Mối quan hệ cộng sự giữa điêu khắc gia và xưởng đúc
Một điêu khắc gia ở North Carolina và một xưởng đúc ở Texas đã cho ra đời tác phẩm “Gieo hạt giống tương lai” sau nhiều năm hợp tác.
FRANKLIN, North Carolina — Nếu không có xưởng đúc thì điêu khắc gia từng đạt Giải thưởng Emmy và Giải thưởng của Viện Hàn Lâm, ông Wesley Wofford, sẽ không có cách nào hoàn thành được các tác phẩm nghệ thuật đường bệ tại xưởng của mình ở phía tây của North Carolina. Nếu không có những điêu khắc gia như ông Wofford, thì xưởng đúc Pyrology Foundry ở Bastrop, Texas, cũng không có cách nào phát triển được các công nghệ mới để kết hợp chúng vào chu trình đúc mẫu chảy [có lịch sử] 5,000 năm tuổi.
“Đó là mối quan hệ tương sinh,” ông Clint Howard, nhà điêu khắc kiêm chủ xưởng đúc Pyrology có từ năm 1999 cho biết. “Người nghệ sĩ và xưởng đúc phải phối hợp cùng nhau trong từng bước của chu trình. Mối quan hệ đó càng tốt đẹp thì công việc càng tiến triển thuận lợi. Và cần phải nói chuyện với nhau ngay từ đầu của từng giai đoạn thiết kế … Một số tác phẩm thậm chí phải mất hơn năm năm bàn thảo trước khi chúng tôi bắt tay vào làm, nhờ vậy mà chúng tôi trở nên tận tụy đối việc hoàn thiện tác phẩm đó với tư cách là nghệ sĩ và là khách hàng. Đây là một quá trình thú vị!”
Ông Wofford đã làm công việc điêu khắc được gần ba thập niên, và một trong những tác phẩm đáng chú ý nhất của ông là bức tượng “Harriet Tubman Journey to Freedom” (Hành trình đến với tự do của Harriet Tubman), được triển lãm lưu động từ năm 2020.
Tuy nhiên, chính bức tượng điêu khắc “Sowing the Seeds of the Future” (Gieo hạt giống tương lai) của ông đã tạo cơ hội cho một nhóm phụ nữ thuộc Hiệp hội Di sản Dân gian của Quận Macon ở Franklin, North Carolina, tìm hiểu về mối quan hệ giữa điêu khắc gia và xưởng đúc.
Ba người phụ nữ của Vùng núi Appalachian
Bức tượng “Gieo hạt giống tương lai” sẽ sớm được trưng bày ở lối vào thành phố Franklin và nằm cạnh một ngọn đồi lâu đời của thổ dân Mỹ. Tác phẩm này được bắt tay thực hiện vào năm 2018, tượng trưng cho ba người phụ nữ ở Vùng núi Appalachian — ngọn núi mang tính lịch sử trong khu vực: một người định cư, một người nô lệ, và một thổ dân Mỹ.
Ba người phụ nữ đương đại sống ở phía Tây của North Carolina được chọn làm hình mẫu: Nhà điêu khắc kiêm họa sĩ Angela Cunningham đại diện cho hình ảnh của bà Timoxena Siler Sloan, một người định cư vào những năm 1800; ca sĩ hàng đầu của dòng nhạc Blues Jazz, cô Delphine Kirkland trong vai bà Salley, một nô lệ không rõ họ; và cô Wahlalah Brown đến từ Bộ lạc thổ dân Cherokee làm mẫu cho bà Na-Ka Rebecca Morris, một phụ nữ Cherokee.
Quan sát quá trình hoàn thành tác phẩm điêu khắc
Các thành viên thuộc hội đồng Hiệp hội Di sản Dân gian là bà Claire Suminski, bà Mary Polanski, và bà Marty Greeble đã tới Texas vào tháng Năm để gặp gỡ ông Wofford và ông Howard, cũng như trực tiếp xem công đoạn cuối cùng tạo nên bức tượng nặng 1.500 pound (~680kg), cao 7 feet (~2m) này.
“Đó là một trải nghiệm mà tôi sẽ không bao giờ quên,” bà Suminski kể, và cho biết cả ông và cha bà đều làm việc cho một xưởng đúc trên Sông Hudson, khi bà lớn lên ở vùng Adirondacks, New York. “Tiếng kim loại kêu vang và mùi của lửa” gợi lên ký ức cảm xúc từ thời thơ ấu của bà.
Theo bà Suminski, ba người phụ nữ đã “đủ may mắn” để được thấy nhiều phương diện khác nhau trong quá trình đúc tác phẩm “Gieo hạt giống tương lai” ở quê nhà North Carolina; việc ghé thăm Pyrology Foundry rộng 30,000 foot vuông (~2,787 m2), nơi 40 nhân viên đang làm việc tỉ mỉ với các bức tượng điêu khắc ở nhiều công đoạn khác nhau giúp họ hiểu rõ thêm về mối liên quan mật thiết của quá trình này.
“Chúng tôi quan sát các công nhân tìm ra bất cứ vết lồi và vết đốm nào trên bề mặt và đốt bỏ chúng,” bà Suminski chia sẻ, và nói thêm rằng, sau khi bức tượng được làm sạch bằng tia cát và được đánh bóng, nó được nung nóng và phết lên các loại axit khác nhau để tạo thành lớp gỉ đồng, hoặc màu sắc của tượng.
Tuy nhiên, rất lâu trước khi bà Suminski và các thành viên hội đồng đi từ North Carolina đến Texas, thì xưởng đúc nhiệt học Pyrology Foundry đã từ Texas đến North Carolina và quay trở về.
Ông Howard giải thích rằng, “Đầu tiên, chúng tôi giúp phóng to tác phẩm từ bản mẫu (bản mẫu mô hình cỡ nhỏ). [Sau khi nghệ sĩ điêu khắc bản mẫu bằng một phần ba tượng thật,] ông Wesley cung cấp cho chúng tôi bản quét kỹ thuật số, và chúng tôi cán nó đúng kích thước của bản hoàn chỉnh bằng chất liệu Styrofoam. Đây là phần lõi mà chúng tôi sẽ gửi lại cho ông Wesley. Sau đó, ông ấy sẽ phủ đất sét lên đó và điêu khắc thành tác phẩm cuối cùng ở kích thước thật với đầy đủ chi tiết.”
“Sau khi ông Wesley hoàn tất, chúng tôi đến xưởng của ông ấy để tạo khuôn cao su từ bức tượng có kích thước thật đó. Sau đó, chiếc khuôn được chuyển trở về Texas, và chúng tôi dùng khuôn để tạo ra một bản sao bằng sáp, rồi sau đó mới đúc thành tượng đồng theo công nghệ đúc mẫu chảy. Có nhiều công đoạn phức tạp trong quy trình này, nhưng có hơn 30 nhân viên đã phối hợp thực hiện tác phẩm này trong quá trình sản xuất và tạo hình từ đầu đến cuối, chỉ riêng phần của chúng tôi thôi đã mất từ sáu đến chín tháng rồi.”
Sau khi bà đến thăm xưởng Pyrology vào tháng Năm, bà Polanski cho biết, “Các công nhân ở xưởng đúc có vai trò rất quan trọng đối với thành quả nghệ thuật của điêu khắc gia. Mọi giai đoạn của quá trình này đều rất ấn tượng. Chứng kiến những gì được thực hiện tại xưởng đúc, quan sát một nghệ sĩ như ông Wesley làm việc và giữ được sự tập trung cao độ như thế khiến tôi rất hào hứng.”
Ông Wofford lưu ý về tầm quan trọng trong việc tìm được một xưởng đúc có kinh nghiệm, hiểu rõ mối quan hệ giữa nhà điêu khắc và xưởng đúc — đặc biệt là vì các xưởng đúc ở Hoa Kỳ rất hiếm. Trên thực tế, ông Howard nói, “Chúng tôi là một trong rất ít các xưởng đúc nghệ thuật có đầy đủ dịch vụ ở Hoa Kỳ, và chúng tôi chỉ nhìn nhận khoảng ba đến bốn cơ sở khác là cùng trình độ.”
“Xưởng Pyrology là rất quan trọng trong sự thành công của tất cả các dự án của chúng tôi, và cũng chính vì bản chất của mối quan hệ tương sinh này, chúng tôi không chỉ trở thành đối tác mà còn là bằng hữu.”
Thiên Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times