Mẹ và con trai: Bà Jennie Churchill và Thủ tướng Anh Winston Churchill
“Bà soi sáng cho tôi như Ánh sao hôm. Tôi vô cùng yêu thương bà – nhưng ở một khoảng cách xa xôi.” – thủ tướng Winston Churchill
Bàn tay đưa nôi
Bà Jennie Jerome Churchill sinh ra tại Mỹ và phu quân người Anh của bà Ngài Randolph sẽ không bao giờ hội đủ tiêu chuẩn cho bất kỳ danh hiệu Phụ huynh Xuất sắc nhất của năm.
Mặc dù Winston rất yêu quý cha mình, Ngài Randolph hiếm khi bày tỏ tình cảm với Winston, ông luôn cho rằng con mình thật lười biếng và ngốc nghếch. Khoảng cách giữa hai cha con rất lớn. Trong quyển sách “Churchill: Bước đi với sứ mệnh,” nhà viết tiểu sử Andrew Roberts ghi lại rằng sau một bữa ăn gia đình vào những năm 1930, Winston đã nói với con trai mình: “Chúng ta đã có một khoảng thời gian trò chuyện liên tục với nhau vào buổi tối đó lâu hơn toàn bộ thời gian cha có với ông nội trong suốt cuộc đời của ông.” Dẫu cho có lời oán trách này, Winston vẫn tôn kính và tưởng nhớ về cha mình.
Ngài Winston cũng vô cùng yêu thương mẹ mình, nhưng một lần nữa tình cảm thời niên thiếu của ông cũng bị phớt lờ hoặc đẩy ra xa. Người mẹ Jennie xinh đẹp và hoạt bát như bị cuốn vào vòng xoáy xã hội thời bấy giờ khi chồng bà tham gia chính trường.
Trong những năm tháng đi học xa nhà, Winston liên tục viết thư cho mẹ, nài nỉ bà đến thăm ông, nhưng ông thường bị khước từ. Quay trở lại tác phẩm “Churchill: Bước đi với sứ mệnh,” Roberts cho chúng ta biết rằng từ năm 1885 đến 1892, Churchill đã viết thư cho cha mẹ tổng cộng bảy-mươi-sáu lần, họ chỉ viết thư cho ông sáu lần. Trong phần lớn các bức thư của mình, Churchill không thỉnh cầu điều gì khác ngoại trừ tình yêu thương và sự quan tâm từ cha mẹ. Trái lại, các lá thư mà cha mẹ viết cho ông chứa đựng toàn những lời quở trách.”
Vú nuôi Everest
Do cuộc sống xã hội bận rộn, và cũng như nhiều người khác trong tầng lớp của bà, phu nhân Churchill giao trách nhiệm nuôi dạy hai con trai – Winston có một em trai tên Jack – cho các vú nuôi, bao gồm cả bà vú Elizabeth Everest mà Winston yêu quý.
Đó là bà Everest, người mà Winston gọi là “Woom,” người đã bao bọc Winston bé nhỏ bằng tình yêu thương, tận tuỵ, chăm sóc khi cậu bị ốm, dỗ dành và khuyên bảo cậu. Churchill sau này đã gợi nhắc về bà như sau: “Vú nuôi chính là bạn tâm giao của tôi. Bà là người mà tôi có thể trút bao nhiêu muộn phiền.”
Sau sự qua đời của bà, Winston đã viết: “Bà chính là người bạn yêu dấu và thân thiết nhất của tôi trong suốt hai mươi năm cuộc đời.” Ông đã ở bên bà vào thời khắc bà hấp hối, ngồi cùng bà và nắm tay bà cho đến khi bà trút hơi thở cuối cùng. Ông đến dự đám tang của bà, dựng bia mộ để tưởng nhớ bà, và trả tiền cho việc chăm sóc phần mộ trong suốt quãng thời gian ông còn sống.
Ngược lại, Winston viết về mẹ ông trong tự truyện “Thời thơ ấu của tôi” như sau “Bà soi sáng cho tôi như Ánh sao hôm. Tôi vô cùng yêu thương bà – nhưng ở một khoảng cách xa xôi.”
Một biến chuyển lớn của người Mẹ
Mọi thứ chuyển biến vào năm 1895, khi Randolph Churchill qua đời. Vắng mặt ông, mối quan hệ giữa bà Jennie và cậu con trai 21 tuổi thay đổi. Trong cuốn “The Last Lion: Visions of Glory”, nhà sử học William Manchester phỏng đoán rằng “… bà ấy dần dần chuyển mối quan tâm và sự cống hiến của mình sang cậu con trai vĩ đại nhưng kỳ dị. Niềm đam mê này vô cùng mãnh liệt và đem đến lợi ích to lớn cho Winston. Tuy vậy, điều đó tuyệt nhiên không thể bị nhầm lẫn với tình mẫu tử.”
Nổi tiếng với sự sắc sảo và quyến rũ, và là một nhà văn, bà Jennie đã gây dựng được danh tiếng nhất định. Tận dụng những mối quan hệ xã hội, chăm chỉ tham gia các bữa tiệc tùng và dấn thân vào nhiều mối tình, bà Jennie hết lần này đến lần khác đã dùng ảnh hưởng để giúp Winston đạt được thành tựu ông dày công theo đuổi.
Sự gắn kết giữa bà và con trai đặc biệt bền chặt trong những năm 1895-1900. Sau khi Winston tốt nghiệp từ Sandhurst – Britain’s West Point, Jennie tiếp tục dùng các mối quan hệ để giúp Winston giành một vị trí đáng thèm muốn trong Fourth Hussars (trung đoàn kỵ binh Anh, thành lập vào năm 1685). Bà cũng sử dụng mối quen biết trong giới in ấn và sắp xếp để Winston viết những bài báo về cuộc chiến ở Ấn Độ cho tờ Daily Telegraph. Như vậy, bà Jennie đã thiết lập cho Winston một sự nghiệp viết lách vững vàng đủ để cung cấp nguồn lực kinh tế cho ông đến hết đời. Thật thú vị, sau này ông đã đạt giải Nobel Văn học.
Bà vừa là một người đại diện cũng vừa là nhà xuất bản cho cuốn sách đầu tiên của ông là “Câu chuyện về lực lượng dã chiến Malakand” (“The Story of the Malakand Field Force”), một lần nữa tận dụng các mối quan hệ của mình trong giới xuất bản và chính trị. Sau này, bà thỉnh cầu phó thủ tướng lúc bấy giờ, Ngài Salisbury, điều động Winston từ Ấn Độ sang Sudan, nơi mà ông đã tham gia vào một trong những đội kỵ binh cuối cùng của Quân đội Anh và viết thêm một quyển sách nữa tên là “Chiến tranh trên sông: Một ghi chép mang tính lịch sử về cuộc tái chinh phục của người Sudan.” Khi ông trở về sau những chuyến đi này và lại tiếp tục những chuyến thám hiểm khác, bà đã làm việc không mệt mỏi để kết nối ông với các chính trị gia, hy vọng đưa ông vào Quốc hội.
Khi trúng cử vào Quốc hội, Winston đã viết cho bà Jennie như sau: “Con sẽ không thể có được thành công này nếu mẹ không truyền sự thông minh và nghị lực cho con, điều vô cùng cần thiết.”
‘Mẹ đặt niềm tin lớn lao vào ngôi sao của con’
Jennie thể hiện sự thông minh và nguồn năng lượng tích cực qua những lá thư động viên con trai. Bà không quên gửi cho ông cuốn sách ông yêu cầu khi ở Ấn Độ. Bà viết những dòng chữ đó cùng những lời khuyên bảo tận tình. Vào cuối năm 1915, sau khi ý tưởng tấn công Đức qua khu vực Dardanelles của Churchill thất bại – lúc đó ông đang phục vụ trong tiền tuyến phía Tây – bà Jennie đã viết một bức thư: “Mẹ đặt niềm tin lớn lao vào ngôi sao của con” để giúp con vượt qua thử thách.
Kể cả trong những khía cạnh khác của cuộc sống, bà tỏ ra là một trợ thủ đắc lực của Winston. Bà hỗ trợ ông sắp xếp thu dọn phòng, tìm thư ký, và giúp đỡ ông trong các chiến dịch chính trị.
Trong giai đoạn này, Winston thừa nhận: “Mẹ tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ và khuyên bảo tôi, nhưng tôi đã 21 tuổi nên bà không bao giờ lạm dụng quyền kiểm soát của cha mẹ. Thực chất, bà sớm trở thành một đồng minh hăng hái, phát triển các kế hoạch và bảo vệ lợi ích của tôi với tất cả tầm ảnh hưởng và năng lượng vô biên của bà. Bà đã 40 tuổi nhưng rất trẻ trung, xinh đẹp và cuốn hút. Chúng tôi làm việc cùng nhau trong cả những điều nhỏ nhất, như em trai chị gái hơn là con trai và mẹ.”
Khi bà Jennie Jerome Churchill mất vào năm 1921, Winston không kịp đến bên giường bệnh để nói lời tạm biệt với người phụ nữ có ý nghĩa to lớn trong cuộc đời ông. Bà đã trao cho ông đôi cánh, đánh thức niềm đam mê trong ông. Sau tang lễ, người đàn ông trên con đường trở thành thủ tướng vĩ đại nhất trong lịch sử nước Anh đã đứng một mình bên mộ mẹ, lặng lẽ rơi những giọt nước mắt…
Trên các chiến trường khắp thế giới, những người lính đã khóc thương mẹ của họ khi họ sắp qua đời. Abraham Lincoln từng nói một câu đáng nhớ: “Những gì tôi có, hoặc hy vọng trở thành, tôi nợ người mẹ thiên thần của tôi.” Trong loạt bài “Những bàn tay đưa nôi: Người Mẹ và Con Trai”, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những người đàn ông nổi tiếng chịu ảnh hưởng nhiều từ mẹ của họ. Không phải tất cả những phụ nữ này đều là thiên thần, nhưng tình yêu thương, tính cách và nguyên tắc của họ đã để lại dấu ấn không thể xóa nhòa trong lòng những người con trai.
Thiên Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times