Liệu đây có phải là dấu chấm hết cho nền giáo dục mà chúng ta đã biết? (Phần 1/2)
ChatGPT có khả năng làm thay đổi bối cảnh giáo dục theo nhiều cách gây chấn động và là điều mà mỗi bậc cha mẹ cũng như các nhà giáo dục cần biết đến
Có những thời điểm đầy thử thách đối với tâm hồn của những người phụ nữ và đàn ông như thế này — đặc biệt là, trong ngành giáo dục. Và những thời khắc như vậy đang ngày càng khó khăn hơn rất nhiều.
Hơn 2 năm gián đoạn chưa từng có vì đại dịch COVID-19, những cuộc tranh cãi nảy lửa về việc ai sẽ là người quyết định chương trình giảng dạy và sắp đặt lại vị trí của Thuyết Chủng tộc Trọng yếu (Critical race theory), cùng với sự gia tăng hành vi thiếu tôn trọng của học sinh đã đủ khiến một lượng lớn giáo viên kỳ cựu thu xếp về hưu sớm. Những người mới vào nghề đang bơi giữa vùng biển giông bão hơn mà các thế hệ đi trước đã từng lập biểu đồ hoặc có thể dự đoán được. Hiện nay, quốc gia đang thiếu hụt giáo viên và nhân viên hỗ trợ cũng cho thấy điều đó.
Ở phương diện tích cực, thì tại cấp độ lớp học, mọi thứ bắt đầu lấy lại trạng thái như bình thường — hoặc hầu hết giáo viên mà tôi từng trò chuyện cùng đều báo cáo như vậy vào đầu năm học. Chắc hẳn, nhiều học sinh đã cho thấy những ảnh hưởng kéo dài của tình trạng giam hãm thời kỳ đại dịch. Các em bị tụt lại phía sau trong các môn học cơ bản như tập đọc và tập viết sau nhiều tháng được trông nom ở nhà và học tập trực tuyến. Nhưng mọi thứ đã dần hồi phục hoàn toàn — riêng tôi, tôi cảm thấy biết ơn Chúa về điều đó.
Nhưng rồi, con thủy quái kraken trong bộ phim “Clash of the Titans” (Cuộc Chiến Giữa Các Vị Thần) lại được phóng thích.
Nếu chúng ta bàn về các hành vi “buôn gian bán lận” thời Hy Lạp cổ đại, thì có lẽ chúng ta nên kể đến con ngựa thành Troy. Bởi vì trong trường hợp này, con quái vật được thả ra đối với các nhà giáo dục (và cả các bậc cha mẹ nữa, hãy chú ý!) hầu như không có những chiếc răng cỡ 10 inch và lớp da vảy rắn.
Con quái vật này được gọi là ChatGPT, và nếu có, thì nó được loan báo bằng điều gì đó nghe có vẻ giống như bản hợp xướng Hallelujah (Lời Ngợi Ca Thiên Chúa) hơn, trong một vài nhóm người, [hoặc] ít nhất là ở Thung lũng Silicon. Ngược lại, chỉ cần nhắc đến cái tên này trong các nhân viên và nhà quản trị giáo dục, thì cũng đủ gợi lên nỗi sợ hãi và thất vọng. Dường như đó là điều mà tất cả mọi người trong ngành giáo dục có thể đồng ý ngay lúc này.
ChatGPT là gì?
Những cuốn sách trên Amazon báo trước về sức mạnh mang tính cách mạng của công cụ này, với các nhan đề như “The ChatGPT Millionaire” (Triệu phú ChatGPT), cùng lời hứa hẹn trên dòng phụ đề rằng “Kiếm Tiền Trực tuyến chưa bao giờ DỄ DÀNG đến thế” (Making Money Online has never been this EASY). Các tác phẩm khác thì dẫn chứng rằng ChatGPT có thể viết tiểu thuyết phi hư cấu cho bạn, có thể dạy bạn cách “chinh phục” các cuộc phỏng vấn xin việc, và thậm chí còn nắm giữ “Chìa Khóa cho Tương Lai Mới của Y Học” (The Key to the New Future of Medicine).
Những người tạo ra ChatGPT không đóng gói công cụ này với quá nhiều lời lẽ khoa trương (xét cho cùng thì, họ là những kỹ sư máy điện toán mà.) Nhưng họ liệt kê một loạt khả năng khá ấn tượng mà công cụ AI trực tuyến mới mang lại. Trong số đó có chỉnh sửa ngữ pháp, chuyển ngữ văn bản, tóm tắt các ghi chú, tạo ra các bản mô phỏng đầy sáng tạo, giải quyết những vấn đề toán học, gỡ lỗi mã code, thậm chí viết các bài diễn văn và thư tín.
Tất cả những điều này không có gì ngạc nhiên, khi xét đến tốc độ phát triển vô cùng nhanh chóng của Trí tuệ Nhân tạo (AI) trong những năm gần đây. Chỉ cách đây hơn hai thập niên một chút, máy điện toán AI, Deep Blue, đã đánh bại đương kim vô địch cờ vua thế giới. Và cách đây 7 năm, đến lượt nhà vô địch cờ vây thế giới rời khỏi đấu trường trong thất bại.
Nhưng điều khiến các giáo viên lo lắng đến “mất ăn mất ngủ” là thứ mà ChatGPT có thể làm cho học sinh. Và làm tốt một cách kỳ lạ. Nhưng đó lại là những điều mà mọi người không nên làm.
Chẳng hạn như gian lận.
Hãy nghĩ về ChatGPT như là phần mềm gian lận phiên bản 2.0. Rào cản gia nhập vừa được hạ xuống rất nhiều cho những ai muốn trở thành những kẻ tội phạm.
Cậu học trò lớp 9 bướng bỉnh không cần phải nài nỉ anh trai mình cho sao chép bài luận Anh ngữ khô khan phân tích về tiểu thuyết “The Grapes of Wrath” (Chùm Nho Thịnh Nộ) nữa. Đứa trẻ láu cá đó cũng không phải bỏ ra số tiền lớn cho các dịch vụ viết luận trực tuyến và chờ đợi — chao ôi — [có khi] cả ngày hoặc hai ngày để nhận được những phần thưởng bất chính.
Bây giờ, thời gian chờ đợi giảm xuống chưa tới một phút. Và còn miễn phí nữa.
Hạn chế duy nhất là sự sáng tạo của đứa trẻ.
“Hãy viết cho tôi bài luận 5 đoạn so sánh hai tác phẩm Macbeth và Hamlet,” đứa trẻ yêu cầu, và chỉ lát sau bài viết đã xuất hiện trên màn hình — với ngữ pháp hoàn hảo, có thể có một hoặc hai câu trích dẫn từ tác phẩm, và phần lập luận tốt đến mức đáng báo động.
Ồ, không có trích dẫn à? Bạn cũng có thể yêu cầu những câu như vậy.
Chà, bài viết trông có vẻ không chân thật cho lắm nhỉ? Bạn gõ, “Hãy viết lại bài luận dưới đây ở trình độ lớp 8.” Và công cụ này sẽ làm cho bạn. Trên thực tế, nó làm tốt một cách đáng kinh ngạc.
Tuy nhiên, công cụ này không hoàn hảo, bởi vì bất cứ giáo viên nào từng thử sử dụng đều sẽ chứng thực được điều đó. Đôi khi tài liệu tham khảo của ChatGPT bị sai lệch, thông tin bị cắt xén đôi chút, và các luận điểm không có giá trị cho lắm. Nhưng thật khó nói, khi mà phần lớn học sinh nào viện đến công cụ này đều không nhận ra các khuyết điểm trong bài viết đầu ra. Hoặc quan tâm rằng, bài tập sẽ đến hạn nộp trong vài giờ nữa mà các em vẫn chưa đọc xong cuốn sách dày 400 trang.
Điều đáng sợ nhất là chúng ta không dễ truy vết được ChatGPT (mặc dù điều này có thể thay đổi, như lời của hãng chế tạo công cụ này là OpenAI). Mỗi gợi ý được truyền vào công cụ chat uber để tạo thông tin đầu ra thực sự độc nhất vô nhị, ngay trong thời gian thực. Không có hai bài luận nào mà công cụ này nhanh chóng viết ra lại giống nhau. Mà bài viết đó cũng chưa từng tồn tại ở bất cứ nơi đâu trên mạng trực tuyến hoặc trong các ấn phẩm trước đây. Đây không phải là kiểu đạo văn khéo léo, mà thật sự là bài viết mới toanh.
Chỉ có điều, nó không phải là bài viết của bạn. Nó không phải là thành quả từ trí óc và công sức của chính bạn. Ngay từ đầu, đây đã là toàn bộ vấn đề của các bài tập ở trường rồi.
Tất cả điều đó đưa chúng ta đến với vấn đề về hậu quả.
Cải biến nền giáo dục
Khác với con thủy quái kraken hư cấu trong bộ phim nổi tiếng “Cuộc Chiến Giữa Các Vị Thần,” con quái vật này không được phóng thích với chủ ý xấu. (Tất nhiên, mục đích của nó chỉ là doanh thu.) Nhưng ChatGPT rất giống loài sinh vật trong truyền thuyết, mà mỗi cử động của nó đều gây ra những làn sóng đủ lớn và dữ dội để tiêu diệt những công dân cả tin đang đứng trên bờ.
Trên thực tế, tôi cho rằng ChatGPT rất có thể sẽ phát triển theo nhiều cách khác nhau trên mặt trận giáo dục.
Đầu tiên, những tác động của công cụ này có xu hướng không công bằng. Người ta có thể dễ dàng hình dung trong cơn khủng hoảng này, cách biệt về thành tích đang ngày càng tồi tệ hơn.
Điều này phần nào dẫn tới vấn đề, liệu các trường học có đủ khả năng chống lại những công cụ AI viết luận, giải toán kiểu như vậy hay không. Câu trả lời là có, nếu hoàn cảnh cho phép thì các giáo viên lành nghề có thể phát hiện ra sự giả tạo được chắp vá vô cùng tinh vi. Đầu tiên bạn phải hiểu rõ từng học sinh của mình để biết thành tích cơ bản, giọng văn, khả năng ngôn ngữ của các em, .v.v. để nhận ra khi bài vở được viết bởi ai đó khác. Điều này sẽ khó thực hiện hơn nhiều khi bạn giảng dạy ở học khu công lập với quy mô lớp học đông, cộng thêm sự thiếu hụt giáo viên. Hiểu rõ từng em trong 40 học sinh của mình là một chuyện, nhưng hiểu rõ 125 em học sinh hoặc nhiều hơn thì lại là chuyện khác. Với một chồng hơn 100 bài luận phải chấm điểm vào cuối tuần, thì hiệu quả đơn giản cho thấy là, bạn không thể đối đãi từng bài viết theo cùng mức độ tinh tế và ân cần như giáo viên dạy cùng bộ môn ở ngôi trường nội trú danh giá, vốn có thể làm với số lượng bài chỉ bằng một phần ba.
Tương tự như vậy, ngoài khả năng của giáo viên, một số trường học có thể có nhiều tài lực hơn nhằm sắp xếp việc mua loại phần mềm phát hiện đạo văn cần thiết để nhận ra các bài viết giả theo kiểu ChatGPT.
(Đối với những ai từng mòn mỏi chờ xem loạt phim hoạt hình Looney Tunes thời trẻ, thì nay bạn có thể chuyển kênh sang trò chơi mèo-vờn-chuột mới nổi ở đấu trường AI — với nhiều công cụ phần mềm AI liên tiếp xuất hiện để đối phó với các bài luận văn giả được viết bằng phần mềm AI cùng hệ thống đang tràn lan khắp nơi. Ôi, tất cả điều này mới trớ trêu làm sao.)
Chúng ta cũng có thể hình dung tác nhân dẫn đến sự khác biệt rất lớn giữa các nhóm dân tộc học khác nhau trong các gia đình và cộng đồng. Phần lớn trách nhiệm ngăn chặn những hành vi ngỗ nghịch của học sinh là thuộc về các bậc cha mẹ, và đối với những bậc cha mẹ đơn thân hoặc những người phải làm hai công việc [cùng lúc] thường không dư dả thời gian và sức lực để trông chừng cẩn thận những cuộc phiêu lưu trực tuyến của con mình trong suốt thời gian làm bài tập về nhà, vậy thì những điều không hay rất dễ xảy ra.
Suy rộng ra, thì với tất cả điều này, tôi có thể hình dung được việc giáo dục tính cách đóng một vai trò lớn hơn trong các trường học (liệu có phương diện tích cực nào cho thứ nhân tạo này chăng!) Chưa bao giờ cấp thiết hơn lúc này để các em học sinh trau dồi khả năng tự giác, tính kỷ luật, đánh giá đạo đức, và tự ước thúc bản thân — vốn từng là một phần quan trọng trong giáo dục và cách dạy dỗ đúng đắn. Nếu bạn muốn, thì hãy xem đây như nguyên tắc đạo đức ẩn ý của ChatGPT.
Những học sinh phớt lờ điều này sẽ tự chuốc lấy nguy hiểm. Cái giá phải trả khi làm các bài luận qua loa, làm các bài tập nghiên cứu, và các bài tập toán trong ám muội sẽ rất đắt và thê thảm khi tới giờ kiểm tra trên lớp. Nhưng đến cuối học kỳ thì tổn thất có lẽ đã tạo thành rồi. Khoảng thời gian học tập đó không có cách nào bù đắp lại được. Do đó, cách biệt về thành tích học tập có thể ngày càng lớn hơn.
Chúng ta cũng có thể dự đoán trước — có lẽ trái ngược với mong đợi của nhiều người — các sinh viên đại học rất có thể là người chịu thiệt hại nhiều nhất từ công cụ sửa lỗi-nhanh này. Đương nhiên, sinh viên đại học đã trưởng thành hơn so với thời còn ở độ tuổi thiếu niên. Nhưng những sinh viên này sẽ là những người có ít thời gian bị giám sát nhất, vì phần lớn bài vở ở trình độ đại học (các bài luận văn, bài nghiên cứu, .v.v.) đều được thực hiện một mình. Có lẽ các giáo viên và các nhà quản trị giàu kinh nghiệm ở cấp tiểu học và trung học sẽ có khả năng xoay chuyển [cục diện] nhanh chóng, và lựa chọn thêm phương pháp “lớp học đảo ngược” (flipped classroom), trong đó phần lớn bài vở được làm ngay trên lớp. Nhiều giáo viên đã vượt qua thời kỳ đại dịch và trở nên thuần thục khi chuyển sang giảng dạy trực tuyến hoặc dạy kết hợp giữa học trực tiếp và từ xa (hybrid teaching) đặc biệt sẵn sàng cho tình huống này.
Nhưng ngược lại, ở trình độ đại học, bạn phải tự học một mình. Bài tập dài 10 trang về vật lý Newton sẽ không thể làm trên giảng đường trong thời gian giảng bài được trả lương của giáo sư.
Cuối cùng thì, chúng ta còn có thể đoán trước được các môn học nhất định nào sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn bởi tất cả những thứ này (và họ phải sáng tạo hơn trong các cơ chế ứng phó của mình). Lấy thí dụ, giảng viên dạy ngôn ngữ thế giới ít phải lo lắng hơn giảng viên dạy Văn học Hoa Kỳ; các sinh viên học ngôn ngữ vừa được đề cập bên trên sẽ làm lượng lớn bài tập mang tính trình diễn, và những đánh giá về quá trình học tập sẽ diễn ra hàng ngày trên lớp. AI không thể nào đọc thành tiếng những dòng hội thoại Pháp ngữ bằng giọng nói của bạn và ở trình độ của bạn.
Hay ít nhất là vẫn chưa thể …
Nam Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times