Luật sư về nhân quyền Trung Quốc bị giam giữ tại Bắc Kinh khi đang đi gặp phái đoàn EU
Hôm thứ Năm (13/04), luật sư về nhân quyền Trung Quốc Dư Văn Sinh (Yu Wensheng) cùng vợ là bà Hứa Diễm (Xu Yan) đã bị giam giữ tại Bắc Kinh khi hai người đang trên đường đến gặp một phái đoàn từ Liên minh Âu Châu.
Ông Dư là một trong những luật sư nhân quyền dũng cảm nhất ở Trung Quốc, tích cực bảo vệ các quyền của những người bất đồng chính kiến, các nhóm dân tộc và tôn giáo. Ông đã đạt được Giải thưởng Pháp-Đức về Nhân quyền và Pháp quyền hồi năm 2018 và Giải thưởng Martin Ennals hồi năm 2021 cho những thành tựu của mình.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã đến thăm Trung Quốc từ ngày 13 đến 15/04. Trao đổi với các phóng viên, bà bày tỏ những lo ngại rằng “phạm vi quan tâm về xã hội dân sự ở Trung Quốc đang tiếp tục bị thu hẹp và nhân quyền đang bị hạn chế” sau khi bà gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang).
Hôm 15/04, ông Lâm Hâm (Lin Xin) (dùng một bí danh vì lí do an toàn), một người bạn của gia đình, nói với ấn bản Hoa Ngữ của The Epoch Times rằng ông biết về vụ bắt giữ này từ con trai của ông Dư, vốn đang là một học sinh cấp hai.
Ông Lâm nói rằng việc khẩn cấp nhất đối với hai vợ chồng này là phải gặp các luật sư của họ. Con trai tuổi thiếu niên của ông Dư hiện không có ai chăm sóc.
Hôm 15/04, ông Trần Kiến Cương (Chen Jiangang), một luật sư nhân quyền người Trung Quốc hiện đang sống ở Hoa Kỳ, đã đăng trên Twitter rằng trước đó vào lúc 1 giờ chiều cùng ngày cảnh sát đã thông báo cho con trai của ông Dư rằng cả ông Dư và vợ đều bị giam giữ vì đã “gây gổ và gây rối,” một cáo buộc phổ biến theo điều 293 của Luật Hình sự Trung Quốc mà chính quyền sử dụng để nhắm vào những người chỉ trích.
Lúc 4 giờ 30 phút chiều hôm 13/04, vợ của ông Dư, bà Hứa Diễm, nói với ấn bản Hoa Ngữ của The Epoch Times, cả hai vợ chồng đã bị một số công an đưa đến đồn công an Ba Tiêu (Bajiao) ở quận Thạch Cảnh Sơn (Shijingshan) ở phía tây Bắc Kinh.
“Chúng tôi không được phép đến đại sứ quán [để gặp phái đoàn EU],” bà nói với The Epoch Times.
Hôm 14/04, The Epoch Times đã gọi vào điện thoại di động của bà Hứa Diễm nhiều lần, số điện thoại này trả lời rằng “số điện thoại quý vị vừa gọi không liên lạc được.”
Theo bài đăng của bà Hứa trên Twitter lúc 6 giờ 13 phút chiều hôm 13/04, bà và chồng của bà đã bị cưỡng bách lên một chiếc hơi, và tài xế, người đàn ông ngồi ở ghế hành khách phía trước, và một số người đàn ông mặc thường phục đều là công an.
要带余文生律师和许艳,去八角派出所。主要原因是,说因为要去使馆。请求大家关注🙏🙏🙏 pic.twitter.com/pfEZ8U5W1o
— 余文生律师妻子许艳 (@xuyan709) April 13, 2023
“[Công an] muốn đưa Luật sư Dư Văn Sinh và bà Hứa Diễm đến đồn công an Ba Tiêu. Lý do chính là [chúng tôi] sẽ đến đại sứ quán [để gặp Phái đoàn EU]. Xin hãy thể hiện sự quan tâm của quý vị,” bà Hứa viết trong bài đăng trên Twitter của mình.
Hôm 14/04, The Epoch Times đã liên lạc với đồn công an Ba Tiêu. Một người phụ nữ tự xưng là một công an tại đồn này và từ chối cho biết tên đã nói với The Epoch Times rằng cả ông Dư và bà Hứa đều ở đồn công an Ba Tiêu. Nữ công an đó từ chối trả lời các câu hỏi về lý do tại sao hai vợ chồng này bị giam giữ và khi nào họ sẽ được thả.
Hôm 14/04, có thêm nhiều luật sư nhân quyền ở Bắc Kinh bị quản thúc tại gia.
Bà Vương Vũ (Wang Yu) và chồng bà là ông Bao Long Quân (Bao Longjun) đều là các luật sư nhân quyền. Theo một video của bà Vương, một số công an mặc thường phục đã túc trực ở bên ngoài nhà của họ hôm 14/04, đồng thời cấm họ ra ngoài.
Bà Vương yêu cầu họ cho biết tên của họ và “lý do hợp lý và hợp pháp” cho hành động này.
“Quý vị cũng không muốn sống trong một xã hội bình thường sao? Hôm nay chúng tôi [đang bị quản thúc tại gia], nhưng ngày mai có thể là quý vị và gia đình quý vị,” người ta nghe thấy bà Vương nói chuyện với những người đàn ông bên ngoài căn hộ của bà.
Mẹ chồng già của bà Vương cảm thấy sợ hãi.
Luật sư nhân quyền Vương Toàn Chương (Wang Quanzhang) và vợ là bà Lý Văn Túc (Li Wenzu) cũng không thể rời khỏi nhà hôm 14/04. Camera giám sát trên cửa nhà của ông bị công an mặc thường phục trát vữa. Một số người đàn ông túc trực ở hành lang bên ngoài nơi ở của họ, đồng thời cấm họ ra ngoài.
Luật sư nhân quyền Lý Hòa Bình (Li Heping) đã bị cấm ra ngoài dắt chó đi dạo lúc 6 giờ 30 phút sáng hôm 14/04. Ông không được phép rời khỏi nhà vào ngày hôm đó.
Luật sư Nhân quyền Trung Quốc: ‘ĐCSTQ đang sợ hãi’
Chính quyền Trung Quốc đã ngăn cản các luật sư nhân quyền gặp gỡ các nhà ngoại giao ngoại quốc vì họ muốn che giấu những hành vi vi phạm nhân quyền của họ.
“Chế độ cộng sản sợ rằng cộng đồng quốc tế [sẽ] chứng kiến hành vi xấu xa và tình trạng nhân quyền thảm hại của họ,” ông Ngô Thiệu Bình (Wu Shaoping), một luật sư nhân quyền Trung Quốc hiện đang sống ở Hoa Kỳ, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 15/04.
Theo ông Ngô, những luật sư bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp này là trụ cột của Trung Quốc. “Họ đủ dũng khí để chống lại ĐCSTQ và dám lên tiếng chống lại sự bất công. Đây là những người mà xã hội Trung Quốc thực sự cần.”
“Những luật sư nhân quyền này là những người bảo vệ nhân quyền. Khi quyền của chính họ bị chà đạp một cách trắng trợn như vậy, thì tình hình sẽ ra sao đối với những người khác là có thể hình dung được. Họ là những người không hề nhận được sự quan tâm trực tiếp của các nhà ngoại giao và bản thân họ không phải là luật sư,” ông cho biết thêm.
Ông Dư bị kết án bốn năm tù vào năm 2018 và được trả tự do hồi tháng 03/2022. Ông Dư và những luật sư nhân quyền bị ĐCSTQ tước đoạt tự do nằm trong số hàng trăm luật sư nhân quyền là nạn nhân của “cuộc đàn áp 709” của chế độ cộng sản này. Ông Cao Trí Thịnh (Gao Zhisheng), một trong những luật sư bị bức hại trong cuộc đàn áp trên, đã mất tích hơn 5 năm qua.
Bản tin có sự đóng góp của Hong Ning
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times