Bí mật của mối quan hệ hạnh phúc và lâu dài
Tôi đã đọc được một thống kê đáng lo ngại năm 2015 rằng: chỉ một phần ba số người kết hôn có một cuộc hôn nhân lành mạnh và hạnh phúc. Hai phần ba còn lại thì đa số là ly hôn hoặc vẫn ở cùng nhau nhưng trong trạng thái buồn bực hoặc không hòa hợp vì một lý do nào đó.
Những số liệu thống kê xuất hiện trong cuốn “Khoa học của Hạnh phúc trường tồn” của Ty Tashiro dường như không ảnh hưởng gì đến hàng triệu người nói đồng ý với những lời cầu hôn mỗi năm. Bất chấp những nỗi bất hạnh và các cuộc ly hôn mà mọi người chứng kiến xung quanh, hầu hết chúng ta dường như vẫn tin rằng sẽ sống trong câu chuyện cổ tích và vượt qua tất cả – nếu chúng ta dành thời gian trước ngày trọng đại để trao đổi nghiêm túc về những trở ngại có thể xảy ra.
Có thể bạn đã từng đọc hoặc thấy những câu chuyện về các cặp vợ chồng lâu năm chia sẻ về bí quyết sống hạnh phúc lâu dài. Sau các cuộc phỏng vấn đó, các nhà xã hội học đã xác định được hai bí mật của một mối quan hệ yêu thương bền vững; và hai đặc điểm đối lập có thể là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của một mối quan hệ.
Hai bí mật của mối quan hệ là sự tử tế và vị tha; còn hai đặc điểm tương phản xuất hiện khá thường xuyên là sự đối đầu và chỉ trích. Sự tử tế và vị tha là chìa khóa của cuộc sống tích cực; còn sự đối đầu và những lời chỉ trích giống như một hồi chuông báo tử.
Những nghiên cứu về mối quan hệ
Về cơ bản, những cặp đôi thể hiện năng lượng nhiều nhất trong bài kiểm tra sinh lý như nhịp tim nhanh, đổ mồ hôi nhiều, máu lưu thông nhanh hơn, là những cặp có nhiều khả năng tan vỡ hơn. Trạng thái dễ bị kích động cho thấy cơ thể đang ở chế độ đối mặt với căng thẳng và nguy hiểm, sẵn sàng tấn công bạn đời hoặc sẵn sàng bị tấn công. Mối quan hệ của họ dựa trên sự đối đầu và chỉ trích.
Tuy nhiên, những cặp đôi bền vững thì ít thể hiện sự thay đổi đáng kể trong các bài kiểm tra, ngay cả khi họ có mâu thuẫn. Họ đã thể hiện lòng tốt và sự vị tha.
Gottman sau đó đã tiến hành một thí nghiệm khác liên quan đến 130 cặp đôi mới cưới. Ông quan sát các cặp đôi trong một kỳ nghỉ cuối tuần khi họ sinh hoạt như thường lệ và ông đã khám phá ra bí mật tại sao một số mối quan hệ lại thăng hoa và những mối quan hệ khác lại thất bại.
Trên thực tế, dựa trên những quan sát của mình, Gottman hiện có thể dự đoán chắc chắn 94% cặp vợ chồng nào sẽ ở bên nhau và cặp đôi nào sẽ không, bất kể họ mang giới tính nào, có con hay không, nghèo hay giàu. Bí mật nằm ở cách các cặp đôi tương tác với nhau.
Chẳng hạn, một người vợ cảm thán: “Bình minh sáng nay tuyệt chưa này! Mây màu hồng và cam”. Người chồng có thể phản ứng bằng cách: phớt lờ, không đáp lại, bảo vợ đừng làm phiền anh ta nữa hoặc anh ta sẽ đi đến ngắm bình minh cùng. Nói cách khác, người chồng có thể chọn hướng về vợ mình hoặc xa cách cô ấy.
Gottman đã thực hiện một cuộc theo dõi trong sáu năm và phát hiện ra rằng, các cặp vợ chồng đã ly hôn sau này chỉ hướng về phía bạn đời của họ (một cách tích cực) 33% vào thời điểm đó, trong khi những người vẫn ở bên nhau đã làm như vậy trong 87% thời gian. Một lần nữa, những người gắn bó với nhau đã thể hiện sự tử tế và vị tha trong phần lớn các tình huống, trong khi những người đã chia tay lại tỏ ra đối đầu và chỉ trích trong hầu hết thời gian.
Công thức cho mối quan hệ thành công
Điều này đưa tôi đến công thức của Gottman cho một mối quan hệ thành công:
Với một cặp vợ chồng, mỗi tương tác không tốt hoặc tiêu cực (như: phớt lờ, lườm nguýt, tấn công bằng lời nói) thì phải có ít nhất năm tương tác yêu thương, tích cực (như: những lời nhận xét tích cực chân thành, một cái ôm hay một nụ hôn, một nụ cười chân thành); nghĩa là tỷ lệ 1:5. Gottman nhấn mạnh rằng những phản hồi tích cực phải thật lòng và không dựa trên cảm giác tội lỗi, sợ hãi, chiếm hữu hoặc các yếu tố tiêu cực khác.
Những lời chỉ trích và sự đối đầu trong một mối quan hệ không chỉ có hại cho trạng thái tình cảm và tinh thần của cặp đôi; nó còn có thể gây tổn hại về mặt thể chất. Các mối quan hệ đối đầu gây ảnh hưởng đến hệ thống nội tiết và miễn dịch, khiến các cá nhân gặp khó khăn hơn trong việc phòng ngừa bệnh tật.
Lòng tốt là một cách chúng ta chọn để thể hiện sự tức giận.
Gây chiến thì sao? Trong những mối quan hệ thiếu tôn trọng và đầy chỉ trích, những cuộc tranh cãi giữa các cặp vợ chồng sớm trở thành độc hại và giết chết bầu không khí hòa hợp. Gottman lưu ý rằng các cặp vợ chồng tập trung vào việc chỉ trích và chế giễu bạn đời của họ đã bỏ qua những điều tích cực của người kia và luôn nhìn thấy sự tiêu cực ngay cả khi điều đó không có mặt ở đó.
Tuy nhiên, các mối quan hệ được xây dựng dựa trên sự tử tế và vị tha có thể vượt qua cơn bão của những bất đồng. Julie Gottman giải thích rằng: “Tử tế là một cách chúng ta chọn để thể hiện sự tức giận” mà các cặp đôi cảm thấy trong cuộc chiến. Thay vì la mắng bạn đời vì anh ta quên lấy bánh mì trên đường về nhà rằng anh ta lười biếng hoặc đãng trí ra sao, bạn có thể nói: “Chắc anh mải nghĩ nhiều thứ quá nên đã quên bánh mì, bây giờ em đang cảm thấy hơi khó chịu. Chúng ta sẽ điều chỉnh kế hoạch ăn tối vậy.”
Hành động theo công thức
Các cặp vợ chồng có thể thực hiện theo công thức 1:5 và tăng số tích cực bằng cách thực hành các hành động tử tế và vị tha, ngay cả khi một trong hai người cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng quá mức và không muốn trò chuyện theo cách tích cực. Cũng giống như cơ bắp: bạn sử dụng nó liên tục hoặc bạn sẽ mất đi cơ bắp. Mối quan hệ yêu thương cần nỗ lực, và nỗ lực không ngừng có thể sớm trở thành thói quen chân thành.
Như Julie Gottman đã giải thích, “Nếu bạn đời của bạn bày tỏ nhu cầu gì đó trong khi bạn đang mệt mỏi, căng thẳng hoặc mất tập trung, thì tinh thần vị tha sẽ xuất hiện khi bạn đời đề xuất chuyện gì đó [bằng một cử chỉ tử tế], và bạn vẫn hướng về bạn đời của mình.”
Sự tử tế, vị tha có thể được chia sẻ, thể hiện và cho đi theo hàng ngàn cách. Đó có thể là đặt bệ bồn cầu xuống, tự động đi đổ rác, nhét mẩu giấy nhắn lời yêu thương vào cặp của đối phương, gọi điện để thông báo bạn sẽ về ăn tối muộn 15 phút hoặc mua một món quà nhỏ mà không đợi dịp đặc biệt.
Đó là thực sự lắng nghe những gì bạn đời của bạn đang nói, không nhắn tin hoặc xây dựng hệ thống phòng thủ khi họ đang chia sẻ. Đó là phản hồi theo cách tích cực trước thông tin tốt đẹp từ bạn đời, không cần thêm thông tin về bạn hay cứ phải tìm kiếm “đám mây đen” trong mọi vấn đề đâu.
Ví dụ, nếu bạn đời nói với bạn rằng cô ấy vừa được thăng chức, thì một câu trả lời tử tế/vị tha sẽ là: “Đó là một tin tuyệt vời! Kể cho anh chuyện gì đã xảy ra.” Các cặp đôi gắn bó với nhau qua kiểu phản hồi tích cực này. Phản hồi kiểu ‘đám mây đen’ sẽ là: “Thế à, anh cũng có tin tốt! Để anh kể cho em nghe những gì đã xảy ra hôm nay”. Phản ứng này cho thấy người được thăng chức cảm thấy như thể cô ấy không được coi trọng hoặc không có ý nghĩa trong mối quan hệ.
Nếu bạn muốn mối quan hệ của mình thành công, hãy luôn nhớ mang theo sự tử tế và vị tha. Chắc chắn, sẽ có rất nhiều thách thức phải đối mặt và vượt qua, có thể bao gồm con cái, vấn đề tài chính, bất an trong công việc, các vấn đề về gia đình đối phương và sự khác biệt về văn hóa. Trải qua nhiều năm, một số nhiệt huyết và tình cảm ban đầu có thể phai nhạt. Nhưng miễn là bạn luôn giữ lòng tốt và sự vị tha, mối quan hệ của bạn sẽ phát triển.
Bài viết này được đăng lần đầu trên www.NaturallySavvy.com
Deborah Mitchell
Ngân Hà biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: