IMF: Nợ toàn cầu đang ở mức ‘nguy hiểm’
Theo ông Vitor Gaspar, giám đốc bộ phận tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và bà Ceyla Pazarbasioglu, giám đốc chiến lược của tổ chức này, nợ toàn cầu đang ở mức cao đến mức cần phải có một cách tiếp cận hợp tác trên toàn thế giới.
Dữ liệu từ Cơ Sở Dữ Liệu Nợ Toàn Cầu của IMF cho thấy tỷ lệ nợ đã tăng thêm 28% lên mức 256% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2020, ông Gaspar và bà Pazarbasioglu viết trong một bài đăng trên blog của IMF hôm 11/04. Khoảng một nửa số nợ này là nợ của các chính phủ, với các gia đình và các tập đoàn phi tài chính chiếm phần còn lại.
Họ cho biết, nợ công hiện chiếm khoảng 40% tổng nợ trên toàn thế giới, mức cao nhất trong khoảng 60 năm. Thâm hụt và tích lũy nợ tăng với tốc độ lớn hơn trong những ngày đầu của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009 và thời kỳ Đại Suy Thoái.
Bài đăng của họ cũng cho biết, chỉ một phần nhỏ của sự gia tăng nợ này là do các quốc gia đang phát triển và các thị trường mới nổi, không bao gồm Trung Quốc. Nhưng khoảng 60% các quốc gia có thu nhập thấp có nguy cơ gặp khó khăn.
IMF dự đoán việc tái cơ cấu nợ sẽ trở nên thường xuyên hơn. Do đó, việc có cơ chế để bảo đảm việc tái cơ cấu nợ có trật tự sẽ có lợi nhất cho cả người mắc nợ và chủ nợ. Một “cách tiếp cận hợp tác toàn cầu” là cần thiết để bảo đảm một giải pháp có trật tự cho các vấn đề nợ và tránh được các vụ vỡ nợ không cần thiết.
Việc giá năng lượng và lương thực tăng đang gây thêm áp lực lên các quốc gia nghèo và dễ bị tổn thương. Thực phẩm chiếm khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng của các gia đình ở các quốc gia có thu nhập thấp. Hơn nữa, các quốc gia mới nổi và có thu nhập thấp phải đối mặt với tổn thất về doanh thu và GDP liên tục.
Ở các nền kinh tế tiên tiến, IMF dự kiến chi tiêu, doanh thu, tổng cho vay ròng hoặc nợ ròng không bao gồm các khoản thanh toán lãi suất nợ công (primary balance), và hoạt động kinh tế sẽ trở lại gần mức trước đại dịch vào năm 2024. Tuy nhiên, IMF nêu rõ, số lượng các nền kinh tế tiên tiến có tỷ lệ nợ vượt quá quy mô kinh tế của họ đã có sự gia tăng đáng kể.
Cơ quan này cho biết do lạm phát gia tăng, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang tăng lãi suất để kiềm chế giá cả leo thang, việc này có thể dẫn đến thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu.
CNBC đưa tin cho biết hồi tháng 01/2022, trong “Chương trình nghị sự Davos”, một phiên bản trực tuyến của hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới hàng năm ở Davos, Thụy Sĩ, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva đã cảnh báo rằng việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ tăng lãi suất có thể “dội một gáo nước lạnh” vào quá trình phục hồi kinh tế của một số quốc gia đang có mức nợ USD cao.
Xem xét các rủi ro như đại dịch COVID-19, mức nợ cao, và lạm phát gia tăng, bà Georgieva dự đoán rằng năm 2022 sẽ giống như “vượt qua một con đường đầy chướng ngại vật.” Bà chỉ ra rằng vấn đề lạm phát là đặc thù ở mỗi quốc gia.
Bà Georgieva nói: “Đặc thù quốc gia là điều khiến năm 2022, theo một cách nào đó, thậm chí còn khó khăn hơn năm 2020.”
“Năm 2020, chúng tôi có các chính sách tương tự ở khắp mọi nơi vì chúng tôi đang chiến đấu với cùng một vấn đề — một nền kinh tế đang bế tắc. Năm 2022, điều kiện ở các nước rất khác nhau, vì vậy chúng tôi không thể có cùng một chính sách ở mọi nơi nữa, nó phải mang tính đặc thù của từng quốc gia và điều đó khiến công việc của chúng tôi trong năm 2022 trở nên phức tạp hơn rất nhiều.”
Ông Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới cho The Epoch Times.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: