Lễ Chiến sĩ Trận vong: ‘Chúng ta vẫn là miền đất tự do bởi vì nơi đây là quê hương của những người dũng cảm’
Dưới đây là bài viết được đọc vào ngày 20/05/1988 trước quân nhân và các quan chức Hoa Kỳ của Ngài Đại sứ Fred J. Eckert đại diện cho Tổng thống Ronald Reagan tại Chiến trường Biển Anzio ở Nettuno, Italy, một trong những khu vực chiến sự lớn nhất trong Đệ nhị Thế chiến vào dịp Lễ Chiến sĩ Trận vong.
Hôm nay, chúng ta tề tựu cùng nhau để tưởng nhớ và để tri ân những người đã không tiếc sinh mạng bảo vệ Hoa Kỳ. Với họ, và với những ai đang kề vai sát cánh với họ, chúng ta nợ họ tự do của mình.
Ngày Chiến sĩ Trận vong là ngày nhắc nhở chúng ta không được quên rằng tự do không phải tự nhiên mà có. Những hàng mộ dài nơi vùng nông thôn gần Anzio này, nằm quá đỗi xa quê nhà chúng ta; cũng giống như những ngôi mộ khác khắp thế giới; cũng giống như những vết thương và vết sẹo để lại bên trong rất nhiều người; chúng là những lời nhắc nhở rằng đã từng có rất nhiều người phải mang trên vai những gánh nặng to lớn và phải trả những cái giá đầy chua xót để bảo vệ tự do của chúng ta.
Ngày Chiến sĩ Trận vong là ngày để tưởng nhớ những người đã ngã xuống. Để tưởng nhớ về những nỗi đau. Để tưởng nhớ về những mất mát. Để tưởng nhớ về nỗi thống khổ tột cùng của chiến tranh. Để hy vọng và nguyện cầu rằng triết gia Plato đã sai khi nói rằng chỉ người chết mới thấy được kết thúc của chiến tranh. Và để nhớ rằng có rất nhiều điều quý giá đến mức dẫu phải chiến đấu và hy sinh tính mạng để đánh đổi cũng là điều xứng đáng.
Ngày Chiến sĩ Trận vong là ngày để chúng ta suy ngẫm về hòa bình. Chúng ta khát khao hòa bình. Nhưng chỉ khát khao thôi chưa đủ. Hòa bình, cũng như tự do, đều có cái giá của nó. Và một mức giá như nhau: lòng dũng cảm. Dũng cảm để trả giá và gánh vác trọng trách giữ vững sức mạnh của Hoa Kỳ trước mọi xâm lăng của cái ác. Không có cách nào tốt hơn để vinh danh những người đã trao cho chúng ta tự do và những người đã chiến đấu cho chúng ta được tự do bằng cách bảo đảm rằng di sản tự do sẽ không lụi tàn.
Ngày nay đang có một xu hướng thời thượng ở phạm vi nhỏ nhưng thường thấy trong giới có tầm ảnh hưởng – đó là việc tìm lý do để nhạo báng những quân nhân phục vụ trong quân ngũ của chúng ta, để hạ thấp công sức của họ trong việc bảo vệ chúng ta trước những địch thủ của đất nước, để mô tả tổ quốc ta như một chướng ngại cản trở chúng ta tiến đến một thế giới tốt đẹp hơn, và để tuyên bố niềm tin vào một ý niệm vô cùng phi lý, rằng chúng ta, những người bảo vệ tự do, đang đứng ở cùng nấc thang đạo đức với những kẻ đã biến hàng triệu người thành nô lệ và vẫn đang tìm cách biến chúng ta thành nô lệ. Thời thượng – nhưng xuẩn ngốc. Một thứ xuẩn ngốc nguy hại.
Có những kẻ – một số có chủ ý rõ ràng; một số thì không; một số đơn thuần là ngây thơ; một số thì khom mình hùa theo – tuyên bố độc quyền trong quyết tâm đem lại hòa bình, một cách ngu ngốc và thường xuyên ngạo mạn. Xem thường quốc phòng, hạ thấp quân nhân, không ngần ngại chỉ trích Hoa Kỳ và cũng không ngần ngại xin lỗi kẻ địch của chúng ta, những kẻ ấy vẫn kiêu ngạo tự phong cho mình cái mác “nhà hoạt động vì hòa bình”. Họ đã đi lầm đường rồi.
Tướng Douglas MacArthur đã nói, “Hơn bất cứ ai, quân nhân là những người luôn cầu nguyện cho hòa bình, bởi họ sẽ phải chịu đựng và mang theo mình những vết thương và vết sẹo sâu thẳm nhất từ chiến tranh.” Hãy nghĩ về điều ấy nếu lần tới bạn có dịp gặp những những nhà hoạt động tự phong đã lầm đường lạc lối này – những kẻ không thể dung chứa ý tưởng ‘hành động bảo vệ tự do’ – mà vẫn luôn chế nhạo quân đội của chúng ta. Hãy nhớ rằng dù ở bất cứ đâu, chẳng có nhà hoạt động về hòa bình nào tốt hơn những người đàn ông và những người phụ nữ đang phục vụ trong quân ngũ của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Sẽ không có bất kỳ ai hiệu quả hơn họ.
Ngày Chiến sĩ Trận vong là ngày để nhớ rằng chúng ta còn là mảnh đất cho những người tự do chỉ vì chúng ta đã từng là quê hương của những người dũng cảm.
Khi nhìn hàng hàng lớp lớp ngôi mộ và hàng trăm lá cờ nhỏ Hoa Kỳ đang nhẹ bay trong gió, chúng ta nghĩ đến tổ quốc yêu thương và nền tự do mà ta trân quý. Chúng ta nhớ về những người đã giữ gìn và bảo vệ Hoa Kỳ, và bảo vệ tự do.
Nếu những quân nhân Hoa Kỳ, những người đứng lên chiến đấu và đem lại cho chúng ta tự do đang nằm tại Anzio đây và tại những mặt trận khác trong suốt lịch sử có thể chất vấn chúng ta điều gì, thì có thể đó chính là câu hỏi lớn trong bản quốc ca: “Does that star spangled banner still wave o’er the land of the free and the home of the brave?” (Lá cờ lấp lánh những ngôi sao đó có phất phới bay trên miền đất của những người tự do và trên quê hương của những người dũng cảm?)
Nhờ có họ, và nhờ có những người đã kề vai sát cánh cùng họ, lá cờ đó vẫn tung bay phất phới.
Cầu mong sẽ luôn như thế.
Ông Fred J. Eckert là cựu thành viên Quốc hội Hoa Kỳ và đã hai lần giữ cương vị Đại sứ Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan. Tổng thống đã gọi ông là “một người bạn tốt và một cố vấn đáng giá… có một không hai… một người sở hữu trí tuệ và kinh nghiệm tuyệt vời” và tuyên bố rằng, “Anh ấy sở hữu một phẩm chất rất đỗi hiếm thấy trong giới chính trị, anh ấy có trong mình lòng dũng cảm chính trị; Tôi biết như vậy, bởi tôi đã từng là một nhân chứng cho lòng dũng cảm đó.”