Lạm phát khiến nhiều người Mỹ chưa hết tháng đã hết tiền
Theo một báo cáo mới từ Lending Club, lạm phát dai dẳng đang buộc ngày càng nhiều người Mỹ rơi vào tình trạng kiếm đồng nào tiêu hết đồng ấy.
Báo cáo này, là sự hợp tác giữa LendingClub và nền tảng phân tích và tin tức tài chính PYMNTS, dựa trên dữ liệu từ cuộc khảo sát 3,495 người tiêu dùng Hoa Kỳ được thực hiện từ ngày 10/08 đến ngày 29/08/2022.
Báo cáo này cho thấy rằng trong tháng Tám cứ năm người tiêu dùng Hoa Kỳ thì có ba người đang sống trong cảnh kiếm đồng nào tiêu hết đồng ấy, với gần một phần năm trong số đó nói rằng họ đã phải chật vật để thanh toán các hóa đơn của mình.
Theo báo cáo này, trong số những người tiêu dùng Mỹ kiếm được từ 100,000 đến 150,000 USD hàng năm, thì có 54% đang sống trong tình trạng kiếm bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu, đánh dấu mức tăng 7 điểm % so với tháng 07/2022.
Theo bản báo cáo, nhìn chung, số lượng người Mỹ sống phụ thuộc vào tiền lương đã tăng lên theo thời gian, với 62% người tiêu dùng kiếm được từ 50,000 đến 100,000 USD hàng năm đang trong tình trạng chưa hết tháng đã hết tiền trong tháng Tám, tăng từ 57% vào tháng 09/2021.
Theo báo cáo, những người có thu nhập cao cũng không tránh khỏi tác động của lạm phát, có 45% trong số những người kiếm được hơn 100,000 USD mỗi năm đang sống phụ thuộc vào tiền lương, đánh dấu mức tăng 7 điểm % so với tháng Chín năm 2021, khi chỉ 38% cho biết họ đang sống bằng tiền lương.
Báo cáo trên được đưa ra trong bối cảnh lạm phát đã đạt mức cao nhất trong 40 năm, bào mòn sức chi tiêu của người Mỹ, những người đang phải chi trả nhiều hơn cho mọi thứ, từ thực phẩm đến xăng dầu và tiền thuê nhà.
Các gia đình cảm thấy căng thẳng
Một cuộc thăm dò riêng biệt của Gallup được công bố vào đầu tháng Chín cho thấy phần lớn người Mỹ nói rằng việc tăng giá đã dẫn đến khó khăn về tài chính cho gia đình của họ.
Kết quả dựa vào một cuộc khảo sát trên web từ ngày 01/08 đến ngày 22/08 đối với 1,500 người tham gia theo nhóm chọn xác suất của Gallup.
Kết quả này cho thấy 56% người Mỹ cho biết việc tăng giá đang gây ra khó khăn tài chính cho gia đình của họ, tăng từ 49% trong tháng Một và 45% trong tháng Mười Một. Trong số những người được khảo sát nói rằng chi phí sinh hoạt tăng cao đã dẫn đến khó khăn tài chính, 12% cho rằng đây là khó khăn “nghiêm trọng” và 44% cho rằng đó là khó khăn “vừa phải”.
Mặc dù vậy, chính phủ ông Biden vẫn duy trì luận điệu của mình rằng mức lạm phát hầu như không thay đổi và không có khả năng xảy ra một cuộc suy thoái, trong khi Cục Dự trữ Liên bang đã tiếp tục thực hiện các đợt tăng lãi suất tích cực nhằm nỗ lực hạ nhiệt tình trạng lạm phát đang nóng bỏng, và tiến hành một đợt tăng lãi suất 75 điểm căn bản khác hôm 21/09.
Ông Anuj Nayar, nhân viên y tế tài chính của LendingClub cho biết: “Ngày càng có nhiều người tiêu dùng sống bằng tiền lương chứng tỏ rằng nhiều người đang tiếp tục mất sự ổn định về tài chính.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times