Lạm phát khu vực đồng euro nóng lên, chạm ngưỡng kỷ lục vào tháng Năm
Theo Eurostat, cơ quan thống kê của EU, lạm phát ở 19 quốc gia sử dụng chung đồng euro đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng Năm, trong đó giá năng lượng tăng cao [là nguyên nhân chính] thúc đẩy phần lớn đà tăng này.
Eurostat cho biết trong một tuyên bố hôm 17/06 (pdf) rằng lạm phát trong khu vực đồng euro đã tăng lên mức 8.1% hàng năm vào tháng trước, tăng từ 7.4% trong tháng Tư và là tốc độ nhanh nhất được ghi nhận.
Lạm phát tăng mạnh nhất ở Estonia (20.1%) và thấp nhất ở Pháp và Malta (5.8% mỗi nước).
Cách đây chưa đầy một năm, lạm phát khu vực đồng euro đứng ở mức 2.0%, phù hợp với mục tiêu lạm phát của Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB), nhưng một loạt xáo động đã khiến giá cả tăng vọt.
Dòng tiền dễ vay tràn ngập các thị trường để hỗ trợ các nền kinh tế Âu Châu đang gặp khó khăn trong bối cảnh các cuộc phong tỏa vì đại dịch, cùng với các gián đoạn chuỗi cung ứng khác nhau khiến chi phí vận chuyển và nguyên liệu tăng cao, và giờ đây là sự gián đoạn liên quan đến xung đột Nga-Ukraine, tất cả đều là nguyên nhân dẫn đến lạm phát tăng vọt.
Bên cạnh việc lạm phát hiện đang ngày càng nóng lên, những kỳ vọng trong tương lai xung quanh áp lực tăng giá đã tăng lên trong khu vực đồng euro.
Một cuộc khảo sát gần đây của ECB với các nhà dự báo chuyên nghiệp cho thấy kỳ vọng lạm phát trong tương lai đã được điều chỉnh tăng 3.0 điểm phần trăm cho năm 2022, lên đến 6.0 điểm phần trăm, chủ yếu phản ánh giá thực phẩm và năng lượng cao hơn.
Chi phí năng lượng là yếu tố chính
Dữ liệu của Eurostat cho thấy yếu tố đóng góp lớn nhất vào lạm phát của khu vực đồng euro đến từ năng lượng, ở mức 3.87 điểm phần trăm.
Giá năng lượng tăng vọt ngay cả trước khi Moscow xâm lược Ukraine, và các lệnh cấm vận đối với dầu và khí đốt của Nga kéo theo sau khi Nga xâm lược lại càng gây áp lực lên giá cả. Vào mùa thu năm 2021, giá khí đốt, than đá và giá điện đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập niên, giờ đây khi phong tỏa được dỡ bỏ và việc tăng nguồn cung cấp yếu hơn dự kiến nên giá cả ngày càng bị đẩy lên cao hơn.
Tại Đức, nơi lạm phát hàng năm trong tháng Năm đã tăng lên 8.7%, các quan chức đã cảnh báo về tình trạng thiếu khí đốt và giá cả tăng cao.
Ông Klaus Müller, người đứng đầu Cơ quan Mạng lưới Liên bang của Đức, một văn phòng quản lý với nhiều nhiệm vụ giám sát, bao gồm cả thị trường điện và khí đốt tự nhiên, nói với Rheinische Post rằng cuộc khủng hoảng năng lượng này sẽ “gây biến động khắp đất nước” và dẫn đến một loạt doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Giá khí đốt tự nhiên của Âu Châu đã tăng mạnh trong những tuần gần đây do dòng chảy của Nga qua đường ống Nord Stream bị giảm và thị trường LNG thắt chặt sau sự cố ngừng hoạt động tại một bến xuất cảng ở Hoa Kỳ.
Tại Hoa Kỳ, nơi lạm phát giá tiêu dùng trong tháng Năm ở mức kỷ lục 8.6%, giá năng lượng cũng đã leo thang, dẫn đến giá xăng tăng lên mức cao kỷ lục.
Công suất lọc dầu giảm ở Hoa Kỳ trong những năm gần đây, góp phần thắt chặt nguồn cung cấp. Ngoài ra, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp yêu cầu đóng băng việc xây dựng đường ống Keystone XL, vốn sẽ đưa dầu từ Canada đến thị trường nội địa Hoa Kỳ, một hành động đã bị ngành công nghiệp dầu mỏ và Đảng Cộng Hòa chỉ trích dữ dội.
Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API), một tập đoàn công nghiệp, gần đây đã kêu gọi thực hiện một loạt cải tổ nhằm “khai thông năng lượng của Mỹ” bằng cách giảm gánh nặng pháp lý và khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng quan trọng, cùng các đề nghị khác.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành API Mike Sommers cho biết trong một tuyên bố: “Nước Mỹ được thiên nhiên ưu đãi với nguồn năng lượng dồi dào khiến cả thế giới này ghen tỵ. Trong bối cảnh bất ổn kinh tế và bất ổn toàn cầu ngày nay, năng lượng Mỹ là tài sản chiến lược dài hạn có thể thúc đẩy an ninh quốc gia và kinh tế của chúng ta.”
API kêu gọi chính phủ ông Biden dỡ bỏ các hạn chế phát triển trên bộ và trên biển của liên bang, hợp lý hóa việc chuẩn thuận các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng, đồng thời tăng cường đầu tư và tiếp cận vốn bằng cách giảm các gánh nặng pháp lý khác.
Ông Sommers nói: “[Kế hoạch] 10 [điểm] trong chính sách năm 2022 này là một khuôn khổ cho sự lãnh đạo năng lượng mới cho quốc gia của chúng ta, khơi thông đầu tư vào Mỹ và tạo ra khả năng tiếp cận năng lượng mới trong khi tránh các chính sách gây bất lợi của chính phủ cũng nhưng các quy định trùng lặp.”
“Đã đến lúc phải chủ động.”
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’