Làm thế nào để lái xe an toàn trong thời đại thịnh nộ trên đường
Những chiến lược bảo vệ bản thân và người thân trên đường
Trong một thế giới hoàn hảo, các tài xế sẽ hợp tác một cách lịch sự và kiên nhẫn với nhau để đạt được mục tiêu chung: đó là về đích an toàn và đúng giờ.
Trong thế giới đó, các tài xế sẽ thường xuyên đưa ra cử chỉ “bạn là người đầu tiên,” vẫy tay thể hiện thông cảm khi ai đó mắc lỗi, không đọc tin nhắn khi đang lái xe, nhường đường cho những xe khác hòa vào đường cao tốc và chỉ bấm còi để cảnh báo người khác về sự nguy hiểm.
Nhưng chúng ta không sống trong thế giới hoàn hảo đó và sự không hoàn hảo của mọi người thường được thể hiện rõ ràng nhất – và nguy hiểm nhất – là khi mọi người ngồi sau tay lái của một chiếc ô tô. Trong thế giới của chúng ta, việc lái xe bất cẩn hoặc hung hăng có thể nhanh chóng leo thang thành cơn thịnh nộ trên đường.
Tổ chức AAA về An toàn Giao thông định nghĩa hành vi lái xe hung hăng – hành động tiền thân của cơn thịnh nộ trên đường – là “bất kỳ hành vi lái xe không an toàn nào được thực hiện một cách có chủ ý và với ý định xấu hoặc coi thường sự an toàn tính mạng.” Những hành động đó bao gồm bám đuôi, la hét, chửi bới hoặc cắt ngang đầu xe của người khác. Cơn thịnh nộ trên đường leo thang khi tài xế hung hăng đâm vào xe người khác, kéo lê trên đường, bắn hoặc hành hung những tài xế hoặc hành khách khác. Vẫn còn những hành động xấu khác trong danh sách đó – và bạn có thể thêm vào những trường hợp bạn biết từ những trải nghiệm của bản thân.
Cách đây nhiều năm, khi tôi học lái xe, cha tôi thường nói: “Con trai, xe hơi là một thứ vũ khí chết người.” Ông nói điều này đủ để khiến tôi sợ hãi để lái xe thận trọng, tránh những hành vi gây nguy hiểm và tuân theo luật đi đường.
Nguyên nhân gây nên những cơn thịnh nộ trên đường
Vào một buổi sáng cách đây không lâu, tôi lái xe qua khu dân cư gần nhà, cố hết sức tỉnh táo và cảnh giác. Một chiếc xe tải lớn tăng tốc phía sau tôi, bám đuôi trong vài giây rồi lao vút qua tôi như một tay đua NASCAR. Khi rẽ ngang trước mặt tôi, anh ấy thể hiện sự thiếu kiên nhẫn của mình bằng một cử chỉ tay không phải là dấu hiệu hòa bình.
Tôi thấy dường như mình đã vi phạm tốc độ cho phép trong khu phố có nhiều trẻ em đi bộ đến trường và những người chạy bộ dọc theo vỉa hè.
Sự thật đáng buồn là hiện tượng lái xe như thế khá là điển hình đối với những tài xế chuyên nghiệp như chúng tôi. Tất cả chúng ta đều gặp phải điều gì đó tương tự như những gì tôi đã làm sáng hôm ấy và đôi khi còn tồi tệ hơn nhiều. Các bản tin và video trực tuyến thường xuyên cảnh báo nhiều trường hợp lái xe quá khích đi sai luật gây ra những thương tích nghiêm trọng hoặc dẫn đến tử vong.
Là một chuyên gia về sức khỏe tâm thần, tôi buộc phải đặt câu hỏi tại sao cơn thịnh nộ trên đường lại trở nên phổ biến như vậy. Đây là một chủ đề phức tạp với nhiều yếu tố đan xen. Dưới đây chúng ta cùng xem năm lý do hàng đầu khiến cơn thịnh nộ trên đường trở thành một bệnh dịch như vậy.
Toàn xã hội của chúng ta đang có vấn đề về việc kiểm soát cơn giận. Theo khảo sát của Gallup cho thấy: trong năm 2020, tỷ lệ người phải chống chọi với những cơn tức giận (trong số những cảm xúc tiêu cực khác) là cao nhất trong nhiều năm. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Đại học Duke phát hiện ra rằng 9% người trưởng thành ở Hoa Kỳ có tiền sử hành vi bốc đồng, tức giận – và có quyền sử dụng súng.
Điều đó dẫn đến một kết luận rõ ràng là hàng triệu người đã phải chịu đựng những cơn tức giận trước khi lên xe hơi. Do đó, chỉ cần hơi bị khiêu khích một chút thôi, cho dù sự khiêu khích đó là một hành động cụ thể hay chỉ là cảm nhận bị khiêu khích thì cũng có thể làm cho cơn giận dữ đang âm ỉ của họ bùng lên.
Thường xuyên chịu áp lực làm cho cuộc sống trở nên bi đát hơn. Mọi người thường bị các áp lực về tài chính, nuôi dạy con cái, trách nhiệm với công việc, xung đột gia đình v.v…. Theo Gallup, trong năm 2020, hàng ngày phần lớn (60%) người Mỹ trưởng thành phải chịu áp lực và lo lắng. Các nhà nghiên cứu đã cảnh báo về sự gia tăng “chưa từng có” về số lượng người Mỹ có cuộc sống chìm trong lo lắng. Loại căng thẳng dai dẳng này đôi khi gây ra những những hành động bốc đồng và liều lĩnh cho các tài xế.
Bên cạnh việc thường xuyên phải chịu áp lực là một dòng chảy của cuộc sống cuồn cuộn không ngừng làm cho mọi người luôn rơi vào tình trạng vội vã và bận rộn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng “đến trễ” là một trong những lý do phổ biến nhất dẫn đến việc lái xe không cẩn thận và là lý do thường được viện dẫn nhất để bám sát đuôi xe, nhấp nháy đèn và vượt xe khác một cách không an toàn.
Nạn lạm dụng chất kích thích là mối nguy hiểm lớn trên đường. Bạn đã từng nghe thấy cụm từ “rượu làm suy giảm khả năng phán đoán” chưa, cụm từ này được phổ biến rộng rãi và gợi lên những hình ảnh bi thảm nhất trên các con đường của chúng ta. Rượu làm giảm chức năng hoạt động của bộ óc, làm chậm suy nghĩ và giảm khả năng phối hợp các cơ – đây là tất cả các khả năng cần thiết để điều khiển phương tiện giao thông một cách an toàn. Khoảng 30% tổng số ca tử vong do tai nạn giao thông ở Hoa Kỳ liên quan đến việc say rượu khi lái xe. Vào năm 2020, đã có 11,654 người thiệt mạng trong những vụ tai nạn giao thông đáng ra là có thể tránh được này.
Nhưng rượu cũng chỉ là một trong nhiều chất kích thích mà thôi, ngoài ra còn có những chất kích thích khác mà chúng ta cần quan tâm như cần sa, ma túy bất hợp pháp và việc lạm dụng thuốc kê đơn. Cơ quan Quản lý Dịch vụ Sức khỏe Tâm thần và Lạm dụng Chất gây nghiện báo cáo rằng gần 39 triệu người Mỹ mắc chứng rối loạn do lạm dụng chất kích thích. Hàng triệu người khác được chẩn đoán lâm sàng là không mắc chứng rối loạn nhưng lại lạm dụng chất kích thích đến mức gây nguy hiểm cho bản thân và những người khác. Tóm lại, việc lái xe bị suy giảm [khả năng phán đoán và giải quyết tình huống] cho dù vì bất kỳ loại chất kích thích nào thì cũng không chỉ gây ra các vụ tai nạn chết người mà còn dẫn đến việc lái xe thất thường.
Nhiều người sử dụng thiết bị kỹ thuật số một cách thiếu thận trọng và không an toàn. Ngày nay, người ta thường nhìn thấy cảnh những tài xế vừa lái xe vừa kiểm tra điện thoại hoặc gửi tin nhắn – nhiều khi họ còn làm việc này khi đang chạy quá tốc độ trên đường cao tốc với tốc độ 80 dặm (gần 130km) một giờ. Việc lái xe mất tập trung làm cho các tài xế bị mắc lỗi và bỏ qua các quy tắc lái xe cơ bản trên đường. Những sai lầm kiểu như thế này khiến cho những tài xế khác thấy khó chịu nên có thể họ sẽ chọn cách trút giận bằng lời nói hoặc hành động.
Khi ngồi lái xe trong một chiếc xe làm cho con người có cảm giác như mình là người vô hình. Nhiều người lái xe cảm thấy như bị cách ly và bị cô lập bởi lớp vỏ kim loại của chiếc xe khiến cho họ đã làm những việc mà đáng lẽ ra họ sẽ không bao giờ làm như vậy khi gặp nhau trực tiếp. Ngày cả nhìn thấy có người đang lái xe ở làn bên cạnh nhưng các tài xế vẫn cảm thấy họ quá xa xôi. Điều này dẫn đến một số người có những hành xử mang tính kích động và bắt nạt người khác.
Như Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia chỉ ra rằng: “Được bảo vệ khỏi môi trường kém thân thiện bên ngoài bởi các cửa sổ dán tấm phim màu cách nhiệt và vi khí hậu, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết bên ngoài làm cho các tài xế có cảm giác ẩn danh và tách biệt, họ như thể trở thành một người quan sát xung quanh thay vì là người trực tiếp tham gia giao thông. Sự vô danh do bị cô lập này có thể chuyển các ức chế sang các hành vi phản xã hội – vốn được hình thành bình thường khi có các giao tiếp giữa các cá nhân với nhau.”
7 chiến lược để lái xe an toàn
Trong những đánh giá về tình trạng giao thông gây nản lòng này đã xuất hiện một tin tốt là: bạn có thể tự chọn [cách tham gia giao thông] để làm sao làm giảm thiểu đáng kể nguy cơ bùng phát các cơn thịnh nộ trên đường làm ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của bạn. Bạn nên bắt đầu với những chiến lược sau:
Kiểm tra “mức cảm xúc” của bạn trước khi lái xe. Bạn có đang cảm thấy khó chịu, kích động hoặc kiệt sức không? Bạn đã có một ngày bực bội tại nơi làm việc hoặc tranh cãi với ai đó chưa? Nếu bạn đang tức giận hoặc buồn phiền thì nên bình tĩnh lại trước khi lái xe. Nếu có lịch trình cần thiết nào đó mà bạn không thể bỏ lỡ thì nên nhờ một người bạn lái xe hộ hoặc đi xe công cộng.
Khi xảy ra tình huống căng thẳng, nên kiểm soát cảm xúc của mình. Bạn không thể kiểm soát cảm xúc của những tài xế khác, nhưng bạn có thể kiểm soát cảm xúc của chính mình. Bạn không thể kiềm chế sự tức giận của người khác, nhưng bạn có thể kiềm chế sự tức giận của chính mình. Hãy hít thở sâu trong vài giây. Bật nhạc nhẹ nhàng. Nói một lời cầu nguyện. Hình dung một hình ảnh khiến bạn cảm thấy bình yên và hạnh phúc.
Không nên để tình hình căng thẳng thêm. Bản năng của con người là muốn đứng lên bảo vệ bản thân, trả đũa và đòi lại công bằng khi bị ngược đãi. Khi đó chúng ta thường nghĩ là “Anh ấy không thể bỏ đi như thế được, mình sẽ chỉ cho anh ấy biết điều đó!” Trong khi bảo vệ bản thân và giữ vững ranh giới thường là cách để giữ cho các mối quan hệ lành mạnh, thì cách ứng phó với cơn thịnh nộ trên đường là bạn hãy hòa hoãn, nhẫn nhịn cơn nóng giận, để mọi chuyện qua đi và tiếp tục lái xe.
Chọn “bỏ chạy” thay vì “chiến đấu.” Bạn đã nghe nói về nguyên tắc tâm lý chọn “chiến đấu hay bỏ chạy” phát huy tác dụng như nào khi con người gặp nguy hiểm chưa. Chúng ta được sinh ra với bản năng tự bảo vệ, đối mặt với nguy hiểm hoặc chạy trốn khỏi nó. Nghe có vẻ không dũng cảm hay anh hùng khi bỏ chạy, nhưng thông thường thì đây là lựa chọn khôn ngoan nhất – đặc biệt là khi chúng ta phải đối mặt với một kẻ phi lý trí đang lái một chiếc máy nặng hai tấn. Nên lùi lại một khoảng cách an toàn. Quẹo qua góc đường. Và đi theo hướng ngược lại.
Cá nhân hóa sự kiện. Bạn có thể coi hành vi thô lỗ, hung hăng như một sự sỉ nhục cá nhân bạn. Nhưng thông thường thì người lái xe gây phiền nhiễu cho bạn lại không biết bạn là ai, họ chỉ biết rằng bạn là một người ngẫu nhiên trên xe hơi (hoặc đi xe đạp hoặc đi bộ) mà thôi. Khi chạm trán với các tình huống căng thẳng như này thì bạn nên kiểm soát cảm xúc bằng cách nhắc nhở bản thân rằng đây không phải là sự phán xét về tính cách hay giá trị của bạn. Hãy tự nhủ bản thân rằng “Họ đang tức người khác chẳng phải tôi.”
Thực hành tất cả các kỹ thuật lái xe lịch sự mà bạn đã được học trong tài liệu hướng dẫn lái xe. Một chiến lược hiệu quả để tránh cơn thịnh nộ trên đường ngay từ những đoạn đường đầu tiên là thực hiện những hành vi tốt nhất khi bạn lái xe. Nhưng nhiều người khi lái xe được một thời gian thì có xu hướng quên đi những điều cơ bản mà họ đã được học. Bạn hãy cập nhật nhanh những điều cần thiết khi lái xe như sau:
- Nhường đường cho xe hơi khác hòa vào dòng xe phía trước bạn và tạo một khoảng một khoảng trống nhất định trên đường.
- Duy trì khoảng cách an toàn với các phương tiện khác.
- Luôn sử dụng đèn xi nhan.
- Chỉ tấp vào lề khi thấy an toàn hoặc đi ở làn bên phải để cho những người lái xe nhanh hơn vòng qua bạn.
- Không chặn các giao lộ hoặc lối băng qua đường cho người đi bộ.
- Lái xe theo đúng tốc độ cho phép hoặc đi theo luồng giao thông.
- Dừng hẳn lại tại các biển báo dừng.
Dành nhiều thời gian. Vì “đến trễ” là lý do phổ biến cho việc lái xe liều lĩnh, nên tập thói quen tăng thêm thời gian lái xe của bạn. Lập kế hoạch những việc làm hàng ngày để bạn không bị vội vã khi ra khỏi cửa. Xác định thời gian bạn muốn lái xe và cộng thêm một khoảng thời gian dư nữa. Trước khi lái xe, nên đặt ra mục tiêu thực tế cho chuyến đi của bạn. Nếu bạn cần đến một nơi nào đó vào một thời điểm cụ thể nào đó thì cần tính toán thời gian để bảo đảm rằng bạn có thể tránh được sự chậm trễ có thể xảy ra.
Xin lỗi nếu xảy ra va chạm. Không có tài xế nào đều hoàn hảo được và tất cả chúng ta có thể đều mắc sai lầm. Vì vậy, nếu có thể, bạn nên làm dịu tình hình căng thẳng bằng cách nói lời xin lỗi. Nếu bạn vô tình đi không đúng đường hoặc đi quá gần chiếc xe hơi trước mặt, thì một cái vẫy tay và nụ cười thân thiện có thể giúp mọi người bình tĩnh. Hãy giơ tay lên để thể hiện thông điệp: “Xin lỗi. Tôi không cố ý vi phạm.”
Khánh Nam biên dịch
Mời quý vị xem bản gốc tại The Epoch Times.