Liệu Thủ tướng Anh Liz Truss có thể thực sự đánh bại Trung Quốc?
Đây đã là tin chính thức: Bà Liz Truss đã trở thành tân thủ tướng của Vương quốc Anh. Hôm 05/09, khi thông báo trên được đưa ra, rất ít người, nếu có, thực sự ngạc nhiên. Bà luôn là người được ưa thích để thay thế ông Boris Johnson — người hiếm khi tẻ nhạt và bị chỉ trích khá nhiều. Giống như người tiền nhiệm, bà Truss, 47 tuổi, không lạ gì với những lời chỉ trích. Tuy nhiên, không giống như người tiền nhiệm, bà đã nhiều lần hứa hẹn sẽ cứng rắn với Trung Quốc.
Liệu bà Truss và các đồng sự của bà có thể thực sự vô hiệu hóa được mối đe dọa từ phía chính quyền Trung Quốc — một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Vương quốc Anh — hay không, thì vẫn còn phải chờ xem.
Khi chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc, bà Truss có thể sẽ thấy nỗ lực của mình bị cản trở bởi một trở ngại khá lớn. Quý vị thấy đấy, các khoa học gia ở Anh quốc vô cùng thân thiết với Trung Quốc và, nói rộng ra, là với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Theo nhiều cách, Trung Quốc và Vương quốc Anh có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Với ngân sách 95.5 tỷ €, Horizon Europe là chương trình tài trợ số 1 của Liên minh Âu Châu dành cho nghiên cứu và đổi mới. Như quý vị chắc chắn nhớ lại, Vương quốc Anh đã rời khỏi EU hơn hai năm trước. Giờ đây, Vương quốc Anh chắc hẳn có khả năng cũng sẽ chọn không tham gia Horizon Europe. Nếu Vương quốc Anh chia tay chương trình này, thì nguồn tài trợ từ Brussels cho các khoa học gia Anh quốc sẽ cạn kiệt. Những khoa học gia này sẽ tồn tại như thế nào đây? Tiền sẽ đến từ đâu đây?
Đúng lúc đó thì Trung Quốc, một quốc gia rất sẵn sàng đổ tiền vào Vương quốc Anh, vào cuộc.
Chúng ta hãy bắt đầu với Quỹ Newton, hay, ở Trung Quốc, được gọi là Quỹ Đối tác Đổi mới và Nghiên cứu Anh-Trung (UK-China Research and Innovation Partnership Fund). Theo trang web của Hội đồng Anh (British Council), quỹ 200 triệu bảng Anh giữa London và Bắc Kinh này bao gồm một số hoạt động rất cụ thể:
- Con người: thúc đẩy học bổng dành cho sinh viên và nhà nghiên cứu, cũng như các kế hoạch di chuyển.
- Các chương trình: Hợp tác giữa các nhà nghiên cứu ở Anh quốc và Trung Quốc.
Các lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên bao gồm kỹ thuật môi trường, năng lượng, giáo dục, an ninh lương thực và nước. Một số trong số các chương trình này là do Hội đồng Anh tại Trung Quốc thực hiện.
Sau đó, cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới của Vương quốc Anh (UKRI), mà, như chúng ta được cho biết, “hội tụ, xúc tác và đầu tư trong quan hệ cộng tác chặt chẽ với những cơ quan khác để xây dựng một hệ thống đổi mới và nghiên cứu toàn diện, phát triển mạnh mẽ.” Điều này bao gồm hội tụ và hợp tác với Trung Quốc. Theo trang web của mình, UKRI Trung Quốc được thành lập để phát triển mối quan hệ chặt chẽ với “các cơ quan tài trợ đổi mới và nghiên cứu quốc gia và khu vực” của Trung Quốc. Các cơ quan này bao gồm Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia Trung Quốc, Bộ Khoa học và Kỹ thuật, và Viện Khoa học Trung Quốc. Với văn phòng tại Bắc Kinh, UKRI Trung Quốc đã nhận được tổng số vốn đầu tư đáng kinh ngạc là 360 triệu bảng Anh. Hơn nữa, sáng kiến này đã tập hợp “hơn 350 tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp đối tác ở Anh quốc và Trung Quốc.”
Giờ thì, trước khi tôi bị buộc tội là một người gây ra nỗi sợ bài ngoại, ai cũng biết rằng Trung Quốc — hay cụ thể hơn là ĐCSTQ — không thể tin cậy được. Bất kỳ sinh viên hoặc nhà nghiên cứu Trung Quốc nào ra hải ngoại trước tiên đều phải có sự cho phép của Bắc Kinh. Một số người trong số đó ra hải ngoại là được cử đi để do thám các cá nhân quan trọng và/hoặc các tổ chức uy tín. Tham gia vào quan hệ đối tác với các cơ quan được ĐCSTQ hậu thuẫn giống như thực hiện một thỏa thuận với ma quỷ, một giao ước với quỷ dữ kiểu Faust mang tầm cỡ lịch sử. Để đổi lại những khoản đầu tư hào phóng, một quốc gia về căn bản sẽ giao chìa khóa nhà cho Bắc Kinh. Để mà nghĩ khác đi, thì quý vị cần cố ý bỏ qua logic.
Nói một cách hài hước, thông qua Chương trình Quỹ Thịnh vượng Trung Quốc (China Fund Prosperity Programme), Vương quốc Anh hiện đang làm việc với Trung Quốc để giải quyết những thách thức lớn trên toàn cầu. Tuy nhiên đồng thời, các chính trị gia Anh quốc đang thờ ơ, một cách hữu ý hay vô ý, trước những thách thức và mối đe dọa ở ngay sân sau của chính họ. Khi tôi viết bài này, một công ty của Anh quốc tên là Grainger và Worrall đang sản xuất vũ khí cho quân đội Trung Quốc.
Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Vương quốc Anh không được coi trọng đúng mức. Vương quốc Anh hiện có 30 Viện Khổng Tử đang hoạt động. Như tôi đã thảo luận trước đây, những tổ chức này không kém gì những cánh tay nối dài của ĐCSTQ. Rõ ràng, các viện này được thành lập để quảng bá văn hóa Trung Quốc; nhưng trên thực tế, chúng được thành lập để hạn chế quyền tự do ngôn luận và do thám những sinh viên đại học nào bị nghi ngờ. Chúng là những con ngựa thành Troy được thành lập để gây hại cho các quốc gia chứ không giúp ích gì cho họ. Đây chính là lý do tại sao Thụy Điển quyết định cấm các Viện Khổng Tử trở lại vào năm 2020.
Tệ hơn nữa, Trung Quốc hiện sở hữu 143 tỷ USD tài sản của Vương quốc Anh, trong đó có các nhà máy điện hạt nhân, quán bar, và trường học. Trung Quốc cũng có một cổ phần lớn trong lưới điện của Vương quốc Anh. Trên thực tế, nếu xảy ra tình huống xấu nhất, Trung Quốc có thể đẩy Anh quốc, xứ Wales, và Scotland vào bóng tối hoàn toàn. Nếu điều này xảy ra, nó nên được coi là một hiện thân của sự mù quáng hoàn toàn và không nhận thức được sự thật hiển nhiên về Trung Quốc của Anh quốc.
Suy nghĩ này đưa chúng ta trở lại với bà Truss. Liệu bà ấy có thể thực sự vô hiệu hóa mối đe dọa từ ĐCSTQ không? Cứ cho là tôi bi quan, nhưng tôi thật sự hoài nghi.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times