Lạm phát Hoa Kỳ giảm nhẹ trong tháng Bảy khi giá xăng giảm
Theo Cục Thống kê Lao động, lạm phát hàng năm của Hoa Kỳ là 8.5% trong tháng Bảy, giảm từ 9.1% trong tháng Sáu. Thị trường đã dự đoán mức lạm phát là 8.7%.
Tỷ lệ lạm phát căn bản, không bao gồm các lĩnh vực thực phẩm và năng lượng biến động, không thay đổi ở mức 5.9% trong tháng trước. Các nhà kinh tế đã dự đoán lạm phát cơ bản sẽ tăng lên 6.1%.
Tính theo tháng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) không đổi, và chỉ số giá tiêu dùng căn bản tăng 0.3%.
Bất chấp sự sụt giảm đáng chú ý trong các báo cáo, mọi thứ đều đắt tiền hơn một năm trước, vì lạm phát vẫn ở mức cao nhất trong 40 năm. Giá thực phẩm tăng 10.9%, giá năng lượng tăng 32.9%, xe mới tăng 10.4%, xe hơi cũ và xe tải tăng 6.6%, và y phục tăng 5.1%.
Chỉ số nhà ở cũng tăng 5.7%, trong khi dịch vụ chăm sóc y tế và vận chuyển lần lượt tăng 5.1% và 9.2%.
Sự sụt giảm này diễn ra trên lĩnh vực năng lượng, với xăng giảm 7.7% so với tháng trước và dầu nhiên liệu giảm 11% từ tháng Sáu đến tháng Bảy. Tuy nhiên, ngay cả khi giá năng lượng giảm đáng kể, thì giá cả vẫn ở mức cao đáng kể so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Chi phí thực phẩm vẫn ở mức cao đáng kể trong tháng Bảy so với một năm trước, với thịt bò xay tăng 9.7%, thịt gà tăng 16.6%, và thịt ham tăng 9.2%. Các mặt hàng chủ lực nhà bếp khác cũng tăng cao, chẳng hạn như trứng (38%), sữa (15.6%), bánh mì (13.7%), cà phê (20.3%), và bơ (22.2%).
Ông EJ Antoni, một thành viên nghiên cứu tại Quỹ Di sản (The Heritage Foundation), cho biết báo cáo lạm phát tháng Bảy không mấy lạc quan.
Ông nói trong một thư điện tử rằng, “Giá năng lượng giảm nhẹ trong tháng Bảy do nhu cầu tiêu dùng giảm so với mức giá kỷ lục trong tháng Sáu, nhưng thực tế phũ phàng là dù tỷ lệ này là 8.5% hay 9.1%, thì người Mỹ đang cảm nhận nỗi đau mang tính lịch sử bất cứ khi nào họ mua xăng, hàng bách hóa, hoặc các mặt hàng chủ lực khác — và chúng ta vẫn đang đi sai hướng.”
Ông Giuseppe Sette, đồng sáng lập và là chủ tịch của công ty nghiên cứu đầu tư Toggle AI cho biết, đối với một số nhà quan sát thị trường, mối lo ngại là chỉ số CPI vẫn ở mức cao và sẽ còn tăng trong thời gian dài hơn dự kiến.
“Nếu quý vị tưởng tượng 5% như một mỏ neo cố định cho lạm phát, thì điều này sẽ là hợp lý khi kỳ vọng lãi suất ngắn hạn tiến gần hơn đến 5% trong năm tới,” ông cho biết trong một ghi chú. “Bây giờ liệu nền kinh tế có thể tiếp nhận mức lãi suất này hay không là một câu chuyện khác. Chắc chắn chúng ta sẽ phải đối mặt với căng thẳng trong hệ thống tín dụng với lãi suất cao hơn và Thắt chặt Định lượng.”
Các thị trường tài chính tại Hoa Kỳ đã tăng điểm theo tin tức này, với Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones tăng 535.10, tương đương khoảng 1.6%. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 360.88, tương đương 2.9%, trong khi S&P 500 tăng khoảng 2.1%.
Các nhà đầu tư tin rằng số liệu báo cáo thấp hơn mong đợi có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang đảo chiều lãi suất và tiến hành làm chậm tốc độ tăng lãi suất.
Lạm phát thúc đẩy những lo ngại về suy thoái
Lạm phát tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng trong nền kinh tế hiện nay.
Chỉ số Lạc quan Kinh tế IBD/TIPP ở Hoa Kỳ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 năm là 38.1 vào tháng Tám, từ mức 38.5 vào tháng Bảy. Người tiêu dùng vẫn bi quan về nền kinh tế, dựa trên việc lạm phát loại bỏ tác dụng của tăng lương.
“Với việc có nhiều người Mỹ tin rằng chúng ta đang rơi vào một cuộc suy thoái hơn so với những tháng trước, thì các chính sách liên bang là cái gai đối với họ,” ông Raghavan Mayur, chủ tịch TechnoMetrica, tổ chức cuộc thăm dò nói trên, cho biết trong một tuyên bố. “Nền kinh tế là một vấn đề hàng đầu đối với 56% người dân, và lạm phát tiếp tục gây phiền hà cho đa số người Mỹ.”
Tuy nhiên, Cuộc khảo sát về Kỳ vọng của Người tiêu dùng của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York cho thấy kỳ vọng lạm phát trung bình trong 1 và 3 năm đã giảm trong tháng Bảy xuống lần lượt là 6.2% và 3.2%.
Điều đó nói lên rằng, tâm lý tiêu cực cũng tương tự đối với các công ty. Trong khi Chỉ số Lạc quan của Liên đoàn Doanh nghiệp Độc lập Quốc gia (NFIB) nhích cao hơn, lên 89.9% trong tháng Bảy, thì con số này vẫn ở mức thấp gần một thập niên, báo cáo này lưu ý rằng 37% chủ doanh nghiệp nhỏ xem lạm phát là vấn đề quan trọng nhất của họ.
“Sự bất ổn trong khu vực doanh nghiệp nhỏ đang gia tăng khi các chủ sở hữu tiếp tục xoay sở với lạm phát mang tính lịch sử, tình trạng thiếu lao động, và gián đoạn chuỗi cung ứng,” ông William Dunkelberg, nhà kinh tế trưởng của NFIB, cho biết trong một tuyên bố. “Khi chúng ta bước sang nửa cuối năm 2022, các chủ doanh nghiệp sẽ tiếp tục quản lý doanh nghiệp của họ trong một tương lai rất bất ổn.”
Lạm phát tăng tiếp tục làm tăng thêm những lo ngại về suy thoái. Một cuộc khảo sát gần đây của Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Allianz ở Bắc Mỹ cho thấy 66% người Mỹ lo ngại rằng sắp xảy ra một cuộc suy thoái, với lý do lạm phát cao sẽ gây hại cho sức mua trong sáu tháng tới.
Cuộc thăm dò cũng cho thấy 82% số người được hỏi tin rằng lạm phát sẽ tồi tệ hơn trong 12 tháng tới. Thêm vào đó, 71% lưu ý rằng tiền lương của họ không theo kịp với chi phí ngày càng tăng.
“Chi phí gia tăng đối với các nhu yếu phẩm như thực phẩm và xăng đang ảnh hưởng đến tài khoản ngân hàng của người Mỹ,” cô Kelly LaVigne, phó chủ tịch đặc trách các giải pháp và thị trường phát triển của Allianz Life cho biết. “Một số có thể đã dùng khoản tiết kiệm của họ để trang trải những khoản tăng ban đầu đó trong ngắn hạn. Tuy nhiên, khi lạm phát kéo dài, thì lo lắng về việc lạm phát gia tăng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức mua và tiết kiệm trong dài hạn lại đang tăng lên.”
Trong khi đó, nền kinh tế Hoa Kỳ đã đáp ứng định nghĩa của một cuộc suy thoái kỹ thuật, ghi nhận hai quý liên tiếp tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội âm.
Thế còn Cục Dự trữ Liên bang?
Sự đồng thuận giữa các quan chức tại Cục Dự trữ Liên bang là ngân hàng trung ương sẽ nâng lãi suất quỹ liên bang chuẩn và giữ nguyên cho đến khi áp lực lạm phát giảm bớt. Nhưng các thành viên bỏ phiếu của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) lặp lại quan điểm của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell rằng tất cả các hành động chính sách sẽ phụ thuộc vào dữ liệu.
Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang San Francisco Mary Daly, người hiện không phải là một thành viên bỏ phiếu, nói với Reuters hồi đầu tháng này rằng tổ chức này sẽ bắt đầu với ý tưởng tăng 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng Chín. Tuy nhiên, nếu lạm phát giá cả vẫn chưa có dấu hiệu giảm với tốc độ đáng chú ý, thì mức tăng ¾ (75 điểm căn bản) là phù hợp.
Các chiến lược gia của Citigroup do ông Andrew Hollenhorst dẫn đầu cho rằng mức tăng trọn 1 điểm là khả thi sau báo cáo việc làm tháng Bảy sôi động với 528,000 việc làm trở lại với nền kinh tế quốc gia.
Ông Hollenhorst viết: “Trường hợp căn bản của chúng ta vẫn là tăng 75 điểm cơ bản trong tháng Chín, nhưng chúng tôi sẽ không quá ngạc nhiên bởi mức tăng 100 điểm căn bản nếu lạm phát lõi tăng mạnh hơn dự kiến.”
Ông Shmuel Shayowitz , chủ tịch kiêm giám đốc cho vay của Approved Funding, nói với The Epoch Times, việc CPI giảm “có thể khiến Fed bớt quyết liệt hơn trong việc tăng lãi suất vào tháng Chín.”
Theo Công cụ FedWatch Tool của CME Group, các thị trường tài chính đang dự đoán áp đảo về một đợt tăng 3/4 điểm. Mức tăng đó sẽ nâng lãi suất mục tiêu lên 3 % đến 3.25 %.
Cuộc họp chính sách tiếp theo của FOMC dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 20-21/09.
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).