Liên minh Âu Châu cấm 4 hãng thông tấn của Nga phát hành tin tức
Các hãng truyền thông bị nhắm mục tiêu cùng nhân viên của họ vẫn có thể thực hiện các hoạt động khác (như nghiên cứu và phỏng vấn) ngoại trừ việc đưa tin.
Hôm 17/05, Liên minh Âu Châu (EU) cho biết họ đang đình chỉ hoạt động phát hành tin tức của bốn hãng truyền thông có liên hệ với Nga ở Âu Châu, bất chấp cảnh báo trong tuần này của Moscow rằng bất kỳ hành động nào như vậy sẽ dẫn đến việc trả đũa nhanh chóng.
Hội đồng Liên minh Âu Châu, cơ quan lập pháp của khối 27 quốc gia này, đã cấm bốn hãng truyền thông tin tức liên hệ với Nga – gồm có Đài Tiếng nói châu Âu, RIA Novosti, Izvestia, và Rossiyskaya Gazeta – vì cho rằng các hãng này đã truyền bá tuyên truyền về cuộc xâm lược Ukraine và thông tin giả về các cuộc bầu cử nghị viện EU sẽ diễn ra sau ba tuần nữa.
Trong một tuyên bố, hội đồng này cho biết: “Các hãng truyền thông này nằm dưới sự kiểm soát thường trực trực tiếp hoặc gián tiếp của giới lãnh đạo Liên bang Nga và đóng vai trò thiết yếu và được dùng làm công cụ để thúc đẩy và trợ giúp cuộc chiến xâm lược Ukraine của Nga và gây bất ổn cho các nước lân bang.”
Các hoạt động tuyên truyền, thao túng thông tin, và can thiệp không chỉ nhắm vào nhà nước Ukraine và nhà cầm quyền nước này mà còn nhắm vào các đảng chính trị Âu Châu, đặc biệt là trong giai đoạn bầu cử, “xã hội dân sự” của EU, “những người xin tị nạn, các tộc người thiểu số nói tiếng Nga, các nhóm thiểu số giới tính, và chức năng của các tổ chức dân chủ ở EU và các quốc gia thành viên,” tuyên bố giải thích.
Tuy nhiên, theo tuyên bố, các chế tài này chỉ cấm đưa tin ở EU. Hội đồng này cho biết các hãng truyền thông bị nhắm mục tiêu cùng nhân viên của họ vẫn có thể thực hiện các hoạt động khác (như nghiên cứu và phỏng vấn) ngoại trừ việc đưa tin.
Cùng ngày, cơ quan điều hành của EU, Ủy ban Âu Châu, đã tán dương các biện pháp trừng phạt này trong một tuyên bố.
Tự do thể hiện
Trong tuyên bố của mình, ủy ban này nói rằng “các lệnh trừng phạt không nhắm vào quyền tự do về quan điểm” bởi vì “chúng bao gồm các biện pháp bảo vệ cụ thể cho quyền tự do thể hiện và các hoạt động báo chí,” và các lệnh này chỉ xử phạt việc đưa tin trong khi cho phép các hãng truyền thông bị trừng phạt tiến hành các hoạt động báo chí khác.
Quy định được hội đồng đưa ra này nói rõ rằng các biện pháp trừng phạt là “phù hợp với các quyền và quyền tự do cơ bản được công nhận trong Hiến chương về Các quyền Cơ bản [của EU], đặc biệt là quyền tự do thể hiện và tự do thông tin như được công nhận trong Điều 11 của Hiến chương.”
Điều 11 quy định rằng “mọi người đều có quyền tự do thể hiện” và “sự tự do và đa dạng của truyền thông phải được tôn trọng.”
Điều khoản này cũng quy định rằng quyền tự do thể hiện “sẽ bao gồm tự do giữ quan điểm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin và ý kiến mà không có sự can thiệp của cơ quan công quyền và bất kể biên giới.”
Quy định nêu rõ rằng các lệnh trừng phạt “phải được duy trì cho đến khi cuộc xâm lược Ukraine của Nga chấm dứt và cho đến khi Liên bang Nga, cũng như các hãng truyền thông liên kết của nước này ngừng tiến hành các hoạt động tuyên truyền chống lại liên minh và các quốc gia thành viên liên minh.”
Biện pháp này nằm trong gói trừng phạt Nga thứ 14 theo kế hoạch do cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine của nước này hồi năm 2022. Trước đây EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt hai hãng truyền thông nhà nước Nga là Russia Today và Sputnik.
Trước đó trong tuần, EU đã ra tín hiệu về hành động này, khiến phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova phải cảnh báo: “Chúng tôi sẽ đáp trả phương Tây nhanh chóng và vô cùng đau đớn.” Không rõ Moscow sẽ đáp trả như thế nào.
Trong một cuộc phỏng vấn với Izvestia, người đứng đầu bộ phận quốc tế của Liên minh Ký giả Nga (RUJ) gọi lệnh cấm của EU là “bất hợp pháp” và nói rằng vấn đề này lẽ ra phải được một tòa án quyết định.
Ông Timur Shafir của RUJ cho rằng lệnh cấm sẽ ngăn cản những người nói tiếng Nga sinh sống ở các khu vực của châu Âu từng nằm dưới sự kiểm soát của Liên Xô tiếp cận với cái mà ông gọi là “thông tin khác” về các sự kiện thế giới.
Tháng trước, Bỉ cũng đã mở một cuộc điều tra về sự can thiệp bị nghi ngờ là của Nga vào cuộc bầu cử trên toàn châu Âu hồi tháng Sáu, cho biết cơ quan tình báo nước này đã xác nhận sự tồn tại của một mạng lưới đang cố gắng làm suy yếu sự ủng hộ dành cho Ukraine.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters và the Associated Press
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times