Loại bỏ chứng nghiện, tự chủ và duy trì sự điều độ
Đôi khi kẻ thù mà chúng ta đối mặt lại nằm trong chiếc gương soi.
Khi nhắc đến từ nghiện, người ta thường nghĩ ngay đến nghiện rượu bia hoặc ma túy. Một số người thì nghiện thuốc lá, cờ bạc, hoặc phim ảnh đồi trụy.
Những ai không sa vào các loại nghiện trên có thể cảm thấy tốt hơn một chút so với bạn bè hoặc thành viên trong gia đình vốn say xỉn hằng đêm hoặc hơn hẳn những ai mất nhà cửa vì nợ nần cờ bạc. Có lẽ chúng ta cảm thấy tiếc nuối cho Chú Bill* về mối tình với rượu New Amsterdam, tuy nhiên điều cảm thương này cũng có thể chứa đựng lối trịch thượng nặng nề.
Tuy nhiên, sự thật mà nói, rất nhiều người trong chúng ta là những kẻ nghiện ngập, có nghĩa là chúng ta bị một thế lực nào đó trong cuộc sống điều khiển chúng ta nhiều hơn là chúng ta kiểm soát nó. Vợ của một anh nhân viên bán bảo hiểm 70 giờ một tuần thuyết phục anh ấy đi biển nghỉ dưỡng với cô. Nếu anh ấy có thể gác lại những thói quen công việc và tận hưởng tuần lễ đó, vậy khả năng là anh đã tích cực chủ động làm tốt công việc của mình. Tuy nhiên, nếu anh ấy trải qua kỳ nghỉ với tâm trạng không vui vẻ và hời hợt, lướt máy tính xách tay 10 hoặc 12 lần một ngày để kiểm tra thư và tình hình văn phòng, như vậy công việc đã làm chủ anh ấy, và anh trở thành nô lệ cho công việc.
Một lần, tôi đã nghe một mục sư nói rằng tội lỗi là một “điều tốt” bị thay đổi hoàn toàn. Ví như một hoặc hai ly rượu vào buổi tối có thể đem lại lợi ích tích cực. Tám ly rượu…không quá nhiều. Rượu là một đồ uống tốt, sử dụng trong buổi tiệc kỷ niệm nào đó, hoặc dùng trong buổi chia sẻ, lúc suy ngẫm, và có thể có một số lợi ích thể chất lành mạnh. Tuy nhiên, nếu lạm dụng, chúng ta đã phá hủy những điều tốt đẹp và ôm vào lòng chứng nghiện.
Trong tiểu thuyết “Cuộc ly hôn vĩ đại” (The Great Divorce) của C.S. Lewis’s, (tác phẩm viết dựa trên một giấc mơ thần học của nhà văn, trong đó ông phản ánh các quan niệm của Cơ đốc giáo về Thiên đường và Địa ngục); một số linh hồn từ địa ngục có cơ hội rũ bỏ quá khứ, thay đổi bản thân và lên thiên đường. Nhưng trong hầu hết các trường hợp, những linh hồn này đều quay lưng lại với thiên đường và trở lại địa ngục. Trong cuốn tiểu thuyết này, một người mẹ vì quá yêu thương đứa con trai đã mất đến nỗi bà không thể yêu ai khác. Một nghệ sĩ không thể tưởng tượng nổi việc sống mà không có tài sản và thiếu sự ngợi khen. Một người vợ không ngừng phàn nàn về chồng mình và không thể từ bỏ những bất bình của cô.
Trong mỗi trường hợp, những linh hồn bị gông cùm vào địa ngục này không nhận ra lòng tham muốn kiểm soát đã trở thành một cơn nghiện, thèm khát đã biến họ thành nô lệ.
Ngay cả khi nhận ra rằng mình bị mất kiểm soát, chúng ta vẫn có thể gặp khó khăn trong việc loại bỏ chứng nghiện. Tôi biết một người đàn ông dành hàng giờ mỗi ngày để đọc những trang tin tức trực tuyến và các bình luận khác nhau. Anh hối tiếc vì đã phung phí thời gian thật vô nghĩa và hủy hoại tinh thần mình, ấy vậy mà anh không thể phá bỏ thói quen đó.
Bất kể loại nghiện nào cũng đều nguy hại cho chúng ta, và chính bản thân tôi cũng nằm trong số đó, mặc dù sự hổ thẹn đã ngăn cản tôi biến bài viết này thành một nơi xưng tội. Những cơn nghiện kia tách rời chúng ta khỏi những điều quan trọng có ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần trong cuộc sống. Ví như người mẹ quá lao tâm vì con mà bỏ bê chồng thì chính là đang phá vỡ cuộc sống hôn nhân. Còn người chồng hàng ngày xem phim ảnh đồi trụy chính là đang tàn phá hôn nhân và gia đình anh ta.
Những triết gia đã từ lâu nhận biết điều này và khuyến cáo về những hậu quả tiêu cực. Lời cầu nguyện mà chúa Jesus đã dạy các môn đồ của mình có dòng: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (Lead us not into temptation.). Bảy trăm năm trước, nhà hiền triết Hy Lạp Hesiod* đã viết: “Quan sát sự điều độ, chừng mực trong mọi thứ là điều tốt nhất.” Trên Đền thờ Apollo ở Delphi có khắc câu châm ngôn “Biết điều độ, không thái quá.”
Đằng sau quan niệm của người xưa về sự điều độ là sự cân bằng, cán cân đong đếm trọng lượng của mọi thứ xung quanh chúng ta như: hôn nhân, con cái, công việc, chăm sóc bản thân, những thực hành tâm linh. Cuộc sống khiến tất cả chúng ta như đi chênh vênh trên sợi dây, nhưng những người làm trò leo dây giỏi nhất là những ai hiểu được các nguyên tắc cân bằng. Khi làm việc trong văn phòng hay công trường, họ đều nỗ lực hết mình. Khi trở về nhà, họ toàn tâm toàn ý với những người thân yêu.
Thật đơn giản mà cũng rất khó giữ chừng mực trong mọi việc.
Ông Jeff Minick có bốn người con và rất nhiều cháu đang ở tuổi lớn. Trong 20 năm, ông đã dạy lịch sử, văn học, và ngôn ngữ Latin cho các học sinh tại Asheville, Bắc Carolina. Ông là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết có nhan đề “Amanda Bell” và “Dust On Their Wings,” và hai tác phẩm hiện thực có nhan đề “Learning As I Go” and “Movies Make The Man.” Hiện tại, ông sống và làm việc tại Front Royal, Virginia. Quý vị có thể theo dõi ông tại trang JeffMinick.com.
Ghi chú của dịch giả:
*Chú Bill là một nhân vật trong bộ phim “American movie.” Ở phía Tây bắc của Milwaukee, Mark Borchardt mơ giấc mơ Mỹ: đối với anh ấy, đó là làm phim. Sử dụng người thân, tài năng sân khấu địa phương, những người bạn lười biếng, thẻ Mastercard và 3,000 đô la từ chú Bill, Mark đã cố gắng trong hơn ba năm để hoàn thành “Coven”, một bộ phim kinh dị ngắn.
*Hesiod, tiếng Hy Lạp Hesiodos, tiếng Latin Hesiodus , thường được các học giả cho là sống vào giữa những năm 750 và 650 trước Công nguyên, cùng thời với Hómēros, là một trong những nhà thơ Hy Lạp sớm nhất, thường được gọi là “cha đẻ của thơ ca giáo lý Hy Lạp.”