Mẹ và Con trai: Đệ nhất Tổng thống Hoa Kỳ George Washington và bà Mary Ball Washington
Bàn tay đưa nôi
Trong những năm chiến tranh, trên các chiến trường ở khắp thế giới, những người lính đã khóc nhớ thương mẫu thân của họ khi đang nằm chờ chết. Cựu tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln từng nói một câu rất đáng nhớ: “Tất cả những gì tôi đang có, và những gì hy vọng cho mai sau, tôi đều nợ người mẹ thiên thần của mình.” Mặc dù không phải tất cả những người phụ nữ này đều là thiên thần, nhưng tình yêu, khí chất và đạo đức của họ đã để lại dấu ấn không phai nhòa trong lòng các con trai của họ.
Nếu như chúng ta nhìn vào giai đoạn đầu của cuộc đời ngài George Washington (1732-1799), dường như không có vẻ gì là ứng cử viên sẽ lãnh đạo quân đội chống lại nước Anh và được trao tặng danh hiệu “Tổ Phụ Lập Quốc”
Năm 1746, được ủng hộ bởi người anh cùng cha khác mẹ là Lawrence và với nhiều người khác, cậu bé Washington 14 tuổi đã gia nhập lực lượng hải quân nước Anh. Và trong cuộc chiến Chinh Phạt* (1756-1763) Washington đã phục vụ trong quân đội nước Anh để chống lại nước Pháp, chiến đấu cho Hoàng Gia và Quốc hội tại Pháo đài Necessity, trận đánh đầu tiên của cuộc chiến, sống sót sau một thất bại thảm hại của lực lượng quân đội của Tướng Braddock tại Pháo đài Duquesne, nơi mà bốn viên đạn đã bay xuyên qua áo choàng của Washington và làm bị thương hai con ngựa mà ông cưỡi.
Ngài Washington là một trong số những người giàu có nhất từng được bầu chọn cho chức vị tổng thống, chỉ sau hai vị là John Kennedy* và Donald Trump, với một số lượng của cải có được từ khi kết hôn với phu nhân Martha Custis giàu có. Có thời điểm, ông sở hữu đến 50 ngàn mẫu đất.
Một thủ lĩnh của Phe nổi dậy
Rõ ràng, Washington có quá nhiều thứ để mất khi tham gia vào cuộc nổi dậy. Vậy tại vì sao mà ông trở thành một nhà cách mạng? Tại sao lại lãnh đạo Quân đội Lục địa chống lại nước Anh?
Một số nhà sử học tin rằng Washington khó chịu với các quy tắc của nước Anh vì lý do kinh tế, những kế hoạch của nước Anh cho Hoa Kỳ sau khi người Pháp thất bại sẽ hạn chế các cơ hội và sự phát triển về hướng tây của những nước thuộc địa. Thêm nữa là bốn năm phục vụ quân đội nước Anh trong cuộc chiến tranh Pháp và người Mỹ bản địa* đã làm ông dấy lên sự không bằng lòng với người Anh vì thói kiêu ngạo và coi thường của họ đối với người dân thuộc địa.
Và cũng có một số nhà sử học tranh luận rằng mẹ của Washington đã nuôi dưỡng bên trong con người ông một thiên hướng cách mạng.
Một góa phụ, một người mẹ, một hình mẫu
Mồ côi từ khi còn nhỏ, bà Mary Ball (1707? – 1789) đã kết hôn với ông Augustine Washington góa vợ vào năm 1731. Bên cạnh ba người con của ông Augustine với người vợ trước, gia đình Washington khi ấy có thêm sáu đứa trẻ – George là anh cả, còn em út thì mất khi còn sơ sinh. Vào năm 1743, bà Mary trở thành góa phụ khi ông Augustine qua đời sau những than phiền về những cơn đau dạ dày.
Không giống nhiều góa phụ khác ở thời kỳ của bà, Mary Washington không bao giờ tái hôn, bà lựa chọn việc nuôi dạy con cái và điều hành tài sản của gia đình một mình. Bà tập trung nhiều vào Nông Trại Ferry, một đồn điền 276 rộng 276 mẫu nằm gần thị trấn Fredericksburg, tiểu bang Virginia.
Nhiều trách nhiệm của bà Mary dường như bị chồng chéo lẫn nhau. Bà phải vừa chăm sóc và nuôi dưỡng cũng như giáo dục những đứa con, và vận hành một nông trại to lớn, quản lý những người nô lệ làm việc trong đồn điền. Bà không hề nghèo khó, nhưng lại thiếu những phương tiện để trao cho George nền giáo dục cổ điển giống như những người đồng hương ở Virginia là Thomas Jefferson và James Madison, và cũng không thuộc về một phần của giới thượng lưu ở xã hội Virginia lúc bấy giờ. Theo cách nào đó, George có thể có được nhiều lợi ích hơn từ những tình huống này, được học hỏi từ rất sớm cách quản lý tài chính của gia đình và vận hành một nông trại.
Bà Mary là một người phụ nữ ngoan đạo, bà vững tin vào những khái niệm như trách nhiệm và danh dự, bà đã truyền những đức tính đó cho George bằng việc làm gương và cả chỉ dạy. Chúng tôi nhìn thấy bên trong người con trai ấy là tính cách của người mẹ, được nhà văn Washington Irving miêu tả là “ý thức rõ ràng mạnh mẽ, chính trực nghiêm minh, và một tư tưởng lãnh đạo không dao động”
Sứ mệnh lịch sử lựa chọn góa phụ Washington
Sau cái chết của bà, những người viết tiểu sử đầu tiên về George Washington đã bày tỏ lòng tôn kính đối với sự hy sinh và bàn tay đưa nôi đã nuôi dưỡng nên tính cách của George. Sau đó, những nhà sử học khác đã nghiên cứu và soi rọi bà bằng một nguồn ánh sáng khác biệt, miêu tả bà là người thô lỗ, cáu kỉnh và tự coi mình là trung tâm. Họ là những nhà sử học đã tìm thấy những thông tin về việc bà Mary đặc biệt hống hách và bảo thủ khi từ chối việc cho phép George tham gia vào hải quân, và lòng tham khi bà đòi tiền từ George.
Trong quyển tiểu sử mới của mình “The Widow Washington: The Life of Mary Washington – Góa phụ Washington: Cuộc đời của bà Mary Washington,” nữ tác giả và giáo sư lịch sử bà Martha Saxton đưa ra một góc nhìn khác nữa, bà đã chỉ ra nhiều điểm tương đồng giữa người mẹ và con trai như sau: tình yêu đối với thiên nhiên, góc nhìn tôn giáo, sự chú tâm của họ vào vấn đề tài chính, tính khắc kỷ của họ, tính khí đôi khi hơi gai góc của họ. Bà cũng chỉ rõ cho chúng ta về sự khắc nghiệt trong cuộc đời của bà Mary cũng như những khó khăn trở ngại mà một phụ nữ góa chồng như bà phải đối mặt.
Thật trùng hợp, ông Craig Shirley, tác giả của các quyển sách như “Reagan’s Revolution – Cuộc cách mạng của Reagan” và “Citizen Newt” cũng đã viết một tiểu sử theo chủ nghĩa xét lại về bà Mary. Trong quyển “Mary Ball Washington: The Untold Story of George Washington’s Mother – Bà Mary Ball Washington: Câu chuyện chưa kể về người mẹ của George Washington,” ông đã viết về bà như sau: “bà được xem như là một vị thánh hoặc là một ác nhân, không có gì ở giữa hai điều đó,” và sau đó bổ sung rằng “những đặc điểm tính cách dường như trái ngược nhau của bà Mary lại ca ngợi lẫn nhau. Lòng tốt và sự kiểm soát của bà Mary là một và tương tự nhau”.
Một mối quan hệ phức tạp
Ở một số đoạn trong quyển “Mary Ball Washington,” ông Shirley trích dẫn lời Lawrence Washington, người anh họ của George, người đưa ra nhận định như sau về bà Mary: “Tôi thường có mặt tại đó với George, bạn chơi chung, bạn học và những người đồng hành của chàng trai trẻ. Đối với mẹ thì tôi sợ bà gấp mười lần cha mẹ ruột của tôi. Bà làm tôi kinh sợ ở giữa lòng tốt của bà, bởi vì bà thật sự rất tốt bụng… và thậm chí đến tận bây giờ, khi thời gian đã làm bạc mái tóc của tôi, và tôi đã trở thành ông của thế hệ thứ hai rồi, tôi vẫn không thể nhìn người phụ nữ uy nghiêm đó mà không trải qua những cảm xúc khó tả. ”
Để trả lời cho những nhà sử học tin rằng sự ảnh hưởng của bà Mary là tiêu cực hoặc không đáng kể, ông Shirley trực tiếp trích dẫn lời nói của chính George, nói về mẹ của ông như sau “Từ bàn tay của mẹ (đã sớm bị tước mất của cha,) tôi đã lớn lên thành Người.” Ông đã nhấn mạnh bằng chứng với một trích dẫn khác từ anh họ Lawrence của George là: “Bất cứ ai khi chứng kiến khí chất và phong thái đáng kinh ngạc của vị Tổ Phụ Lập Quốc,” sẽ nhớ đến người mẹ của ông mỗi khi bà xuất hiện như một vị chủ tọa tài hoa sắp xếp mọi việc một cách ổn thỏa, chỉ đạo và tất cả đều được tuân theo.”
Quý bà đáng kính
Khi còn là một thiếu niên, George có thể cảm thấy bị kìm hãm bởi mẹ của ông, mặc dù ông cũng đã có rất nhiều thời gian để sống ở gia đình của những người họ hàng. Khi trưởng thành, ông đã cãi nhau với bà Mary về quyền quản lý Nông Trại Ferry, tài sản mà cha Augustine để lại cho ông. Ông cũng có cảm giác muốn rời khỏi bà Mary, cũng giống mẹ của ngài Thomas Jefferson, khi bà từ chối ủng hộ cho cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ.
Mặt khác, vào năm 1772 George đã mua một ngôi nhà cho mẹ của ông ở thị trấn Fredericksburg, nơi mà bà sống cho đến khi qua đời, và hàng ngày đều được mang nước từ những dòng “suối dược” ở nông Trại Ferry đến. Theo di chúc, bà Mary đã để lại quyền điều hành và phần lớn tài sản của bà cho George. Những hành động này dường như cho thấy được một sự gắn bó về tình cảm và niềm tin giữa họ.
Có lẽ mối quan hệ rối ren giữa họ cũng đã được bộc lộ trong lời chào mà Washington đã viết cho bà Mary trong các bức thư từ giữa họ: “Quý bà đáng kính.” Và như ông Shirley đã chỉ ra “Lời chào như vậy có hai mục đích: nó thể hiện sự tôn kính đối với bà trong khi đang ôm bà trong vòng tay.”
Những từ ngữ của nhà viết sử Martha Saxton trong quyển “Góa phụ Washington” có thể tổng quát tốt nhất về mối quan hệ của họ: “Mẹ nào con [trai] nấy”
Chú thích của dịch giả:
*Chiến tranh giữa Pháp và người Mỹ bản địa hay còn được gọi là Cuộc Chiến tranh Chinh phạt là chiến trường của bảy năm chiến tranh trên vùng đất Bắc Mỹ từ năm 1754 tới năm 1763.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times