Lễ Phục Sinh này, các tín đồ Tin Lành thành tín nhận thấy ma quỷ và thời kỳ đen tối ở Mỹ
Các chuyên gia cảnh báo về lối sử dụng ngôn từ ma quỷ hóa trong bối cảnh cuộc chiến văn hóa leo thang
BAKERSFIELD, California — Giống như màn đêm dần buông xuống căn lều lớn ở Bakersfield, California, bà Rose Jaime tin rằng nước Mỹ chắc hẳn đã rơi vào một thời kỳ vô cùng đen tối.
“Ma quỷ là có thật — và Chúa cũng có thật,” bà Jaime vừa nói vừa theo dõi và lắng nghe khi Mục sư Mario Murillo thuyết giảng cho hơn 1,500 tín đồ Tin Lành Phúc Âm trong Cuộc Thập Tự Chinh Về Bằng Chứng Sống Được Tổ Chức Trong Lều (Living Proof Tent Crusade) hôm 12/03.
Mục đích của nhà truyền giáo đến từ Lafayette, Tennessee này là “gây thiện cảm với những con người” trong một đất nước đang quay lưng lại với Chúa.
Bà Jaime đã quan sát các tín đồ ngoan đạo này với một nội tâm trầm tĩnh. Nhiều người đã ngồi hoặc đứng để cầu nguyện. Họ nhắm mắt lại, hai lòng bàn tay mở và giơ cao để đón nhận tinh thần của lời thánh.
Trong giai điệu âm nhạc đầy cảm xúc phát ra từ chiếc phong cầm cùng giọng nói vang vọng của Mục sư Murillo khi buổi lễ lên đến cung bậc cao nhất, bà Jaime đã tuyên bố với sự tin tưởng đầy nhiệt huyết rằng ở Mỹ quốc, lòng bác ái — cũng như tín tâm và sự tuân theo lời chỉ dạy của Chúa — đang bị tấn công.
Bà Jaime nói với The Epoch Times, “Có rất nhiều hiềm khích giữa các gia đình với nhau. Có sự chia rẽ trong các tín hữu. Có tình trạng lạm dụng ma túy, tàn sát, sát nhân, bạo lực băng đảng, bỏ mặc nạn nhân sau khi gây tai nạn giao thông — chạy xe cán lên người khác. Vậy mà họ vẫn lái xe tiếp.”
“Con quỷ này đang tác oai tác quái. Thậm chí nó không còn lẩn trốn nữa. Vậy mà thế gian này vẫn không nhận ra nó.”
Bà Jaime tin chắc rằng cái ác đang hiệu hữu — cái ác thuần túy, mang đặc tính của ma quỷ, và siêu hình. Và ở Mỹ, cái ác đang vượt khỏi tầm kiểm soát.
Bà cho biết, chỉ bằng cách quay lại với các giá trị thần thánh thì chúng ta mới có thể ngăn chặn cái ác.
Bà Jaime nói, “Chính thế, ma quỷ — ma quỷ đang hoành hành, khiến các cuộc hôn nhân tan vỡ và phá hoại các nhà thờ. Trẻ em đang đối địch với cha mẹ mình; cha mẹ cũng đang đối địch với con họ. Gia đình này đối địch với gia đình khác.”
“Con quỷ này đang hoành hành vì biết thời gian của nó không còn nhiều. Nó rất, rất, rất tà ác.”
Chấp nhận quan điểm khác biệt?
Không phải ai cũng đồng tình với quan điểm tôn giáo của bà Jaime về một thế lực siêu nhiên xấu xa đang hoành hành ở Mỹ — những người thế tục và những người theo lối chính trị tả khuynh rất có thể sẽ phản đối. Thay vì cùng chung quan điểm, nhiều người cánh tả tin rằng những người theo phái bảo tồn truyền thống theo đạo Cơ Đốc cũng như một nhân vật bất thường là ông Donald Trump phải chịu trách nhiệm về tệ nạn bạo lực đang càn quét đất nước này.
Thật không may, một số người đã chọn tự mình giải quyết những vấn đề này.
Hôm 27/03, một người 28 tuổi có giới tính sinh học là nữ — người nhận định mình là người chuyển giới — đã mang theo bên mình một khẩu súng trường bán tự động và bước vào Trường Covenant, một trường Cơ Đốc Giáo tư thục ở Nashville, Tennessee, và sát hại sáu người trước khi bị cảnh sát bắn thiệt mạng.
Nhiều chuyên gia theo phái bảo tồn truyền thống đã cho rằng động cơ của vụ nổ súng này là do lòng căm thù ngày càng dâng cao đối với Cơ Đốc Giáo truyền thống, vốn phản đối hệ tư tưởng chuyển giới.
Hậu quả của những vụ việc bi thảm như vậy là làm gia tăng căng thẳng và chia rẽ trên toàn quốc theo những ranh giới về xã hội và văn hóa. Một chính trị gia Đảng Cộng Hòa thậm chí còn kêu gọi một cuộc “ly hôn quốc gia” như một giải pháp hòa bình duy nhất cho tình trạng xung đột đảng phái này.
Ông Paul Froese, một giáo sư phụ tá về Xã hội học tại Đại học Baylor ở Texas và là giám đốc Khảo sát Tôn giáo Baylor (Baylor Religion Surveys), nhận thấy một sự phát triển đáng lo ngại trong thuật ngữ “tà ác” khi được sử dụng để hạ bệ đối thủ, vì những lời phát ngôn gay gắt thường đi trước hoặc xuất hiện đồng thời với hành vi cực đoan.
Quỷ đội lốt người?
“Ít nhất trong suy nghĩ của tôi, theo nghĩa trần tục, khi ai đó nói về tà ác hay ma quỷ, thì họ đang nói đến một điều gì đó ‘vô đạo đức,’” ông Froese nói. “Theo nghĩa tôn giáo, từ đó có liên quan đến một thế lực xấu xa siêu nhiên nào đó trên thế giới.”
Là một giáo viên về lý thuyết xã hội, ông Froese nói rằng bất cứ khi nào ông sử dụng thuật ngữ “tà ác,” thì đó thường là một “từ khoa trương.”
Ông Froese cho hay: “Tôi nghĩ đó là một sự nhầm lẫn — nói như vậy là có nghĩa gì? Tôi nghĩ đối với nhiều người, [cái ác] có một ý nghĩa siêu nhiên. Tôi nghĩ từ ‘tà ác’ đang cố diễn đạt một điều gì đó vô đạo đức, nhưng ở mức độ cao nhất.”
Ông Froese là đồng tác giả cuốn sách có nhan đề “America’s Four Gods: What We Say About God — and What That Says About Us” (Bốn Vị Thần Của Nước Mỹ: Chúng Ta Nói Gì Về Chúa — và Điều Đó Nói Gì Về Chúng Ta). Ông tin rằng nhìn thế giới qua lăng kính thiện ác là cách mà con người cố gắng hiểu về các thời kỳ hỗn loạn.
“Tương lai có vẻ không rõ ràng. Có rất nhiều câu chuyện kể về những điều đáng sợ ngoài kia,” ông Froese nói. “Nó có thể đến theo nhiều hướng — sự nóng lên toàn cầu và những thứ tương tự. Tôi nghĩ rằng một xu hướng tương tự đã xảy ra cùng với sự ra đời của vũ khí hạt nhân. Mọi người bắt đầu nghĩ về ngày tận thế đối với mọi thứ.”
Trong những thời điểm rối ren, ông Froese cho biết mọi người đều thể hiện một nhu cầu bản năng là tạo ra trật tự từ hỗn loạn.
“Có những đợt suy thoái kinh tế đối với mọi người — rồi đại dịch,” ông Froese nói với The Epoch Times. “Có rất nhiều sự kiện đã xảy ra gần đây.”
Ông Froese cho biết một “hệ sinh thái truyền thông” đang khuyến khích và rao bán nỗi sợ hãi và thù hận khiến cho các nhân vật và sự kiện hiện tại bị giới hạn trong những thuật ngữ đơn giản về thiện và ác.
“Tôi không biết mức độ mà kiểu như vậy là một chức năng của internet là bao nhiêu — mọi người rơi vào những bong bóng thông tin này và mô hình doanh nghiệp rao bán tâm trạng tức giận và thù hận qua các kênh truyền thông,” ông Froese cho hay. “Nếu tất cả những gì quý vị đang làm suốt ngày chỉ là tiêu thụ tức giận, bất bình, và thù hận, thì không thứ gì có thể giúp cân bằng lại những thứ đó. Quý vị có thể luôn luôn sống trong thế giới đầy giận dữ này.”
‘Cuộc cách mạng về Chúa Jesus’
Có một “Cuộc cách mạng về Chúa Jesus,” Mục sư Murillo nói với nhóm người tụ họp đông đảo ở Bakersfield hôm 12/03 — một cuộc thanh tẩy nước Mỹ theo Kinh Thánh đang diễn ra, trong đó việc quay trở về với đức tin là chìa khóa.
“Tôi sẽ nói với quý vị rằng tôi tin Chúa sẽ không hủy diệt nước Mỹ. Ngài sẽ cứu nước Mỹ. Ở đằng kia có bao nhiêu người trong số quý vị tin điều đó?” Mục sư Murillo nói trước những tiếng kêu “Amen!”
Tuy nhiên, đồng thời, Khảo sát Tôn giáo Baylor đã tiết lộ một xu hướng giảm trong việc đến nhà thờ ở Hoa Kỳ.
“Điều thú vị là chúng tôi đã thấy số người tham dự và gia nhập nhà thờ giảm sút,” ông Froese cho hay. “Một mặt, có vẻ như dân số ngày càng ít sùng đạo hơn. Có lẽ những gì đang thể hiện là [mọi người] đang trở nên ít tôn giáo hơn về mặt tổ chức. Điều đó có thể khiến mọi người trở thành người theo thuyết bất khả tri, vô thần, hoặc phi tôn giáo.”
“Hoặc, điều đó có thể khiến mọi người trở nên ôm giữ một niềm tin mang tính cá nhân hơn nhiều mà không gắn liền với bất kỳ tôn giáo nào,” ông nói. “Phần đáng sợ về điều đó là không gì có thể neo buộc quý vị vào thực tế. Nếu hệ thống niềm tin của quý vị trôi nổi tự do và quý vị thu nhận các tín tức từ internet, thì không có gì trói buộc quý vị nữa, và quý vị không gắn bó với những con người trong thực tại. Cách sống như vậy có thể có một ảnh hưởng tai hại đến người ta.”
Các cuộc khảo sát của Baylor cũng cho thấy niềm tin vào ma quỷ là phổ biến ở những người trẻ tuổi.
Ông Joseph Laycock, giáo sư về nghiên cứu tôn giáo tại Đại học Tiểu bang Texas, nói với The Epoch Times rằng trong thời gian xảy ra đại dịch, ông nhận được thư điện tử vài lần một tuần hỏi về cách thực hiện một lễ trừ tà.
“Không ai nói rằng mình đang bay lên, hay đầu tôi quay ngược ra sau, hay tôi đang nói bằng tiếng Latinh,” ông Laycock nói đùa. “Luôn có những câu như ‘con tôi thật phiền phức, và tôi nghĩ nó bị ma ám.’”
Ông Laycock cho hay, “Nếu họ có một ‘con quỷ’ như vậy, thì tôi không thể giúp được.”
Ông Laycock cho biết số lượng tin nhắn đã tăng lên trong thời gian phong tỏa vì COVID, tăng gần gấp đôi từ ước tính mỗi tháng một lần lên mỗi hai tuần một lần hoặc thậm chí hàng tuần.
“Tôi vừa mới nhận được một tin nhắn vào tuần trước. Người này nói rằng họ có một đoạn video về một con quỷ. Hình ảnh đó trông giống như một con sâu bướm đối với tôi. Có lẽ đó là một con quỷ trong hình dạng của một con bướm đêm!” ôngLaycock nói.
Ông còn cho biết thêm ông ngờ rằng nếu những người lạ cảm thấy họ cần liên hệ với ông về việc thực hiện các lễ trừ tà, thì đó là vì nhà thờ của họ không muốn liên quan hoặc họ không có một truyền thống tôn giáo.
“Chúng tôi biết nhóm tôn giáo phát triển nhanh nhất ở Mỹ là một bộ phận dân số được gọi là NONE (những người không có khuynh hướng tôn giáo). Đây không phải là những người vô thần. Đây là những người thiên về tâm linh, nhưng không thuộc tôn giáo. Họ không thuộc về một nhà thờ hoặc một điều gì đó tương tự. Vì vậy, quý vị sẽ tìm đến ai nếu quý vị nghĩ đến việc trừ tà và không có một tôn giáo? Có thể là các học giả,” ông Laycock nói.
Ông Laycock đồng ý rằng việc sử dụng thuật ngữ “tà ác” để phỉ báng mọi người là đang đầu độc ngôn từ của quốc gia. Theo ông, “khi trật tự xã hội thay đổi quá nhanh, thì quý vị sẽ thấy một xu hướng nhắm tới các thuyết âm mưu, săn phù thủy, và trừ tà.”
“Tôi thấy một xu hướng tương tự khi mọi thứ đang thay đổi nhanh chóng. Có một câu hỏi về trật tự của mọi thứ — bao gồm cả việc ai là tổng thống hợp pháp của Hoa Kỳ. Lại một lần nữa, đây là quỷ học đang trỗi dậy.”
Ngày nay, Giáo hội Công giáo thường xuyên thực hiện các nghi lễ trừ tà sau khi sửa đổi nghi thức này vào năm 1999.
Theo Tổng giáo phận Washington, D.C., mọi người có thể được trừ tà, trừ quỷ sau khi đáp ứng một số nghi thức để xác định xem hoàn cảnh có cho phép thực hiện hay không.
“Tôi nghĩ nhiều nhà thờ thậm chí còn sợ đề cập đến chủ đề này vì việc đó dường như gây khó hiểu,” linh mục Todd Coconato ở Tennessee cho biết. “Việc này có thể khiến mọi người sợ hãi.”
“Với tư cách là nhân loại, chúng ta thấy thế giới đang trở nên tối tăm hơn. Thực tế đúng là như vậy,” ông Coconato nói.
‘Quằn quại như rắn’
Ông Coconato cũng nhận thấy một xu hướng trong việc sử dụng từ “tà ác” một cách bừa bãi. Nhưng là một tín đồ Cơ Đốc Giáo, ông tin rằng cái ác là một thế lực tâm linh luôn tìm cách gây hại ở Mỹ. Thông qua mục vụ giải cứu của mình, ông Coconato thường gặp phải những gì ông chỉ có thể mô tả là những phiền não “ma quỷ.”
“Tôi nghĩ rất nhiều người bị quỷ ám. Trong tâm trí con người và bộ não hữu hạn của chúng ta, chúng ta cố gắng khắc phục một vấn đề tâm linh bằng một giải pháp hóa học,” ông Coconato nói. “Chúng ta cố gắng đưa cho ai đó nhiều loại thuốc hơn, thứ này hay thứ kia. Trong rất nhiều trường hợp, hành động đó chỉ che đậy vấn đề. Thực tế là họ bị quỷ ám.”
“Điều đó không giống như bất cứ thứ gì tôi từng chứng kiến. Việc này bắt đầu khoảng ba năm trước và hiện đang lan rộng. Mặc dù có một vấn đề chính trị, nhưng cốt lõi của mọi chuyện là một vấn đề tâm linh — ánh sáng chiến đấu với bóng tối, nếu như quý vị muốn nói như vậy.”
Ông Coconato cho biết những người có vẻ như bị quỷ ám sẽ biểu hiện một số dấu hiệu nhận biết tại bàn thờ phượng.
“Họ sẽ đến để cầu nguyện, và họ sẽ bắt đầu biểu hiện ra điều đó. Tôi từng thấy những đứa trẻ có biểu hiện như thế. Những người bị như vậy thậm chí còn không biết chuyện gì đang xảy ra. Đột nhiên, họ rít lên như mèo hoặc hành động điên cuồng. Nếu tôi không chứng kiến sự việc này hàng ngàn lần, thì có lẽ tôi sẽ không tin điều đó,” ông Coconato nói với The Epoch Times.
“Tôi chắc chắn rằng một số người đã giả mạo ra biểu hiện đó — nhưng hàng ngàn và hàng ngàn người ư? Điều đó thật khó tin đối với tôi.”
Sống trong ‘thời kỳ đen tối’
Từ quan điểm tâm linh, ông Coconato cho biết ông tin rằng người Mỹ đang sống trong một thời kỳ đen tối về đạo đức vốn “hiện rõ trên khuôn mặt” hơn bao giờ hết. Ông nói rằng nỗi sợ hãi về tội phạm gia tăng, mối đe dọa của Đệ tam Thế chiến, sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng treo lơ lửng ngay trước mắt, suy thoái kinh tế, bệnh tật, nạn đói, động đất, lốc xoáy — tất cả dường như chỉ ra rằng “thời khắc ấy đã đến.”
Ông Coconato nói: “Ngay cả những người vô thần cũng đang nói — ‘Ôi chao, gần giống như ngày tận thế vậy.’”
“Mọi thứ đang tăng tốc. Có sự cấp bách trong tâm thức của mọi người khi họ cảm thấy có điều gì đó đang thay đổi. Mọi người nhìn thấy rất nhiều điều đen tối và xấu xa đang xảy ra. Tôi nghĩ cảm giác giống như có điều gì đó đang tích tụ dần và mọi người đang cảm nhận được mọi thứ đang diễn ra nhanh chóng,” ông nói.
“Phản ứng của nhà thờ sẽ là giải cứu họ.”
Ông Coconato cho biết ông cũng là người tin tưởng vào việc xác lập sự thật.
Vì vậy, khi nói đến việc sử dụng phổ biến thuật ngữ “tà ác,” ông tin rằng tốt nhất là không nên chỉ trích đối thủ của mình hoặc “tâm linh hóa mọi thứ quá mức.”
Linh mục Xavier, một linh mục thực hiện mục vụ giải cứu tại Texas, cho biết ông nhận được khoảng 40 cuộc gọi mỗi tháng từ những người tin rằng họ bị quỷ ám, nhờ ông làm một buổi lễ giải thoát.
“Hầu hết những người liên lạc với chúng tôi đều nói thật. Hiếm khi nào tôi gặp phải người mà tôi có thể nói là dám cả gan bịa đặt ra chuyện này,” ông Xavier nói với The Epoch Times. “Còn tùy trường hợp. Một số người thì chúng tôi cần tìm hiểu. Tôi nghĩ việc mọi người ở nhà [trong suốt đại dịch] đã khơi lên chuyện này.”
Ông Rick Grunewald đến từ Hoa Thịnh Đốn đã tham dự buổi thuyết giảng trong lều của Mục sư Murillo ở Bakersfield hôm 12/03, với hy vọng truyền bá ánh sáng phục sinh.
“Tôi nghĩ có những thế lực đen tối,” ông Grunewald nói. “Nhưng ngoài ra, tôi cũng tin rằng Chúa cũng đang sắp đặt — vì vậy đó là lý do tại sao tôi có mặt ở đây.”
Là một tín đồ Tin Lành, ông Grunewald tin rằng trên thế gian này có sự tồn tại của một thế lực siêu nhiên tà ác, “thứ có thể hành động thông qua chúng ta nếu chúng ta không cẩn thận.”
“Tôi nghĩ có những thứ nguy hại đang xảy ra trong mọi lĩnh vực của xã hội. Cả hai phía đều điểm mặt nhau và nói những điều giống nhau về nhau — các vị là tà ác. Nhưng một lần nữa, đó là lý do tại sao những tín đồ Tin Lành cần đưa chuyện này ra ánh sáng,” ông Grunewald nói với The Epoch Times.
Bà Rosalene Galego ở Tennessee cho biết bà “hoàn toàn” tin vào việc ma quỷ ảnh hưởng đến cả con người lẫn các sự kiện trên toàn cầu.
“Đó là một trong những thời kỳ đen tối nhất mà chúng ta từng chứng kiến trong lịch sử hiện đại. Việc người ta loại bỏ lễ cầu nguyện ra khỏi trường học đã gây ra điều này. Họ đang cố gắng xóa sạch lời dạy của Chúa và đưa chúng ta rời bỏ sự thật, vốn là điều mà Kinh Thánh nói đến,” bà Galego nói.
“Bởi vì truyền thông. Bởi vì trò chơi điện tử. Bởi vì âm nhạc. Thời kỳ này ngập tràn sự đen tối và hỗn loạn. Đó là một loại trận chiến khác mà chúng ta đang ở bên trong. Đó không phải là cuộc chiến bom đạn hay chiến tranh hạt nhân. Giờ đây cuộc chiến này xoay quanh việc làm bại hoại tâm trí của nhân loại. Và đó là cách họ có thể dễ dàng làm suy yếu một quốc gia. Họ chia rẽ và chinh phục,” bà nói.
“Nơi tối tăm nhất trên thế gian là ở đâu? Đó là lương tri của nhân loại khi không còn ánh sáng của Thượng Đế,” cô Leah Hess ở Modesto, California, nhận xét.
“Cha tôi thường nói con người chỉ có một quyền năng duy nhất: quyền năng lựa chọn. Chúng ta phải lựa chọn mình liên kết với ai. Có những linh hồn và thế lực trên thế giới này sở hữu nhiều quyền năng hơn nhân loại rất nhiều,” cô Hess nói.
“Khi những linh hồn hắc ám và cái ác ngày càng liên kết với nhau, thì ngày càng có nhiều điều ác trên hành tinh này.”
Những linh hồn suy sụp
Bà Rose Jaime ở Bakersfield cho biết ngày xưa, trong một thời kỳ đặc biệt đen tối, bà từng là một người vô gia cư. Bà nói với The Epoch Times rằng bà “đã suy sụp vì nghiện ma túy — ra vào hết nhà giam này đến nhà tù khác.”
“Chúa Jesus đã cứu rỗi tôi. Chín năm qua tôi đã không còn nghiện ngập nữa,” bà mỉm cười nói.
Thông qua niềm tin của bản thân vào sự cứu rỗi, bà Jaime cho biết giờ đây bà có thể phân biệt rõ ràng giữa đúng và sai, giữa ánh sáng và bóng tối, cũng như giữa thiện và ác.
Và bà không gặp vấn đề gì khi gọi cái ác bằng đúng tên của nó.
Nhóm tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times