Lê Văn Thịnh: Vị khai hoa nhà Lý và cái kết đáng tiếc của một danh Nho
Nhà Lý là triều đại khai mở đầu nền khoa cử Nho học nước nhà, khởi đầu cho nghìn năm văn hiến huy hoàng của nước Nam. Lê Văn Thịnh với tài học của mình là bậc đại khoa đỗ đầu đầu tiên của khoa thi đầu tiên trong lịch sử Nho học nước ta. Tài năng của ông và thành tích chính trị có thể coi là mẫu mực của một thời, chỉ đáng tiếc một phút sai lầm mà phải hủy cả sự nghiệp về sau.
Thần đồng từ nhỏ, nổi tiếng văn chương
Lê Văn Thịnh sinh ngày 11 tháng 2 năm 1050 – mất năm 1096. Ông là người thôn Bảo Tháp, trang Đông Cứu, lộ Bắc Giang. Thân phụ là ông Lê Văn Thành, một thầy lang giỏi, thân mẫu là bà Trần Thị Tín.
Từ nhỏ Lê Văn Thịnh đã nổi tiếng thần đồng. Ông thông minh, ham học và có trí nhớ rất tốt. Nhờ công phu đèn sách từ nhỏ mà chỉ mới mười ba tuổi, Lê Văn Thịnh đã nổi tiếng là người làu thông kinh sử, hiểu biết rộng. Năm mười tám tuổi, cả cha lẫn mẹ ông đều qua đời. Ông dời đến sống ở trang Chi Nhị (nay là thôn Chi Nhị, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) và mở trường dạy học ở đây. Dân trong vùng biết tiếng ông nên cho con theo học rất đông.
Thanh vân đắc lộ, Trạng nguyên đầu tiên
Không uổng công dùi mài kinh sử từ nhỏ, khi vua Lý Nhân Tông cho mở khoa thi Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường năm 1075, Lê Văn Thịnh tham dự thi và đã đỗ đầu. Thời đó chưa có danh hiệu Tam Khôi (Trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa) nhưng vì ông là người đỗ đạt cao nhất nên dân gian vẫn coi ông là vị Trạng nguyên đầu tiên của nước ta, là bậc khai khoa cho cả nền khoa bảng nước Đại Việt, đánh dấu mốc son của nền văn minh Nho giáo nghìn năm văn hiến bắt đầu khai sáng từ nhà Lý.
Con đường quan lộ của Lê Văn Thịnh phải nói là thanh vân đắc lộ và rất thuận lợi. Ông khởi đầu với việc vào hầu vua học, sau đó trải thăng chức Nội cấp sự, rồi năm 1076 thăng Thị lang bộ Binh.
Không những là một vị quan chuyên lo quản trị đối nội, Lê Văn Thịnh còn tỏ ra là một sứ thần có tài năng và đã lập công lớn cho quốc gia, được vinh thăng chức Thái sư vào năm Ất Sửu 1085. Tháng 6 năm Giáp Tý (1084), ông được cử đi đến trại Vĩnh Bình (thuộc Cao Bằng ngày nay) để bàn nghị về việc cương giới với Chánh sứ nhà Tống là Thành Trạc. Sau khi đã “phân giải mọi lẽ”, nhà Tống chấp thuận trả lại cho Đại Việt (Việt Nam) 6 huyện 3 động thuộc châu Quảng Nguyên (nay là phần đất ở phía Tây Bắc tỉnh Cao Bằng) mà họ đã chiếm trước đây, và cho thông sứ như cũ. Việc đàm phán ấy đã đi vào giai thoại, vì người Tống cho rằng đó là vùng đất có nhiều vàng mà vua Tống không biết nên đã bỏ mất:
Nhân tham Giao Chỉ tượng,
Khước thất Quảng Nguyên kim.
(Vì tham voi Giao Chỉ,
Bỏ mất vàng Quảng Nguyên.)
Thái sư hóa hổ, kết cục đáng tiếc một danh nho
Cuộc đời Lê Văn Thịnh tưởng như rất hoàn hảo, khởi đầu đã được trang bị một nền tảng học vấn đầy đủ vững chắc, con đường quan lộ hanh thông và được triều đình trọng dụng.
Tuy nhiên ông lại vướng vào một vụ án rất ly kỳ khiến cho bản thân phải rời khỏi vũ đài chính trị Đại Việt một cách đáng tiếc. Vụ án trên được ghi lại trong sử sách với nhiều phần khá ly kỳ và huyền hoặc, còn gọi là vụ án “Thái sư hóa hổ”.
“”Mùa xuân, tháng 3, Lê Văn Thịnh mưu làm phản, tha tội chết, an trí ở Thao Giang. Bấy giờ vua Lý Nhân Tông ra hồ Dâm Đàm, ngự thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người sợ tái mặt, nói: “Việc nguy rồi!”. Người đánh cá là Mục Thận quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua nghĩ Thịnh là đại thần có công giúp đỡ, không nỡ giết, đày lên trại đầu Thao Giang. Trước đấy Lê Văn Thịnh có gia nô người nước Đại Lý có phép thuật kỳ lạ, cho nên mượn thuật ấy toan làm chuyện thí nghịch”. (trích Đại Việt sử ký toàn thư)
Lời bàn:
Lê Văn Thịnh là vị Trạng nguyên khai khoa đầu tiên của nền Nho học nước Nam, số mệnh thành công nhanh chóng và kết thúc đau buồn của ông cũng giống như nền văn hiến cổ nước nhà. Nó cũng phát triển rực rỡ qua nhiều triều đại rồi lại sớm lụi tàn vào đầu những năm 1920 khi vua Khải Định quyết tâm bỏ chữ Hán và chuyển sang tân học.
Đây quả là một điều đáng tiếc cho các thế hệ người trẻ của Việt Nam khi không còn có sự kết nối về tinh thần với tổ tiên ngày xưa. Mỗi lần học những trang sử cũ của ông cha, chúng ta đã đang và sẽ luôn chỉ là kẻ đứng ngoài khi chỉ hiểu phần được dịch lại bằng một thứ ngôn ngữ khác. Khi mất đi khả năng đọc hiểu trực tiếp các tinh hoa của tiền nhân, phải chăng chúng ta đang làm khách trên chính mảnh đất quê hương của mình?
Minh Bảo