tập Cận Bình, và cũng không rõ có vị tướng nào thực sự trung thành với ông Tập Cận Bình. Vì vậy, ông Tập đang sử dụng một lực lượng này để chống lại một lực lượng kia để đạt được mục tiêu của mình. Trước đây, ông ấy sử dụng ông Trương Hựu Hiệp để chiến đấu chống lại phe của hai ông Hồ Cẩm Đào và ông Lý Khắc Cường và các phe phái khác, mục đích của ông Tập là để củng cố quyền lực. Bây giờ, ông ấy đang sử dụng ông Hà Vệ Đông (He Weidong) để chống lại ông Trương Hựu Hiệp. Tức là ông Tập đang bỏ rơi ông Trương sau khi ông Trương không còn cần thiết nữa. Hơn nữa, tại thời điểm này, ông Tập Cận Bình không còn chút niềm tin nào vào ông Trương Hựu Hiệp,” ông Trần nói.
Ông Hà Vệ Đông, phó chủ tịch Quân ủy Trung ương mới được bổ nhiệm, chịu trách nhiệm giám sát Quân Giải phóng Nhân dân (PLA), công an, và dân quân Trung Quốc, là một người thân tín khác của ông Tập.
Theo phân tích của ông Trần, ông Tập gần đây đã áp dụng hai chiến thuật để gạt ông Trương ra ngoài lề. Một là để ông Hà chủ trì công việc hàng ngày của Quân ủy Trung ương; hai là cố tình trì hoãn quá trình bổ nhiệm một bộ trưởng quốc phòng mới trong vài tháng để tránh việc ông Lưu Chấn Lập (Liu Zhenli), một người được nhiều người ủng hộ, lên nắm giữ chức vụ này.
Thay vào đó, ĐCSTQ đợi đến hôm 29/12 mới thông báo bổ nhiệm cựu Tư lệnh Hải quân Đổng Quân (Dong Jun) làm bộ trưởng quốc phòng mới, thay thế ông Lý Thượng Phúc (Li Shangfu), người đã không xuất hiện trước công chúng từ cuối tháng 08/2023.
Ông Lưu Chấn Lập là Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu. Ông là vị tướng tại ngũ trẻ nhất trong quân đội ĐCSTQ với kinh nghiệm thực tế. Ông Lưu và ông Trương đều từng tham chiến trong cuộc kháng chiến chống Việt Nam từ năm 1986 đến năm 1987, và họ phát triển từ mối quan hệ đồng đội đến mối quan hệ giữa cấp dưới và cấp trên.
“Điều này có nghĩa là ông Tập Cận Bình phải đề phòng ông Lưu Chấn Lập, và mục tiêu chính của ông Tập là ông Trương Hựu Hiệp,” ông Trần giải thích. “Điều này là do ông Đổng Quân không có chỗ dựa và không có mối liên hệ nào ở cấp cao nhất. Bộ trưởng Quốc phòng ngay từ đầu đã là một vị trí không có quyền lực hay chức năng thực sự, và không có mối liên hệ nào với Bắc Kinh, ông Đổng thậm chí còn yếu thế hơn. Ông Tập Cận Bình không dám bổ nhiệm ông Lưu Chấn Lập vì nếu xảy ra đảo chính trong quân đội, thì cả ông Lưu Chấn Lập và ông Trương Hựu Hiệp đều có khả năng và sức mạnh để hành động. Đây là hai người duy nhất ở cấp cao nhất của Quân ủy Trung ương có kinh nghiệm chiến đấu thực tế, còn những người còn lại thậm chí còn chưa từng nhìn thấy một khẩu súng bắn thật là như thế nào.”
Theo ông Trần, ông Tập không chỉ xa lánh ông Trương mà còn gạt ông ấy ra ngoài lề và theo dõi ông ấy. Tuy nhiên, ông Tập đã kiềm chế không hành động chống lại ông Trương.
“Vì ông Trương là một ủy viên Bộ Chính trị và là Phó Chủ tịch thứ nhất Quân ủy Trung ương, nên bất kỳ hành động hung hăng nào của ông Tập sẽ gây ra tác động quá lớn. Hơn nữa, mối quan hệ quân sự chặt chẽ của ông Trương khiến ông Tập thận trọng khi thực hiện một hành động nào đó,” ông Trần giải thích.
Tuy nhiên, chừng nào ông Trương còn tại vị, thì ông Tập sẽ không yên tâm. Ông Trần nói rằng ông Tập chắc chắn sẽ tiếp tục giám sát ông Trương, và chúng ta hoàn toàn không thể loại trừ bất cứ hành động nào có thể xảy ra.
Ông Trương đóng vai trò quan trọng trong việc giúp ông Tập củng cố quyền lực
Kể từ đầu nhiệm kỳ thứ hai của ông Tập, cả bên trong lẫn bên ngoài ĐCSTQ đã xảy ra tranh đấu, thường với sự hậu thuẫn của quân đội. Sự cai trị của ông Tập đã được củng cố bởi sự trợ giúp của ông Trương Hựu Hiệp với tư cách là một nhà lãnh đạo quân sự.
Theo hãng truyền thông Bowen Press của Hồng Kông, đã có sự thay đổi lớn về nhân sự trong Cục An ninh Trung ương của ĐCSTQ vào tháng 03/2015. Dưới sự sắp xếp của ông Tập và với sự hậu thuẫn của Quân đoàn 38, ông Trương đã đích thân lãnh đạo một đội để loại bỏ một số quan chức chủ chốt trong cơ quan an ninh.
Vào ngày 11/10/2021, vào thời điểm quan trọng khi ông Tập đang phá bỏ các quy tắc đã được thiết lập của ĐCSTQ và tìm cách tái tranh cử nhiệm kỳ thứ ba, tờ báo quân sự của chế độ này, PLA Daily, bất ngờ đăng một bài viết về một sự kiện lịch sử thời nhà Minh, có tựa đề “Sự phục hưng của Nam Cung” (Restoration of Nangong). Bài viết này dường như dựa vào quá khứ để cảnh báo các tướng quân rằng nếu “tiền vương” đảo chính để giành lại ngai vàng thì tốt nhất mọi người nên án binh bất động.
Sau khi bài viết này được đăng trên tờ PLA Daily, tin đồn rằng “ông Giang Trạch Dân và ông Tăng Khánh Hồng sẽ được quay trở lại” đã lan rộng, và Bắc Kinh bị bao trùm không khí nghi ngờ về một cuộc đảo chính. Đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan, một số quan chức quân sự và chính trị cảm thấy bối rối và không biết nên chọn phe nào để trợ giúp. Ông Trương đã nhanh chóng đứng ra vào thời điểm quan trọng này và giúp ông Tập ổn định tình hình.