Microsoft đóng cửa hệ thống cửa hàng truyền thống ở Trung Quốc
Tháng trước, Microsoft cho biết đã yêu cầu 700–800 nhân viên chuyển ra khỏi Trung Quốc và giảm sự hiện diện kỹ thuật ở nước này.
Microsoft đang đóng cửa các cửa hàng truyền thống được ủy quyền ở Trung Quốc đại lục như một phần của kế hoạch thay đổi chiến lược nhằm tổ chức lại các kênh bán lẻ của hãng này tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
“Microsoft liên tục đánh giá chiến lược bán lẻ của mình để đáp ứng nhu cầu đang phát triển của những khách hàng quý giá của chúng tôi, và chúng tôi đã đưa ra quyết định sẽ tập trung vào cách tiếp cận theo kênh của mình ở Trung Quốc đại lục,” công ty này cho biết trong một tuyên bố.
Bất chấp những thay đổi này, các sản phẩm của Microsoft vẫn sẽ có mặt ở đại lục thông qua một số đối tác bán lẻ và trang web của công ty. Công ty này không nói rõ số lượng cửa hàng được ủy quyền bị ảnh hưởng bởi việc tinh giản hoạt động này.
Đóng cửa các cửa hàng truyền thống ở Trung Quốc là một phần trong chiến lược toàn cầu rộng lớn hơn theo hướng đó của Microsoft. Chẳng hạn, hồi tháng 06/2020, sau nhiều tháng phong tỏa vì đại dịch, công ty này công bố thay đổi chiến lược trong các hoạt động bán lẻ, trong đó có việc đóng cửa một số địa điểm bán hàng truyền thống của Microsoft Store. Microsoft tiếp tục đầu tư vào các cửa hàng trực tuyến của Windows và Xbox.
Công ty này duy trì các Trung tâm Trải nghiệm Microsoft ở London, thành phố New York, Sydney, và tại khuôn viên trụ sở chính ở Redmond, tiểu bang Washington. Vào thời điểm đó, việc đóng cửa hàng truyền thống khiến công ty này thiệt hại khoảng 450 triệu USD. Chi phí này chủ yếu bao gồm tổn thất tài sản và các chi phí liên quan khác.
Tháng trước, trong phiên điều trần trước Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện, Chủ tịch Microsoft Brad Smith cho biết Trung Quốc không phải là nguồn doanh thu chính của công ty vì thị trường này tương ứng khoảng 1.5% doanh thu toàn cầu của Microsoft.
Ông cũng cho biết Microsoft đã yêu cầu khoảng 700–800 nhân viên rời khỏi Trung Quốc và giảm sự hiện diện kỹ thuật ở nước này.
Câu trả lời của ông Smith xác nhận một bài báo từ hồi tháng Năm của Wall Street Journal, trong đó tuyên bố rằng đại công ty công nghệ này đã đề nghị trao cho hàng trăm nhân viên trong các nghiệp vụ điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo ở Trung Quốc cơ hội chuyển ra khỏi nước này trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung. Những nhân viên này, chủ yếu là kỹ sư có quốc tịch Trung Quốc, được cấp cho quyền lựa chọn chuyển đến Hoa Kỳ, Ireland, Úc, và New Zealand.
Hãng sản xuất Windows này thuộc trong số những công ty Hoa Kỳ có sự hiện diện lớn nhất tại Trung Quốc. Công ty gia nhập thị trường này hồi năm 1992 và vận hành một trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn ở nước này.
Tháng trước, trong phiên điều trần tại Quốc hội, các nhà lập pháp đã tra hỏi ông Smith về mối quan hệ của Microsoft với chính quyền Trung Quốc, và những “lỗi” về bảo mật đã cho phép tin tặc Trung Quốc xâm nhập các hệ thống của công ty này hồi năm ngoái.
Các nhà lập pháp dẫn ra những phát hiện trong một báo cáo tháng Ba của Ủy ban Đánh giá An toàn Mạng Hoa Kỳ (CSRB), cho rằng văn hóa doanh nghiệp của Microsoft là nguyên nhân gây ra vụ tấn công này. Bản báo cáo nói rằng một “loạt” “những lỗi có thể tránh được” đã tạo thuận lợi cho cuộc xâm nhập đó.
Microsoft cho biết nhóm tin tặc Storm-0558 có trụ sở tại Trung Quốc đứng đằng sau vụ xâm nhập này. Theo mô tả của công ty, Storm-0558 là “một tác nhân đe dọa có trụ sở tại Trung Quốc với những hoạt động và phương pháp phù hợp với các mục tiêu gián điệp.”
Tuần trước (24-30/06), Ủy ban Âu Châu phát hiện Microsoft đã vi phạm các quy định chống độc quyền của Liên minh Âu Châu. Với tư cách là công ty dẫn đầu thị trường toàn cầu về các ứng dụng nâng cao năng suất, Microsoft đã tạo ra lợi thế phân phối không công bằng cho công cụ giao tiếp và cộng tác dựa trên đám mây của mình, Teams. Phán quyết [của ủy ban] nói rằng thực tiễn này đã gây tổn hại cho cả người tiêu dùng lẫn các đối thủ cạnh tranh.
Bản tin có sự đóng góp của Andrew Thornebrooke, Samantha Flom, và Reuters
Cẩm An lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times