Lễ thắp nến tưởng niệm các nạn nhân trong cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ
HOA THỊNH ĐỐN — Chiều tối ngày 20/07, hơn 1,500 học viên Pháp Luân Công đã đến ngồi tọa ở công viên National Mall, mang theo những ngọn nến để tưởng nhớ các học viên đã qua đời vì sự đàn áp của chính quyền Trung Quốc.
Ông Lương Quế Úc (Liang Guiyu), 53 tuổi, một cư dân Flushing của New York đến từ tỉnh Sơn Đông thuộc vùng đông bắc Trung Quốc, là một trong số các học viên Pháp Luân Công có mặt tại buổi tưởng niệm này.
Đối với ông, ngày 20/07 là một ngày đau thương. Đó là ngày Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu cuộc đàn áp Pháp Luân Công cách đây 24 năm. Cá nhân ông Lương biết ít nhất mười học viên Pháp Luân Công đã qua đời vì không chịu từ bỏ đức tin của mình. Bản thân ông cũng bị giam giữ và bị tra tấn.
“Ngày 20/07 là một cơn ác mộng đối với tôi. Mỗi khi nhớ về ngày hôm đó, tôi lại thấy đau đớn và tim run lên,” ông Lương nói.
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, bắt nguồn từ văn hóa truyền thống Trung Quốc và xoay quanh nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Trước khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, ước tính có khoảng 70 đến 100 triệu người ở Trung Quốc theo học Pháp môn này.
Kể từ năm 1999, hàng chục triệu học viên đã trở thành mục tiêu của một nỗ lực đàn áp tàn bạo nhằm hủy hoại họ về mặt thể chất, tài chính, và xã hội. Điều này bao gồm cưỡng bức đuổi học, đuổi việc, ly tán gia đình, giam giữ, sách nhiễu, giám sát, cưỡng bức lao động, tra tấn, và cưỡng bức thu hoạch nội tạng.
Vô số học viên đã bị thiệt mạng (do cuộc bức hại).
Đi bộ 300 dặm
Một năm sau chiến dịch đàn áp, ông Lương quyết định bắt đầu cuộc hành trình đi bộ dài 400 dặm từ Sơn Đông đến Bắc Kinh.
Bản thân ông cũng giống như nhiều học viên khác vào thời điểm đó, muốn nói với chính quyền trung ương của ĐCSTQ ở thủ đô của quốc gia rằng Pháp Luân Công là tốt và cuộc bức hại là một quyết định sai lầm. Ông không thể đi phương tiện giao thông công cộng vì công an luôn túc trực tại các trạm xe lửa và xe buýt để vây bắt các học viên Pháp Luân Công có ý định thực hiện hành trình đó.
Năm đó, ở tuổi 30, người nông dân này đã rời nhà vào ngày 10/07/2000. Ông đi bộ hàng ngày từ 3 giờ 30 phút sáng đến 9 giờ 30 phút tối.
Ông Lương không có tiền trong người vì gia đình ông đã lấy đi và theo dõi ông cả ngày lẫn đêm sau khi ông đến Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào năm trước để phản đối cuộc bức hại một cách ôn hòa. Tất cả những gì ông có bên mình là một đôi giày dự phòng.
Ông ngủ bên vệ đường vào ban đêm và ăn thức ăn thừa do các nhà hảo tâm hoặc nhà hàng đem cho. Ông đã đi xuyên qua những khu rừng, nghĩa trang, và băng qua những con suối để né tránh các sĩ quan công an địa phương đang truy đuổi mình.
Tháng Bảy ở Trung Quốc năm đó rất nóng với nhiệt độ thường trên 40°C (100°F). Ông thường phải dội nước lên đầu tại các cây xăng hay ngâm quần áo dưới suối để hạ nhiệt. Sau bảy ngày, ông đã vứt bỏ đôi giày đầu tiên của mình và bị nổi những vết phồng rộp đầy máu.
Sau mười ngày đi bộ, ông đến huyện Thanh thuộc tỉnh Hà Bắc, cách Bắc Kinh khoảng 100 dặm về phía nam và cách nhà khoảng 300 dặm. Ông bị lạc một chút, vì vậy ông đã hỏi một tài xế taxi chỉ đường đến Bắc Kinh. Trong vài phút, tài xế taxi đã trình báo ông với cảnh sát, và ông đã bị bắt và đưa về quê hương của mình, một ngôi làng ở thành phố cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông.
Ông bị chính quyền địa phương giam giữ trong 15 ngày ở những ngôi nhà một tầng để trống gần tòa nhà của chính quyền địa phương, nơi mà người ta gọi là nhà tù đen (nhà tù bất hợp pháp).
Kể từ cuối tháng Bảy năm đó, suốt nửa tháng, ông đã bị còng tay vào một cột sắt có đường kính gần 20 cm và chiều cao gần 3 mét ở trước sân nhà. Trừ phi bị đưa đi đâu đó để chịu tra tấn, ông cứ bị còng tay suốt như thế. Vì trời nóng nên ông phải luôn đứng và bảo đảm cánh tay không chạm vào cây cột để tránh bị bỏng.
Chỉ vào giờ ăn ông mới thoát khỏi cảnh bị còng tay. Nhưng có một lần, công an đã ném ông vào nhà vệ sinh và tiểu tiện lên người ông để hạ nhục ông.
Tuy nhiên sự sỉ nhục tồi tệ nhất mà các quan chức ĐCSTQ đã làm với ông là còng tay ông vào một chiếc xe máy đậu yên bên vệ đường. Ông bị buộc phải ngồi đó trong khoảng hai giờ đồng hồ để chịu đựng sự sỉ nhục của dân làng. Trong ngôi làng nhỏ nơi ông Lương lớn lên và đi học, mọi người đều biết nhau.
“Họ làm nhục tôi để phá vỡ ý chí của tôi, nhưng tôi không cảm thấy xấu hổ vì tôi đã làm điều đúng đắn để bảo vệ danh tiếng của Pháp Luân Công và tôi không vi phạm pháp luật,” ông nói. “Họ nhận ra rằng làm như vậy chẳng ích lợi gì với tôi và ngừng sỉ nhục tôi ở nơi công cộng.”
Các quan chức đã không dừng chiến dịch tra tấn của họ cho đến khi ông Lương, trong tâm trạng tuyệt vọng để chấm dứt sự đau khổ của mình, đã lao vào cột sắt sau khi đi vệ sinh vào một ngày tháng Tám. “Tôi định dùng mạng sống của mình để chống lại bạo lực,” ông nói với The Epoch Times.
May mắn thay, ông đã vấp ngã trước khi va vào cây cột nên không bị mất mạng. Tuy nhiên, ông nghe thấy một tiếng “koong” lớn và ngã xuống. Trong lúc ngã xuống, ông nhìn thấy các quan chức làng trong tòa nhà hành chính bên cạnh khu giam giữ đang nhìn chằm chằm vào ông qua khung cửa sổ.
Sau đó, ông bị giam thêm 35 ngày nhưng không bị còng tay vào cột. Gia đình ông đã phải trả 3,000 NDT, tương đương với khoảng 400 USD, để ông được thả vào tháng 09/2000.
Cuối cùng, gia đình ông đã vay tiền để cho vợ ông, cũng là một học viên Pháp Luân Công, đào thoát sang Hoa Kỳ vào năm 2012. Tháng 11/2017, ông Lương đã sang Hoa Kỳ để đoàn tụ với vợ mình.
Kết thúc một hành trình dang dở
Ông Lương, hiện 53 tuổi, đang làm việc tại một công ty cửa sổ ở Flushing và vào các buổi tối, ông dành thời gian để gọi điện cho các quan chức nhà tù ở Trung Quốc để thúc giục họ thả các học viên Pháp Luân Công đang bị giam giữ.
Khi ông còn ở Trung Quốc, hai người dì của ông mỗi người bị kết án bốn năm tù. Gia đình đã tiết lộ tên và số điện thoại của các quan chức nhà tù để đăng lên Minh Huệ, một trang web theo sát tin tức về cuộc bức hại Pháp Luân Công có trụ sở tại Hoa Kỳ. Do đó, các lính canh đã nhận được các cuộc gọi quốc tế kêu gọi họ thả hai người dì của ông.
Các viên chức nhà tù đã gặp gia đình ông và rất tức giận. Họ sợ rằng tên tuổi và tội ác của họ bị phơi bày cho cộng đồng quốc tế. Điều này để lại cho ông Lương một ấn tượng sâu sắc.
Chính vì thế, ông đã quyết định dành hàng giờ mỗi đêm để gọi điện về Trung Quốc. Mỗi tối từ 9 giờ 30 phút tối cho đến nửa đêm, ông sẽ gọi điện cho các quan chức chính quyền ở Trung Quốc để thúc giục thả các học viên Pháp Luân Công dựa trên các trường hợp bức hại được đăng trên Minh Huệ.
Ông đã làm việc này đôi khi sáu đến bảy đêm một tuần, trong hơn năm năm qua. Theo ông Lương, các quản ngục bây giờ sợ các cuộc gọi của ông, điều đó được thể hiện qua việc họ đã ngừng la hét và chửi bới ông. Ông có thể cảm nhận được nỗi sợ hãi từ họ; những người này sẽ cúp máy ngay hoặc là lắng nghe trong im lặng.
Đây là lần thứ năm ông Lương tham gia các hoạt động kỷ niệm ngày 20/07 tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn kể từ khi đến Hoa Kỳ. Ông cho biết ông cảm thấy chuyến hành trình dở dang đến Bắc Kinh 23 năm trước của mình đã được hoàn thành ở Mỹ quốc.
“Tôi muốn lên tiếng cho những người bị bức hại ở Trung Quốc. Tôi muốn giúp đỡ họ và tôi muốn chấm dứt cuộc bức hại của ĐCSTQ,” ông nói.
Xem thêm video: Cuộc Đại Thảm Sát của thế kỷ 21
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times