Lương CEO tăng vọt: Các giám đốc điều hành có thu nhập cao gấp 200 lần nhân viên thông thường vào năm 2023
Theo dữ liệu phân tích của Equilar, mức lương trung bình của một CEO năm 2023 là 16.3 triệu USD, cao gần gấp 200 lần mức lương của một nhân viên thông thường. Một phần nguyên nhân của sự chênh lệch này nằm ở các khoản thưởng bằng cổ phiếu hào phóng, vốn chiếm khoảng 70% tổng số tiền thù lao. Để hiểu được thấu đáo hơn, khi đặt các khoản lương thưởng này vào bối cảnh so sánh trực quan, thì các nhân viên thông thường có mức tăng lương hàng năm cao nhất là 4,300 USD, trong khi các CEO được hưởng thêm 1.5 triệu USD nữa.
Theo Viện Chính sách Kinh tế (EPI), lương của CEO đã tăng hơn 1,200% kể từ năm 1978, trong khi mức tăng lương của nhân viên thông thường chỉ là 15% trong cùng thời kỳ.
Lý giải về sự chênh lệch lớn này, ông Lawrence Mishel, một nhà nghiên cứu nổi bật tại EPI, đã liệt kê một số nguyên nhân:
- tỷ lệ thất nghiệp cao
- quá trình toàn cầu hóa
- sự xói mòn của các nghiệp đoàn
- các tiêu chuẩn lao động thấp
- sự gia tăng các điều khoản không cạnh tranh* và việc thuê ngoài trong nước**
(*Noncompete clauses: Trong quá trình làm việc, nhân viên sẽ có cơ hội tiếp cận và nắm bắt được các thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh. Vì vậy, điều khoản không cạnh tranh yêu cầu nhân viên không được phép tiết lộ thông tin hay làm việc cho đối thủ cạnh tranh sau khi nghỉ việc, hoặc không được thành lập doanh nghiệp mới cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp cũ.
**Domestic outsourcing: Doanh nghiệp thuê một công ty khác thực hiện một công đoạn nào đó thay cho mình, nhưng bên được thuê vẫn là công ty trong nước).
Khoảng cách ngày càng lớn này là một trong những lý do khiến người Mỹ không hài lòng về nền kinh tế. Theo bà Sarah Anderson, giám đốc Dự án Kinh tế Toàn cầu tại Viện Nghiên cứu Chính sách (IPS): “Trọng tâm ở đây chủ yếu là lạm phát, tình trạng mà mọi người thực sự đang cảm nhận được, nhưng họ càng cảm nhận được nỗi đau lạm phát một cách thiết thực hơn khi họ không thấy tiền lương của mình tăng đủ.”
Theo một khảo sát của AP, các CEO được trả lương cao nhất trong các công ty thuộc Chỉ số S&P 500 là các giám đốc với những mức thu nhập sau đây:
- Ông Hock Tan, CEO của Broadcom Inc.: gần 162 triệu USD
- Ông William Lansing, CEO của Fair Isaac Corp. (FICO): 66.3 triệu USD
- Ông Tim Cook, CEO của Apple Inc.: 63.2 triệu USD
- Ông Hamid Moghadam, CEO của Prologis Inc.: 50.9 triệu USD
- Ông Ted Sarandos, đồng CEO của Netflix: 49.8 triệu USD
Phần lớn người Mỹ đang gặp khó khăn tài chính
Người tiêu dùng có thu nhập thấp đang bị tụt lại phía sau vì lãi suất cao hơn, lạm phát, và sự kết thúc của các biện pháp trợ giúp thời kỳ đại dịch đang có tác động gần như cùng lúc. Ảnh hưởng của lãi suất cao hơn là tùy thuộc vào từng người. Nếu quý vị từng đi vay với lãi suất gần như bằng 0 trong thời kỳ đại dịch thì mức lãi suất cao nhất trong vòng bốn thập niên qua thời nay sẽ không ảnh hưởng đến quý vị. Nhưng điều này không áp dụng cho những người đi vay không đủ điều kiện vay dài hạn với lãi suất cố định, hiện nay họ đang phải chịu mức lãi suất cao hơn nhiều. Lãi suất nợ thẻ tín dụng đã tăng vọt kể từ khi Hệ thống Dự trữ Liên bang bắt đầu chính sách thắt chặt, khiến lãi suất tăng từ mức thấp 16% sau đại dịch lên gần 23% đối với những người đi vay không thanh toán đầy đủ số dư thẻ tín dụng mỗi tháng.
Ngày nay, bất kỳ ai muốn mua nhà hoặc xe hơi đều phải đối mặt với mức giá cao hơn và lãi suất cao hơn nhiều. Nhiều người chỉ đơn giản là không thể tìm ra cách khiến phép toán này trở nên hợp lý đối với họ — dẫn đến số hồ sơ vay tiền mua nhà trong năm qua đạt mức thấp nhất kể từ năm 1995.
So với các gia đình có thu nhập cao, lạm phát gây tổn hại nhiều hơn cho các gia đình có thu nhập thấp vì những nhu cầu thiết yếu này chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều trong những chi tiêu mà khoản thu nhập của họ phải trang trải. Chi phí thực phẩm, năng lượng và tiền thuê nhà đã tăng cao hơn hầu hết các mặt hàng khác sau đại dịch, chiếm tỷ trọng tiêu dùng lớn hơn đối với người nghèo.
Cùng nhau, giá cao hơn và lãi suất cao hơn đặc biệt gây khó khăn cho những người tiêu dùng trẻ tuổi có thu nhập thấp. Theo dữ liệu từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, những người dưới 30 tuổi và bỏ lỡ thời hạn thanh toán hàng tháng cho số dư thẻ tín dụng hoặc khoản vay mua xe hơi của họ trong ba tháng liên tiếp, đã đạt tỷ lệ cao nhất vào năm ngoái kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008–2009. Một nghiên cứu của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York về các khoản vay mua xe hơi cho thấy tỷ lệ người đi vay bỏ lỡ thời hạn thanh toán có sự gia tăng mạnh nhất ở các khu vực có thu nhập thấp.
Tỷ lệ tăng các khoản nợ quá hạn mới
Người Mỹ khá giả thuộc về số ít
Các chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng đã tạo ra làn sóng hàng ngàn tỷ USD đổ ập vào nền kinh tế. Lượng tiền mặt to lớn nhằm giảm thiểu tác động của việc đóng cửa gần như hoàn toàn nền kinh tế trong thời kỳ đại dịch này đã tìm thấy bến đỗ trong hầu hết các loại tài sản. Mặc dù cũng có một vài khoản tiền kích thích chi tiêu được sử dụng cho mục đích tiêu dùng và thanh toán hóa đơn, nhưng lượng tiền dư thừa to lớn còn lại rốt cuộc lại chủ yếu được đầu tư vào tài sản, làm tăng giá và làm lạm phát giá tài sản trên khắp các cổ phiếu, mã kim (tiền crypto), nhà cửa, và thậm chí là cả xe cộ. Người giàu sở hữu hầu hết những tài sản này và do đó được hưởng lợi rất nhiều từ việc giá trị tài sản tăng lên.
Dữ liệu của Hệ thống Dự trữ Liên bang cho thấy, các gia đình thuộc 1% dân số có thu nhập cao nhất ở Hoa Kỳ nắm giữ 32.3% tài sản của cả nước, trong khi các gia đình thuộc 50% dân số có thu nhập thấp nhất nắm giữ 2.6%. Cụ thể, nhóm này sở hữu một phần đáng kể những tài sản như cổ phiếu, địa ốc, và các khoản đầu tư khác. Những người thuộc nhóm 10% dân số có thu nhập cao nhất (bao gồm những người thuộc nhóm 1% dân số giàu nhất) sở hữu tổng cộng 69.8% tổng giá trị tài sản ròng của Hoa Kỳ. Kể từ năm 1990, tỷ lệ tài sản do nhóm 1% dân số giàu nhất nắm giữ đã tăng lên, trong khi tỷ lệ này đối với các nhóm thu nhập khác vẫn tương đối ổn định. Đáng chú ý là trong cùng giai đoạn, những người thuộc nhóm 0.1% và 1% dân số giàu nhất đã có sự gia tăng lớn nhất trong tỷ lệ tài sản nắm giữ.
Số phần trăm tổng giá trị tài sản ròng của cả nước do 1% dân số Hoa Kỳ có thu nhập cao nhất nắm giữ
Ông Lawrence Katz, Giáo sư Kinh tế Elisabeth Allison tại Khoa Nghệ thuật và Khoa học (FAS) Harvard, tin rằng khoảng cách giữa những người Mỹ thuộc 1% dân số giàu nhất và phần còn lại của dân số Hoa Kỳ dẫn đến quyền lực kinh tế và chính trị không cân xứng cũng như sự phân hóa ngày càng tăng trong giáo dục, tạo điều kiện cho sự phân biệt xã hội và hệ thống xã hội có giai cấp hoặc đẳng cấp.
Khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng gây nguy hiểm cho cả xã hội và nền kinh tế thông qua những con đường tác động sau:
- Giảm sự dịch chuyển xã hội. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng làm giảm sự dịch chuyển xã hội, (tức sự dịch chuyển của một cá nhân hoặc một nhóm người từ một địa vị, giai tầng xã hội này sang một địa vị, giai tầng xã hội khác). Khi của cải tập trung vào tay một nhóm nhỏ, thì các cá nhân sinh trưởng trong những gia đình có thu nhập thấp sẽ khó tiến lên bậc thang kinh tế hơn.
- Tạo ra một lực lượng lao động có trình độ học vấn thấp hơn. Khi bất bình đẳng giàu nghèo ngày càng tăng lên, thì khả năng tiếp cận nền giáo dục có chất lượng trở nên không đồng đều. Điều này tạo ra một lực lượng lao động có trình độ học vấn thấp hơn, khiến người đi làm phải vất vả cạnh tranh trong một nền kinh tế toàn cầu đòi hỏi những kỹ năng và kiến thức mang tính chuyên môn.
- Áp lực chính trị và bất ổn. Bất bình đẳng thu nhập tăng lên cũng có thể dẫn đến căng thẳng chính trị. Sự bất mãn của những người bị bỏ lại phía sau về mặt kinh tế có thể dẫn đến những áp lực để thay đổi chính sách, gây ảnh hưởng đến các quyết định thương mại, đầu tư, và tuyển dụng.
- Gây ra gánh nặng về chăm sóc sức khỏe và tội phạm. Nghèo đói thường gắn liền với sức khỏe cộng đồng yếu kém và tỷ lệ tội phạm gia tăng. Những gánh nặng này gây căng thẳng cho các nguồn lực và tác động tiêu cực đến năng suất kinh tế.
- Đe dọa đến nền kinh tế toàn cầu. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng không chỉ là vấn đề của một quốc gia, mà còn là một bài toán hóc búa đe dọa đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nếu cứ tiếp tục gia tăng, thì bất bình đẳng sẽ làm suy yếu sự ổn định và thịnh vượng trên toàn thế giới.
Giải quyết những thách thức này đòi hỏi những chính sách và nỗ lực chu đáo nhằm thúc đẩy công bằng kinh tế và cơ hội cho tất cả mọi người.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times