Làm thế nào để có thể hài lòng trong những thời điểm đầy sóng gió
Ngay cả trong thời gian phải nỗ lực rất nhiều, chúng ta vẫn có những cách để nuôi dưỡng sự hài lòng và niềm vui.
Nếu bạn được yêu cầu chọn một từ để mô tả thời đại chúng ta đang sống, đó sẽ là gì? Bạn có thể nói căng thẳng, dữ dội hoặc mệt mỏi – tất cả đều đúng, chắc chắn là như vậy.
Về phần mình, tôi sẽ chọn từ “đầy sóng gió.” Nếu bạn đã từng bay trong một chuyến bay bão táp, chắc hẳn bạn hiểu rõ ý nghĩa của từ này. Khi phi cơ rung lắc và lao đi trong thời tiết xấu, hormone adrenaline của bạn tăng vọt, dạ dày của bạn rung lên và tim bạn đập thình thịch.
Đó là mô tả chính xác về những gì hầu hết chúng ta đã trải qua trong những năm gần đây, khi chúng ta phải chịu đựng sự hỗn loạn do đại dịch gây ra cùng những biến động chính trị và bất ổn xã hội.
Hãy thêm một từ khác vào cuộc thảo luận mà chúng ta rất cần trong thời kỳ hỗn loạn này: sự hài lòng. Đây là phẩm chất của sự bình yên nội tại, bình tĩnh và thanh thản giúp chúng ta vững vàng vượt qua những thăng trầm trong cuộc sống. Liệu bạn có thể thực tình trải nghiệm sự hài lòng giữa những bất ổn và hỗn loạn của cuộc sống hiện đại không? Chắc chắn rồi!
Là một chuyên gia về sức khỏe tâm thần với 35 năm kinh nghiệm, tôi đã tư vấn cho hàng nghìn người đang phải vật lộn với chứng trầm cảm, lo âu, nghiện ngập và nhiều phiền não khác. Những người sẵn sàng chi trả cho quá trình chữa lành bản thân đã trải nghiệm sự hài lòng sâu sắc mà trước đây họ chưa từng có.
Mọi người cần hiểu hai điểm cơ bản.
Đầu tiên, sự hài lòng liên quan đến bên trong con người chúng ta. Nhiều người khao khát sự bình yên nội tâm nhưng không đạt được điều đó vì họ đang tìm kiếm sai chỗ. Nếu bạn đang tìm kiếm bất cứ thứ gì ở bên ngoài — không phải bên trong bạn — để mang lại sự hài lòng, bạn sẽ phải tìm kiếm mãi mãi. Sự hài lòng thực sự không liên quan đến những gì bạn có hoặc không có; bằng chứng nằm ở chỗ, những người không hạnh phúc thường chạy theo những nấc thang tiền tài và danh vọng, những danh mục đầu tư và các bộ sưu tập tài sản. Sự hài lòng đích thực liên quan đến sự đầy đủ về tình cảm và tinh thần. Điều đó phải xuất phát từ bên trong bạn.
Thứ hai, hài lòng là một kỹ năng có thể học được. Kể từ khi lớn lên trong nhà đọc Kinh Thánh, tôi luôn ngưỡng mộ quan điểm mà sứ đồ Phao-lô chia sẻ trong Phi-líp 4: 11-12:
“Vì tôi đã học được, trong hoàn cảnh nào cũng thỏa lòng. Tôi biết chịu nghèo hèn và tôi biết được dư dật. Khắp nơi và trong mọi sự, tôi đã quen với no lẫn đói, dư dật lẫn thiếu thốn.”
Chúng ta có thể học cách bằng lòng với mọi việc, bất kể mức độ bất ổn mà ta đang gặp phải như thế nào. Tất cả chúng ta đều được sinh ra trong thế giới thiếu thốn và đầy khó khăn này và nhiều người luôn giữ quan điểm như vậy trong suốt cuộc đời của họ. Nhưng những người biết hài lòng hiểu rằng hạnh phúc và sự thỏa mãn xuất phát từ cách ta lựa chọn và những bài học ta học được.
Chúng ta có thể học một số cách cụ thể để có được sự hài lòng.
Thực hành lòng biết ơn
Lòng biết ơn là liều thuốc giải độc cho mọi thứ độc hại xâm nhập vào cuộc sống của chúng ta. Nói một cách đơn giản, lòng biết ơn nuôi dưỡng sự lạc quan, niềm hy vọng và sự kiên cường. Đó là lý do tại sao thật khó để tưởng tượng ra một phương pháp chữa bệnh hiệu quả hơn việc lựa chọn luôn là người biết ơn.
Tóm tắt kết quả của một nghiên cứu dài hạn điều tra tác động của việc thực hành lòng biết ơn hàng ngày, các nhà nghiên cứu của Đại học Y Harvard cho biết, “Trong nghiên cứu tâm lý học tích cực, lòng biết ơn có liên quan chặt chẽ và nhất quán với hạnh phúc. Lòng biết ơn giúp mọi người cảm nhận được những cảm xúc tích cực nhiều hơn, biết tận hưởng những trải nghiệm tốt đẹp, giúp cải thiện sức khỏe, biết cách đối phó với nghịch cảnh và xây dựng các mối quan hệ bền chặt.”
Lòng biết ơn có cách nhân lên theo cấp số nhân — bạn càng chọn biết ơn nhiều, bạn càng thấy biết ơn nhiều hơn. Thái độ biết ơn sẽ mở ra cánh cửa để trải nghiệm cuộc sống viên mãn và xây đắp một trái tim bình an. Bạn hãy quan sát kỹ vô số những điều tốt đẹp mà bạn thích thú nhưng thường hay bị bỏ qua. Hãy dành thời gian một cách có chủ đích để nuôi dưỡng lòng biết ơn và quan sát cách điều này cải thiện mọi thứ trong cuộc sống của bạn.
Tham gia những hoạt động bổ ích
Sự bất mãn có thể khiến bạn quên đi những hoạt động đã từng mang lại cho mình sự thư thái và vui vẻ. Một phần quan trọng của việc tự chăm sóc bản thân lành mạnh là tiếp tục các hoạt động mang lại sự sống và những nỗ lực tiếp thêm sinh lực cho bạn.
Bạn hãy dành một chút thời gian để xác định và viết ra năm hoạt động mang lại niềm vui cho mình. Đi xem phim? Ăn trưa với bạn bè? Dành một ngày ở bảo tàng, sở thú, công viên, hoặc sân gôn? Sau đó, hãy bắt đầu lên lịch cho các hoạt động này. Duy trì niềm vui thích của bạn không phải là sự ích kỷ; điều này rất quan trọng đối với sức khỏe của bạn.
Sự bất mãn có thể khiến bạn cảm thấy bị cô lập và đơn độc. Nhưng xung quanh bạn là những người lành mạnh mong muốn chia sẻ hành trình với bạn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các hoạt động trợ giúp xã hội có thể giúp bạn xây dựng khả năng phục hồi chống lại căng thẳng và cung cấp cho bạn những ý tưởng thiết thực để ứng phó với nỗi đau khổ và thất vọng.
Bạn cũng đừng ngần ngại liên hệ với một người bạn thân hoặc người cố vấn để được giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau. Những người như vậy có thể giới thiệu bạn đến các nguồn lực và nhóm phù hợp, nơi các thành viên có thể nói lên mối quan tâm của họ và khuyến khích lẫn nhau. Các mối quan hệ tương trợ mang lại cho bạn một giải pháp lành mạnh với [vấn đề] cảm xúc và tiếp thêm sức mạnh cho bạn với những thử thách phía trước.
Hãy hình dung phiên bản tốt nhất của bạn
Trong hai tuần tiếp theo, bạn hãy dành 15 phút mỗi ngày để suy nghĩ, viết ra và cân nhắc về tương lai lý tưởng của bạn. Suy ngẫm về mục tiêu, ước mơ cho mình và hình dung mọi thứ sẽ diễn ra theo tình huống tốt nhất. Sau đó, dành thêm năm phút để trực quan hóa cuộc sống tương lai tốt đẹp nhất theo cách sống động nhất có thể, với rất nhiều chi tiết.
Bài tập này không chỉ là một bài nói chuyện vui vẻ cho chính bạn; bạn sẽ thiết lập lại tâm trí và chuyển hướng suy nghĩ của mình. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Journal of Behavior Therapy and Experimental Psychiatry (Tạm dịch: Tạp chí Liệu pháp Hành vi và Tâm thần Thực nghiệm) đã chứng minh rằng bài tập này giúp tăng mức độ lạc quan của những người tham gia.
Tập thói quen suy nghĩ tích cực
Những gì diễn ra trong đầu bạn chắc chắn sẽ biểu hiện ở hành động, thái độ và hoài bão của bạn.
Suy nghĩ của bạn — những thông điệp bạn nói với bản thân mỗi giây, mỗi ngày — quyết định một cách sâu sắc và mạnh mẽ mọi khía cạnh khác trong cuộc sống của bạn. Những gì bạn nói về bản thân mình có thể ảnh hưởng căn bản đến hạnh phúc, các mối quan hệ, sự nghiệp, việc nuôi dạy con cái, sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn.
Điều này thể hiện một kịch bản tin tốt hoặc tin xấu: Nếu suy nghĩ của bạn luôn nhất quán, lạc quan và mang tính xây dựng, cuộc sống của bạn chắc chắn sẽ tiến triển theo hướng tích cực. Nhưng nếu suy nghĩ của bạn thường xuyên là chỉ trích, bi quan và không có tính xây dựng, cuộc sống của bạn sẽ tiến triển theo hướng tiêu cực.
Thực hành sự tha thứ
Ôm giữ nỗi đau là thuốc độc cho trái tim và tâm hồn của bạn. Tha thứ cho người đã làm hại bạn không bao giờ là dễ dàng, nhưng nỗ lực vượt qua quá trình này sẽ giúp bạn loại bỏ một trở ngại lớn trên con đường hướng tới sự hài lòng với cuộc sống.
Những người tìm đến tư vấn tại phòng khám mà tôi trực tiếp hướng dẫn thường ngạc nhiên khi chúng tôi hỏi về những mối quan hệ tan vỡ hoặc những bất hạnh trong cuộc sống của họ. Họ không nhìn thấy mối liên hệ giữa sự đau khổ về tinh thần và những xung đột chưa được giải quyết của mình với những người khác. Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy việc tiếp tục khiến bản thân bị giày vò bởi vết thương tình cảm là một cách hiệu quả (và thật đáng tiếc) để trừng phạt bản thân. Tha thứ mang lại tự do cho bạn.
Cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội đã chứng minh những lợi ích của sự tha thứ đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của con người.
Một bài báo do Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ xuất bản đã viết: “Cho dù bạn đang phải chịu đựng một sự bất bình nhỏ hay lớn, học cách tha thứ cho những người làm tổn thương bạn có thể cải thiện đáng kể cả sức khỏe tâm lý lẫn sức khỏe thể chất. “Nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự tha thứ có liên quan đến kết quả sức khỏe tâm thần như giảm lo âu, trầm cảm và các chứng rối loạn trầm cảm, cũng như giảm các triệu chứng sức khỏe thể chất và tỷ lệ tử vong thấp hơn.”
Hãy lạc quan
Trạng thái hài lòng thực sự là trạng thái của tâm trí. Đó là cách nhìn thế giới và hoàn cảnh xung quanh. Một trong những yếu tố chính quyết định trạng thái tinh thần này là học cách lạc quan. Trong một thế giới đầy bi quan, tiêu cực, điều này có thể là một thách thức.
Thật may mắn, tất cả chúng ta đều có quyền hy vọng và có thể chọn hy vọng là cách tiếp cận chủ đạo đối với cuộc sống của ta. Đây là nền tảng tinh thần và cảm xúc giúp chúng ta đạt được sự hài lòng, ngay cả khi những cơn bão tiêu cực ập đến. Một cái nhìn lạc quan giúp bạn sống vượt lên hoàn cảnh của chính mình.
Bạn có biết ai đó có thái độ tuyệt vời, mặc dù họ đã trải qua những điều khủng khiếp không? Bạn có biết ai đó mà hạnh phúc của họ dường như không bị ảnh hưởng trước những thử thách trong cuộc sống không? Những người lạc quan này có một điểm chung: Họ lựa chọn tìm kiếm hàng ngày những điều tốt đẹp trong cuộc sống, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn.
Quỳnh Chi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times