Mang niềm vui trở lại với cuộc sống hôn nhân
“Khi chúng ta nhìn mọi người như cách mà Chúa đang nhìn con người, chúng ta nhẹ nhõm và nhận ra nhiều điểm tốt ở người khác hơn là những sai lầm.”
—Marcus Warner
Tóm tắt 4 thói quen của những cuộc hôn nhân ngập tràn niềm vui trong chữ viết tắt PLAN.
Khi cuộc hôn nhân của bạn rơi vào trạng thái lãnh đạm, bạn có thể cảm thấy như ánh sáng đang tắt đi trong mối quan hệ quan trọng nhất. Cảm xúc buồn bã hoặc oán thán có thể dần thay thế cảm giác về tình yêu và hạnh phúc. Đặc biệt là khi những trách nhiệm và sự căng thẳng trong cuộc sống thường nhật khiến chúng ta xao nhãng, khiến chúng ta dễ dàng quên đi sự hiện diện của những người thân quý vốn cần được quan tâm và trân trọng.
Giống như một chút quan tâm chăm sóc có thể khiến chậu cây trồng trong nhà từ thế ủ rũ trở nên tràn đầy sức sống, khi bạn nỗ lực thay đổi bằng việc quan sát và quan tâm chân thành đến người bạn đời của mình, bạn có thể xây dựng lại niềm vui và tình yêu trong đời sống hôn nhân của bạn.
Những đột phá gần đây trong khoa học nghiên cứu não bộ con người cho thấy rằng mối quan hệ gắn kết ngập tràn niềm vui chính là một động lực sống mạnh mẽ nhất. Theo lý thuyết về sự gắn kết, phần nguyên thủy của não bộ phát triển từ khi còn trong bào thai đã được truyền tín hiệu về sự gắn kết và ràng buộc trong các mối quan hệ. Từ góc độ não bộ, không có sức mạnh nào lớn hơn sự gắn kết, và do đó, không có nỗi đau cũng như niềm vui nào lớn hơn cảm xúc sinh ra từ những gắn kết đó.
Bạn và người bạn đời càng có nhiều niềm vui trong hôn nhân thì những cảm xúc yêu thương càng trở nên bền chặt hơn. Đánh mất “cảm xúc yêu thương” là hậu quả của sự thiếu vắng niềm vui.
Hai ông Marcus Warner (chủ tịch của công ty Deeper Walk International) và Chris Coursey (người đứng đầu tổ chức THRIVEtoday) là đồng tác giả của [quyển sách] “4 thói quen của những cuộc hôn nhân ngập tràn niềm vui” (The 4 Habits of Joy-Filled Marriages).
Để giúp các cặp vợ chồng ghi nhớ bốn trụ cột để tạo thêm niềm vui trong hôn nhân, các tác giả đã cùng tạo ra từ PLAN, là viết tắt của:
Play: Vui chơi cùng nhau
Listen for Emotion: Lắng nghe xúc cảm của nhau
Appreciate daily: Trân trọng nhau mỗi ngày
Nurture a rhythm: Nuôi dưỡng sự hoà điệu
Những thói quen được hình thành thông qua sự nhắc lại [liên tục] — một điều gì đó càng được thực hành thường xuyên, thì càng nhanh chóng trở thành một phần trong thói quen tiềm thức của bạn. Có thể bạn sẽ cần đến 30 ngày để thực hiện một hành động trước khi bộ não của bạn bắt đầu [quá trình] tự điều chỉnh. Trong vòng 90 ngày, não bộ sẽ hình thành toàn bộ lộ trình mới và thiết lập nên một thói quen [mới].
Vui chơi cùng nhau
Hãy nghĩ về thời gian trăng mật của cuộc hôn nhân, bạn và vợ hoặc chồng của bạn có thể nhớ rằng hai người đã cùng nhau vui chơi rất nhiều. Những nụ cười, những trận cười [sảng khoái] và những lần chạm tay [khe khẽ] đều khiến đầu óc bạn tràn ngập niềm vui, khiến cơ thể bạn sản sinh rất nhiều hormone như dopamine và oxytocin. Vui chơi [cùng nhau] là điều cần thiết để duy trì mối quan hệ đầy cảm xúc trong cuộc hôn nhân của bạn. Tìm ra những cách để nối kết [với nhau] thông qua [các] hoạt động và những trận cười [nghiêng ngả] sẽ giữ cho mối quan hệ hôn nhân luôn trôi chảy. Cùng nhau hình thành sở thích mới, hẹn hò với nhau mỗi tuần và lên kế hoạch cho các kỳ nghỉ là những hoạt động [có thể] mang lại cho bạn điều gì đó để bạn mong chờ và sẻ chia.
Đặt ra những ranh giới trong gia đình nhằm tách biệt việc vui đùa và giải quyết vấn đề là điều rất quan trọng — Bạn nên chú tâm để tránh thói quen giải quyết vấn đề trong phòng ngủ [vợ chồng]. Cuộc sống quay cuồng cùng công việc hiện nay thì giường ngủ lại thường trở thành nơi để các cặp vợ chồng trút bỏ những muộn phiền và căng thẳng.
Tuy nhiên, bạn nên bàn thảo về các vấn đề [nan giải] trong những khu vực chung trong nhà, các hoạt động trong phòng ngủ chỉ nên hạn chế ở việc vui chơi và ngủ nghỉ. Warner và Coursey đã đề ra hai quy tắc kể kết thúc mỗi ngày [như sau]:
Chúng ta sẽ không tiếp tục nói về các nhiệm vụ và vấn đề [nan giải] trong vòng 30 phút trước giờ đi ngủ.
Chúng ta sẽ cùng thực hiện các hoạt động tiêu khiển và chia sẻ sự trân trọng [dành cho nhau] trước khi tắt đèn.
Nếu bạn đang cảm thấy rằng ánh lửa của mối quan hệ đã trở nên lụi tàn trong cuộc hôn nhân của bạn, hãy cùng người bạn đời của mình hồi tưởng về những kỷ niệm mà hai người đã cùng nhau trải qua. Một chút thời gian nhớ lại những hồi ức thú vị sẽ khơi dậy những xúc cảm, những tràng cười [thú vị] và quan trọng nhất là sự trân quý [dành cho đối phương].
Khi các cặp vợ chồng không tích cực gìn giữ sự gắn kết trong mối quan hệ, họ có thể trở thành hai người xa lạ cùng chung sống dưới một mái nhà. Điều này nói lên tầm quan trọng của việc lập kế hoạch để có thời gian dành cho nhau.
Hãy bắt đầu từ việc chú ý đến những sở thích và hoạt động yêu thích của vợ hay chồng mình, và tạo cho mình thói quen thỉnh thoảng tham gia cùng [đối phương]. Khi đối phương cảm thấy những mối quan tâm của họ không được chia sẻ hoặc thấu hiểu, họ có thể sinh ra oán giận, né tránh và tự cô lập bản thân.
Lắng nghe xúc cảm của nhau bằng trình tự giao tiếp VCR
VCR là một từ viết tắt đơn giản mà Warner cùng với Tiến sĩ Jim Wilder (người sáng lập và trưởng nhóm thần kinh học của tổ chức Life Model Works) đã tạo ra để giúp các cặp vợ chồng ghi nhớ trình tự đúng đắn trong giao tiếp:
Validate: Đoán định
Comfort: An ủi
Repattern: làm gương
Đầu tiên, hãy đoán định cảm xúc của đối phương bằng cách kiên nhẫn lắng nghe trước khi gọi tên được cảm xúc của họ.
Tác giả Warner viết, “Đoán định [được cảm xúc của đối phương] không có nghĩa là bạn đang đồng ý với cảm xúc của họ… Chỉ đơn thuần là bạn hiểu được họ đang thực sự trải qua cảm xúc đó. Mặt khác, một sự đoán định sai lầm là khi bạn không thể gọi tên chính xác cảm xúc của người phối ngẫu của mình, mà thay vào đó bạn đáp lại rằng, “Anh/em hiểu rồi.” Bạn phớt lờ cảm xúc của người phối ngẫu của mình bằng cách đáp lại bằng một đoán định sai lầm, như câu nói này chẳng hạn, “Anh/em hãy im lặng đi! Em/anh đã chán ngấy khi phải nghe điều này rồi.”
Tiếp theo, hãy an ủi đối phương bằng cách đề xuất các phương án và cách nhìn nhận để giải quyết vấn đề.
Khi một người vợ hoặc chồng nói ra với người còn lại về một vấn đề [nan giải] hoặc mối quan tâm nghi ngại, rất có thể là người ấy đang cần một sự hỗ trợ về mặt tinh thần. Nếu bạn nghiêng về hướng giải quyết vấn đề ấy ngay từ khi khởi sự, thì điều đó có thể hiểu rằng bạn đang thiếu quan tâm và cân nhắc [cho cảm xúc của đối phương] — không ai muốn cảm thấy mình giống như một vấn đề cần được sửa chữa. [Bạn cần] đoán định được cảm xúc của đối phương trước khi nỗ lực giúp [họ] giải quyết vấn đề, đây là điểm then chốt của một cuộc trao đổi hoà ái.
Làm gương là quá trình bạn khiến bản thân mình dần trở nên thoải mái khi phản ứng lại những cảm xúc của đối phương. Thông qua việc thực hành sự đoán định và an ủi người phối ngẫu của mình, bạn sẽ hình thành sự thông minh cảm xúc cần thiết để hỗ trợ người bạn đời của mình.
Trân trọng nhau mỗi ngày
Sự trân trọng lẫn nhau giữa các cặp vợ chồng có mối tương quan trực tiếp với niềm vui của cuộc hôn nhân — khi sự trân trọng ấy mất dần, nỗi oán giận sẽ thay thế niềm vui. Lòng biết ơn có thể được coi là một đơn vị tiền tệ của cuộc hôn nhân. Khi chúng ta cho đi, nhận lại và trao đổi một cách công bằng, sự hài hòa và cân bằng [của cuộc hôn nhân] sẽ được giữ bình ổn. Đối với những cuộc hôn nhân đã trở nên nghèo nàn, những đơn vị tiền tệ này thực sự thiếu vắng, dẫn đến sự hỗ trợ trong việc ổn định cảm xúc cũng mất dần đi. Nhưng một điều may mắn là tất cả chúng ta đều có thể phát triển lòng biết ơn bằng cách luyện tập hằng ngày thông qua cách huấn luyện não bộ nhận biết các phước lành thay vì cố giải quyết vấn đề hoặc tránh né tổn thương.
Sau khi nghiên cứu tác động của lòng trân trọng và biết ơn, Warner đã tạo ra một bài tập mà anh và vợ mình cùng thực hành, gọi là 3x3x3. “Đầu tiên, chúng ta lần lượt chia sẻ ba điều mà chúng ta trân trọng trong ngày. Thứ hai, chúng ta nói ra ba phẩm chất của đối phương mà chúng ta trân trọng, bao gồm những ví dụ mà phẩm chất này đã ‘được thực hiện trên thực tế’. Cuối cùng, chúng ta nhấn mạnh ba phẩm chất mà chúng ta biết ơn từ Đức Chúa Trời. ”
Tất cả chúng ta đều mong nhận được sự trân trọng và tưởng thưởng, đặc biệt là từ những người rất quan trọng đối với bạn. Hãy thể hiện về sự trân trọng của bản thân bạn đối với những phẩm chất tốt đẹp mà đối phương của bạn đang sở hữu bằng lời nói, điều này có thể thêm vào mối gắn kết của bạn nhiều sự khâm phục, tôn trọng và bền chặt. Khi [khoảng cách] thời gian giữa những thời khắc vui vẻ trở nên quá xa nhau, mối quan hệ vợ chồng có thể bắt đầu trở nên chai sạn trước cảm xúc yêu thương dành cho đối phương, và thậm chí quên mất những gì họ đã từng trân trọng ở nhau. Hãy cùng đối phương thực hành một bài tập: nhớ đến nhau như những người mà bạn đã từng yêu. Vào thời điểm nào mà cả hai phát hiện mình đã yêu? Đặc điểm nào của đối phương khiến bạn trân trọng và yêu mến?
Một cách tuyệt vời khác để hình thành thói quen trân trọng người bạn đời là viết ra sự trân trọng đó. Hồi tưởng và viết xuống những suy nghĩ về sự trân trọng đối với người phối ngẫu của bạn sẽ khiến bạn sống chậm lại và tập trung vào những cảm xúc liên quan và lý do đằng sau sự trân quý ấy. Hai ông Warner và Coursey đã tạo ra năm nhóm chủ đề để hồi tưởng những kỷ niệm vui vẻ cùng nhau, bao gồm những kỷ niệm từ những chuyến du lịch, từ những ngày nghỉ, kỷ niệm khi đang yêu nhau, sự lãng mạn sau tuần trăng mật và những kỷ niệm vui trong quá trình nuôi dạy con cái.
Nuôi dưỡng sự đồng điệu
Nếu chúng ta có thể xem việc dưỡng thành các thói quen cũng thư thái như là đang vui chơi vậy, thì khi ấy chúng ta có thể tạo ra một môi trường màu mỡ để phát triển niềm vui. Khi không dành thời gian cho các hoạt động nuôi dưỡng tâm hồn, chúng ta sẽ trở nên héo úa. Khi bạn không dành thời gian để gắn bó với người phối ngẫu của mình thì cũng như vậy, cuộc hôn nhân của bạn sẽ dần trở nên khó khăn. Dưỡng thành sự hoà điệu với người bạn đời sẽ giúp nền tảng cuộc hôn nhân được giữ bền chặt và [có thể] vượt qua những thời khắc khó khăn.
Ở những cặp đôi luôn chú ý vào mối quan hệ của họ từ đầu ngày đến cuối ngày, khả năng gắn kết đầy niềm vui [trong mối quan hệ] sẽ được gia tăng đáng kể. [Các cách để] nuôi dưỡng sự hoà điệu có thể đến từ những việc đơn giản như thức dậy và uống cà phê cùng nhau trước khi đi làm, cùng thưởng thức bữa ăn tối của gia đình, hoặc thậm chí cùng tận hưởng một cuộc đi bộ dạo tối trong khu phố. Vì mọi người đều có một lịch trình sinh hoạt khác nhau, nên điểm quan trọng là dành ra thời gian chung cho vợ/chồng của bạn, để cả hai có thể cùng nhau lên kế hoạch và dự tính các công việc xã hội cùng nhau.
Một niềm vui nhỏ có thể mang lại hiệu quả không ngờ
“Lãng mạn là dành thời gian bên nhau, và lên kế hoạch là hành động cống hiến vì nhau.”
—Marcus Warner
Mục tiêu của việc trau dồi bốn thói quen này là để nối gần khoảng cách giữa những thời khắc vui vẻ mà cả hai đã trải qua cùng nhau. Khi một cặp vợ chồng gây dựng đủ niềm vui trong mối quan hệ của họ, cuộc hôn nhân của họ sẽ có thêm nhiều sự an toàn hơn, họ sẽ phục hồi nhanh hơn sau các cuộc xung đột và chú trọng dành thêm nhiều thời gian để ở bên nhau. Không ai nói rằng các mối quan hệ là điều dễ dàng – nhưng chúng cũng không nên trở thành quá phức tạp.
Tất cả chúng ta đều được sinh ra cùng những mối gắn kết và khát khao về một mối quan hệ bền chặt giống nhau — tất cả chúng ta đều cần cảm thấy an toàn, được yêu thương và được trân trọng. Khi bị cuốn theo những mối căng thẳng thường ngày, chúng ta có thể lạc mất cái nhìn về bức tranh lớn hơn và chúng thể dễ trở nên xao nhãng hoặc thậm chí là lợi dụng những người mà chúng ta yêu quý.
Bảo Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times