Lý do nhân viên cứu hỏa thường được trả lương cao nhất ở Hoa Kỳ
Trên khắp đất nước, không phải thị trưởng, thẩm phán, biện lý, hay quản lý của thành phố thường là những nhân viên được trả lương cao nhất trong thành phố, mà là các nhân viên cứu hỏa. Họ đã trở thành những nhân viên được trả lương cao nhất do một mô hình nhân sự gây ra một lượng lớn thời gian làm thêm giờ vì quy định bắt buộc rằng bất kỳ sự vắng mặt nào đều phải được lấp đầy bất kể nhu cầu.
Và đối với những người sẵn sàng làm thêm giờ, khoản phụ cấp có thể mang đến cho họ gần gấp bốn lần mức lương căn bản của lính cứu hỏa.
Tại Los Angeles, sáu nhân viên sở cứu hỏa đã kiếm được 500,000 USD trở lên vào năm 2021, và một đội trưởng đội cứu hỏa có tổng lương là 598,532 USD, 434,394 USD trong đó là tiền phụ cấp làm thêm giờ.
Tại San Diego, bốn nhân viên trong sở cứu hỏa đã kiếm được hơn 200,000 USD phụ cấp làm thêm giờ. Một lính cứu hỏa ở San Diego đã kiếm được 236,937 USD phụ cấp làm thêm giờ, đẩy tổng lương của người này lên 329,948 USD.
Tại San Francisco, một lính cứu hỏa đã kiếm được 257,072 USD phụ cấp làm thêm giờ vào năm 2021 và có tổng lương là 413,844 USD. Một trợ lý giám đốc cứu hỏa có tổng lương là 458,223 USD, trong đó có 193,883 USD phụ cấp làm thêm giờ vào năm 2021. Cũng trong năm này, 11 nhân viên sở cứu hỏa San Francisco kiếm được hơn 400,000 USD.
Thời gian làm thêm giờ không chỉ có lợi cho một số ít lính cứu hỏa.
Tại thành phố New York, trong năm 2021, 831 nhân viên sở cứu hỏa đã kiếm được 50,000 USD hoặc hơn tiền làm thêm giờ.
Trên khắp Hoa Kỳ, các sở cứu hỏa sử dụng mô hình nhân sự được gọi là “nhân sự tối thiểu.” Mô hình này thường được thương lượng thành các thỏa thuận của nghiệp đoàn và được các nhà quản lý thành phố đồng ý và quy định rằng nếu bất kỳ nhân viên nào của sở cứu hỏa vắng mặt trong ca làm việc, vị trí trống đó phải được lấp đầy.
Như một nghiên cứu năm 2016 về mô hình nhân sự của Sở Cứu hỏa Houston đã giải thích, “Không giống như các nhân viên cứu hỏa thường trực, nếu một nhân viên vắng mặt khỏi một vị trí thường trực nhưng không khẩn cấp trong sở cứu hỏa hoặc hầu hết các vị trí chính phủ nói chung vì bất kỳ lý do gì, thì vị trí đó chỉ đơn giản là được bỏ trống trong ngày đó.”
Nhưng trong Sở Cứu hỏa Houston, các trường hợp vắng mặt thường được lấp đầy bằng việc làm thêm giờ nếu số lượng nhân viên giảm xuống dưới mức quy định.
Nghiên cứu của thành phố cho thấy, “Vấn đề này bị làm cho phức tạp thêm bởi các trường hợp vắng mặt đột xuất để nghỉ bệnh, nghỉ quân dịch, tang chế, nghĩa vụ bồi thẩm đoàn, và nghỉ để đào tạo, tất cả đều tạo thêm một gánh nặng vật chất cho các nhân viên còn lại và một gánh nặng tài chính cho Thành phố để cung cấp quỹ cho các chi phí tăng thêm do làm thêm giờ.”
Nghiên cứu còn cho biết, một ca làm việc điển hình trong 48 giờ của một lính cứu hỏa ở Santa Rosa sẽ tiêu tốn của thành phố 1,651 USD theo tỷ lệ lương cho thời gian làm việc bình thường, nhưng tiêu tốn đến 2,477 USD theo tỷ lệ làm thêm giờ, hay cao hơn 50%. Nghiên cứu cho biết thành phố đã trả 15.5 triệu USD tiền lương cho sở cứu hỏa vào năm 2018 và thêm 6.1 triệu USD tiền làm thêm trong năm đó.
Tại Quận Santa Clara ở California vào năm 2011, một Đại Bồi thẩm đoàn Dân sự đã điều tra về mô hình nhân sự tối thiểu ở quận đó và đề nghị chấm dứt tình trạng này. Cuộc điều tra cho biết các nhà quản lý thành phố và đội trưởng đội cứu hỏa trong quận “nhìn chung đồng ý rằng các hoạt động của sở cứu hỏa như cấu trúc hiện tại là không bền vững.”
“Các yêu cầu về nhân sự tối thiểu quy định trong hợp đồng là không cần thiết và cản trở đội trưởng đội cứu hỏa trong việc quản lý hiệu quả nhân viên cứu hỏa để đáp ứng nhu cầu thời gian trong ngày, ngày trong tuần, mùa trong năm. Điều này gây lãng phí tiền bạc và có thể dẫn đến việc đóng cửa trạm cứu hỏa khi ngân sách tiếp tục hao hụt,” đại bồi thẩm đoàn kể trên nêu rõ.
Đại bồi thẩm đoàn cũng khuyến nghị rằng bất kỳ thành phố nào trong quận có điều khoản nhân sự tối thiểu trong hợp đồng nghiệp đoàn “nên mở lại các cuộc đàm phán với nghiệp đoàn để loại bỏ điều khoản này và bất kỳ điều khoản nào khác hạn chế khả năng của đội trưởng trong việc bố trí nhân sự ‘đúng quy mô’ cho thời gian trong ngày hoặc thời gian trong năm.”
“Đội Cứu hỏa và Cứu hộ Las Vegas có một biện pháp sắp xếp nhân sự bảo đảm rằng các đơn vị được bố trí tối thiểu bốn nhân viên. Đây là biện pháp tốt nhất trong ngành cứu hỏa và cho phép lính cứu hỏa hoạt động một cách an toàn đồng thời cung cấp dịch vụ hoàn hảo cho cư dân của chúng tôi,” ông Jace Radke, phát ngôn viên của thành phố Las Vegas, cho biết. “Xét về tổng lương và số lương nhiều hơn cho lính cứu hỏa, điều này đa phần là do chi phí làm thêm giờ.”
Tại thành phố Houston, 633 nhân viên của sở cứu hỏa đã kiếm được 100,000 USD trở lên ở một thành phố có thu nhập trung bình cho mỗi gia đình là 53,600 USD vào năm 2020.
Một lính cứu hỏa ở Houston với mức lương căn bản là 64,900 USD có tổng lương là 171,396 USD vào năm 2021. Một kỹ sư/nhà điều hành với mức lương căn bản là 66,293 USD có tổng lương là 234,594 USD trong cùng năm đó.
Houston sử dụng các yêu cầu về nhân sự tối thiểu dựa trên mô hình do Hiệp hội Phòng cháy Quốc gia (NFPA), một tổ chức bất vụ lợi ủng hộ các nhân viên cứu hỏa đề ra.
Ông Curt Floyd, một phó giám đốc phòng cháy đã về hưu làm việc cho Hiệp hội Phòng cháy Quốc gia, cho biết các khuyến nghị về nhân sự tối thiểu “dựa trên các nghiên cứu được thực hiện để xác định mức độ hiệu quả của các hoạt động được thực hiện với số lượng nhân viên hiện trường khác nhau lấy yếu tố an toàn làm trọng tâm.”
“Chi phí làm thêm giờ phát sinh ở nhiều cộng đồng có những nhân viên phản ứng nhanh và đó thường là do thiếu nhân sự do nhiều nguyên nhân khác nhau,” ông Floyd nói trong một thư điện tử. “Các yêu cầu về nhân sự tối thiểu thường là một quyết định được đưa ra thông qua các cuộc đàm phán hợp đồng và các quy trình hoạt động được thiết lập khác nhau giữa các sở.”
Bản tin do Tom Gantert and Brett Rowland thực hiện
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times