Liên Hiệp Quốc tổ chức hội nghị xuyên Đại Tây Dương về khẳng định nhân quyền toàn cầu
Một liên minh toàn cầu gồm các nhà lãnh đạo theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống đang bảo trợ cho sự kiện này 75 năm sau Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc vào năm 1948.
Mạng lưới Chính trị vì Các giá trị — một nhóm các nhà lãnh đạo chính trị toàn cầu tranh đấu cho quyền tự do dân sự — đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Xuyên Đại Tây Dương về Khẳng định Nhân quyền Toàn cầu tại Liên Hiệp Quốc ở New York hôm 16 và 17/11.
Sự kiện này đã thu hút các diễn giả đến từ châu Phi, châu Á, châu Âu, Bắc và Nam Mỹ để thảo luận về việc hợp nhất các nền văn hóa trong cuộc sống, gia đình, và các quyền tự do căn bản. Sự kiện đánh dấu 75 năm ngày Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền (UDHR) ra đời tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York.
Theo Liên Hiệp Quốc, UDHR là một “văn kiện quan trọng trong lịch sử nhân quyền.”
UDHR thiết lập “các quyền căn bản của con người cần được bảo vệ trên toàn cầu” và được dịch sang hơn 500 ngôn ngữ. Nhiều người công nhận UDHR là nguồn cảm hứng cho việc tạo ra hơn 70 hiệp ước nhân quyền trên toàn thế giới.
Họ nói rằng “phẩm giá vốn có cũng như các quyền bình đẳng và bất khả xâm phạm của tất cả các thành viên trong gia đình nhân loại là nền tảng của tự do, công lý, và hòa bình trên thế giới.”
Hơn nữa, “sự xem thường và khinh miệt nhân quyền đã dẫn đến những hành động man rợ khiến lương tri của con người phẫn nộ, và sự xuất hiện của một thế giới trong đó con người được hưởng quyền tự do ngôn luận và tín ngưỡng như mình mong muốn mà không e sợ đã được tuyên bố là nguyện vọng cao nhất của người dân.”
Các diễn giả chủ yếu thảo luận về việc tái khẳng định nhân quyền trên toàn cầu, văn hóa xóa sổ, và ảnh hưởng của việc phá thai cũng như “hệ tư tưởng giới tính” đối với nền tảng văn hóa của gia đình.
Ông Hafid El-Hachimi, quan chức nhân quyền cao cấp tại Ủy ban Nhân quyền Thường trực Độc lập của OIC, Morocco, khẳng định: “Gia đình là hệ thống kinh tế mạnh mẽ nhất, hiệu quả nhất, và hữu dụng nhất cho đến nay để xây dựng năng lực và tính cách, từ đó là nơi dưỡng thành nên những công dân tốt và có trách nhiệm.”
“Vì vậy, có thể nói rằng gia đình không chỉ là đơn vị cơ bản của xã hội, mà còn là tác nhân căn bản cho sự phát triển bền vững về xã hội, kinh tế, và văn hóa của toàn bộ xã hội nhân loại.”
Bà Lila Rose, sáng lập viên tổ chức Live Action, ủng hộ việc mở rộng UDHR cho trẻ chưa sinh. Bà bắt đầu thành lập Live Action vào năm 2003 khi mới 15 tuổi để nâng cao nhận thức về niềm tin ủng hộ sự sống.
Theo bà Rose, “Cho đến nay, phá thai là cuộc khủng hoảng nhân quyền tồi tệ nhất trong thế kỷ vừa qua.” Bà lập luận rằng những trẻ em chưa chào đời là nạn nhân không có người đại diện và tử cung của người mẹ đã trở thành “vùng chiến tranh” trong khi lẽ ra nó phải là một “không gian an toàn.”
Bà Catalina Stubbe, Giám đốc Tiếp cận Quốc gia của Tổ chức Moms for Liberty, đã nói về tầm quan trọng của việc lựa chọn trường học và sự giám sát của cha mẹ đối với việc giáo dục trẻ em.
Bà nói rằng hơn ⅔ các bậc cha mẹ ở Hoa Kỳ tin rằng con cái họ không được giáo dục đàng hoàng ở trường và xã hội đang phải chịu đựng tình trạng “thiếu đạo đức.”
“Việc bảo vệ con em của chúng ta trở nên gây tranh cãi từ khi nào vậy?” bà Stubbe nói. “Yêu trẻ em không phải là cho các em những gì các em muốn mà là mang lại những gì tốt nhất cho các em.”
Hồng Ân lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times